Đỗ Chu nheo mắt bảo, đời ta ghét nhất trả lời phỏng vấn, chỉ chép lại lời người khác nói mà gọi là viết bài nhận nhuận bút à? Bây giờ ta nói, nhớ được câu nào thì về viết vào, chứ không phỏng vấn phỏng viếc gì cả. Thời gian chảy trôi, nhiều nhà văn trẻ thế hệ trước và cả về sau này cũng đâu còn trẻ nữa. Cuộc sống giơ tay ra vẫy gọi, nâng đỡ. Có người trở thành nòng cốt, sáng rõ; có người phải từ bỏ nghề viết mà đi làm việc khác. Năm nay bảy mấy tuổi đầu rồi, càng nghiệm càng thấy nghề văn giời cho đến đâu được đến đó. Thơ văn có lúc lên ào ạt, đến mình cũng thấy lạ, nhưng rồi vẫn chính là mình lại đến lúc ngồi đực mặt ra, chữ nghĩa biến đi đâu hết, hoặc lục cục lăn như viên đá, viên sỏi chả ra làm sao cả. Vì vậy phải nói thật rằng, viết văn là việc của tài năng, dễ mà khó lắm.



MỘT BUỔI TỐI TRÒ CHUYỆN VĂN CHƯƠNG

HỮU VIỆT

Chiều muộn giữa thu, nhà văn Đỗ Chu gọi điện thoại. “Mình đang ở quê. Muốn ăn bánh đúc, canh cua ngon thì phóng về đây”. Bánh đúc, canh cua bình thường chưa chắc đủ sức hấp dẫn, nhưng vì tôi đang định phỏng vấn ông nên nhân cớ này vội sang Bắc Ninh luôn.

Dạo này ông Chu hay về quê, ông bảo Hà Nội ngột ngạt quá, ta về đây để hít thở và nghĩ ngợi. Ngôi nhà của ông ở thành phố Bắc Ninh mới sửa sang lại, trồng cây, xây tường, sân lát gạch giếng đáy nom hồng hào hẳn. Trong vườn trồng mận, đào, nhót, mít... nhưng tôi thích nhất là cây sấu già gầy gò mà gân guốc cho ta cảm giác nương tựa tin cậy.

Sau bữa cơm quê giản dị, ông Chu rít một hơi thuốc lào dài, bảo, nào hỏi gì thì hỏi đi. Tôi trình bày, cách đây hơn 50 năm ông mới mười bảy mười tám tuổi, còn đang học phổ thông mà đã viết “Hương cỏ mật”, “Thung lũng cò”, “Mùa cá bột”... hay đến mức khiến cả văn đàn giật mình. Riêng “Hương cỏ mật” đoạt ngay giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội danh giá thời bấy giờ. Lại có một khóa ông làm Trưởng Ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam (hình như đó là chức “quan văn” duy nhất của ông); vài hôm nữa diễn ra hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, không phỏng vấn ông thì còn hỏi ai nữa. Ông Chu nheo mắt bảo, đời ta ghét nhất trả lời phỏng vấn, chỉ chép lại lời người khác nói mà gọi là viết bài nhận nhuận bút à? Bây giờ ta nói, nhớ được câu nào thì về viết vào, chứ không phỏng vấn phỏng viếc gì cả. Thời gian chảy trôi, nhiều nhà văn trẻ thế hệ trước và cả về sau này cũng đâu còn trẻ nữa. Cuộc sống giơ tay ra vẫy gọi, nâng đỡ. Có người trở thành nòng cốt, sáng rõ; có người phải từ bỏ nghề viết mà đi làm việc khác. Năm nay bảy mấy tuổi đầu rồi, càng nghiệm càng thấy nghề văn giời cho đến đâu được đến đó. Thơ văn có lúc lên ào ạt, đến mình cũng thấy lạ, nhưng rồi vẫn chính là mình lại đến lúc ngồi đực mặt ra, chữ nghĩa biến đi đâu hết, hoặc lục cục lăn như viên đá, viên sỏi chả ra làm sao cả. Vì vậy phải nói thật rằng, viết văn là việc của tài năng, dễ mà khó lắm.

Tôi biện lý, biểu hiện ban đầu của tài năng là năng khiếu, biểu hiện đầu tiên của năng khiếu là sự ham thích, say mê. Người viết trẻ nào đến với văn chương cũng đều từ đam mê, làm sao biết mình có tài hay không? Ông Chu nhẩn nha, Vích-to Huy-gô nói rằng, lịch sử của văn học, suy cho cùng là lịch sử của những đỉnh cao. Chỉ những tài năng đích thực mới tạo nên đỉnh cao, vì vậy không nhiều. Ngay như dãy núi Tam Đảo kia chỉ có ba cái đỉnh thôi, mà cũng cái cao, cái thấp có đều nhau đâu? Tôi tiếp tục thắc mắc, thế người viết thấy mình không thể trở thành “cái đỉnh” thì bỏ nghề a? Ông Chu cười khà khà, vấn đề ở chỗ đó! Những người viết khá và trung bình thì đứng ở đâu để không đánh mất đi khát vọng văn chương? Là thế này, muốn có đỉnh thì nền phải tốt, không có nền làm sao đỉnh đứng vững được. Những người viết kia có thể chung vai đóng góp thành cái nền vững chãi. Nền càng vững, càng cao thì đỉnh mới vút lên tận trời xanh. Nói cách khác, họ chính là những người khổng lồ trên vai vác đỉnh, giống như bệ phóng cao mới đủ sức phóng đi xa những con tàu lớn. Văn học không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với kinh tế. Một người nghèo vẫn có thể viết nên những câu văn rất giàu có và ngược lại. Nước mình kinh tế chưa giàu, xã hội còn có mặt này mặt khác, nhưng người viết phải làm việc cật lực để chứng minh chúng ta là một dân tộc vững vàng và kiêu hãnh. Những người viết trẻ phải bảo nhau nỗ lực, kiên trì vượt lên, thể nào cũng sẽ có những đỉnh cao.

Tôi hỏi qua chuyện khác, tố chất đầu tiên và quan trọng nhất của người cầm bút là gì? Ông Chu đáp ngay: Ước mơ. Hãy sống trung thực, yêu cuộc đời và biết mơ ước, nếu không chúng ta sẽ trở thành vô cùng tẻ nhạt. Mơ ước có thể bay bổng, lãng mạn, viển vông, nhưng dứt khoát không được tầm thường, thô thiển. Làm sao để người ta đọc anh sẽ thấy sung sướng, rạo rực như vừa uống một ly rượu mạnh; lại tìm thấy niềm an ủi để vượt qua khổ đau, vấp váp, thiệt thòi và giữ được niềm tin với những khát vọng lớn lao. Người không biết mơ ước thì làm sao mang đến ước mơ cho người khác và chắc chắn không thể trở thành nhà văn được! Gần đây lại nghe thấy nhiều chuyện đạo văn. Người ta quên mất rằng, sự làm giàu trong văn chương khác hẳn với giàu có bằng đồng tiền bất chính như bớt xén của công, rút ruột công trình, buôn lậu, trốn thuế. Ông nhà thơ Hen-rích Hai-nơ nói đại ý, mất gì cũng đều là mất, nhưng đánh mất danh dự là mất tất cả. Những người viết như thế cũng không thể trở thành nhà văn đâu! Không thể đi tắt đón đầu kiểu đó để mà nổi tiếng, càng không thể dùng văn chương làm bậc thang để làm ông nọ bà kia. Một đời làm văn thong thả, nhưng phải biết vục đầu vào mà đọc, mà học. Nhà văn cần lấy tự học là chính, học không biết mỏi, dạy không biết mệt, lời dạy của ông Khổng Tử đó...

Chuyện chưa vãn mà đã gần nửa đêm. Tôi bước ra ngoài, qua ánh sáng từ ngọn đèn đường, thấy lá cây đã phủ gần hết mảnh sân lát gạch giếng đáy từ lúc nào. Trong gió thu đã nghe hơi thu lành lạnh. Chợt dâng lên một niềm cảm khái, thời gian không đợi và không quên ai cả, thu sắp tận, lá vàng rơi đầy... Nhưng khi lá vàng rời cành thì từ đó bắt đầu lấp ló những chồi xanh.

Dự định phỏng vấn của tôi tuy thất bại, nhưng bù lại tôi đã có một đêm khiêm tốn và thú vị để trò chuyện về văn học với một trong những người viết văn xuôi quan trọng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Câu chuyện của ông thâm trầm mà lay động, giản dị mà sâu sắc. Trước khi lên xe về Hà Nội, tôi còn cố nèo một câu, ông nghĩ thế nào về sự kế thừa với những người viết trẻ? Ông Chu đáp khẽ: Cách đây hàng nghìn năm, triết gia Hy Lạp cổ đại Xô-cơ-rát (Socrates) đã nhắn lại rằng: “Hãy đi tìm năng lượng để sáng tạo cái mới chứ không phải là để giết chết cái cũ”.
Một câu nói thật ngắn mà muốn hiểu được phải mất nhiều năm tháng.


Nguồn: Nhân Dân