Không biết từ khi nào, có lẽ từ đầu năm 1987, chiều thứ năm hàng tuần, tụ tập rất đông người trên đoạn phố đầu Trần Quốc Toản, xung quanh tòa soạn báo Văn nghệ. Một vài đám trong quán nước chè chen trên vỉa hè. Một dãy dài xích lô mà chủ nhân của nó nằm ghếch chân lên càng, mũ chụp lên mặt không biết thức hay ngủ. Những người đàn ông qua qua lại lại như đi tập thể dục. Không biết họ là ai và cũng không ai nghĩ họ là ai. Hóa ra họ là những người chờ đợi để được mua sớm nhất tờ Văn nghệ tuần đó. Khi chiếc xe chở một ít báo từ nhà in về tòa soạn thì những người ấy liền vào mua, người đọc người mang đi bán. Sự đón đợi của bạn đọc trên phố những năm ấy đã thành lệ, và dù sau này lâu lắc bao nhiêu thì những người làm báo Văn nghệ thời đó cũng khó mà quên được.



CÓ MỘT THỜI BÁO CHÍ SÔI ĐỘNG NỮA KHÔNG?

TRẦN HUY QUANG

Có lẽ trong giới báo chí cũng như mọi người còn nhớ có một thời báo chí sôi động bởi những phóng sự văn học nói về những bức bách, nghịch lí, bất công của cuộc sống với tinh thần nhập cuộc và trách nhiệm công dân của các nhà báo. Đó không phải là những vụ việc có tính hình sự hay khêu gợi sự tò mò giết, hiếp hay hotgirl lộ hàng như thị hiếu hôm nay. Mà là những vấn đề sống còn của sự phát triển, độ vênh của lí thuyết và cuộc sống thực tại, những chính sách lỗi thời trở thành sự cản trở sự đi lên của xã hội mà chưa tháo gỡ… Phải nhớ rằng thời đó, thực tiễn cuộc sống đã đặt ra những vấn đề của sự phát triển xã hội mà các chính sách không theo kịp, không cập nhật được đã là mối quan tâm hàng đầu của dư luận. Yêu cầu đó buộc trí thức và giới truyền thông phải dũng cảm dấn thân với trách nhiệm công dân cao cả. Hơn nữa với tinh thần “cởi trói”, báo chí cũng như văn học nghệ thuật nói chung, đã tiệm cận được đến tính Chân Thiện Mĩ như trong Nghị Quyết 05 của Bộ chính trị (khóa 6)…
Làm nên một thời kì sôi động ấy, phải là nhiều tiếng nói với âm tầng cao thấp nóng lạnh khác nhau, đa thanh, đa âm, không riêng của một giai điệu nào dù nó có là giai điệu. Ở đây với sự quan sát hạn hẹp chủ quan, người viết chỉ đề cập đến sự nhập cuộc hăng hái và trách nhiệm của tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, dường như chính nó, với đặc thù vừa là văn chương vừa là báo chí, đã làm sống lại một thể loại văn học mà Văn hào Vũ Trọng Phụng khởi xướng cách đây hơn nửa thế kỉ, thể loại Phóng sự điều tra đầy chất văn học. Nhất là khi nhà văn Nguyên Ngọc về làm tổng biên tập thì nó là sự cộng hưởng của nhiều đòi hỏi đổi mới và phát triển.
Văn chương như tiếng chim gọi bầy, một tiếng chim cất lên véo von thì cả bầy như vẫy gọi mà hót theo, một tiếng cất lên nửa chừng bị bóp nghẹt thì cả bầy liền im bặt. Khi “Câu chuyện về ông Vua Lốp” (Trần Huy Quang) báo Văn nghệ ra vào đầu năm 1987 lên tiếng về người dân mất quyền sản xuất, làm ra của cải cho xã hội lại là tội, và đòi quyền được tư hữu của cải nhà cửa mình làm ra, phóng sự ấy không những không bị cấm mà còn được in đi in lại nhiều nơi, được nhiều người tìm đọc thì nó như một tín hiệu tốt đẹp cho những người viết. Quả nhiên, liền đó những bút kí phóng sự phản ánh những bức xúc xã hội tới tấp gửi đến báo Văn nghệ. Những Cơn sốt vàng ở Hiệp Đức của Trinh Đường, Tiếng hú con tàu của Vân Anh, Lời khai của bị can của Trần Huy Quang, Đá nổi xôn xao của Hoài Tố Hạnh, Làng giáo có gì vui, Anh hùng khi đã sa cơ của Hoàng Minh Tường…
Có lẽ lần đầu những khoảng tối trong quản lí nhà nước được trình bày trên mặt báo một cách cặn kẽ đầy đủ và rất gây xúc động. Phương châm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật đang là xu hướng trong quá trình đổi mới để phát triển, lần đầu tiên người đọc bình thường mới được nghe, được đọc, được tiếp cận với những sự thật cay đắng, khốc liệt và đầy nước mắt trong cuộc sống con người. Người ta phá tan tất cả để tìm vàng, những con tàu lầm lũi nhếch nhác, những mái trường mà giáo viên như những anh hành khất… những khuất lấp ấy lần đầu tiên như bước ra ánh sáng. Nỗi đau này là có thật, nó không còn được khoác tấm voan hào nhoáng nữa. Thân phận một anh thợ thủ công Hà Nội mỗi năm làm ra hàng ngàn chiếc lốp xe thồ bằng phế liệu mà còn bị bỏ tù, bị tịch thu nhà cửa, mất quyền mưu cầu hạnh phúc… thế mà vẫn luôn thắp hương cầu khấn các cơ quan pháp luật khỏe mạnh và sáng suốt làm cho đúng pháp luật, đừng đổ oan cho người dân làm ăn lương thiện… lần đầu tiên được trưng ra, nó động đến tâm can và lương tri người bình thường, làm nhức nhối những người lãnh đạo có tâm huyết với đất nước. Lời khai của bị can không chỉ nói về sự lệch pha giữa cơ chế và cuộc sống, chính sách và thực tế, mà nó là thân phận của một người lao động, một người thợ. Trong bài Phiếm luận về văn học nghệ thuật, Trần Bạch Đằng viết “Không biết bao nhiêu khái niệm tưởng chừng nằm chết trong các công thức bất di bất dịch, nay bị cuộc sống sốc dậy, lật bề mặt, bề trái, mổ xẻ… vấn đề dân chủ, tự do, tự do ngôn luận, vấn đề đánh giá lịch sử, đánh giá con người… trong từng quốc gia XHCN đòi giải đáp chân thực, có những giải đáp trần trụi khiến chúng ta lạnh toát người như “Sám hối” ở Liên Xô và “Lời khai của bị can” ở Việt Nam ta”. Và đây nữa, cũng của Trần Bạch Đằng: “Lời khai của bị can” rất ngắn gọn song mang tầm bao quát phản ánh cái khiến tất cả những ai còn chút lương tri đều nhức nhối…” (Văn nghệ số 17 năm 1988).
Những người làm báo đều rất mong muốn có những bài hay. Trong một số báo có nhiều bài hay là sự không thể, nhưng một tuần, một tháng, một quí phải có vài bài khá hoặc hay có thể gây dư luận. Nhưng báo Văn nghệ thời đó đã làm được hơn thế. Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp đang làm bạn đọc nức nở chưa nguôi thì Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu, một truyện ngắn lạ đến nỗi tòa soạn lúc đầu định in làm hai kì, sau sợ không ra được kì hai, nên cứ in một kì. Quả nhiên số báo ra không bị cấm nhưng ý kiến quá khác biệt nên tòa soạn phải làm một cuộc hội thảo về Khách ở quê ra. Khách ở quê ra vừa yên thì lại đến Cái bóng cọc, một truyện ngắn nói về sự vô cảm của con người của Bùi Hiển. Ban biên tập lại phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, mà không biết kiểm điểm về cái gì.
Tuy nhiên, những quả bom phát nổ kể trên đã làm rung chuyển 17 Trần Quốc Toản nhưng cũng chưa phải là động đất để lại dư chấn cho mãi đến hôm nay trong giới văn học như khi in tiểu luận của Nguyễn Minh Châu: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa.
Không biết từ khi nào, có lẽ từ đầu năm 1987, chiều thứ năm hàng tuần, tụ tập rất đông người trên đoạn phố đầu Trần Quốc Toản, xung quanh tòa soạn báo Văn nghệ. Một vài đám trong quán nước chè chen trên vỉa hè. Một dãy dài xích lô mà chủ nhân của nó nằm ghếch chân lên càng, mũ chụp lên mặt không biết thức hay ngủ. Những người đàn ông qua qua lại lại như đi tập thể dục. Không biết họ là ai và cũng không ai nghĩ họ là ai. Hóa ra họ là những người chờ đợi để được mua sớm nhất tờ Văn nghệ tuần đó. Khi chiếc xe chở một ít báo từ nhà in về tòa soạn thì những người ấy liền vào mua, người đọc người mang đi bán. Sự đón đợi của bạn đọc trên phố những năm ấy đã thành lệ, và dù sau này lâu lắc bao nhiêu thì những người làm báo Văn nghệ thời đó cũng khó mà quên được.
Phản ứng của các cấp quản lí với những phóng sự trên báo hết sức tích cực. Hà Nội đã tổ chức mấy cuộc họp để cùng báo chí giải quyết vấn đề “Vua Lốp”, như Trần Bạch Đằng viết người có chút lương tri đều cảm thấy nhức nhối. Nhưng cuộc sống đâu phải chỉ có số phận người thợ thủ công hay doanh nghiệp nhỏ bị cơ chế xóa sổ, một đoàn tàu nhếch nhác, một đơn vị từng là anh hùng nhưng vướng cơ chế mà tàn lụi? Cuộc sống muôn hình vạn trạng lắm, mà nhìn vào đâu cũng thấy vướng. Số phận người nông dân, chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối như thế sao không đủ ăn? Người lính sau hàng chục năm chiến đấu trở về, sao họ sống khổ vậy? vân vân… là những vấn đề chưa có trên mặt báo. Cả vấn đề đạo đức, hình như đang bị băng hoại. Nói chung là văn hóa, cái mà cần chống đỡ nhất để nó không bị hăng hoại là văn hóa. Tổng biên tập Nguyên Ngọc nêu vấn đề như vậy và kêu gọi các nhà văn trong và ngoài tòa soạn viết.
Trong số báo Tết năm 1988, bên cạnh rất nhiều bài vui khẳng định những thành quả xây dựng CNXH, có một bài bút kí đọc rơi nước mắt của một cây bút rất mới, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc. Chấn động của bút kí ấy còn đến hôm nay là chuyện không còn phải bàn, nhưng cái bút kí ấy gây ra một hậu quả không ai ngờ. Tác giả của nó, anh Phùng Gia Lộc phải trốn chạy khỏi quê nhà, anh ra Hà Nội tá túc nơi bạn bè người ít bữa, nhất là vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc cưu mang anh mấy tháng trời, cho đến khi mọi việc được dàn xếp. Cái hệ quả thứ hai là phản ứng của ông Đặng Bửu bằng một bức thư in ở trang Bạn đọc nhưng nó đã gây nên một đợt phong ba của những người phản ứng lại phản ứng của ông Đặng Bửu. Hàng tuần tòa soạn nhận được hàng ngàn thư phê phán ông Đặng Bửu bảo thủ, không dám nhìn thẳng vào thực tại của đời sống nông dân hiện nay. Lúc đầu tòa soạn trích đăng những thư ấy, sau nhiều quá và thấy không cần thiết nên chỉ nêu tên và cảm ơn. Tiếp đó là phóng sự Người đàn bà quì của Trần Khắc, Nỗi oan khuất của cây dâu của Quách Vinh, Hành trình N P K của Trương Điện Thắng, Trở lại những cánh rừng của Trần Quang Quí, Đêm trắng và Tiếng đất của Hoàng Hữu Các. Những phóng sự sinh động và sâu sắc vê nông dân và nông thôn tồn tại như một tác phẩm văn học…
Với vấn đề nông dân, nông thôn, chỉ với Cái đêm hôm ấy đêm gì và Người đàn bà quì, chúng ta đã đi thẳng vào cái mấu chốt của nông thôn, cái tình thế cực kì cấp bách: nếu không đổi mới thì nông dân không lâu nữa sẽ trở lại thời chị Dậu của Tắt đèn. Phải giải phóng nông dân khỏi hợp tác xã, phải đưa ruộng đất trả về cho nông dân. Nhưng bằng cách gì mà vẫn giữ được đường lối. Không tưởng như nước kết hợp với lửa, không khó làm sao người ta phải loay hoay hàng mấy chục năm? Cuối cùng thì cũng có người đành liều đi theo lối mà một người trước đó đã từng đi nhưng không ai cho đi, đó là khoán ở Hải Phòng và mạnh mẽ hơn là làng Thổ Tang trên Vĩnh Phú. Thổ Tang là một ngôi làng rất lạ. Năm 1975 họ đã mang hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng vào bán cho dân Sài Gòn. Họ là nơi độc quyền cung cấp thịt bò thịt trâu cho cả Hà Nội luôn mấy chục năm. Họ có chợ lao động từ rất lâu, những năm 60, thế kỉ trước.Với tính nhạy bén và coi trọng hiệu quả, họ đã thực hiện khoán ruộng cho nông dân từ thời ông Kim Ngọc bí thư. Khoán là một cách trung hòa được giữa công hữu và tư hữu ruộng đất, người nông dân được giao ruộng đất để cày cấy nhưng không phải ruộng của họ, chỉ như nhà nước cho mượn vậy. Chỉ thế thôi nhưng sản lượng đã lên, năng suất đã tăng, nông dân không còn bị đói…
Nhà văn Nguyên Ngọc vốn quen biết Vĩnh Phú nên cử nhà văn Trần Huy Quang đi viết về khoán nông nghiệp ở Thổ Tang và ngay tuần sau trên báo đã có bút kí Người biết làm giàu viết về cách làm giàu của dân Thổ Tang. Thổ Tang có cái chợ rất to, chợ làng nhưng cả huyện cả tỉnh, các tỉnh đều đến đó cất hàng. Người Thổ Tang không có thứ gì là không buôn, từ lông gà lông vịt, da trâu, da hổ, thuốc bắc, hồ tiêu, trầm hương, đồng đen đến ô tô, máy bay hỏng, máy thủy, toa xe lửa... Dân Thổ Tang biết buôn bán mới giàu nhưng không bỏ ruộng. Ruộng của họ đã có chợ lao động làm. Chợ họp lúc 4, 5 giờ sáng, người tứ chiếng không công ăn việc làm cứ đến đó. Dân Thổ Tang xách đèn ra soi, xem ai được thì đưa về, làm trong ngày, cày hay gặt, xong thanh toán. Họ chỉ tính đến hiệu quả, cả làng làm vậy nên không ai phê phán ai là bóc lột…
Chọn Thổ Tang để viết, tôi nghĩ Nhà văn Nguyên Ngọc gặp tình cờ nhưng khi báo ra một thời gian thì mới biết nhiều tỉnh, nhiều huyện muốn hướng nông thôn mình phát triển theo kiểu Thổ Tang. Thổ Tang cũng là nơi trên về nghiên cứu tham khảo để ra NQ 10.
Gần cuối năm, phóng sự trên báo lại gây vài chấn động nữa: Thủ tục làm người còn sống của Minh Chuyên và Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa của Võ Văn Trực. Người lính tưởng đã chết, đơn vị báo tử nhưng người lính ấy chỉ bị thương không chết được người dân cứu sống, sau hòa bình mới tìm được về quê hương. Nhưng anh đã là liệt sĩ rồi thủ tục để anh thành người còn sống lại cực kì gian nan. Bút kí gây xúc động ở chỗ người ta thấy người lính muốn làm người sống còn khó hơn chết. Tiếng kêu cứu về một vùng văn hóa là bài kí đầu tiên trong ý tưởng phản ánh về sự xuống cấp hay đổ vỡ về văn hóa và đạo đức được tòa soạn giành nhiều thời gian triển khai. Xây dựng lại phải bắt đầu từ văn hóa. Văn hóa dễ bị phá vỡ nhưng rất khó để xây dựng lại. Và cũng rất chậm để hồi phục.
Nhưng báo Văn nghệ đã có sự thay đổi, thời tiết đã thay đổi. Tổng biên tập báo, Nhà văn kích hoạt cho một thời văn học đạt đến đỉnh cao, đã chuyển sang Hội làm công tác khác. Trên đoạn phố Trần Quốc Toản, vào chiều thứ năm hằng tuần, người ta không còn thấy những chiếc xích lô nối đuôi nhau dài từ đầu phố đến ngã tư Bà Triệu – Trần Quốc Toản, chủ nó lơ mơ chỉ để chờ mua cho được sớm nhất, đọc sớm nhất một thiên phóng sự mới trên báo Văn nghệ.