Chỉ xin lưu ý một chi tiết, liên quan đến “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú”. Trên bàn của cơ quan quản lý hôm nay đang có hai tờ giấy xin phép phát hành, của hai dự án, liên quan đến hai ca khúc ấy. Thứ nhất là dự án của một nam ca sỹ tiếng tăm lẫy lừng trong nước, với bản song ca “Con đường xưa em đi” cùng một nữ ca sỹ trẻ từ hải ngoại. Thứ nhì là dự án của một ngôi sao nam hải ngoại tên tuổi khác, cũng song ca với chính nữ ca sỹ kia, bản “Đừng gọi anh bằng chú”, được ghi âm và ghi hình từ chính live concert của anh tại Việt Nam cuối năm 2016 vừa rồi. Phải chăng, cô ca sỹ kia mang cái dớp dẫn đến lệnh cấm? Không phải. Mà đó chỉ là một cách chữa lại những sai lầm quá khứ mà chính sự lơ là của cơ quan quản lý đã gây ra.



Ừ THÌ LẠI BÀN VỀ NHẠC XƯA…

HÀ QUANG MINH

Thước đo giá trị của một ca khúc là gì? Câu trả lời rất khó, bởi khi ta ngồi ở góc nhìn nào, ta sẽ có một thước đo riêng ở góc nhìn ấy. Có những ca khúc có thể rất khó trở nên phổ biến trong cộng đồng người nghe, nhưng lại có những giá trị cực lớn đối với những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Song, có nói gì đi nữa, giải thích bằng lý lẽ nào đi nữa, điều cuối cùng mà thi ca cần tới chỉ là “vang lên”. Một ca khúc không được vang lên, nó sẽ là một ca khúc chết.
Trở lại với cái khát vọng muôn thuở của người sáng tác là “vang lên” ấy, ta nhận ra rằng, suy cho cùng, một trong những thước đo giá trị của ca khúc chính là những dị bản của nó, bao gồm cả những bản “chế lời mới” (parody). Dòng giai điệu của ca khúc có nằm trong lòng người nghe thì người ta mới có cảm hứng để chế lời cho dòng giai điệu ấy. Không ai chế lời cho một ca khúc mà người ta không thể nhớ nổi những note nhạc của nó cả, bởi đơn giản, họ không cảm thụ nổi dòng giai điệu kia, và họ tin, người nghe kế tiếp bản parody cũng sẽ không thể cảm thụ nổi.
Nói tới đây, mới hiểu ra cái chân giá trị của cái gọi là nhạc xưa. Cách đây vài năm, đã có một cuộc tranh cãi này lửa, phát xuất từ một nhạc sỹ tên tuổi phía Bắc, khi đại khái cho rằng những người hát nhạc xưa là những người chống lại sự phát triển của âm nhạc. Cốt lõi của vấn đề chắc hẳn chúng ta đều hiểu. Khi người mới, trẻ, đại diện cho cách tân không thể nào sáng tác nổi những dòng giai điệu đủ nằm lòng người nghe, tất nhiên người nghe sẽ không thể tiếp nhận cái mới ấy. Và những dòng giai điệu bị gọi là xưa, do tuổi thọ của chúng, nằm lòng nhiều thế hệ khán giả cũng bởi lẽ nó đã chạm vào được bản thân họ, những mảnh đời rời- rẽ.
Và có lẽ, chẳng có ở xứ sở nào mà sự tranh cãi xoay quanh những ca khúc cũ lại nhiều như ở xứ mình. Cứ như đến hẹn lại lên, dăm bữa nửa tháng người ta lại mang nhạc xưa ra mổ xẻ. Và cũng chẳng có xứ sở nào mà ngay cả âm nhạc đại chúng cũng bị phân giai cấp như xứ mình. Có những người khư khư ôm lấy thứ âm nhạc của mình, và sẵn sàng miệt thị thứ âm nhạc khác (như bolero chẳng hạn) là rẻ tiền, thấp kém.
Rồi câu chuyện nhạc xưa đã được tiếp tục mang ra tranh cãi như thế, một lần nữa, sau cái vụ lùm xùm có tên “Con đường xưa em đi”. Chín người mười ý, nhưng chẳng ai nhìn thấy phần chìm của tảng băng trong câu chuyện “Con đường xưa là con đường nào” cả. Nếu chỉ nói đến cái phi lý, hoặc nói đến sự ngọng nghịu trong cách hành văn các văn bản của cơ quan quản lý, đó chỉ mới là chuyện vặt. Câu chuyện lớn hơn nằm ở chỗ khác, ở thực trạng của kiểm duyệt văn hoá hôm nay.
Chỉ xin lưu ý một chi tiết, liên quan đến “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú”. Trên bàn của cơ quan quản lý hôm nay đang có hai tờ giấy xin phép phát hành, của hai dự án, liên quan đến hai ca khúc ấy. Thứ nhất là dự án của một nam ca sỹ tiếng tăm lẫy lừng trong nước, với bản song ca “Con đường xưa em đi” cùng một nữ ca sỹ trẻ từ hải ngoại. Thứ nhì là dự án của một ngôi sao nam hải ngoại tên tuổi khác, cũng song ca với chính nữ ca sỹ kia, bản “Đừng gọi anh bằng chú”, được ghi âm và ghi hình từ chính live concert của anh tại Việt Nam cuối năm 2016 vừa rồi. Phải chăng, cô ca sỹ kia mang cái dớp dẫn đến lệnh cấm? Không phải. Mà đó chỉ là một cách chữa lại những sai lầm quá khứ mà chính sự lơ là của cơ quan quản lý đã gây ra.
Cách đây 15 năm, những ca khúc Sài Gòn trước 1975 bị kiểm duyệt rất gắt gao. Ca sỹ Thái Châu, trong một lần diễn bản “Tôi đưa em sang sông” ở Nha Trang, hồi 2001, đã khiến đơn vị tổ chức bị phạt rất nặng vì ca khúc ấy chưa được cấp phép bởi có câu “Vì đời tôi là chiến binh”. Câu hát ấy sau này phải đổi thành “Vì đời tôi là cánh chim” mới có thể qua cửa kiểm duyệt. Và dị bản đó, có lẽ nào sẽ một ngày khiến “Tôi đưa em sang sông” sẽ thành một scandal kiểu “Con đường xưa em đi” khác?
Và tôi nhớ, cách đây vài năm, trong một phim ngắn của một đạo diễn trẻ, làm về thân phận của những cô gái bán hoa, có tên “Bướm”, đã sử dụng ca khúc “Phố đêm” với một bản ghi âm tuyệt hay. Nhưng câu “Tuy lính chiến xa nhà” đã được biến báo thành “Năm tháng cách xa nhà” để né đường kiểm duyệt. Chợt thấy buồn cho thân phận những ca khúc của xứ mình. Chỉ vì chúng gắn với một giai đoạn lịch sử đau thương, mà cuối cùng cuộc đời chúng lại thương đau bởi những định kiến đầy chia rẽ.
Nhưng vấn đề của ngày hôm nay đã khác hẳn với mươi mười lăm năm trước. Xưa, người trong giới âm nhạc thường hay nói với bạn bè từ hải ngoại về rằng “Đừng có mang CD hay DVD về, cứ xách ổ cứng về là được”. Dễ hiểu, mang CD hay DVD về sẽ bị kiểm duyệt tại cửa khẩu, để xem nội dung có thể mang vào nước hay không. Còn ổ cứng, máy tính thì lại mang tính chất riêng tư, không ai có thể xâm phạm. Bởi thế, họ mới xui nhau vậy, khi mang tác phẩm về, cho đỡ phiền.
Song hôm nay thì chẳng ai cần xách ổ cứng nữa. Muốn chia sẻ ư? Mediafire, Dropbox, icloud… cho phép họ một động tác chia sẻ toàn cầu. Cánh tay kiểm duyệt đã bất lực, trước công nghệ.
Và điều đó cho thấy, kiểm duyệt cổ điển đã không bắt kịp với thời đại nữa rồi. Cục NTBD cấm lưu hành các bản “Con đường xưa em đi” với lời ca không đúng bản gốc ư? Cục không thể đóng cửa facebook, youtube hay hàng trăm ngàn kênh phát hành trực tuyến được nữa rồi. Và việc một bản ghi âm mới toanh không còn cần phải xin phép Sở VHTTDL để xuất bản đã không còn là chuyện mới mẻ gì nữa. Nó quá cũ, khi mỗi người đều có thể tự phát hành trên iTunes; Spotify; Amazon Music…, sau khi đã đăng ký một tài khoản Tunecore với phí thường niên chỉ vài chục USD. Internet đã xoá tan mọi đường biên giới, và một người ở Việt Nam vẫn có thể đàng hoàng phát hành quốc tế một bản ghi âm của mình, để góp phần cho Tunecore có được doanh số mỗi năm tới gần 200 triệu USD. Kênh phát hành đã mở rộng đến mức bàn tay kiểm duyệt không thể với tới nổi. Và những lệnh cấm đã trở nên bất cập, bất khả và có phần hài hước vô cùng.
Tương tự, những bài hát Sài Gòn cũ trước 1975 còn chưa được cấp phép lưu hành có thực sự chết lặng trong lòng người Việt hay không? Không hề. Chúng ta vẫn nghe chúng đây đó, trên taxi, trong quán café, trong chính chiếc điện thoại cầm tay của mình. Chúng vẫn len lỏi trong cuộc đời, vì thực sự, chúng có một sự sống mãnh liệt.

Còn những ca khúc được cấp phép nhưng không thể tìm được sự sống cho mình thì sao? Đó mới chính là câu hỏi trằn trọc nhất đối với ngành công nghiệp âm nhạc vẫn còn trẻ trung ở Việt Nam này.