Cuốn
sách dày 350 trang như Hạt Muối Rong Chơi bình thường tôi chỉ nghiến ngấu 1 đến
2 đêm là hết sạch. Cái cảm giác háo hức đón chờ những điều kỳ diệu mà từng
trang sách mở ra luôn thôi thúc tôi đọc nghiến ngấu cho kỳ xong. Rồi đoạn nào
hay tính sau, sẽ đọc lại. Tuy nhiên, với cuốn du ký của chị, đọc những bài đầu
tiên (tôi không có thói quen đọc sách theo thứ tự từ đầu đến cuối trừ tiểu thuyết
hoặc truyện dài), tôi đã biết mình không thể nghiến ngấu theo cách như thế. Phải
đọc dè, đọc chậm rãi, nhẩn nha đọc. Tôi đọc sách của chị như cách người ta thưởng
thức một ly cà phê phin chứ không phải một ly cà phê pha sẵn. Chọn một không
gian thật đẹp, trong du dương của nhạc không lời, ngắm từng giọt đen tí tách,
tí tách rơi...
MIÊN MAN
CÙNG HẠT MUỐI RONG CHƠI
TRẦN
THỊ THU HOÀI
Tôi biết
chị chưa lâu. Tôi cũng chưa đọc nhiều tác phẩm của chị. Khi tác phẩm Tổ quốc gọi
tên của chị được phổ nhạc, tôi đã nghe hai bản phối khí bài hát này. Quả thực rất
ấn tượng. Đặc biệt cảm động trong bối cảnh giàn khoan 981 đang chình ình giữa
biển Đông nhức nhối. Tuy nhiên, vào thời khắc ấy, cái tên Nguyễn Phan Quế Mai vẫn
chưa có gì sâu đậm trong tôi. Tôi vốn yêu văn chương, một ngày tình cờ nhìn thấy
facebook của chị, tôi gửi lời mời kết bạn để có thể theo dõi những sáng tác mới
của Nguyễn Phan Quế Mai.
Rồi một ngày, một buổi sớm tinh mơ, mở mắt, vớ chiếc điện thoại đầu giường, vào
facebook, bất chợt tôi đọc được bài thơ trên trang của chị, bài thơ Cây bàng của
cha:
Khi xây
căn nhà này
Cha tôi dành một khoảng sân
Gieo vào đó một mầm xanh
Cây bàng
là cả khu vườn của cha
Cây bàng mang tuổi thơ tôi
Vươn vào vòm trời rộng mát
Những đàn chim thành phố về đây ca hát
Cho riêng cha và cho riêng tôi
Tôi lớn
lên
Khói bụi bời bời
Những tòa nhà hầm hập chen nhau
Những tham vọng hầm hập đẩy xô nhau
Những
đàn chim gẫy cánh
Không bao giờ về đây được nữa
Cha tôi nhỏ bé giữa những tòa nhà
Cây bàng đơn độc giữa những tòa nhà
Cây bàng
là cả khu vườn của cha
Bàn tay trổ đồi mồi của cha quét lá
Cha tưới cây bằng tiếng hát của mình
Cây bàng hóa cuộc đời cha
Tôi đi
xa
Giữa những tầng mây
Tôi nhìn xuống thấy một đốm lửa xanh
Cây bàng của cha tôi đang lách mình qua thành phố
Vươn lên, vươn lên.
Tôi đọc
bài thơ không biết bao nhiêu lần, thấy sống mũi cay cay và chợt nhận ra khuôn mặt
mình nhạt nhòa nước tự khi nào. Bài thơ không dễ thuộc, nhưng những cảm xúc bài
thơ đem lại đã găm vào hồn tôi. Từ thời khắc đó, tôi bắt đầu tìm đọc tác phẩm của
chị.
Tôi thuộc nhiều thơ. Tuy nhiên tôi lại chẳng thuộc bất cứ bài thơ nào của chị.
Thơ chị không dễ thuộc và tôi cũng chẳng có ý định học thuộc lòng. Nhưng thật lạ,
không chỉ với Cây bàng của cha, hầu như khi đọc mỗi bài thơ của chị, tôi không
thể quên cái cảm xúc chạy tê tê qua sống lưng. Những cảm xúc mà mỗi bài thơ
mang lại găm vào trong tâm trí dần làm nên một Nguyễn Phan Quế Mai trong hồn
tôi.
Những
tác phẩm thơ của chị luôn đem lại cho tôi những cảm xúc mạnh mẽ, những trạng
thái tâm lý thật kỳ lạ. Đúng như chị tâm sự: “nhiều bài thơ phải ấp ủ rất lâu
và cái chồi thơ phải xuyên qua ngực mình để gieo mình xuống trang viết”, những
câu thơ của Nguyễn Phan Quế Mai về tình yêu, cuộc sống, về những hạnh phúc và
thống khổ của con người luôn làm chúng ta khắc khoải. Rồi khi những cảm xúc lắng
lại, ta thấy lòng bình yên và thanh thản lạ kỳ. Những đứa con tinh thần chị rứt
ruột ra để viết, với tôi, đó là món quà vô giá chị dành tặng cuộc đời.
Đọc thông tin về buổi ra mắt sách Hạt muối rong chơi trên facebook của chị, biết
chị về nước, tôi và con gái đã dành thời gian đến tham dự. Cầm trên tay cuốn
sách có lời đề tặng của chị, đọc tiểu sử và danh sách các giải thưởng trong nước
và quốc tế mà chị đã nhận được, tôi biết thêm về sự nghiệp sáng tác của chị.
Nhưng quả thật, đây là cuốn sách đầu tiên của chị mà tôi đọc một cách trọn vẹn
từ trước đến nay.
Cuốn sách dày 350 trang như Hạt Muối Rong Chơi bình thường tôi chỉ nghiến ngấu
1 đến 2 đêm là hết sạch. Cái cảm giác háo hức đón chờ những điều kỳ diệu mà từng
trang sách mở ra luôn thôi thúc tôi đọc nghiến ngấu cho kỳ xong. Rồi đoạn nào
hay tính sau, sẽ đọc lại. Tuy nhiên, với cuốn du ký của chị, đọc những bài đầu
tiên (tôi không có thói quen đọc sách theo thứ tự từ đầu đến cuối trừ tiểu thuyết
hoặc truyện dài), tôi đã biết mình không thể nghiến ngấu theo cách như thế. Phải
đọc dè, đọc chậm rãi, nhẩn nha đọc. Tôi đọc sách của chị như cách người ta thưởng
thức một ly cà phê phin chứ không phải một ly cà phê pha sẵn. Chọn một không
gian thật đẹp, trong du dương của nhạc không lời, ngắm từng giọt đen tí tách,
tí tách rơi. Tôi đã đọc cuốn du ký Hạt muối rong chơi theo cách như thế.
Mỗi bài,
tôi đọc lần 1, đọc vèo cho thỏa tò mò rồi nhẩn nha đọc lại lần 2. Với cây bút
chì trong tay, tôi gạch chi chít những đoạn thú vị, những phát hiện mới về văn
phong, kiến thức cuộc sống. Từng trang sách mở ra, đại dương bao la mở ra trước
mắt tôi theo từng trang sách của Nguyễn Phan Quế Mai.
Mẹ con tôi đã được đền đáp xứng đáng khi đến buổi ra mắt sách thật sớm và tham
dự trọn vẹn từ đầu đến cuối buổi hôm đó. Thật may mắn làm sao, tôi được nghe chị
đọc chính tác phẩm của mình. Chỉ có 3 trang viết thôi “Nơi tôi được xem bói qua
bàn chân” nhưng thật quá đỗi ấn tượng. Tôi mới được nghe nhạc sĩ thể hiện ca
khúc do chính mình sáng tác, nghe nhà thơ đọc bài thơ mình viết chứ chưa bao giờ
được trải nghiệm cảm giác nghe nhà văn đọc tác phẩm (văn xuôi) của mình. Tràn đầy
xúc cảm và ấn tượng đến nỗi giờ khi tôi lật tới trang sách nào khi mắt tôi lướt
trên những con chữ thì trong đầu tôi lại ngân lên giọng đọc của chị về chính nội
dung mà tôi đang đọc. Tôi có thể tưởng tượng ra rõ mồn một rằng nếu đoạn này chị
đọc thì sẽ thế nào. Giọng đọc lên bổng, xuống trầm, cách nhấn nhá, nhả câu bắt
chữ như một nghệ sĩ trình diễn tác phẩm của mình. Lần đầu tiên tôi được nghe giọng
nói của chị chính là buổi ra mắt sách ngày 1/8/2016. Bình thường chị nói giọng
kim, với giọng nói sắc và hơi đanh lại pha trộn vùng miền hơi lơ lớ chất cả Bắc
lẫn Nam. Nhưng khi chị cất giọng đọc tác phẩm của mình, giọng nói ấy chợt trở
thành ngọt ngào, dịu dàng và quyến rũ. Như người mẹ trẻ nâng niu, cưng nựng đứa
con cưng của mình. Tôi cứ nhớ mãi buổi chiều hôm đó, những khoảnh khắc ngắn ngủi
được nghe chị trình diễn tác phẩm (văn chứ không phải thơ) của chính mình.
Văn của chị đẹp. Một vẻ đẹp sang trọng, lộng lẫy và quyến rũ mà không xa cách.
Bởi nó vô cùng mộc mạc, dân dã, và bình dị. Đọc văn chị, tôi cảm nhận chị đã
làm được cái điều mà chị ấp ủ: “Có một điều mà chị muốn làm là dệt thơ vào văn
và mang văn vào thơ. Chị muốn thơ của chị kể những câu chuyện về văn hóa, lịch
sử, con người và văn thì phải ngân lên những rung cảm về cuộc sống”. Và cũng có
lẽ bởi vậy mà thơ của chị không dễ thuộc nhưng độ rung cảm mà nó mang lại cho bạn
đọc, những ấn tượng nó gợi lên trong tâm trí người đọc thì khó có thể cân,
đong, đo, đếm. Một tâm hồn rộng mở, bao dung, cảm xúc nồng nàn, tươi mới đã làm
nên những trang viết thật đẹp về thiên nhiên, về con người với những niềm vui,
nỗi thống khổ, hạnh phúc và đắng cay.
Trong
tác phẩm Hạt muối rong chơi, Nguyễn Phan Quế Mai đã kể về chuyến đi đến đất nước
Colombia của chị. Và tôi sẽ nhớ mãi lời của bà mẹ có 2 con trai bị phiến quân bắn
chết, trả lời cho lo lắng của chị rằng bà sẽ sống thế nào: “Mỗi ngày, Chúa nhắc
nhở tôi phải sống, và phải quý trọng từng phút giây của cuộc đời này”. Thật ám ảnh!
Nén nỗi đau vào trong, bà là hình ảnh không thể đẹp hơn về một người Mẹ với bản
lĩnh và cách đối xử với cuộc đời vốn quá bất công với bà. Sau cuộc trò chuyện đẫm
nước mắt với người phụ nữ Colombia ấy, Nguyễn Phan Quế Mai viết: “Bà là người hạnh
phúc vì trong vực thẳm của khổ đau, bà vẫn nhìn thấy ánh sáng”. Câu văn ấy như
nâng đỡ những tâm hồn nhạy cảm nhưng cũng đầy bản lĩnh và ý chí khi cuộc đời
không mỉm cười với họ. (Lang thang ở trung tâm thuốc phiện Medellin).
Với tôi,
Hạt muối rong chơi là một quyển sách có sức nặng, với những câu văn mang trong
mình những hình ảnh day dứt, ám ảnh với sức gợi khổng lồ. Ví dụ, khi tả về thủ
đô Bogota của Colombia, Nguyễn Phan Quế Mai đã viết: “Sách nằm phơi nắng cạnh
những người vô gia cư”. Một bức tranh đọc thơ trong mưa của nhà thơ Nguyễn
Quang Thiều mà chị vẽ lên bằng ngôn ngữ cũng đẹp lung linh. Thơ đến với người
nghèo, những người bần cùng trong xã hội và cứu rỗi tâm hồn họ. Văn thơ đã làm
được những điều không thể kỳ diệu hơn.
Những
con người mà chị gặp trong những chuyến phiêu du của mình rồi đọng lại trong
tác phẩm phần nhiều là những con người vất vả, lam lũ, truân chuyên, bình dị.
Nhiều người trong số họ có những hoàn cảnh đầy bi thương. Những triết lý về cuộc
đời chị ghi chép lại trong các cuộc tiếp xúc, trò chuyện với họ thật đáng để ta
suy ngẫm và học hỏi. Lời của một chị đầu bếp sinh ra không biết cha mình là ai,
mẹ bỏ đi, sống vất vưởng cùng người dì nói với Nguyễn Phan Quế Mai: “ Đạo Phật,
đạo Thiên Chúa, đạo Hồi cũng như tất cả các đạo tôn giáo đều hướng con người đến
những mục đích tốt đẹp nhất. Đạo khó thực hiện nhất là đạo làm người phải không
cô? Thật khó để sống sao cho ra con người, để làm một con người tốt!”
Không chỉ viết về những số phận bần cùng trong quyển sách, Nguyễn Phan Quế Mai còn
giới thiệu người đọc đến với những khung cảnh tuyệt vời của những miền đất chị
đã đi qua – tôi gọi đó là những thiên đường trên mặt đất. Trên những trang viết
của chị, thiên đường của những thiên đường mở ra trước mắt. Đoạn văn trước cảnh
vật quá đẹp đi, cảm giác không thể có gì đẹp hơn nữa. Những đến ngay đoạn tiếp
sau lại không khỏi ngỡ ngàng vì nó lấp lánh theo một kiểu khác nhưng vẫn làm ta
si mê, đắm đuối. Đọc sách của chị, tôi như bị ngợp trong biển mênh mang của những
cung bậc cảm xúc. Đọc và bị cuốn theo, không muốn dừng lại, có những đoạn tôi đọc
trong trạng thái gần như nín thở. Tưởng chừng như điều ấy khiến tôi mệt, nhưng
thật lạ, đọc xong lại thấy lồng ngực căng tràn những năng lượng kỳ diệu, trong
trẻo, tinh khiết, ngọt ngào như sinh khí của đất trời.
Điều khiến
tôi tâm đắc là hạt muối Nguyễn Phan Quế Mai không rong chơi một mình. Rất nhiều
bài viết trong cuốn du ký, chị trải nghiệm cùng bè bạn, chồng, con. Đi cùng gia
đình, nhưng chị đi với một tâm hồn rộng mở, thảnh thơi, phóng khoáng, và những
chuyến đi ấy đã để lại những áng văn đẹp cho đời.
“Đi một
ngày đàng, học một sàng khôn”. Đọc Hạt muối rong chơi của Nguyễn Phan Quế Mai, tôi
đã học được không chỉ một mà nhiều nhiều những cái “sàng khôn”. Không thể viết
hết những cảm nhận ra đây nhưng thật vô cùng biết ơn những hạt muối như chị. Nguyễn
Phan Quế Mai rong chơi và để lại cho đời những hạt ngọc lấp lánh. Gấp cuốn sách
lại, khi đã đọc đến những câu chữ cuối cùng, những bài viết cuối cùng (không theo
trật tự cuốn sách), tôi mới ngộ ra cái tên cuốn sách một cách đầy đủ nhất. Sao
lại là hạt muối chứ không phải bất cứ một thứ hạt đắt tiền, sang trọng nào
khác? Một hạt muối với tất cả sự đằm thắm, mặn mòi, lấp lánh, tinh khiết. Một
thứ hạt rất dân dã, mộc mạc, bình dị mà không thể thiếu với bất kỳ ai trong cuộc
đời này. Sự rong chơi, một tâm thế vô cùng thư thái để nhìn, để ngắm, để quan
sát và triết lý về cuộc đời.
Xin cám ơn hạt muối Nguyễn Phan Quế Mai và sự rong chơi của chị! Xin trích
nguyên văn một câu của chị trong cuốn sách khi chị miêu tả thiên nhiên: “Có lẽ,
những ai đặt chân đến đây đều tìm được châu báu- đó là vẻ đẹp huyền bí của Đại
dương”. Và tôi muốn mô-li-phê câu ấy thành câu của tôi, để kết lại những cảm nhận
của tôi về tác phẩm của chị: “Có lẽ, những ai đọc cuốn sách Hạt muối rong chơi
đều tìm được châu báu- đó là vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên và sự kỳ diệu của
tâm hồn con người”