Thế nhưng ngay từ khi từ điển của Nguyễn Lân ra đời không lâu thì đã có phản ứng của giới học thuật. Trên tạp chí Văn ở TP Hồ Chí Minh, số 6, tháng 9 và số 8, tháng 11 năm 2000, Huệ Thiên trong bài viết Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, mới chỉ “đọc lướt’’ các vần A, B, C (chiếm 1/5 quyển sách) mà đã chỉ ra 117 mục từ sai. Tiếp đó Lê Mạnh Chiến chỉ ra 170 sai lầm trong một cuốn từ điển để đăng nhiều kỳ trên tạp chí Thế giới mới… và nhiều bài phê bình khác nữa.
Thay vì trả lời nghiêm túc và chỉnh sửa những chỗ sai, thì Giáo sư Nguyễn Lân lại phủ nhận tất cả các ý kiến của nhà nghiên cứu Huệ Thiên, cho nó là sai lệch và từ nào cũng mắc sai lầm cả, mà không chỉ ra sai lầm chỗ nào. Đối với bài viết của Lê Mạnh Chiến cũng vậy, những người thuộc “phe” cụ đã có những tác động ngoài học thuật: khiến cho tạp chí Thế giới mới đã đăng được 6 kỳ (từ số 582 ra ngày 26/4/2004 đến số 587 ra ngày 31/5/2004), mới nói được 67/ 170 lỗi thì bị dừng lại. Sau đó Lê Mạnh Chiến đã phải đăng bài ở tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Thừa Thiên-Huế) với tiêu đề Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt. Bài viết được tạp chí Văn hóa Nghệ An số 56 (tháng 01/2005) đã đăng lại sau đó.
Mặc dầu đã có một số người vạch ra chỗ sai một cách cụ thể với số lượng rất lớn như thế, nhưng các nhà xuất bản vẫn liên tục in ra với số lượng lớn: Từ điển từ và ngữ Hán Việt được NXB. TP. Hồ Chí Minh in năm 1989, tái bản 1999; NXB. Từ điển Bách khoa in lại, 2002; NXB. Văn học tái bản 2003, 2007; Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1989, NXB. Khoa học xã hội tái bản năm 1993; riêng NXB. Văn học, năm 2003 tái bản lần thứ nhất, sau đó liên tục các năm 2014, 2015, 2016, 2017 tái bản tổng cộng đến gần 10.000 cuốn; Từ điển từ và ngữ Việt Nam NXB. Tổng hợp TP.HCM xuất bản lần đầu năm 2000, tái bản 2006; Muốn đúng chính tả, Thịnh Đức xuất bản, 1949; NXB. Văn hóa Thông tin tái bản 2010, 2012…
Quyển sách dày 676 trang khổ 16x24 cm sửa chữa hàng ngàn lỗi trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Muốn đúng chính tả của GS. Nguyễn Lân. Với mỗi mục từ giải thích sai, Hoàng Tuấn Công đều trưng ra các cách hiểu đúng trong các từ điển uy tín khác, bằng tiếng Việt cũng như tiếng Hán hay ngoại ngữ khác, rồi biện luận nó. Xin đưa vài ví dụ dễ thấy nhất và chỉ ở 3 mục A, B, C:
NL: Ái nam, ái nữ. Có cả hai bộ phận sinh dục ngoài của nam và nữ.
HTC: Nếu theo cách mô tả của GS Nguyễn Lân có lẽ đây là một ca sinh đôi có “cả hai bộ phận sinh dục ngoài” của một người nam và một người nữ nhưng chung một cơ thể chăng ? Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức “Ái nam. Tiếng gọi đàn ông hay đàn bà không đủ bộ phận sinh dục. Có khi gọi ái nam, ái nữ, cũng là người bán nam, bán nữ”. Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê giải nghĩa: “Ái nam, ái nữ. Có bộ phận sinh dục ngoài không giống của nam, cũng không giốngcủa nữ”. Như vậy cách “hình dung” về bộ phận sinh dục người ái nam, ái nữ của soạn giả không đúng và nghe thật đáng sợ !
NL: Anh hùng nhất khoảnh (khoảnh: thời gian ngắn) Nói người tự cho mình là hơn cả mọi người trong một thời gian: Ở bến xe có tên lưu manh tự mình cho là anh hùng nhất khoảnh.
HTC: Chữ “khoảnh” trong câu thành ngữ gốc Hán này tự dạng là (頃), có nhiều nghĩa: khoảng ruộng 100 mẫu; thoáng chốc, khoảnh khắc… Ở đây, khoảnh (nghĩa đen = khoảng rộng 100 mẫu) được hiểu là một vùng, một địa phận, khu vực (chỉ không gian) chứ không phải khoảnh khắc (chỉ thời gian) như GS lầm tưởng. Thành ngữ nói kẻ chỉ (dám) xưng hùng, xưng bá, làm mưa làm gió trong một khu vực nhất định. Cái “bến xe” mà tên lưu manh tự xưng anh hùng trong câu dẫn chứng của GS chính là“nhất khoảnh” (chỉ không gian) đấy thôi.
NL: Âm phủ (âm: chết; phủ: dinh thự) Chỗ người chết ở theo mê tín.
HTC: Sai ! Ở đây “âm” là thế giới của người chết chứ không phải “chết”, “phủ” là là cõi chứ không phải “dinh thự”.
NL: Bất chắc. Không chắc nhưng có thể cũng sẽ diễn ra: Phòng khi bất chắc dụng binh (Tú-mỡ)
HTC: Người Việt chỉ nói không chắc chứ không dùng kết hợp từ: bất (không) + chắc (chắc chắn) = không chắc. Hơn nữa, soạn giả đã lẫn lộn giữa bất chắc (từ do tự GS Nguyễn Lân nghĩ ra) có nghĩa không chắc và bất trắc với nghĩa không lường được trong câu thơ của Tú Mỡ. Sai sót này xuất phát từ lỗi phát âm không phân biệt “ch”và “tr” dẫn đến lỗi chính tả, và cuối cùng là lỗi từ vựng của chính người làm từ điển.
NL: Cầm cương nảy mực (Cầm cương ngựa và nảy mực lên mặt gỗ để cưa). Điều khiển và chỉ dẫn những người dưới quyền làm theo: Trong những năm Hồ Chủ tịch cầm cương nảy mực.
HTC: Nhầm lẫn. Cầm cân chứ không phải “cầm cương”. Có lẽ GS cho rằng người cầm cương điều khiển để con ngựa rẽ theo ý muốn, còn người nảy mực nảy lên mặt gỗ để chỉ dẫn thợ mộc cứ thế làm theo? Thế nhưng người ta dùng chiếc cân để so sánh với công lý, và nảy mực tàu được ví với cách làm thẳng thắn, khách quan, không thiên, không lệch (có câu Thẳng mực tàu làm đau lòng gỗ là vậy). Hai vế của thành ngữ đều nói về sự thẳng thắn, công bằng, không thiên, không lệch, chứ không phải nói về sự dẫn đường chỉ lối. Cũng nên lưu ý soạn giả: người ta chỉ nảy mực lên mặt gỗ để xẻ (dọc) cho thẳng. Còn “cưa” (ngang) không ai nảy mực làm gì.
NL: Cử tọa (cử: cất lên; tọa: ngồi) Tất cả những người dự một buổi họp: Lời tuyên bố đó khiến cử tọa vỗ tay như pháo nổ.
HTC: Ở đây Giáo sư giảng sai nghĩa của cả hai từ “cử” và “tọa”. Cho dù đều có tự dạng là舉, nhưng chữ “cử” trong cử tọa nghĩa là hết thảy, tất cả chứ không phải là “cất lên”. Ví như cử quốc = cả nước (Hán Việt tự điển - Thiều Chửu) Hán Việt tự điển-Trần Văn Chánh giải nghĩa chữ “cử”: “Cả, khắp, tất cả đều, mọi, hết thảy mọi người: 舉座 Tất cả những người dự họp; 舉國歡騰 Khắp nước tưng bừng”. Thứ hai, chữ “tọa” (座) đây là chỗ ngồi chứ không phải chữ “tọa” (坐) là “ngồi”.
Về chính tả, sách GS. Nguyễn Lân sai sơ đẳng quá, không hiểu nổi:
Trỗi dậy, Từ điển Nguyễn Lân dạy viết (sai) là: Chỗi dậy; Rớm máu, sai thành: Dớm máu; Quyến rũ, sai thành Quyến dũ; Sàm sỡ, sai thành: Xàm xỡ; Sặc sỡ, sai thành Xặc sỡ; Màu sẫm, sai thành Màu xẫm; Con rạ, sai thành Con dạ; Xơ cứng, sai thành Sơ cứng; Muỗi như trấu, sai thành Muỗi như chấu; Nõ điếu, sai thành Lõ điếu v.v.
Thiếu những phẩm chất ấy mà vẫn làm từ điển nên mới sai như vậy. Không thể nói tôi yêu tiếng Việt nên tôi làm từ điển. Yêu, nhưng anh có đủ năng lực để yêu không? Không phải ai cứ yêu tiếng Việt rồi ngồi làm từ điển. Cũng không thể nói cụ làm từ điển lúc cụ trên 90 tuổi rồi, nên sai. Nếu đã 90 rồi thì tốt nhất các cụ nên vui hưởng tuổi già, tưới cây, chơi với cháu chắt, ai bắt các cụ ngồi làm từ điển làm gì cho khổ mình khổ người.
Để bênh vực cụ, có những quan chức trong ngành xuất bản còn nói như những người ngoại đạo hoàn toàn: “Chỉ có nhân dân mới hiệu chỉnh, còn nhà khoa học này không thể hiệu chỉnh nhà khoa học khác mà chỉ có thể trao đổi” (!) (Cục trưởng Cục xuất bản – in và phát hành Chu Văn Hòa trong trả lời phỏng vấn của VOV ngày 11-8-2017). Chúng ta đều biết nhân dân là một khái niệm trừu tượng, làm sao sửa? Trong khoa học có sai có đúng, có những cái sai chỉ những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực ấy mới hiểu được, nhưng cũng có cái sai mà người có hiểu biết ở trình độ phổ thông cũng hiểu, thậm chí có những cái sai thì học sinh cũng có thể sửa được (như trường hợp sai chính tả).
Trong khoa học hay trong đời sống cũng vậy, không ai biết hết được, sai thì sửa, không nên tự cao tự đại, tự ái: mình chỉ có đúng, không ai sửa được mình, hay mấy người kia trẻ con biết gì!
Năm 1930 trên Phụ nữ tân văn, Phan Khôi lúc bấy giờ mới hơn 40 tuổi, đã viết bài Cảnh cáo các nhà “học phiệt” nhắm tới Phạm Quỳnh, một học giả lừng danh bấy giờ, ông viết: “Học phiệt” là “Hạng người ấy ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi. Đã hay rằng mình giỏi, song thế nào cho khỏi sự sai lầm, vậy mà họ tự phụ quá, cứ mạt sát hết. Ừ, cái dư luận nào không chánh đáng, họ mạt sát chẳng nói làm chi; cái nầy, khi người ta công kích họ một cách chánh đáng, mà họ cũng làm thinh. Làm thinh, không phải tỏ ra là họ phục; nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét. Tôi dâng cho họ cái huy hiệu “học phiệt”, lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới, cũng như bọn “quân phiệt”, đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh trị bên Tàu.” (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 62 ngày 24.7.1930).
Công trình Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công không phải không có sai sót, không phải không ít chỗ phải bàn lại, nhưng điều đáng ghi nhận là ở thái độ khoa học sòng phẳng. Công trình này đã làm được công việc như Phan Khôi nói trước kia: cảnh cáo các nhà “học phiệt” - trong khoa học, chỉ có đúng sai, không có chỗ cho học phiệt, nhờ thế nhận thức của con người mới tiến lên.
Nếu Giáo sư Nguyễn Lân còn sống, tôi không nghĩ cụ là “học phiệt”, mà chắc cụ sẽ trả lời các phê bình. Nhưng những người bênh vực cụ không phải bằng lý lẽ mà bằng sự im lặng, hay phản bác trịch thượng, thì làm sao tránh được sự cảnh cáo kia?