“Trong ngôi nhà của mẹ” - cuốn tự truyện mới nhất của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, viết theo lời kể của anh Trịnh Văn Sỹ - làng Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội, là cuộc hành trình trở về ký ức, mang màu sắc u buồn, xa xôi, tê tái và đôi khi đầy chất huyền ảo, liêu trai… Câu chuyện dành phần lớn kể về người phụ nữ Tạ Thị Dung – mẹ đẻ anh Trịnh Văn Sỹ -  một phụ nữ đầy thân phận, 15 tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, rồi bị gả làm lẽ cho một người địa chủ trong làng, sau 3 năm không sinh nở, mẹ Dung âm thầm bỏ trốn như một sự trả nợ cho gia đình chồng mình. “Với mẹ tôi, nếu không sinh được con cho gia đình chồng thì coi như mắc tội… Mặc dù gia đình ông Thận đối xử không đến nỗi nào, nhưng mẹ tôi vẫn quyết ra đi dù vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu…” - mỗi lần nhớ đến mẹ của mình, anh Sỹ thường kể với một giọng buồn buồn như vậy.



KÝ ỨC TRONG NGÔI NHÀ CỦA MẸ

HOÀNG A SÁNG

“Trong ngôi nhà của mẹ” - cuốn tự truyện mới nhất của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, viết theo lời kể của anh Trịnh Văn Sỹ - làng Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội, là cuộc hành trình trở về ký ức, mang màu sắc u buồn, xa xôi, tê tái và đôi khi đầy chất huyền ảo, liêu trai…
Câu chuyện dành phần lớn kể về người phụ nữ Tạ Thị Dung – mẹ đẻ anh Trịnh Văn Sỹ -  một phụ nữ đầy thân phận, 15 tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, rồi bị gả làm lẽ cho một người địa chủ trong làng, sau 3 năm không sinh nở, mẹ Dung âm thầm bỏ trốn như một sự trả nợ cho gia đình chồng mình. “Với mẹ tôi, nếu không sinh được con cho gia đình chồng thì coi như mắc tội… Mặc dù gia đình ông Thận đối xử không đến nỗi nào, nhưng mẹ tôi vẫn quyết ra đi dù vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu…” - mỗi lần nhớ đến mẹ của mình, anh Sỹ thường kể với một giọng buồn buồn như vậy.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông chỉ là người ghi chép, bố cục lại toàn bộ những gì anh Trịnh Văn Sỹ kể, có những đoạn ông giữ nguyên ngôn ngữ của người kể chuyện… và ông nhận ra một sự thật: “Sự thật về niềm xúc động vô bờ và sự thiêng liêng lớn lao của tình mẫu tử, sự thật về mối quan hệ tâm linh giữa những người đã khuất và những người đang sống, sự thật về sức mạnh để con người vượt qua nỗi sợ hãi, sự thật về lòng biết ơn của một con người đối với những người khác trên cuộc đời này… Như vậy, câu chuyện về một người mẹ sống âm thầm trong ngôi nhà nhỏ ở một làng quê mà ít người biết đến đã trở thành câu chuyện của nhiều người”.
Quả đúng như vậy, mẹ anh Trịnh Văn Sỹ có một đời sống như muôn vàn những người phụ nữ cùng thời: làm lẽ khi mới lớn, bỏ trốn, rồi lại làm lẽ một lần nữa, sinh ra hai người con là Trịnh Thị Cúc và Trịnh Văn Sỹ. Đau đớn hơn, bà phải rời bỏ thế gian ở tuổi 46 - khi hai đứa con bà còn quá nhỏ, và cha của chúng cũng vừa mất chưa được bao lâu… nghĩa là hai đứa con của bà sẽ phải mồ côi!
Những trang sách mô tả về giây phút cuối cùng của mẹ Dung thật ám ảnh, xót xa, khiến người đọc không thể cầm được nước mắt! Người mẹ sau những tháng ngày bền bỉ, chiến đấu với bệnh tật, bằng một hy vọng mãnh liệt để thoát khỏi cái chết đã không thể ở lại thế gian với hai đứa con thơ dại của mình.
Trong căn buồng tối mờ mờ, mẹ cố với tay để sờ thấy cậu con trai 7 tuổi, nước mắt bà chảy dài trên khuôn mặt xanh xao, bà muốn tạm biệt hơi ấm của đứa con trai, bà muốn nói một điều gì đó rằng, hãy vững tâm lên con, hãy tin mẹ không bao giờ rời xa con, mẹ sẽ và mãi mãi bên con… “Nhưng khi đó không hiểu sao tôi lại sợ, tôi cứ lùi ra ngoài và không dám chạm vào tay mẹ mình… Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao? Tôi ân hận vô cùng!” – anh Sỹ kể trong nước mắt!
Điều này có thể hiểu rằng, một đứa bé 7 tuổi và ở thời điểm đó, chưa thể cảm nhận được cái chết sẽ mang mẹ mình ra đi mãi, cậu bé chỉ cảm nhận một nỗi sợ hãi đến tê liệt về cảm xúc, vì thế không dám bước đến, ôm lấy mẹ mình! Cậu sợ hãi vì cảm nhận được sự lạnh buốt của cái chết đang chế ngự căn buồng tối mờ đó. Đây là nỗi ám ảnh khôn nguôi, nó in sâu vào ký ức của bất cứ đứa trẻ nào phải chứng kiến cái chết của mẹ mình. Đó chính là lần “quan sát” đau buồn mà chưa hề xuất hiện trong tâm trí. Nó đơn giản chỉ như một thước phim quay chậm hằn sâu trong ký ức của người con, và theo năm tháng, hình ảnh ấy, ký ức ấy cứ lớn dần lên, mang theo sự nhận thức rõ ràng hơn, nhiều suy tư hơn… cho đến khi anh Sỹ ngồi xuống bắt đầu kể cho bạn mình – nhà văn Nguyễn Quang Thiều!
Lần này, anh Sỹ không đơn thuần kể chuyện một cách “cơ học”, mà thực sự anh đã trở về - một lần nữa bước vào ký ức u buồn đó, nhưng không còn run rẩy và sợ hãi. Có một sự siêu việt lên ký ức của sự sợ hãi, một sự tái hiện nỗi buồn đến tê tái, nhưng bây giờ kèm theo đó vẻ đẹp linh thiêng xuất hiện.
Lần “trở về” này, anh thực sự đã đến được với ngôi nhà của mẹ - được tận hưởng vòng tay và hơi ấm của mẹ. Lần trở về này như một sự báo hiếu trọn vẹn bằng tâm hồn của đứa con đã trưởng thành. Và lần trở về này như một cái ôm, rồi oà khóc nức nở thuần khiết để mẹ yên lòng đi về nơi vĩnh hằng của tổ tiên họ Trịnh.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây, mối liên hệ tâm linh bí ẩn và vô cùng huyền vi vẫn tiếp tục cho đến khi chính chị Cúc - kể cho anh về người chồng đầu của mẹ mình. Bỗng nhiên trong đâu đó sâu thẳm anh Sỹ vẫn thấy mẹ mình chưa thực sự yên nghỉ. “Mẹ tôi được nhà người ta cưới xin đàng hoàng, nhưng khi bỏ đi mẹ tôi đã không bao giờ dám trở về. Bà đã giấu kín chuyện này và chỉ kể cho chị Cúc tôi nghe khi biết mình không thể sống được nữa…”.
Và một năng lượng tâm linh đã thôi thúc anh Sỹ phải làm một việc cuối cùng: Trả lễ cho mẹ! Có lẽ ở thế gian này rất hiếm khi diễn ra một câu chuyện như vậy. Cũng có lẽ vì “trường đoạn” này mà mẹ Tạ Thị Dung trở nên khác biệt so với các bà mẹ thôn quê Việt Nam, và cũng vì chuyện này mà cuốn tự truyện lại trở thành câu chuyện của mọi người. Đa phần người Việt chúng ta đều tin vào một thế giới khác – thế giới của những linh hồn. Tin vào mối liên hệ tâm linh bí ẩn và mãi mãi không thể giải mã ngoài trái tim thuần khiết của con người. Chính vì vậy, câu chuyện trả lễ cho mẹ đã khơi gợi được tâm thức sâu thẳm của tất cả chúng ta - những ai luôn sẵn sàng tin vào thế giới tâm linh thuần Việt.
Bằng sự dẫn dắt tâm linh, chị em anh Sỹ đã tìm ra được ngôi nhà của ông Thận - người chồng đầu tiên của mẹ mình. Anh dâng lễ, viết sớ xin mẹ mình ra khỏi sự ấn định tâm linh của tổ tiên nhà ông Thận. Và hôm đó là ngày vui nhất của linh hồn mẹ Dung, sự báo hiếu trọn vẹn bằng tâm linh, bằng tình yêu sâu sắc nhất của hai đứa con côi cút hiếu thảo. Anh Sỹ kể rằng: “Tôi thấy mẹ tôi đi trước, vẫn cái áo lễ chùa ngày nào, vẫn dáng đi nhẹ nhàng ngày nào, và khuôn mặt mẹ tôi rạng rỡ, khi còn sống hiếm khi thấy mẹ cười tươi như thế…”. Nếu chúng ta đọc những trang viết đó bằng tư duy logic đơn thuần, có thể suy luận rằng, đó là một đoạn văn mang tính hư cấu, cách tạo hình ảnh văn học thường thấy trong các cuốn sách có chất văn chương. Nhưng đó lại là một sự thật theo con đường tâm linh. Hình ảnh mẹ Dung hiện về là một sự thật đối với anh Sỹ, chị Cúc. Mối liên hệ tâm linh giữa con và mẹ, giữa trái tim với trái tim, giữa tâm hồn với tâm hồn, cụ thể hơn nữa là giữa linh hồn người đã khuất và người còn sống chưa bao giờ bị cắt đứt nếu chúng ta cảm nhận với tâm hồn trong sáng.
Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định: ông chỉ là người ghi chép, bố cục lại toàn bộ câu chuyện. Thế nên, việc viết ra những hình ảnh nhuốm màu sắc huyền ảo, liêu trai như vậy là tôn trọng người kể chuyện, tôn trọng linh hồn của mẹ Dung! Nhưng tính nhân văn không chỉ nằm ở những hình ảnh hiện về của linh hồn mẹ Dung, cần hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của vệc “TRẢ LỄ” cho người mẹ đã khuất này. Sự day dứt về một món “nợ” duyên phận tâm linh mới là điều quan trọng, nói lên nếp ăn, nếp ở, sự tôn trọng nghi lễ đến linh thiêng của mẹ Dung, cũng như những người mẹ của thời xa xưa đó. Vì nhiều lẽ, đặc biệt là thân phận của người phụ nữa xưa kia, việc bỏ trốn khỏi gia đình chồng, dù với lý do vô cùng nhân văn, nhưng trong sâu thẳm mẹ Dung vẫn thấy “mắc nợ” gia đình chồng! Một sự mắc nợ về văn hóa ứng xử, văn hóa quan hệ, và văn hóa thuần Việt linh thiêng!
Và lần này mẹ trở về một cách toàn bộ với  con của mẹ, linh hồn mẹ đã thực sự nhẹ nhõm siêu linh.

Cuốn sách này trở nên hấp dẫn, sâu sắc, xúc động, không phải vì nó kể về những chính trị gia, người nổi tiếng, hay nhân vật đặc biệt. Nó hấp dẫn bởi tính nhân văn ẩn chứa trong con người bình thường như mẹ Dung, anh Sỹ, chị Cúc… Và nó sâu sắc hơn nữa vì đã nói lên được phẩm giá cao quý của những người mẹ. Họ sống trong lễ giáo nghiêm cẩn, được giáo dục về trách nhiệm cá nhân hoàn hảo. Họ biết sống trong sạch, ngăn nắp dù đói khổ, thiếu thốn về vật chất. Họ cũng bền bỉ, kiên gan để đối mặt với những oan trái của thời cuộc. Họ bộc lộ những phần NGƯỜI tuyệt vời nhất, vì thế họ đánh thức được những điều tốt đẹp cho thế hệ con cháu bây giờ và mai sau.