Mới đây, tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” được First News in lại và được cho là đầy đủ nhất so với nguyên tác tiếng Ý của nhà văn Edmondo De Amicis. Nếu đã dịch lại “đầy đủ nhất” so với nguyên tác có tên Cuore - nghĩa là “Trái tim” thì cuốn sách này sao lại có tên “Tâm hồn cao thượng”? Vì từ khi xuất hiện bằng tiếng Việt vào năm 1948, “Tâm hồn cao thượng” đã gắn với tên của dịch giả Hà Mai Anh. Dịch sách, không đơn thuần là công việc chuyển nội dung từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Lâu nay, những dịch giả thành danh với những bản dịch thành công thường là một nhà ngôn ngữ, nhà văn hóa… kiêm một nhà văn. Khi dịch một tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt, những dịch giả giỏi thường chú trọng và chủ động chọn những trang sách phù hợp với văn hóa của người Việt, chứ không phải “bê nguyên” từ sách gốc. Vậy nên, cái gọi là dịch “đầy đủ nhất” từ nguyên tác, nghe ra cũng hay nếu dùng tên mới.



Đặt tên cho sách: Cần ứng xử đẹp!

HOÀNG NHÂN

Mới đây, tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” được First News in lại và được cho là đầy đủ nhất so với nguyên tác tiếng Ý của nhà văn Edmondo De Amicis. Nếu đã dịch lại “đầy đủ nhất” so với nguyên tác có tên Cuore - nghĩa là “Trái tim” thì cuốn sách này sao lại có tên “Tâm hồn cao thượng”? Vì từ khi xuất hiện bằng tiếng Việt vào năm 1948, “Tâm hồn cao thượng” đã gắn với tên của dịch giả Hà Mai Anh.
Đây không phải lần đầu First News “làm mới” những cuốn sách đã quá quen với người Việt. Năm 2008, First News mua bản quyền nguyên tác hai cuốn sách có tên tiếng Anh: How To Win Friends & Influence People và How To Stop Worrying And Start Living của tác giả Dale Carnegie. Cái tên tiếng Anh nghe lạ vậy, còn tên tiếng Việt lại rất quen thuộc với độc giả Việt Nam lâu nay qua bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê: “Đắc nhân tâm” và “Quẳng gánh lo đi và vui sống”. Và khi in, First News lại dùng tựa đề tiếng Việt của Nguyễn Hiến Lê.
Dịch sách, không đơn thuần là công việc chuyển nội dung từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Lâu nay, những dịch giả thành danh với những bản dịch thành công thường là một nhà ngôn ngữ, nhà văn hóa… kiêm một nhà văn. Khi dịch một tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt, những dịch giả giỏi thường chú trọng và chủ động chọn những trang sách phù hợp với văn hóa của người Việt, chứ không phải “bê nguyên” từ sách gốc. Vậy nên, cái gọi là dịch “đầy đủ nhất” từ nguyên tác, nghe ra cũng hay nếu dùng tên mới.
Trong giới văn nhân - nghệ sĩ, việc trùng nghệ danh/ bút danh là việc người ta thường tìm cách né. Nhất là người xuất hiện sau thường chọn nghệ danh/ bút danh khác với người xuất hiện trước và lại nổi tiếng. Chẳng hạn, ở Hải Phòng có nhà thơ tên “cúng cơm” là Nguyễn Tuân, ông có quyền dùng tên cha mẹ đặt cho để làm bút danh. Thế nhưng, khi nhận biết có nhà văn Nguyễn Tuân lừng lẫy, thì nhà thơ Nguyễn Tuân đã tự chuyển tên thành Tuân Nguyễn.
Tương tự, giới viết lách rất ngại khi đặt tên tác phẩm trùng với tên danh tác. Ví dụ, nhà báo Chánh Trinh với bút danh Trung Dũng đã dịch từ tiếng Pháp Les Oiseaux Qui Se Cachent Pour Mourir sang tiếng Việt với tựa sách “Những con chim ẩn mình chờ chết”, thì bản dịch từ tiếng Nga của Phạm Mạnh Hùng với tên sách “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Dù “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” hay “Những con chim ẩn mình chờ chết” đều xuất phát từ nguyên tác The Thorn Birds của nữ nhà văn Colleen McCullough.
Giới cầm bút luôn ứng xử văn hóa, đầy tự trọng khi đặt tên tác phẩm hoặc dịch phẩm của mình, lẽ nào những người làm sách lại ứng xử không đẹp? Những cái mới của First News đã làm, có chăng là làm bìa mới và nội dung được dịch mới, còn nội dung có hay bằng hoặc hay hơn các bản dịch cũ lại là chuyện khác. 
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News cho rằng, do sơ suất và không liên lạc được với dịch giả, nhưng sẽ bổ sung trong lần tái bản sau. Hy vọng, những cuốn sách được First News in sẽ ghi tên dịch giả Hà Mai Anh, Nguyễn Hiến Lê, vì tên sách là sáng tạo của hai dịch giả này.


Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa