Hơn bất cứ một thể loại nào khác, thơ đặc biệt chú ý
đến ngôn từ. Nó rất coi trọng tính vi mô. Một chữ trong thơ cực kỳ quan
trọng. Vì vậy mà nhà thơ Giả Đảo (779 -843) đời Đường, Trung Quốc, mới có câu
"Nhị cú tam niên đắc" (Hai câu thơ, phải làm ba năm, mới vừa ý). Ông
Viên Mai (1716- 1790) là nhà thơ và nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình thơ đời
Thanh, thì kể lại chuyện "Thạc Văn Vỹ ở đất Thường Châu có câu nói về việc
làm thơ vất vả rằng: "Vị cầu nhất tự ổn - Nại đắc bán tiêu hàn" (Vì
muốn có một chữ đắc địa/ Đành chịu rét nửa đêm). Viên Mai còn nói: "Làm
thơ mà được người ta chữa cho một chữ khác gì lửa đỏ nhỏ giọt tuyết vào, vui không
thể tả được"!
GHI BÊN LỀ MẤY TRANG THƠ
HỒNG DIỆU
1.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh, nguyên Phó Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam có một bài thơ tứ tuyệt hay:
Thăm bạn
Tháng năm xanh ai đốt
Tàn tro bay trắng đầu
Về quê thăm bạn cũ
Mây bồng bềnh mắt nhau
(11-2-1991)
Đọc hai câu trên của bài thơ: "Tháng năm xanh
ai đốt/ Tàn trò bay trắng đầu", ta rất dễ nhớ đến hai câu nhà thơ Đoàn Văn
Cừ (1913-2004) viết năm 1939, trong bài thơ "Chợ Tết":
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau!
Cả hai nhà thơ đều thể hiện quan hệ giữa thời gian
và tuổi tác, theo cách của mình. Mỗi cách có cái hay riêng. Nhưng câu thơ Đoàn
Văn Cừ giản dị hơn câu thơ Nguyễn Ngọc Oánh (thơ giản dị mà hay thật khó).
Có điều nữa: Câu thơ đầu của Nguyễn Ngọc Oánh đọc thấy
hơi vương vướng. Ở đây, tác giả dùng từ "năm" theo đơn vị thời gian
(năm, tháng, ngày...). Nhưng cũng có khi "năm" lại dễ làm người đọc
nhớ đến số từ (năm, sáu, bảy...) vì hai thứ dễ lẫn với nhau, cho dù không ai
nghĩ "năm" ở câu thơ Nguyễn Ngọc Oánh là số từ cả!
Tôi nghĩ, nếu viết một cách khác, như "Tháng
ngày xanh ai đốt" chẳng hạn, phải chăng câu thơ nghe thuận hơn? Có lẽ cũng
vì nghĩ như thế mà nhà thơ Tế Hanh (1921-2009) có tập thơ "Theo nhịp tháng
ngày" (in năm 1974) chứ không phải "Theo nhịp tháng năm".
2.
Hơn bất cứ một
thể loại nào khác, thơ đặc biệt chú ý đến ngôn từ. Nó rất coi trọng tính
vi mô. Một chữ trong thơ cực kỳ quan trọng. Vì vậy mà nhà thơ Giả Đảo (779
-843) đời Đường, Trung Quốc, mới có câu "Nhị cú tam niên đắc" (Hai
câu thơ, phải làm ba năm, mới vừa ý). Ông Viên Mai (1716- 1790) là nhà thơ và
nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình thơ đời Thanh, thì kể lại chuyện "Thạc
Văn Vỹ ở đất Thường Châu có câu nói về việc làm thơ vất vả rằng: "Vị cầu
nhất tự ổn - Nại đắc bán tiêu hàn" (Vì muốn có một chữ đắc địa/ Đành chịu
rét nửa đêm). Viên Mai còn nói: "Làm thơ mà được người ta chữa cho một chữ
khác gì lửa đỏ nhỏ giọt tuyết vào, vui không thể tả được"!
Ở ta, nhà thơ Quách Tấn (1910 - 1992) đã từng bảo:
"Có lắm khi nghĩ một chữ, nát một khúc ruột"! (xem "Bóng ngày
qua" của Quách Tấn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998, trang 262).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thời nhỏ, trong bài thơ
"Đêm Côn Sơn" có hai câu:
Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
Chỉ một chữ "mỏng" mà câu thơ trở nên vô
cùng kỳ thú. Nếu thay nó bằng một chữ nào khác, câu thơ sẽ rất xoàng.
Ấy thế mà một nhà thơ, bạn vong niên của tôi, trong
một cuộc trao đổi khá rầm rộ về một chữ liên quan đến thơ Xuân Diệu, đã thốt
lên một cách sai lầm xuất phát từ sự quá tự tin đến quyết liệt: "Khổ! Chỉ
có mỗi một chữ, cũng chẳng phải chữ Xuân Diệu, mà rồi cũng bàn ra tán vào đến mấy
số báo! Chẳng lẽ các bác phê bình không còn chuyện gì để nói nữa ư? Phê bình mà
cứ lủn mà lủn mủn, trong khi văn học có bao nhiêu điều lớn lao đang đặt ra kia
thì lại chẳng bàn. Nếu bạn đọc có trách như thế thì cũng chẳng oan đâu!"
(Báo Văn nghệ, số 42, 16-10-1999).
Phải nói ngay rằng, bàn về một chữ trong thơ hoàn
toàn không có gì là "lủn mà lủn mủn" cả! Trong nghiên cứu, phê bình
thơ, cần bàn về những vấn đề "lớn lao" cũng cần bàn về cả những điều
nhỏ bé (mà chưa hẳn nó đã thật là "nhỏ bé")! Bằng chứng là, sau ông bạn
vong niên của tôi, còn có đến vài chục người bàn về cái chữ mà ông cho là
"lủn mà lủn mủn" trên, cả báo trung ương cả báo các tỉnh! Và cũng chẳng
có bạn đọc nào "trách" chuyện này, như ông bạn tôi... tưởng tượng!
Cũng hơi buồn cười nữa là ở chỗ, ông bạn tôi vừa
than phiền như thế ở đầu bài báo thì ngay sau đó, ông đã lại rất hồn nhiên mà
bàn tiếp, bàn sâu vào cái chữ ấy trong suốt một trang báo, dài hơn tất cả những
người bàn về cái chữ mà ông bàn! Có đúng là ở đây, "gậy ông đập lưng
ông" không vậy?
Cũng lạ là suốt thời gian tranh luận nói trên, cho đến
ngày hôm nay, chưa thấy ai phát hiện chỗ sai trên đây của nhà thơ cũng là người
bạn vong niên của tôi!
3.
Đã lâu lắm, tôi "phát hiện" đặc điểm này
trong thơ (và văn) của nhà thơ Thanh Tịnh (1911 - 1988): Chất trữ tình đi đôi với
tính hài hước, hóm hỉnh. Và tôi thấy đặc điểm này đi suốt cả một đời văn Thanh
Tịnh.
Đọc tập truyện ngắn "Quê mẹ" (in lần đầu
năm 1941) và thơ Thanh Tịnh, ngay từ thuở ấy, đã có thể thấy điều này. Ở đây,
chỉ xin kể một chuyện: Trước kia (và cả bây giờ) học môn sinh vật, học sinh nào
chả biết một câu, đại loại: "Rắn là một loài bò sát, không chân...".
Tôi rất ngờ, Thanh Tịnh đã biến câu này thành một câu hài hước khi đổi cái dấu
phẩy để nó có một cách ngắt khác, và rồi cho một cậu học sinh gào lên (theo
cách mà người ta thường gọi là "học gạo") trong một đêm trăng sáng, ở
truyện ngắn "Tình thư" của Thanh Tịnh:
Rắn là một loài bò... i...a..... Rắn là một loài
bò... Rắn là một loài bò... ê... a... sát không chân... ê... sát không chân!
Cũng vì tính hài hước, trào phúng khá đậm trong văn
và đời Thanh Tịnh mà ông để lại nhiều giai thoại. Ở đây cũng chỉ kể một chuyện:
Biết Thanh Tịnh có tính hài hước, trào phúng, hay kể
truyện vui, truyện tiếu lâm, Hội Nhà văn thường mời ông tiếp các đoàn khách văn
nước ngoài đến thăm Việt Nam.
Một lần, tiếp đoàn nhà văn Liên Xô, trong đó có hai
người đã rất thân với Thanh Tịnh từ trước, là nhà Việt Nam học cự phách Marian
Tkachốp, nhà văn nổi tiếng Bôrít Pôlêvôi và mấy nhà văn khác. Trước khi vào bữa
ăn, các nhà văn ngồi chuyện vãn. M. Tkachốp bảo, ngay trước hôm sang Việt Nam,
anh đọc báo biết các nhà khoa học Mỹ vừa có một phát hiện rất mới: chế được một
loại thuốc phụ nữ uống sẽ không đau khi đẻ. M. Tkachốp tưởng mọi người sẽ ngạc
nhiên lắm. Bất ngờ, Thanh Tịnh cười lớn:
- Tưởng gì! Loại thuốc ấy Việt Nam có đã từ lâu!
Mọi người, cả Nga, cả Việt tròn xoe mắt!
Thanh Tịnh thủng thẳng tiếp:
- Chẳng những loại thuốc ấy chữa được đau cho người
đẻ, mà còn góp vào việc bình đẳng nam nữ ở cái xứ phong kiến đã thống trị đến
nghìn năm như Việt Nam! Các bạn Nga có biết rừng núi chúng tôi có rất nhiều loại
lá chữa được nhiều thứ bệnh không? Đã lâu, một ông cụ người Mường ở Hòa Bình
tìm ra thứ lá rất đặc biệt. Phụ nữ nào uống thuốc làm từ thứ lá ấy, đẻ sẽ không
đau tí nào cho đến khi đứa bé ra đời, mà cái đau lại chuyển sang... bố đứa bé.
Kể cũng phải! Việt Nam có một thành ngữ về phụ nữ: "Mang nặng, đẻ
đau". Bây giờ, bố đứa bé gánh cho một nửa (đau), còn mẹ đứa bé chỉ phải chịu
một nửa (mang nặng), có phải bình đẳng không, công bằng không? Tại sao sinh ra
được một đứa con là việc của hai người, mà chỉ riêng người phụ nữ vừa phải mang
nặng, vừa phải đẻ đau?
M. Tkachốp sốt ruột:
- Vòng vo mãi! Kể tiếp xem nào!
Thanh Tịnh ậm ừ, chậm rãi:
- Cứ từ từ! Thứ thuốc ấy được biết khắp cả Việt Nam.
Đâu đâu dùng cũng tốt. Ai cũng khen ngợi. Nhưng... một hôm, ở phố Lý Nam Đế của
mình có một cô gái sắp đẻ. Cô cũng được một người bạn mách cho mua thứ thuốc
này. Cô cũng uống trước khi đẻ. Một lúc sau, khi đứa bé sắp ra đời, người chồng
đang ở nhà mà không thấy đau đớn gì, trong khi đó, anh hàng xóm thì bỗng nhiên
ôm bụng, kêu la dữ dội (Thanh Tịnh không nói rõ anh hàng xóm chính là... bố đứa
bé). Từ đó, thứ thuốc này bị cấm tiệt. Vì nó làm... lộ bí mật! Phụ nữ Việt Nam
lại "mang nặng, đẻ đau" như xưa!
Mọi người đều biết nhà thơ Thanh Tịnh bịa chuyện một
trăm phần trăm, mà vẫn cười nghiêng, cười ngả!