Vô Sài gòn sinh sống, tôi thường chỉ quẩn quanh quận Nhất, quận Ba và cái quận tôi sống, quận Tư. Với tôi, quận Tư không ấn tượng gì nhiều ngoài sự đổi thay tích cực đến chóng mặt của nó trong mấy năm rồi. Một thời gắn liền với Bình Xuyên (trải dài đến tận Nhà Bè, quận 8, Chánh Hưng) rồi một thời bị gán cho cái tên “đất Giang hồ”, quận Tư giờ thành quận dân cư sầm uất và trật tự. Nhưng tôi ấn tượng nhất vẫn là những con đường nhỏ của quận Nhất, những con đường đẹp, cổ kính, mềm mại và rất Sài gòn. Tôi thích đường Huyền Trân Công chúa, yêu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mê đường Đồng Khởi và mỗi ngày phải đi qua Nguyễn Du một lần. Nhưng tôi vẫn không thể xếp con đường nào khác vượt trên bộ đôi hai con đường nhỏ cặp bên hông công viên trước mặt Dinh Độc Lập. Đó là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes, hai cái tên đến từ hai nền văn hoá khác nhau xa, hai thời kỳ lịch sử khác nhau xa. Nhưng giờ cả hai ông cùng nằm đó, bên nhau, như một chứng nhân cho dân tộc tôi, đất nước tôi… Thật khéo cho ai đã sắp đặt tên những con đường như thế, rất văn minh và vô cùng ý nghĩa.


TÌM HÌNH PHỐ TRONG NHỮNG CON ĐƯỜNG

HÀ QUANG MINH

Tôi sinh ra và lớn lên ở góc giao lộ phố Hàn Thuyên với phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà nội. Hộ khẩu tôi từng ghi tên phố Trần Hưng Đạo cho đến tận năm tôi 24 tuổi, năm mà gia đình tôi chuyển sang một ngôi nhà khác rộng rãi hơn. Nhưng tôi gắn liền nhiều với phố Hàn Thuyên, con phố nhỏ và ngắn, con phố mà bên hiên nhà, những đêm hè ba vẫn trải ước mơ tôi bằng một manh chiếu con nho nhỏ, để từ manh chiếu ấy, tôi ngồi hóng gió, nhìn bầu trời đầy sao và ao ước xa vời.
Con phố ấy có đầy đủ cả. Đối diện nhà tôi, nhà của cặp vợ chồng kỹ sư điện - kỹ sư chế tạo máy trẻ bình dị (là ba mẹ tôi), là căn nhà của một ông giáo sư xã hội học. Chênh chếch một chút bên tay trái là nhà của một Giáo viên xuất sắc của ĐH Kiến trúc Hà nội, ông giáo đẹp như tây mà phố tôi người ta vẫn gọi biệt danh là Robert T..  Lềnh lệch một tẹo bên tay phải lại là nhà của cô giáo dạy Hoá học thời tôi học cấp Ba. Kế bên nhà cô giáo cũ là nhà của một Giảng viên piano Nhạc viện Hà nội. Trong phố còn có nhà của một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng… Chừng ấy thôi, cũng đủ thấy phố Hàn Thuyên học thức thế nào. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Phố Hàn Thuyên ấy cũng có cả những ổ chứa lô đề, có cả những kẻ cắp lưu manh mà hồi nhỏ tôi luôn thấy sợ khi đối diện, có cả giang hồ, có cả đĩ điếm… Thật là hay khi cái phố ấy nó “đời sống” như thế. Và càng hay hơn khi nó mang tên ông Hàn Thuyên, tên thật là ông Nguyễn Thuyên, người luôn gắn liền với CHỮ NGHĨA. Đôi khi, ngẫm lại, tôi tự lý giải vui rằng “phải chăng đó là định mệnh của con phố khi mang tên ông? Vì đơn giản, chữ nghĩa là tất cả; vừa tinh hoa mà cũng vừa đàng điếm lưu manh…”.
Vô Sài gòn sinh sống, tôi thường chỉ quẩn quanh quận Nhất, quận Ba và cái quận tôi sống, quận Tư. Với tôi, quận Tư không ấn tượng gì nhiều ngoài sự đổi thay tích cực đến chóng mặt của nó trong mấy năm rồi. Một thời gắn liền với Bình Xuyên (trải dài đến tận Nhà Bè, quận 8, Chánh Hưng) rồi một thời bị gán cho cái tên “đất Giang hồ”, quận Tư giờ thành quận dân cư sầm uất và trật tự. Nhưng tôi ấn tượng nhất vẫn là những con đường nhỏ của quận Nhất, những con đường đẹp, cổ kính, mềm mại và rất Sài gòn. Tôi thích đường Huyền Trân Công chúa, yêu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mê đường Đồng Khởi và mỗi ngày phải đi qua Nguyễn Du một lần. Nhưng tôi vẫn không thể xếp con đường nào khác vượt trên bộ đôi hai con đường nhỏ cặp bên hông công viên trước mặt Dinh Độc Lập. Đó là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes, hai cái tên đến từ hai nền văn hoá khác nhau xa, hai thời kỳ lịch sử khác nhau xa. Nhưng giờ cả hai ông cùng nằm đó, bên nhau, như một chứng nhân cho dân tộc tôi, đất nước tôi… Thật khéo cho ai đã sắp đặt tên những con đường như thế, rất văn minh và vô cùng ý nghĩa.
Nước Việt sống bên cạnh một dân tộc Hán hùng mạnh với bề dày công cuộc Hán hóa bất kỳ dân tộc nào sống bên cạnh họ mà có nét tương đồng như họ. Cuộc Hán hóa với người Việt kéo dài ngàn năm không thành công như Hán hóa Mãn Châu hay các chủng tộc khác bởi lẽ người Việt dùng một thứ ngôn ngữ khác ngữ hệ với người hán. Tiếng nói của người Việt thuộc ngữ hệ Nam Á và tiếng Việt gần với tiếng Lào, tiếng Khmer hơn cả. Và một trong những người quan trọng nhất đặt nền tảng cho sự khẳng định chữ Nôm là thứ chữ xứng đáng thay thế chữ Hán một cách chính thức trong đời sống người Việt chính là Nguyễn Thuyên, hay được biết nhiều hơn dưới cái tên Hàn Thuyên. Sự ly khai hay nói đúng hơn là đoạn tuyệt khỏi cái phụ thuộc về văn hoá ấy đã khơi nguồn sức sống cho người Việt về sau một cách mạnh mẽ mà sau này, những tuyệt phẩm thơ Nôm trong văn đàn (Tao Đàn) của vua Lê Thánh Tôn là minh chứng rõ rệt. Chính Hàn Thuyên cũng là người Việt hóa luật thơ Đường và bao lớp thi nhân kế tục đã gọi nó là Hàn luật. Còn gì đẹp hơn khi giữa trung tâm một thành phố được coi như thủ phủ văn hóa của phương Nam, Hàn Thuyên trang trọng nằm ở vị trí đẹp nhất. Để rồi, đẹp hơn nữa, song song với ông ở phía đông là Nguyễn Du, con đường mang tên thi nhân đã viết nên những câu thơ Nôm gần gũi với người Việt hơn bất kỳ thi phẩm nào (truyện Kiều), và kế đó là Lê Thánh Tôn, đường mang tên vị minh quân lừng danh với tập thơ Nôm Hồng Đức Quốc Âm thì tập. Còn ở phía Tây, song song với Hàn Thuyên chính là đường Nguyễn Đình Chiểu, linh hồn thơ Nôm đất Gia Định. Nhưng từ Hàn Thuyên tới với con đường của cụ Đồ Chiểu, còn một con đường nhỏ, đẹp và khiêm tốn mà tôi yêu không kém Hàn Thuyên. Đó chính là  đường Alexandre de Rhodes.
Khi mà chữ Nôm đã đi vào cuộc sống của người Việt thì nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes đã hoàn thành cuốn tự điển Việt - Bồ - La (1661). Ông có lẽ không ngờ chỉ 3 thế kỷ sau, thứ chữ ấy đã trở thành Quốc ngữ của người Việt. Cái cách latin hoá các âm của người Việt của ông đã tạo nền cho một cuộc ly khai khác, một cuộc đoạn tuyệt khác của người Việt khỏi thứ Nho học cứng nhắc, thiếu tính cởi mở với thế giới rộng lớn và chỉ tập trung vào lều chõng, vào tầm chương trích cú hơn là nghiên cứu sáng tạo mới cũng như là thực hành. Trong cả một tuyến đường quận nhất Sài gòn song song nhau như thế, Alexandre de Rhodes có vẻ cô đơn nhưng thật ra ông không cô đơn trong lòng người Sài gòn, người Việt. Đôi khi, tôi ước ao ở Hà nội cũng có một con đường mang tên ông, nho nhỏ thôi như đường Hàn Thuyên. Người Việt, người Hà nội vốn trọng cái chữ mà nỡ nào để người tạo chữ vẫn phải bơ vơ chưa có nổi một con đường.
Trở lại với Hà nội sau những con đường Sài gòn, tôi lại nhớ đến một điểm không thể nào bỏ sót được khi nhắc về người Hà nội. Như ở phần đầu tôi đã nói, hai chữ “lên phố” của người Hà nội khiến tôi cảm nhận được rõ rệt nhất về một cá tính của những con người nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Đó là ý thức thị dân rất rõ rệt. Người Hà nội hiếm khi, thậm chí không bao giờ, dùng từ “ĐƯỜNG” khi nói tới tên con phố mình đến hay chỗ mình ở, làm việc. “Nhà ở đâu?” là câu hỏi sẽ luôn gặp câu trả lời “Dạ, Hàng Trống (ví dụ vậy)” hoặc “Dạ, phố Hàng Trống” thay vì “Dạ, ở đường Hàng Trống”. Người Hà nội dường như thích nơi mình ở được gọi bằng phố và vẻ như họ muốn khẳng định điều đó để thể hiện mình là “dân ở phố” thì phải. Câu trả lời tưởng như rất khó bởi có người sẽ coi nó chỉ là thói quen nhưng với tôi, đó chính là sự thể hiện ý thức thị dân mãnh liệt của những người chiếm đa số so với số hiếm hoi người Hà nội gốc (tức dòng họ đã trăm năm sống ở Đông Đô), tức những người đời này qua đời khác chuyển đến sinh sống tại Hà nội sau những cuộc mưu sinh, những thiên di của các họ mạc được kéo theo bởi những thay đổi triều đại (các vua Việt xưa nay đâu có ai là người Hà nội). Còn người Sài gòn thì lại ít dùng từ phố ấy mà chỉ dụng chữ đường. Không hẳn người Sài gòn kém ý thức thị dân hơn người Hà nội nhưng cái từ phố khi được phát âm kiểu Nam chắc thiếu mềm mại so với từ đường. Thế nên, những người “bố thắng” cứ nói đường còn những ai “má phanh” lại vẫn kêu tên phố. Và khi nghe ông Trịnh Công Sơn viết rằng “dưới hiên nhìn, nước dâng tràn, phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” hay “Chiều nay em ra phố về”, tôi chợt mỉm cười vì cách dùng từ ấy của ông. Phố không thuộc về ngôn ngữ đời thường của Sài gòn như chữ “đường” nhưng cũng chẳng nên bắt bẻ ông Trịnh làm gì. Nhạc có một thế giới khác mà. Vả lại, Trịnh đâu có thuộc về Sài gòn hoàn toàn mà ông thuộc về tất cả những nơi ông từng qua: Huế, Bảo lộc, Đà lạt, Sài gòn và đôi khi cả Hà nội nữa…
Tên phố ở Hà nội đã một đôi lần thay đổi. Tên đường ở Sài gòn đổi thay nhiều lần hơn. Nhưng từ sự khác biệt nhỏ nhoi ở trên, Sài gòn và Hà nội vẫn chung một điểm ít ai thấy. Dù tên đường, hiệu phố là gì đi nữa, người ta vẫn nhớ những tên xưa cũ, nhất là trong lòng những người đã sống với lịch sử. Về Hà nội, ba mẹ tôi vẫn nói tên phố Hàng Bột mỗi khi nhờ tôi làm việc gì đó ở gần mạn Quốc Tử Giám; bạn bè tôi vẫn gọi Cổ Ngư thay cho đường Thanh Niên. Còn ở Sài gòn, má nuôi tôi, bà vẫn gọi Lê lợi là đại lộ Bonnart, gọi Đồng Khởi là Catinat hay Tự Do, gọi Lý Chính Thắng là Yên Đổ, gọi chợ xe ở Lý tự Trọng là chợ xe Gia Long… trong những câu chuyện bà kể về Sài gòn xưa. Nhưng nếu phải chỉ địa chỉ cho ai đó, bà vẫn dùng những tên đường mới. Sự tồn tại song song ấy chính là sự biểu hiện lý thú của cái gọi là Quá khứ - Hiện Tại - Tương Lai đồng hành trong tâm thức. Nó gần giống như câu chuyện của chính tôi ở Hà nội. Dịp cuối năm rồi, trường cấp III của tôi, trường Hoàn Kiếm, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Thật ra, đó chỉ là kỷ niệm 50 năm ngày trường đổi tên từ Albert Sarraut thành Hoàn Kiếm - Trần Phú mà thôi. Còn bao lớp người trước từng học Albert Sarraut ấy như cụ Võ Nguyên Giáp, cụ Hồ Đắc Di, cụ Hoàng Xuân Hãn, cụ Nguyễn Mạnh Tường, cụ Nguyễn Nhược Pháp, cụ Vũ Hoàng Chương, bà Trần Lệ Xuân…, trong tâm tưởng họ, cái tên trường cũ vẫn gắn bó lắm. Thế là, theo lời thầy tôi kể, sau lễ kỷ niệm 50 năm kia, có một loạt các cụ già tập hợp lại, đến trường, xin mượn trường địa điểm để những người đồng môn một thuở họp mặt dưới cái tên “Cựu học sinh Albert Sarraut”. Còn tôi, dù vẫn mang danh cựu học sinh Hoàn Kiếm, nhưng thẳm sâu trong lòng, tôi vẫn muốn mình được là cựu học sinh của Grand Lycee - Albert Sarraut - Hoàn Kiếm hơn cả. Gì thì gì, 98 năm liên tiếp bề dày lịch sử một ngôi trường vẫn tự hào hơn 50 năm rất nhiều. Thế mới hiểu, tên địa danh có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh, thời cuộc nhưng trong lòng người Việt, những người sống có tình, đã một lần gọi tên là một lần nhớ mãi.
Em ơi! Hà nội phố thì vẫn Hà nội Phố thôi, dù tôi đi đâu tôi vẫn còn Em-Hà nội như lời tỏ tình với một đô thành mà ông Phan Vũ đã viết. Còn Sài gòn, những con đường vẫn là những Đường Sài gòn tình sử với lá me bay. Với Hà nội hay với Sài gòn, cách dùng từ nào cũng vậy thôi, Đường và Phố chính là Đời và Sống. Và Đời Sống thì vẫn luôn vận động, luôn phải đổi thay cho hợp thế thời nhưng cũng luôn tồn tại trong tâm tưởng một cách đơn giản như những gì bình dị ngoài kia, như một lần chạm vào tim, một thổn thức, một mòn mỏi, một vàng son, một hoàng kim, một rộn ràng, một im lắng, một nhạt nhoà, một sâu nặng, một chút tình của người Việt biết yêu, biết nhớ và biết đi tìm hình phố trong những con đường.