Cuộc đời luôn có những khúc ngoặt trước mặt, những
người tốt không phải lúc nào cũng nhận được những viên kẹo ngọt ngào. Và Vũ Từ
Trang cũng vậy. Ở tuổi thất thập, anh đón nhận một cái tin không tốt về tật bệnh
của mình. Con người cứng cáp, rắn rỏi, khỏe mạnh như anh giờ phải đối mặt với
những đợt hóa trị, xạ trị... Nhưng dường như, sức mạnh của một nhà văn, một
nhà thơ từng có nhiều năm tháng bôn ba trong cuộc hành trình của đời văn, đời
người vẫn là điểm tựa để anh đi tiếp hành trình còn dang dở của mình. Và bên anh,
là gia đình, là người vợ tảo tần bao năm tháng nhọc nhằn cùng anh gánh vác. Và
bạn bè vẫn luôn chờ anh mỗi ngày để được rong ruổi đến những miền đất của làng
quê, của tình yêu.
NHÀ
THƠ VŨ TỪ TRANG: NHỮNG THÁNG NGÀY NGƯỢC DỐC
TRẦN HOÀNG THIÊN KIM
Anh là người không nhiều bè bạn, nhưng ai đã biết Vũ
Từ Trang, đều dành cho anh những tình cảm chân thành, bền bỉ. Là bởi vì,
anh sống với bạn, dù đó là người lớn tuổi hơn hay kém anh đôi chục tuổi, đều ân
cần, chăm chút và tình nghĩa. Bởi vậy, mà khi hay tin anh mắc phải căn bệnh hiểm
nghèo, phải đi hóa trị, xạ trị... ai cũng đầy âu lo, mong anh vượt qua được
dông bão cuộc đời, để lại hiền hòa như xưa trên những cung đường dạo chơi văn
chương, thơ ca.
Nhà thơ Vũ Từ Trang tên thật là Vũ Công Đình, quê ở
Trang Liệt, Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Chính vì thế nên anh lấy mấy chữ đầu
của thôn mình, huyện mình ghép thành bút danh Vũ Từ Trang. Anh học trường kiến
trúc, nhưng rồi đam mê nghiệp viết, nên ngay khi duyên tình cờ đi học xong khóa
6 trường Bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, anh đã quyết tâm
theo đuổi nghiệp văn chương.
Anh từng làm việc ở Bộ Xây dựng, rồi làm phóng viên
Báo Tiểu công nghiệp, Thủ công nghiệp, sau đó chuyển sang công tác tại Báo
Doanh nghiệp và Nghiên cứu nghề cổ đất Việt để được đi đến các vùng miền của đất
nước viết về những gì mình thích. Khi ấy, một số kiến trúc sư bạn anh từng hỏi
liệu quyết định ấy có hồ đồ không? Anh chỉ cười thầm, chẳng minh chứng điều gì,
chỉ quyết tâm dấn thân với con đường văn chương, chữ nghĩa.
Tờ báo anh làm việc chỉ là tờ báo của ngành, nhưng
điều thú vị nhất là anh lại được phân công chuyên nghiên cứu về các tổ nghề,
các nghề truyền thống của đất Việt.
Những ghi chép, những tài liệu tra cứu đã không chỉ
giúp anh có những bài báo ngay tức thì, mà sau đó anh còn tập hợp để in thành một
cuốn sách khảo cứu về Nghề đẹp tỉnh Bắc (dày hơn 200 trang - in năm
1982) khái quát và nghiên cứu kỹ càng các nghề truyền thống ở Bắc Ninh và Bắc
Giang. Đây cũng là món quà tinh thần đầu tiên anh dâng tặng quê hương. Sau này,
anh đã tiếp tục đi và viết rồi in tập sách khảo cứu “Nghề cổ nước Việt” dày
368 trang (năm 2001). Năm 2002, tái bản. Tới năm 2007, anh xuất bản tập “Nghề
cổ đất Việt” dày 600 trang. Nó không còn là một cuốn sách về nghề của đất Việt,
mà nó còn là một cuốn sách về văn hóa làng nghề công phu và toàn diện để truyền
lại cho thế hệ sau.
Dường như, cuộc đời và số phận của mỗi con người đã
được ông trời định đoạt. Đi nhiều, viết nhiều về làng nghề, nên nhà thơ Vũ Từ
Trang đã mở một xưởng gỗ và một cửa hàng bán đồ gỗ ngay tại nhà riêng của mình ở
phố Bạch Mai. Bán thì không biết thế nào, nhưng bạn văn thì đến với anh nhiều
vô kể.
Không ít nhà văn, nhà thơ, các bạn hữu xa gần đều có
một cái bàn, cái ghế, cái thứ gì đó từ cửa hàng của Vũ Từ Trang về nhà mình như
một vật kỷ niệm. Tiếng là bán cho bạn bè, nhưng anh lấy công làm lãi. Đồ gỗ của
anh đẹp, tinh xảo, thậm chí là... đắt, nhưng thực tình anh "vừa bán vừa tặng"
vì nể, vì yêu quý bạn văn, chứ lãi lời gần như không có. Không phải chỉ mua đồ,
có những nhà văn đến xin anh cả véc-ni, giấy rám để về đánh bóng lại những chiếc
bàn ghế cũ.
Những lúc ấy, Vũ Từ Trang xởi lởi mang cho cả hộp,
còn đóng gói cẩn thận, thậm chí bảo nếu bác không làm được thì để anh cho thợ đến
tận nơi giúp bác. Bởi thế ai rời khỏi nhà anh mua đồ hay xin đồ về cũng yêu
thương anh hơn ở cái tấm chân tình, ở cái sự xuề xòa và ân nghĩa ấy. Bởi xuề
xòa, yêu quý và chiều các bạn văn, nên bạn đến chơi với anh toàn những người...
đã ở tuổi xế chiều như nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn, Lữ Giang, Yến Lan, Thợ
Rèn, Ngô Quân Miện, Nguyễn Bản, Thanh Hào, Lê Bầu, Võ Văn Trực, Nguyễn Xuân
Thâm, Tạ Vũ, Nghiêm Đa Văn... Họ giờ đã về với tổ tiên, nhưng cái còn lại
trong đời sống vẫn là những câu chuyện đủ đầy về một thời đại văn học từ những
năm sáu bảy mươi của thế kỷ trước được Vũ Từ Trang ghi chép lại, in thành các
bài báo và đã in thành các tập sách như “Phía sau con chữ” và “Nhà
văn độc hành độc bộ”. Những trang viết ấy, những phận người ấy đầy tài năng và
cô đơn.
Như Vũ Từ Trang chia sẻ: "Họ có những người là
bạn, có người là bậc cha chú mình. Có người nổi tiếng, có người còn khuất lấp,
có người đã thiệt phận. Tôi muốn viết những kỷ niệm chân tình và ấm áp về họ.
Ngay cả những người đang nổi tiếng hoặc rất nổi tiếng thì tôi cũng chỉ muốn viết
về những ngày tháng mà họ lận đận nhất. Có nhiều nhà văn phải mang một số
phận không mấy bình yên, may mắn. Họ có góc khuất của cuộc đời. Một Tạ Vũ, nhà
thơ nhưng là một người thợ sơn vôi, thợ bốc vác, lúc nào cũng cạn tiền, thiếu
rượu. Một nhà thơ Lương Vĩnh từng phải làm những công việc "dưới đáy"
như nhân viên đi đổ thùng, làm thợ móc cống. Một Nguyễn Ngọc Ly, người mưu
sinh bằng nghề đạp xích lô nhưng sống chết với thơ, từng có thơ trên Báo Văn
nghệ từ năm 1966. Một Nghiêm Đa Văn một tài năng đau đớn giữa phận người. Một
Trúc Cương long đong, lận đận vợ con, cơm áo, thèm cả chén rượu nhạt trong đời
cũng khó... Tôi muốn ghi chép lại tình cảm thiêng liêng và trong sáng với con
chữ của một lớp người, của một thời đã qua. Người đọc, qua chân dung các nhà
văn, nhà thơ thân mến của tôi phần nào nhận ra con người tôi".
Rõ ràng, các nhà văn, không chỉ ngươi của một thời
đã xa mà có rất nhiều người của thời nay, họ yêu quý anh bởi sự đôn đáo, rộng
rãi. Cần xe đưa đón, anh đến tận nhà đưa đón, cần đi chơi đi bát phố thậm chí
có lúc giữa chiều phóng xe ra ngoại thành làm đôi chén rượu quốc lủi quê, ngắm
hoàng hôn rơi xuống, kể vài ba câu chuyện hồi ức xa xưa rồi đến tối mịt lại chở
nhau về. Nhiều lúc anh còn mời bạn ở lại dăm ba bữa. Nhà thơ Thanh Tùng
trước đây mỗi lần từ Hải Phòng lên Hà nội đều chỉ tá túc chỗ anh. Nhà thơ Hoài
Anh khi còn sống cũng thường ở lại nhà anh làm chỗ trọ, có khi đi đi về về cả
tháng trời. Mà khổ nỗi, các nhà thơ già thì tính khí khề khà, sinh hoạt
thì không có tổ chức, Vũ Từ Trang và vợ, không chỉ cơm nước mà còn giặt giũ, dọn
dẹp phòng ngủ ngăn nắp, cẩn thận ngày ngày. Rồi lại tươi tỉnh, chu đáo đón tiếp
các bác như một người thân yêu trong gia đình.
Có lẽ, nếu chỉ nói về Vũ Từ Trang với tư cách nhà
báo đông bè bạn, một nhà viết ký, viết chân dung kỹ lưỡng tỉ mẩn thôi cũng chưa
đủ. Anh còn viết văn, mà văn của anh "bán" được đủ tiền để gom góp
thêm mua căn nhà ở phố Nguyễn Cao. Đó là tiền nhuận bút truyện dài Miền đất
đợi chờ và tiểu thuyết Chiều dài mùa hạ. Và hơn hết, có một con
người thi nhân trong đời sống đã làm nên Vũ Từ Trang và đã đưa anh trở thành một
người đặc biệt đầy nhân văn, đầy tử tế. Anh thật lạ, trong cuộc sống đủ đầy,
trong sự vẹn toàn của tất thảy mọi thứ, vẫn thấy một nỗi cô đơn xâm chiếm, một
nỗi khao khát không bờ về một chân trời thi ca, mộng tưởng và cái đẹp vĩnh hằng.
Vũ Từ Trang đã in nhiều tập thơ như: Thời trai trẻ,
Ngược dốc, Lẻ và không lẻ, Những vòng tròn không đồng tâm, và gần đây là Cây
chuyển mùa được dư luận chú ý.Có lúc anh cảm phục về một nhà văn khác:
"Rũ bỏ bon chen thường nhật/ bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi như manh áo chật/ bỏ hết
khen chê/ để sống đúng mình/ muốn viết về cái đẹp không bao giờ bị khuất phục/
không sợ kẻ nghênh ngang trọc phú/ chỉ biết đem tấm lòng chia sẻ/ và chịu hệ lụy
bởi con tim đa cảm của mình/ Có lúc tôi tự hỏi/ mình có dám sống như ông?/ hoặc
cuộc đời xô đẩy như ông/ liệu có biết cỏ sau mưa điềm nhiên đứng dậy?/ Sống
đúng mình vẫn là khó nhất/ kìa, ánh trăng/ lặng lẽ chảy mê man ngõ nhỏ..." (Về
một nhà văn).
Hay đơn giản hơn, một nỗi buồn man mác khi gợi nhắc
những kỷ niệm: "Ta uống cạn một ly kỷ niệm/ và uống cạn một ly hẹn
hò/ rồi chia tay/ lá vẫn rơi cà phê Lối cũ/ Con đường ấy giờ không qua nữa/ em
đi rồi/ anh cũng ra đi/ chỉ còn nắng dùng dằng như muốn nói/ lối hồn xưa sao ai
lỡ không về..." (Cà phê Lối cũ).
Có lúc, lòng buồn thê lương khi nghĩ về một bến Sông
mê: "Con sông cô độc âm thầm chảy/ có ghé về thăm bến ven làng?/ mưa đổ tứ
mùa, ùa gió thốc/ trời xanh đường vắng, nắng ngân vang/ Ở đấy, cỏ cây ta thương
lắm/ lối mòn mây ướt mướt chân em/ hãy nghe giun dế đầy tâm sự/ tấu lên một
khúc lúc độc hành/ Này sông mệt mỏi đừng trôi nữa/ uẩn ức tim ta muốn vỡ òa/
còn còn mất mất là muôn thưở/ sỏi đá vì ai hóa ngọc ngà?...".
Cuộc đời luôn có những khúc ngoặt trước mặt, những
người tốt không phải lúc nào cũng nhận được những viên kẹo ngọt ngào. Và Vũ Từ
Trang cũng vậy. Ở tuổi thất thập, anh đón nhận một cái tin không tốt về tật bệnh
của mình. Con người cứng cáp, rắn rỏi, khỏe mạnh như anh giờ phải đối mặt với
những đợt hóa trị, xạ trị... Nhưng dường như, sức mạnh của một nhà văn, một
nhà thơ từng có nhiều năm tháng bôn ba trong cuộc hành trình của đời văn, đời
người vẫn là điểm tựa để anh đi tiếp hành trình còn dang dở của mình. Và bên anh,
là gia đình, là người vợ tảo tần bao năm tháng nhọc nhằn cùng anh gánh vác. Và
bạn bè vẫn luôn chờ anh mỗi ngày để được rong ruổi đến những miền đất của làng
quê, của tình yêu.
Như bài thơ anh viết trên giường bệnh đầy lạc quan,
tin tưởng: "Ranh giới cái sống cái chết/ đâu nghĩ đời anh phải ập tới
nơi này/ Số phận giáng anh những đòn chí mạng/ Mình có là gì đâu một tia nắng
mong manh/ Một lá cỏ rưng rưng đằm sương trong suốt/ Một ngọn khói chiều bảng lảng
vị rạ rơm/ Một mũi cày thèm hương đất mới/ Một hơi ấm mơ hồ khi tay nắm tay/
Anh không sợ, nhưng nỗi buồn sập đến/ buồn ơi, tan đi, ta phải cố lên nhiều/ Dẫu
dông bão vạn ngàn bất trắc/ Cây vẫn chuyển mùa, chồi lá lại tươi non...".