Không ngờ vùng đất ngút ngàn cây trái nhanh chóng xoa dịu vết thương đầu đời của tôi. Vườn nối tiếp vườn, mùa trái chín chôm chôm đỏ rực xòa ra cả mặt đường đưa tay bứt một quả bóc vỏ bỏ vào miệng ngọt lịm. Sầu riêng nặng trĩu trên cành, mùi thơm ngào ngạt phủ kín cả không gian. Những trái măng cụt e lệ nép mình dưới những tàn lá xanh um. Con gái miệt vườn trắng trẻo hồng hào đầy sức sống. Những cô cậu học trò tinh nghịch rủ thầy giáo trẻ cắm trại trong các vườn cây. Hết ngày này qua ngày khác tôi ăn đến no các loại trái cây trong các khu vườn. Lúc ấy vùng Nông Doanh là nơi cắm trại thường xuyên của tôi. Những nhà vườn giàu có nhưng sống gần gũi và giản dị, ai đến vườn cũng có quyền ăn trái cây thoải mái sinh hoạt thỏai mái như người trong nhà. Vùng đất đầy sức sống đã mang lại cho tôi luồng sinh khí mới.



VƯỜN XƯA
NGUYỄN MỘT

Hai mươi mốt tuổi, chia tay mối tình đầu, buồn rũ rượi, Kiều bảo tôi phải xin về thành phố, bỏ nghề dạy học mới mong có tương lai, chứ cứ cắm đầu vào trong núi ấy dạy ba đứa trẻ dân tộc làm sao khá nỗi, lấy gì nuôi vợ con. Thời bao cấp, con người được quản lý chặt chẽ từ trong ý nghĩ, đâu dễ dàng gì muốn đi là đi, đành gởi cho Kiều bài thơ đau đớn với câu mở đầu: “Thưa em ta lỡ làm người...” Đang cố quên Kiều trong men rượu và Boléro thì nhận được quyết định chuyển công tác. Chia tay ngôi trường nhỏ và những buổi chiều buồn dưới chân núi Chứa Chan, vác ba lô về nhận nhiệm vụ vùng đất mới. Không ngờ vùng đất ngút ngàn cây trái nhanh chóng xoa dịu vết thương đầu đời của tôi. Vườn nối tiếp vườn, mùa trái chín chôm chôm đỏ rực xòa ra cả mặt đường đưa tay bứt một quả bóc vỏ bỏ vào miệng ngọt lịm. Sầu riêng nặng trĩu trên cành, mùi thơm ngào ngạt phủ kín cả không gian. Những trái măng cụt e lệ nép mình dưới những tàn lá xanh um. Con gái miệt vườn trắng trẻo hồng hào đầy sức sống. Những cô cậu học trò tinh nghịch rủ thầy giáo trẻ cắm trại trong các vườn cây. Hết ngày này qua ngày khác tôi ăn đến no các loại trái cây trong các khu vườn. Lúc ấy vùng Nông Doanh là nơi cắm trại thường xuyên của tôi. Những nhà vườn giàu có nhưng sống gần gũi và giản dị, ai đến vườn cũng có quyền ăn trái cây thoải mái sinh hoạt thỏai mái như người trong nhà. Vùng đất đầy sức sống đã mang lại cho tôi luồng sinh khí mới.
Tôi kết bạn với Thanh, một chàng trai bị tật bẩm sinh ở chân ngay từ nhỏ nhưng không hề mặc cảm, anh vui vẻ hồn nhiên và có năng khiếu sinh hoạt xã hội. Chúng tôi lao vào tổ chức những cuộc trại và những trò chơi lớn. Những trò đánh trận giả, tìm kho báu giữa những khu vườn tiếp nối vườn, như trong truyện cổ tích, khiến học sinh vô cùng hứng thú. Nhờ sự giúp sức của Thanh và sự ưu đãi của thiên nhiên kỳ diệu, trong vài trò Tổng Phụ Trách Đội, ngay trong năm đầu nhận nhiệm vụ tôi đã làm cho phong trào Trường Xuân Tân nổi đình nổi đám nhất tỉnh Đồng Nai. Hiếm hoi lắm nỗi buồn mối tình đầu mới trỗi dậy. Biết chuyện của tôi mấy cô cậu học trò hứa sẽ làm mai chị mình cho tôi. Nhớ những ngày đầu mới về xứ này, cô bé Lệ Uyên nhí nhảnh lí lắc nhất trong Ban chỉ huy đội, đưa tôi về nhà để giới thiệu chị của mình. Tôi rụt rè đến nhà, người mẹ phúc hậu của Uyên cho tôi ăn thử trái sầu riêng ngon nhất trong khu vườn của bà. Lần đầu được ăn quả sầu riêng, loại trái cây đặc trưng nhất miền nam, tôi mê ngay chứ không cảm thấy khó chịu như nhiều người ở vùng miền khác. Uyên khoe với tôi, chị của em rất đẹp, quả họ đẹp thật, một nhan sắc quá xa vời. Bỗng dưng tôi thấy mình không sao với tới được. Dù chuyện mối mai bất thành, nhưng tôi cám ơn em vì đã cho tôi thưởng thức hương vị sầu riêng, cho tôi được ngắm những nhan sắc của con ngừơi và cây trái. Mỗi chiều tôi thường dạo giữa những con đường ngào ngạt hương thơm và nghĩ rằng mình sẽ cưới vợ và sinh sống tại vùng đất thiên đường này.
 Tôi gặp Thủy, người vợ tào khang hơn hai mươi năm nay của tôi trong một buổi chiều như thế. Tôi chóang ngợp trước nước da trắng và ửng hồng như trái chôm chôm mới bóc của nàng. Bất chợt vần thơ ngớ ngẩn của tuổi hai mươi ập đến : “Chiều nay em về qua lối nhỏ. Tóc bềnh bồng như những áng mây trôi. Chiều nay em về qua lối nhỏ. Má ửng hồng như đời bớt đơn côi.” Chúng tôi yêu nhau dưới mùi hương của cây trái. Chúng tôi hôn nhau dưới khung trời đẹp nguy nga của mùa trái chín. Tôi nghĩ mình sẽ sống tại vùng đất ăm ắp kỷ niệm và tình người ấy. Nào ngờ số phận xô dạt tôi về giữa phồn tạp của đô hội. Người con gái ấy đã theo tôi qua suốt hai mươi năm gập ghềnh của đời sống. Hai mươi năm xô bồ nàng vẫn giữ tính chất phác, thuần hậu của cô gái miệt vườn năm xưa. Hai mươi năm dành dụm được ít tiền nàng quay về vùng đất cũ mua cho tôi mảnh vườn nhỏ, nàng đùa với bạn bè“Mua cho nhà văn chút kỷ niệm!”. Mấy trăm triệu đồng có thể mua đất ở thành phố để sinh lợi, nhưng vợ tôi đã mua cho tôi “kỷ niệm”, tôi biết ơn sự hy sinh lớn lao của vợ và cũng cám ơn vùng đất ngày xưa đã ban tặng nàng cho tôi…
Một bất ngờ khác của số phận là khu vườn của tôi bây giờ vợ tôi chia lại của người bạn cũ, anh Trần Hữu Thanh. Kể từ ngày tôi bỏ xứ này ra đi Thanh cũng không còn hăng hái với phong trào, anh về Nông Doanh mua khu vườn rộng. Anh đã thực hiện ước mơ trước tôi mười năm. Anh đã thành nông dân thực thụ. Gặp lại anh cười bảo mười năm qua mình đã “không biết thời gian hiện hữu như thế nào”. Đó là câu văn hay của H.Hess trong “Câu chuyện dòng sông” mà ngày xưa chúng tôi đã từng đọc. Khu vườn của Thanh tại ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh. Tuy là người tật nguyền, nhưng với nổ lực học tập và say mê lao động, nhiều năm liền anh được Hội Nông dân thị xã Long Khánh bình chọn là nông dân sản xuất giỏi. Thanh tâm sự với tôi: “ Bao năm nay mình quyết tâm đầu tư khu vườn của mình thành khu vườn tòan cây ăn trái với giống mới nhất. Chỉ đủ sống thôi nhưng mình cảm thấy hạnh phúc lắm, sống giữa khung cảnh thần tiên như thế này, con người cảm thấy nhẹ nhàng và độ lượng.”Chúng tôi đi với nhau giữa khu vườn bắt đầu mùa trái chín, sầu riêng ngạt ngào, to bằng đầu người lúc lỉu trên các cành cây, Thanh phải dùng dây treo lên cây để giữ cho cành khỏi gãy.

Thanh cắt chia lại cho vợ tôi một mảnh trong vườn của anh, đủ để trồng tất cả các loại cây trái mà chúng tôi thích. Tôi đưa vợ và con về chơi. Để cảm ơn nàng tôi xoay trần thổi cơm bằng củi, hái ra tập tàng trong vườn nấu canh phục vụ cho mẹ con nàng. Thủy cười, nụ cười lấp lóa dưới tàng cây chôm chôm, bỗng hình ảnh hai mươi năm trước sống lại, tôi lén hôn nàng và bất ngờ, nụ hôn cũng run rẩy như ngày đầu mới yêu nhau. Lại chợt nhớ vần thơ của tuổi hai mươi. “ Em tặng cho anh nụ hôn đầu. Lá nhỏ xôn xao, trời chiều lộng gió…”