Sau gần một năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày, nhà thơ Thanh Tùng đã qua đời lúc 21h50 ngày 12-9-2017 tại tư gia, hưởng thọ 83 tuổi! Ông đã sống một cuộc đời mơ mộng và đôn hậu, trọn vẹn với thi ca!
Lễ nhập quan lúc 8h ngày 13-9, tại tư gia 24/7 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM.
Lễ viếng bắt đầu từ 12h ngày 14-9, tại Nhà tang lễ TPHCM số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM.
Lễ truy điệu và di quan lúc 12h ngày 16-9. An táng tại Nghĩa trang Chánh Phú Hoà, Bến Cát, Bình Dương.



TÁC GIẢ “THỜI HOA ĐỎ” RA ĐI KHI KHÔNG CÒN “HOA NHƯ MƯA RƠI RƠI”

LÊ THIẾU NHƠN


Nhà thơ Thanh Tùng quê gốc Nam Định, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Sau một thời gian đi Thanh Niên Xung Phong, Thanh Tùng quay lại thành phố cảng làm việc ở Nhà máy cơ khí. Thực tế lao động và chiến đấu, đã giúp ông trở thành một gương mặt thơ công nhân tiêu biểu. Ông viết: “Cái nghề khuân vác của tôi/ Trong cơn mơ còn thấy những giọt mồ hôi cười/ Tôi sợ nó và tôi yêu nó/ Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con”.

60 năm gắn bó với Hải Phòng, Thanh Tùng đã trân trọng từng kỷ niệm với song Cấm, với chợ Sắt, với Cầu Rào, với Hàng Kênh, với Tam Bạc. Hải Phòng không chỉ cho Thanh Tùng những câu thơ mạnh mẽ và say đắm: “Thành phố gầy như ngực mẹ tôi/ Tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa/ Không dám cả cười buông thả/ Sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành/ Bờ sông khúc khuỷu hoang sơ/ Nham nhở cỏ xanh tràn mép phố/ Những cô gái thập thò sau khung cửa/ Ánh mắt như màu rượu đã lâu ngày…” mà còn cho ông một mối tình lãng mạn và si mê mang theo suốt hành trang thi sĩ.

Ông yêu người phụ nữ đẹp tên là Thanh Nhàn. Bà đã mang đến cho ông những ngày nồng nàn, để ông có bài thơ “Thời hoa đỏ” vào năm 1972: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khoa/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng cho lòng ta yên/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa/ Em hát một câu thơ cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi…”. Đáng tiếc, hai đứa con Thi và Hương lần lượt ra đời vẫn không thể nào níu giữ mái ấm hạnh phúc mong manh của họ.

Chia tay, Thanh Tùng làm nhiều nghề để nuôi hai con, từ buôn bán vỉa hè đến áp tải xe hàng. Nỗi đau mất người vợ vẫn nhói buốt trong ông từng ngày, những nghẹn ngào thương nhớ trào ra những câu thơ đau đớn: “Em đã để lại trong tim tôi một mũi dao/ Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút/ Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết/ Những mùa thu ướt máu vẫn đi về/ Bây giờ mọi thứ thuốc đều vô hiệu/ Tôi chữa bằng rượu thôi/ Hết rượu rồi tôi uống cả mùa thu/ Cả những chiều đông lướt thướt/ Xong, lại tự nhấn sâu thêm nữa/ Mũi dao ngày xưa/ Nhưng có sao khi trái tim tôi cũng thành bình rượu/ Cả mũi dao kia cũng đã say mèm”.

Năm 1983, bà Thanh Nhàn mất, Thanh Tùng đứng ra lo lắng chu toàn hậu sự cho vợ cũ. Hình bóng người phụ nữ của “Thời hoa đỏ” một lần nữa trở lại trong thơ ông. Bài “Sau thời hoa đỏ”, Thanh Tùng viết: “Em xa đã lâu/ Máu vẫn đập trong lời thơ cũ/ Để tình yêu gieo buồn vào muôn thuở/ Bởi chúng mình sống chết hoá thành thơ/ Bão táp đi qua/ Mảnh sắc đầy nhà/ Tim anh đập phía nào cũng xót/ Như câu thơ mỗi lần ai hát/ Lại một lần khóc ngày xưa/ Lại một lần anh cưới em về/ Lại một lần thời hoa đỏ/ Trải vô cùng đến tận cõi đam mê”.

Năm 1995, Thanh Tùng chuyển vào Sài Gòn định cư. Mảnh đất mới đã cho ông nguồn cảm hứng mới: “Gió tự do thổi rộng mặt hè/ Nắng như vắt ra từ trái xoài thơm”. Sau 10 năm chan hoà với đô thị sầm uất phương Nam, Thanh Tùng đã có được trường ca “Hành phương Nam” tri ân xứ sở cưu mang: “Người đã chấp nhận tôi bỏ qua nhiều nguyên tắc/ Còn tôi lấy mộng mơ thay cho bao giấy tờ phiền toái”.

Nhà thơ Thanh Tùng có một dáng vẻ vạm vỡ và gân guốc, nhưng tâm hồn anh yếu mềm và run rẩy. Mỗi khi xúc động, Thanh Tùng dễ dàng oà khóc như một đứa trẻ. Ngoài bài thơ “Thời hoa đỏ” được Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, Thanh Tùng còn có hai bài thơ được Phú Quang phổ nhạc rất được yêu thích là “Hà Nội ngày trở về” và “Mùa thu giấu em”. Tuy nhiên, Thanh Tùng thích nhất là tự hát thơ mình. Khi cao hứng, dẫu bên tách trà hoặc cạnh chén rượu, Thanh Tùng lại vung tay lên trời để cất giọng ngân nga: “Có bao nhiêu chiều trong một chiều, mà ngổn ngang mặt gió/ Có bao nhiêu nhớ hoà trong nhớ, mà dáng cây nghiêng lệch cả hoàng hôn/ Chiều căng ra ở giữa lòng buồm/ Chiều vỡ vụn nơi đầu ngọn sóng/ Chiều chết đuối nơi mắt người mong ngóng/ Chiều nén đầy đáy giếng góc vườn hoang/ Tôi gửi lại ngàn sau/ Tôi gửi đến muôn xưa/ Trái tim tầm tã sương chiều”.

Phần lớn năm tháng cuộc sống của nhà thơ Thanh Tùng phải nếm trải nhiều cơ cực, nhưng ông luôn hồn nhiên và nhân ái với mọi người. Ông không màng danh lợi, cũng xa lánh những ganh đua. Ông chỉ có thơ, để yêu thương và trân trọng cõi dương gian chật chội. Ông đã bộc bạch về sự có mặt của mình: “Tôi ra đời trên đám mây lang thang/ Ngày ấy chưa có bom nguyên tử… / Mọi bông hoa được nở hết mình/Mùa thu được buồn/ Mùa xuân được hát”. Và hôm nay, nhà thơ Thanh Tùng đã sang thế giới bên kia, những người quý mến ông lại đọc thơ của ông để tiễn biệt ông: “Thôi rồi, đứt nỗi hôm nay/ Đành hẹn lối vào kiếp khác/ Tôi tin có một mầm xanh/ Ủ vào mùa đông kiếp trước…/ Bây giờ tôi đi giật lùi/ Tình yêu ở phía sau tôi”./.


                                          Sài Gòn, đêm 12-9-2017