Nhà thơ Nguyễn Anh Nông sau một thời gian lâm bệnh nặng vừa từ trần vào hồi 17h55 ngày 25-8-2017 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tang Lễ sẽ được cử hành tại Nhà tang Lễ Bộ Quốc phòng - Số 5 Trần Thánh Tông. Thời gian sẽ thông báo sau. Thay lời tạm biệt chân thành, để tiễn nhà thơ Nguyễn Anh Nông sang với thế giới của người hiền, xin được giới thiệu bài viết của Nhà văn Phùng Văn Khai với sự trân trọng: “Nguyễn Anh Nông mang hồn vía của một thi sĩ từng trải những đớn đau mất mát tột cùng trong đời sống. Cũng có lúc anh ngoa ngôn phóng dụ nhưng sự thật dưới mặt đất vẫn luôn cám dỗ anh hơn”.



NGUYỄN ANH NÔNG  THƠ NGAY Ở TRÁI TIM MÌNH

PHÙNG VĂN KHAI

Tôi rất ít khi làm thơ, làm thơ tặng một ai đó càng hy hữu mặc dù trách nhiệm công việc của tôi làm Biên tập thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội, phải thường xuyên tiếp xúc với bản thảo thơ. Nhưng một điều khá lạ lùng là trong đời sống, tôi luôn giao lưu và thân thiết với các nhà thơ (hay là trong văn học nghệ thuật họ luôn là số đông chăng). Dẫu sao mặc lòng, tôi vẫn cho rằng trong đời sống, nhà thơ thường có nhiều thời gian giao đãi hơn những người viết văn xuôi, điều này tưởng cũng chẳng cần thiết phải giải thích.
Ấy thế mà, trong những bài thơ tặng bạn bè ít ỏi đến xấu hổ ấy, từ rất lâu, cách đây khoảng hơn mười năm, trong những bài thơ đầu tiên của mình, đã có một thi phẩm viết tặng riêng nhà thơ Nguyễn Anh Nông.

Bè bạn
     
Người ta làm thơ đọc chốn phố đông
mình anh ra đồng cày cuốc
ruộng mình vỡ vạc
đất cằn nhưng nhức mồ hôi
Một bàn tay anh một bàn tay tôi
mơ xanh lá cỏ
một chân trời anh một chân trời tôi
gầm gào sóng gió.

Chợ chiều chẳng họp mà tan
thương ai chiếc lá trầu vàng rụng rơi.

Xanh tận chân trời
xanh tận chân cỏ
con cóc là cậu ông trời
sau mưa mắt nhìn bỡ ngỡ
gốc tre người chặt đi rồi
thương anh ngồi khóc ông trời chẳng mưa.

Một bước ngỡ tới đâu
cánh buồm nâu nhòe nắng
khô rồi về đâu
hoa lau bời bời trắng.

Chén nào không cay đắng
ngang mày trao nhau
đêm tàn anh rót một câu
thơ khuya chớm đã xanh màu phù sa...

Bài thơ được in báo, cùng với một số bài thơ khác nữa, bè bạn, nhiều người cho rằng tôi có khả năng làm thơ, chuyện sẽ bàn sau.
Trong gần hai mươi năm thân thiết với anh, tôi nhận thấy trái tim anh là một trái tim dành cho thơ đích thực. Điều này không dễ nhận ra đâu, nhất là trong ngày hôm nay, ngày mà các vấn đề về văn học nghệ thuật, đặc biệt là thơ đang hết sức khó nhận diện. Thơ dở trèo lên, la làng, phách lối, úm ba la khiến những người viết chân chính không khỏi thở dài ngán ngẩm. Đông, rất đông các nhà thơ tưởng chừng như được sinh ra để làm thơ một cách bất tận và bất cẩn xúm xít tuôn ra những vần thơ vô lối không hiểu để làm gì trong khi thực ra thơ đích thực hoàn toàn khác. Đến mức, một nhà phê bình phải thốt lên: Thế quái nào, bây giờ ở ta ra ngõ gặp nhà thơ. Tôi sợ các bố các mẹ ấy lắm. Có người còn thẳng thắn Họa thay làng xóm nhà mình/ Cả làng leo lẻo thơ tình như ranh. Bản thân các nhà thơ luôn bị chế giễu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc các phim truyền hình thì luôn phải trong vai nhí nhố, dở ông dở thằng, dở hơi, những nhân vật gây cười. Thơ thì sao? Thơ bị từ chối ở khắp nơi. Thơ như dịch hạch gây sợ hãi cho chính những người yêu thơ nhưng cũng vô cùng lạ lùng là các nhà thơ quần chúng, các câu lạc bộ thơ vẫn không ngừng phát triển, cứ như là thách thức một cái gì đó.
Những nhà thơ đích thực chắc là rất đau lòng.
Nguyễn Anh Nông là một người như vậy. Anh đã từng tuyên ngôn trong thi phẩm Tha hương: Một bước ngỡ tới đâu/ Ngàn vạn bước chửa tới mình/ Ta như kẻ tập đi với đôi chân bé bỏng/ Đường đời dài rộng/ Đường tình chông chênh/ Phận mình lênh đênh/ Thăm thẳm trời mây hun hút gió/ Đăm đắm bàn tay lá cỏ/ Miền cực lạc vinh quang đâu tá/ Bao ngựa xe gục ngã ven đường/ Ta/ Một kẻ tha hương/ Kẻ tha hương lầm lỗi/ Giá áo cơm đổi nửa cuộc đời/ Nay trở về bái vọng quê hương/ Ôi buồn nhất/ Người thân ta ngoảnh mặt/ Đời tha hương ngay ở trái tim mình (Tha hương).
Nguyễn Anh Nông mang hồn vía của một thi sĩ từng trải những đớn đau mất mát tột cùng trong đời sống. Cũng có lúc anh ngoa ngôn phóng dụ nhưng sự thật dưới mặt đất vẫn luôn cám dỗ anh hơn. Anh đến với thơ tự nhiên và thảng thốt cứ như thể không đến với nàng sẽ chẳng có chùa nào để anh tu dưỡng tâm tính. Anh có nhiều câu thơ, bài thơ khỏe khoắn và vạm vỡ nhưng những đột khởi khiến người đọc sửng sốt thán phục lại là những bài thơ ngắn, thậm chí là cực ngắn Hai chàng từng là địch thủ/ Choảng nhau có lúc mẻ đầu/ Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau (Cảm tác). Nếu mình không dám đi xa/ Câu thơ suông chẳng thiết  tha mặn nồng/ Đã không có lửa trong lòng/ Đừng mơ hái một cành hồng tặng ai (Lửa và hoa). Cóc tía cóc vàng/ Hiển hiện sự hiền minh thông tuệ/ Các ngài uy nghi ngạo nghễ/ Mắt chớp chớp lim dim ngán ngẩm nhìn giời/ Ngày các ngài hóa đá/ Lũ nòng nọc loi nhoi/ Cháu con ca bài ca cũ/ Bạc như vôi (Cóc). Đồng bạc/ Là bông hồng/ Cũng có thể là cái gai. Đồng bạc/ Không là nước/ Mà bao kẻ đắm chìm. Đồng bạc/ Không là gió/ Mà hất em xa tôi (Đồng bạc). Chiều/ Hai đứa trẻ/ Vật nhau trên cỏ/ Chỉ vì một con dế cụ. Đêm trăng tỏ/ Hai người lớn tuổi/ Rì rầm trên cỏ/ Chỉ vì một đứa trẻ con (Trên cỏ). Ừ nhỉ, anh yêu em/ Yêu em mãnh liệt/ Yêu tao tác đất vùi cỏ lấp/ Những đứa con lừng lững với đời (Yêu em). Mây bay, ừ nhỉ mây bay!/ Khát khao tôi ngửa bàn tay hứng trời/ Mưa rơi từng giọt mưa rơi/ Bàn tay tôi đậu mảnh trời xinh xinh/ Ngắm nhìn giọt nước lung linh/ Mà sao thấy cả bóng hình nước non/ Ô hay, giọt nước con con/ Mà như tích tụ ngọn nguồn gió mưa (Giọt nước). Em - bông hoa nhỏ xinh tươi/ Một thời chang chói/ Một thời kiêu sa. Ước gì em mãi mãi hoa/ Và hoa kia mãi mãi là hoa khôi/ Gió mưa sao cứ dập vùi/ Nỗi hoa tàn tạ nỗi tôi nát nhàu/ Chiều, em đứng đợi bên cầu/ Sắc hoa đã nhuốm một màu tương tư (Em và hoa). Chiều xa, em hỡi, mênh mông quá/ Hờ hững cây rừng lững thững xanh...
Nguyễn Anh Nông làm thơ từ chính những gì anh cảm thấy trong cuộc sống. Thơ anh phản ánh đầy đủ và chân thực cá tính cũng như nhân cách của anh, một người thâm trầm, độ lượng nhưng cũng luôn riết róng với văn chương chữ nghĩa. Trong thơ anh, những hình ảnh, sự việc, ý tứ, ước mơ và đặc biệt là cách triển khai chúng bằng chính những chữ mà anh thuộc nhất, giày vò anh nhất nên hiệu quả thẩm mỹ từ đó mang lại cũng như sức ngân vọng loang xa là lớn. Anh có những câu, những chữ thần tình nhưng vỏ ngoài vô cùng giản dị Nhoi nhói trong xương thịt anh/ Hau háu đàn kiến đói (Linh cảm). Thế giới có khuôn mặt khác/ Ngươi là thánh thần/ Ngươi là quỷ ác/ Trái tim ngươi bỏng hơn mặt trời (Đối thoại cùng mây bay). Em cứ đuổi theo anh như hình với bóng/ Ta thành người cổ điển lúc yêu nhau (Thơ tình lính biển). Nhà thơ bỏ thơ đi viết báo/ Rồi hết đời vẫn cứ tay không (Trâu ơi).
Thơ Nguyễn Anh Nông có một mảng lớn dành cho đồng đội. Không chỉ những người đang sống mà cả những người đã khuất, đặc biệt là những người đã hy sinh. Không chỉ với những người chiến thắng, những tướng tá được vinh thăng mà là cả những người phía bên kia, những bà mẹ, những người vợ mỏi mòn sau cuộc chiến. Trong cung bậc tình cảm của mình, nỗi đau nhà thơ thậm chí sâu hơn nỗi đau của người trong cuộc. Vốn nhạy cảm, trái tim thi sĩ Nguyễn Anh Nông rỉ máu khi viết về những đắng cay, thiệt thòi của người phụ nữ sau chiến tranh Có chồng con bỗng tay không/ Đắng cay đời chị long đong phận tình/ Sớm khuya thui thủi một mình/ Nhà ai bát đũa ngọt lành rau dưa... Nhớ ngày giỗ anh tôi về/ Chị ngồi gõ mõ thầm thì hư vô.../ Chị ơi! Chị đáp: Nam mô!/ A... Di... Đà... Phật... sững sờ bóng quen/ Thế thì thôi, thế thì tin/ Cõi người cõi Phật biết vin cõi nào/ Cõi trời cõi đất thanh tao/ Cúi đầu tôi lạy cõi vào thiên thu (Cõi thu).
Cũng là viết về đồng đội, năm 2009, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trong tập sách tuyển Một thời đánh giặc một thời làm thơ của NXB Nhi đồng lựa chọn, bình tuyển và giới thiệu 65 bài thơ do nhà văn Ngô Vĩnh Bình chủ biên đã chọn bài Những tháng năm ở rừng. Theo như trí nhớ của tôi, bài này được anh viết khá sớm tại huyện biên giới Thạch An, tại tỉnh Cao Bằng khoảng năm 1988 sau bốn năm bám trụ tại ở đây. Bài này khá đặc trưng chất Nguyễn Anh Nông Những tháng năm ở rừng/ Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc/ Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc. Những tháng năm ở rừng/ Ăn trong nắng, ngủ trong sương/ Ngày mấy bận ngóng thư/ Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió. Những tháng ở rừng/ Đồng đội mấy người gục ngã/ Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng. Những tháng năm ở rừng/ Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói/Tin quê bão bùng lụt lội... Những tháng năm ở rừng /Người thân xưa hờ hững hóa người dưng/ Ngày xuống phố thẩn thờ, ngơ ngác. Những tháng năm ở rừng/ Bập bùng bao kỷ niệm/ Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm/ Âm ỉ cháy trong ta da diết.
Nguyễn Anh Nông có một thế mạnh là mảng thơ viết cho thiếu nhi dầy dặn phong phú với cách thể hiện hấp dẫn mà soi chiếu vào đấy sẽ mở ra nhiều điều bổ ích từ tư duy hồn nhiên, trong trẻo: Xưa anh trống đi dạy học/ Việc nhà có chị mái mơ/ Chị gánh bao nhiêu khó nhọc/ Anh trống hồn nhiên vô tư/ Chị mái đêm qua cáo bắt/ Để lại đàn con măng tơ/ Anh trống vào ra lộc ngộc/ Cái dáng cao gầy lắc lư... Ngày ngày anh trống lên lớp/ Cái dáng buồn đau thẫn thờ/ Dạy học trò thầy quên hết/ Chỉ nhớ vần ò... ó... o... (Thầy giáo gà trống). Mèo dạy hổ tập võ/ Hổ học rất hăng say/ Ngỡ đã giỏi hơn thầy/ Hổ giở trò, thử miếng. Hổ nhe nanh, giơ vuốt/ Vồ hụt sư phụ mèo/ Sư phụ - người biết trước/ Giấu mánh nghề, mang theo/ (Truyền cho trò tất cả/ Chỉ giữ miếng trèo leo). Trên cây cao nhìn xuống/ Sư phụ mèo cười vang/ Hổ run rẩy, luống cuống/ Toát mồ hôi, bẽ bàng. (Mèo và hổ). Thấy anh Nhện nhảy dù/ Kiến con khâm phục lắm!/ Một sáng sớm tinh mơ/ Kiến vừa đi vừa nhẩm: - Một... hai... ba... trèo cây/ Bốn... năm... sáu... nhảy xuống/  Bảy... tám... chín... bay bay/ Chao ơi, là... sung sướng. Vừa nói kiến vừa làm/ Đôi chân run lẩy bẩy/ Trèo lên được ngọn cây/ Kiến loay hoay, luống cuống. Trèo lên, đã khó rồi/ Nhảy xuống đâu có dễ?/ "Học đòi... cha mẹ ôi!?"/ Kiến kêu la ầm ĩ. (Kiến con học nhảy dù). Nhong nhong nhong nhong/ Bé cưỡi nhựa hồng/ Ngựa phi nước đại/ ở trong căn phòng/ Nhong nhong nhong nhong/ Ngựa phi ra phố/ Xe cộ tránh xa/ Nhỡ què ngựa gỗ/ Ngựa phi hăng quá/ Hất bé té nhào/ Đã là kỵ sĩ/ Chẳng thèm nhè đâu (Kỵ sĩ ngựa gỗ).
Nhưng đến những vần thơ sau cũng là viết cho thiếu nhi thì tôi, bạn đọc của anh, đồng nghiệp của anh bỗng bàng hoàng Mướp mới nhú mầm/ Giàn ai đã dựng/ Giàn cao sừng sững/ Mướp bé tèo teo/ Ngày tháng trôi vèo/ Mướp cao cao mãi/ Mướp cao cao mãi/ Phủ xanh mặt giàn/ Mướp bèn nhâng nháo/ Ăn nói vênh vang/ Rằng ta cao lớn/ Thấp sao cái giàn...
Mảng thơ thế sự của Nguyễn Anh Nông cũng rất dày dặn và khu biệt. Thế sự của Nguyễn Anh Nông là một thế sự ngổn ngang nỗi đau, những bất cập, vô lý thậm chí cả những tai ách trái khoáy của cuộc đời. Sự thật bao giờ chả ngổn ngang ngang trái. Vấn đề là trước những sự thật ấy, ứng xử của tư cách nhà thơ, tư cách công dân ra sao mới là điều cần bàn. Ở cái ranh giới sợi tóc chẻ tư ấy, nếu không có một tấm lòng bao dung, cái tâm trong sáng và cả tài năng nữa sẽ dễ nghiêng về những oán thán, khinh khi, thù vặt mà quên mất chức năng cao quý của người cầm bút. Nguyễn Anh Nông là người đã vượt qua được cái lằn ranh sợi tóc ấy một cách bản lĩnh bằng sự chiêm nghiệm của mình.
Nguyễn Anh Nông viết không nhiều nhưng thơ anh luôn neo được ở trong lòng độc giả. Anh đã in các tập Bàn tay lá cỏ, Tập I - NXB Văn học năm 1993; Bàn tay lá có, Tập II - NXB Văn học năm 1995; Kỵ sĩ ngựa gỗ, Thơ thiếu nhi - Sở Văn hóa Thông tin Hòa Bình năm 1998; Mây bay, Tập thơ - Sở Văn hóa Thông tin Hòa Bình; Những tháng năm ở rừng - NXB Quân đội Nhân dân 2005 và gần đây là Trường ca Trường Sơn - NXB Văn học 2009. Các tuyển thơ quan trọng và có bề dày thời gian đều có thơ của anh. Thơ anh đã được người yêu thơ dịch ra nhiều thứ tiếng. Anh là người rất sớm cập nhật Internet và các tác phẩm thơ, trường ca của anh mau chóng đến được với bạn đọc không riêng ở Việt Nam. Từ các hồi âm khách quan đã cho thấy chỗ đứng vững chắc của thơ anh với công chúng yêu thơ, điều này là rất khó khăn trong buổi lạm phát thơ hôm nay.
Gần đây, sự chiêm nghiệm và đằm chín đã càng khẳng định ở ngòi bút đang tuổi sung sức nhất. Anh đã đoạt các giải thưởng trung ương và địa phương nhưng điều quan trọng nhất là những người cầm bút đồng thời luôn trân trọng anh là một nhà thơ, một thi sĩ đúng nghĩa. Thơ anh ngày càng bỏ đi được những rườm rà không cần thiết, những véo von mà đi thẳng tới điều căn cốt nhất làm lên giá trị thi ca đích thực, đó là sự thức tỉnh lương tâm của con người.

Đã vượt qua chặng đường dài với không ít khó khăn mà một ngòi bút dễ tính sẽ ngộ nhận và gục ngã trong những xưng tụng từ chính mình và cánh hẩu. Nguyễn Anh Nông, người luôn tư duy độc lập trong nghệ thuật, người dấn thân và trải nghiệm với những vần thơ, được độc giả công nhận đang bước tiếp chặng đường của riêng anh. Thơ anh ngày càng nhuần nhị, sâu sắc, hóm hỉnh và minh triết. Với anh, thơ ngay ở trái tim mình.