Dù thế nào thì không ai có
thể phủ nhận hoặc ngờ vực tình yêu của Kevin với Việt Nam. Dẫu trong những năm
tháng chiến tranh, ông đã đến xứ sở của chúng ta với "hộ chiếu" một
lính Mỹ. Có thể có không ít người đã hoàn toàn quên đi tiếng nổ của bom đạn
trong cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất thế kỷ XX ấy. Với Kevin và nhiều cựu
binh Mỹ cũng vậy, đạn vẫn bay. Kevin yêu Việt Nam, theo tôi, với một tình yêu
quá đau đớn và trân trọng. Tôi có cảm giác trong giấc ngủ ông từng mơ về xứ sở
chúng ta. Mỗi lần đi đọc thơ cùng chúng tôi ở Mỹ, ông luôn luôn đọc bài “Chơi
bóng rổ với Việt Cộng”. Lúc đó, người nghe thơ thấy từ bóng tối và chết chóc
của chiến tranh từ từ hiện lên chân dung một người Việt Nam. Người đó đi từng
bước qua chiến tranh, qua hận thù và bước vào ngôi nhà của ông, một ngôi nhà
nước Mỹ.
CỰU BINH MỸ CHƠI BÓNG RỔ VỚI VIỆT
CỘNG
NGUYỄN QUANG THIỀU
Có lẽ Kevin Bowen là nhà thơ
nước ngoài có số lượng bài thơ viết về Việt Nam nhiều nhất. Ông viết về Văn
Miếu, Thành Cổ Loa, về nón lá, trà sen, hò Huế, về những người thương binh, về
những người vợ góa bởi chiến tranh... Một trong những bài thơ viết về Việt Nam
là bài “Chơi bóng rổ với Việt Cộng”. Đây là bài thơ Kevin viết tặng nhà văn
Nguyễn Quang Sáng sau chuyến đi của nhà văn đến Mỹ. Tên bài thơ này cũng là tên
tập thơ đầu tiên của Kevin xuất bản tại Mỹ gần 20 năm trước đây.
Một chiều xa trong chiến tranh
Khi chúng ta đang rạp mình phục kích
Những người đàn ông, đàn bà
Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ
Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai
Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới
Người đàn ông tóc hoa râm đi dép
Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta
Hút thuốc lá Gô-loa
Và uống bia nhãn Mỹ
Cơn ho chiều cắt ngang câu
chuyện
Khi ông kể về một ngày kháng chiến
Năm 1954
Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
Ông nâng chân trái lên
Hai cánh tay lượn từ sau ra trước
Quả bóng bay theo quỹ đạo cầu vồng
Một, hai, ba... rồi mười lần trúng đích.
Chúng ta đứng nhìn ông im
lặng
Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng
Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long
Và ở những nơi khác nữa chúng
ta nghe
Lời ông thì thầm như thở :
Còn có thể thắng thêm vài quả nữa!
Dù thế nào thì không ai có
thể phủ nhận hoặc ngờ vực tình yêu của Kevin với Việt Nam. Dẫu trong những năm
tháng chiến tranh, ông đã đến xứ sở của chúng ta với "hộ chiếu" một
lính Mỹ. Có thể có không ít người đã hoàn toàn quên đi tiếng nổ của bom đạn
trong cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất thế kỷ XX ấy.
Với Kevin và nhiều cựu binh
Mỹ cũng vậy, đạn vẫn bay. Kevin yêu Việt Nam, theo tôi, với một tình yêu quá
đau đớn và trân trọng. Tôi có cảm giác trong giấc ngủ ông từng mơ về xứ sở
chúng ta. Mỗi lần đi đọc thơ cùng chúng tôi ở Mỹ, ông luôn luôn đọc bài “Chơi
bóng rổ với Việt Cộng”. Lúc đó, người nghe thơ thấy từ bóng tối và chết chóc
của chiến tranh từ từ hiện lên chân dung một người Việt Nam. Người đó đi từng
bước qua chiến tranh, qua hận thù và bước vào ngôi nhà của ông, một ngôi nhà
nước Mỹ.
Người đó bước vào ngôi nhà
không phải để nguyền rủa, không phải để đòi nợ, mà để gọi họ ra sân chơi bóng
rổ. Và người đó sau khi đã ném bóng trúng đích nhiều lần lại từ từ ra đi và để
lại một nụ cười trong ngôi nhà ấy. Một chân dung người Việt Nam hiện lên làm
chính một người Việt như tôi cũng cảm thấy rung động. Một chân dung giản dị
nhưng đầy kiêu hãnh. Một chân dung của những con người biết im lặng và biết
hành động. Cái im lặng ấy làm lu mờ tất cả những gì sáo rỗng và nhạt nhẽo mà
trong đời sống chúng ta ngày càng phải chịu đựng. Những người vốn trước kia là
kẻ thù của nhau đã chọn một cách chơi mới dưới bầu trời bất tận, cách chơi của
hòa bình.