Trần Tiến khỏe khoắn về cảm xúc, gu thẩm mỹ rất chịu khó cập thời, và chắc sẽ còn hợp thời lâu lâu. Không đơn điệu mà biến hóa tài tình như một phù thủy âm nhạc, ở các vùng miền ông đều có bài hát hay vận dụng dân ca những nơi ấy, từ núi non vùng cao cho đến biển đảo, cho đến đồng ruộng sông ngòi châu thổ. Đề tài cũng muôn mặt, có những điều tưởng như khó thành nhạc mà rốt cuộc vừa lãng mạn vừa triết, chẳng hạn cái khoảnh khắc đi qua hải quan, hoặc tương quan nhanh chậm giữa những cái kim đồng hồ... Tôi vẫn nghĩ rằng lời ca của Trần Tiến thì những nhà thơ hàng đầu cũng có khi phải lấy làm ghen tị. Thế mà, đôi khi cứ vương vấn, nhạc ấy, lời ca ấy đã đủ nói lên tất cả rồi, chẳng cần đâu những lời phi lộ như có lúc tác giả cứ đội thêm cho nó cái mũ sặc sỡ lúc trời không mưa không nắng.



MÓN TRỘN CHO TAI NGHE

HỒ ANH THÁI

Người thích Trần Tiến thì gặp những bài như “Mưa bay tháp cổ” là thấy khoái cái tai nghe. Mắt nhìn nữa chứ, hình ảnh đẹp như một bức tranh hiện đại đôi ba nét chấm phá đơn sơ. Lời ca cũng là một thứ thơ hiện đại và sống động nhịp điệu.

Trần Tiến khỏe khoắn về cảm xúc, gu thẩm mỹ rất chịu khó cập thời, và chắc sẽ còn hợp thời lâu lâu. Không đơn điệu mà biến hóa tài tình như một phù thủy âm nhạc, ở các vùng miền ông đều có bài hát hay vận dụng dân ca những nơi ấy, từ núi non vùng cao cho đến biển đảo, cho đến đồng ruộng sông ngòi châu thổ. Đề tài cũng muôn mặt, có những điều tưởng như khó thành nhạc mà rốt cuộc vừa lãng mạn vừa triết, chẳng hạn cái khoảnh khắc đi qua hải quan, hoặc tương quan nhanh chậm giữa những cái kim đồng hồ... Tôi vẫn nghĩ rằng lời ca của Trần Tiến thì những nhà thơ hàng đầu cũng có khi phải lấy làm ghen tị. Thế mà, đôi khi cứ vương vấn, nhạc ấy, lời ca ấy đã đủ nói lên tất cả rồi, chẳng cần đâu những lời phi lộ như có lúc tác giả cứ đội thêm cho nó cái mũ sặc sỡ lúc trời không mưa không nắng.

Bây giờ trở lại với bài "Mưa bay tháp cổ": “Mưa bay tháp cổ/Mưa bay trên đá/ Trăm năm bước phù du/ Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa/ Cong cong năm ngón ngũ hành/ Trăm năm bước mộng du/  Nam mô nam mô nam mô nam mô Bút đa/Một vòng thôi miên Apsara/ Nhật nguyệt trên cao sáng tỏ/ Em múa nghiêng ngả/ Hoang sơ tháp cổ/Hoang sơ vũ điệu xưa/ Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa/Nam mô nam mô A di đà/ Hoang sơ tháp cổ/ Cong cong năm ngón ngũ hành/ Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa/ Nam mô nam mô A di đà/Nam mô nam mô nam mô nam mô But đa/ Trăm năm em múa ngả nghiêng, ngả nghiêng, ngả nghiêng/ Mưa bay tháp cổ/Mưa bay trên đá/ Trăm năm bước mộng du/ Trăm năm bước phù du”.

Ma mị. Người nghe bị hút vào quay cuồng trong ấy, có đôi lúc mê man như nhập đồng. Nhưng rồi có lúc thoát ra thì nghĩ, tháp Chàm có bàn tay xây đắp của một cộng đồng theo đạo Hồi ngày xưa, sao lại có Apsara trong ấy?

Apsara là những vũ nữ trên thiên đường, theo thần thoại của đạo Bà La Môn (Brahminism). Bà La Môn là tiền thân của đạo Hindu sau này. Có phải những giáo sĩ Ấn Độ đầu tiên mang Bà La Môn giáo đến xứ Chăm đã mang theo nhóm tam thần Brahma, Shiva, Vishnu cùng các vũ nữ Apsara. Hay là trước tiên họ đã mang đến đạo Hồi, rồi cao hứng pha trộn thêm một chút thần thoại Bà La Môn có từ hàng ngàn năm trước.

Ngắm tháp Chăm thấy những điều lạ. Hồi giáo nghiêm cấm việc vẽ hình người. Đền thờ Hồi giáo chỉ có hình trang trí hoa lá, những hình kỷ hà theo kiểu hình học, không bao giờ vẽ người dựng tượng người. Allah Chúa Trời và giáo chủ không phải là hữu hình mà mắt trần con người có thể nhìn thấy, càng không thể vẽ lại được. Con người cũng là không thể tư duy được, không thể họa lại. Ấy vậy, trong tháp Chàm đạo Hồi lại có hình các vị thần Bà La Môn, thậm chí là các vũ nữ Apsara khoe vẻ đẹp hình thể. Một sự hòa hợp văn hóa dẫn đến giao hòa tôn giáo, phải vậy không. Lạ. Và thú vị.

Trong "Mưa bay tháp cổ", lại còn thêm sự giao hòa “cong cong năm ngón ngũ hành” của phương Bắc, lại còn thêm “Bút đa” và “A di đà” Phật giáo. Đấy là Trần Tiến cảm nhận ngộ nhận mà đặt thêm vào. Tháp Chàm cổ của đạo Hồi và đạo Bà La Môn có tượng Phật không nhỉ. Và cả cái ngũ hành kia nữa. Rồi cả cái không gian của nhật nguyệt của mưa của đá, đấy dường như là không khí của tín ngưỡng Bái Vật giáo cổ xưa nhất của nhân loại.
Lạ. Thú vị. Thêm cả một tiếng cười khe khẽ. Món thập cẩm nhạc và thơ lạ tai lạ miệng, khiến người ta nhớ dai.
Hậu thân của Bà La Môn giáo là Hindu giáo, mà Hindu lại coi Đức Phật Buddha là kiếp thứ chín của thần Bảo Vệ Vishnu đấy. Trên đất Ấn Độ, trong nhiều đền thờ Hindu có tượng Phật tranh Phật.
Có thể coi cái vĩ thanh này là lời đáp cho phản biện về việc Trần Tiến đặt Bút đa vào giữa không gian tháp Chàm đạo Hồi và Bà La Môn. Có nhà nghiên cứu cho rằng đạo Phật là tôn giáo đến sớm nhất với người Chăm.

Vậy chăng, người ta chỉ có thể nghe nhạc bằng tai, trong khi cái đầu cứ vương vấn về món thập cẩm hòa trộn nhiều gia vị. Và liệu người ta có nên bỏ công xét đoán hương vị nào với hương vị nào khi mà vị giác đang cảm nhận món thập cẩm ấy là ngon.