Đọc “Luận chiến Văn chương” (quyển 4) thấy Chu Giang dẫn Phạm Trọng Yêm, dẫn Phật,… Nhưng chỉ riêng câu tác giả dẫn đi dẫn lại “Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu, hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc” (tr. 249, và nhiều trang khác) thì sai cả. Câu này của Phạm Trọng Yêm, một nhà tư tưởng thời Bắc Tống, được trích trong “Nhạc Dương lâu ký”, đã quá nổi tiếng  phải là: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Người ta lo trước cái lo của thiên hạ, mà vui sau cái vui của thiên hạ như thế, đâu phải lẫn lộn “nhi – chi”.



KIỂM DỊCH “LUẬN CHIẾN VĂN CHƯƠNG” CỦA CHU GIANG

KIỀU MAI SƠN

Phê bình “kiểm dịch” các nhà nghiên cứu, nhà phê bình vậy nhưng Chu Giang để lộ ra nhiều chỗ ông chẳng bà chuộc trong các bài bút chiến của mình.
“Luận chiến Văn chương” (quyển 4), gồm 30 bài viết, đa số in trong tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được tác giả tập hợp lại in thành sách. Nội dung các bài viết trong sách, tác giả Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu “kiểm dịch” các giáo sư: Phong Lê, Trần Đình Sử (“Kiểm dịch Giáo sư Phong Lê hai triệu câu Kiều” (tr. 21– 29); “Kiểm dịch Giáo sư Trần Đình Sử” với 3 bài (tr. 79 – 114)… Đồng thời, tác giả phê bình các giáo sư, tiến sĩ: Trần Hữu Tá, Chu Văn Sơn, Văn Giá… các nhà văn: Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên,…
LƠ TƠ MƠ VỀ LỊCH SỬ
Chẳng hiểu sao, gần đây, cứ ai nhắc đến Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu là tôi lại gật gù nhớ đến câu thơ của Tố Hữu “mắt sáng quắc tay xanh lòe mã tấu”. Mới đọc Chu Giang thì thấy tác giả có cái miệng biện sĩ, thành thạo đủ cả chuyện Đông Tây kim cổ, kể ra, nếu có chỗ tranh luận thì hẳn miệng biện sĩ này ắt là nên đưa đi tiên phong vào chỗ trận tiền. Nhưng quả thật, những kiến thức mà Chu Giang viết trong “Luận chiến Văn chương” (quyển 4) còn rất lỗ mỗ. Đầu tiên là lơ tơ mơ về kiến thức lịch sử.
Trong bài “Mấy vấn đề Văn học từ Hội nghị Tam Đảo” (2016), khi trao đổi với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trong 2 trang 241 và 241, nhiều lần Chu Giang nhắc đến mốc người Pháp đô hộ Việt Nam suốt trăm năm (1847 – 1945).
Tôi không rõ cái mốc năm 1847 Chu Giang nghe lỏm ở đâu, chứ các bộ chính sử của chúng ta đều viết, người Pháp chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam ngày 31/8/1858 ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Trong “Lịch sử Việt Nam” (tập 3) do GS Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2016) và mới đây nhất, bộ “Lịch sử Việt Nam” (15 tập), do PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam làm Tổng chủ biên, NXB Khoa học Xã hội (2017) cũng đều ghi nhận thời điểm Pháp xâm lược Việt Nam là năm 1858.
Chính từ mốc Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng năm 1858 nên Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong “Tuyên ngôn Độc lập”: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”.
Đấy là sai sót lịch sử thứ nhất của Chu Giang.
Chu Giang viết nhiều về Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí, nhưng viết rằng năm 1934 Phạm Quỳnh được đưa vào Nam triều (tr. 54) và báo Đông Tây của Hoàng Tích Chù định công kích Nam Phong (tr. 55) thì lộ ra cái sai sót thứ hai về lịch sử.
Năm 1932 Phạm Quỳnh đã vào Nam triều làm Ngự tiền Đổng lý Văn phòng. Còn năm 1934 là Nam Phong tạp chí đóng cửa sau 17 năm hoạt động. Và Hoàng Tích Chù (1912 – 2003) là tên của họa sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Mỹ thuật. Còn người làm báo Đông Tây mà Chu Giang muốn nhắc đến, không có dấu huyền, tức là Hoàng Tích Chu (1897 – 1933). Đó là hai anh em.
Sai sót thứ ba về lịch sử của Chu Giang khi viết về nhiều trí thức tinh hoa của Việt Nam thời cận đại và hiện đại. Trang 323 viết sự kiện năm 1916 trước khi Trần Trọng Kim cho in “Việt Nam sử lược” thì có biến Trung Kỳ, Trần Cao Vân và nhiều người khác bị xử chém. “Hoàng đế nước An Nam – Vua Thành Thái – thì bị đày đi tận đảo Réunion, giữa đại dương, gần cực nam Phi châu” (tr. 323).
Sự thật, vua Thành Thái đã bị phế truất từ năm 1907. Vị vua của nước An Nam lúc này mà Chu Giang muốn nói là Hoàng đế Duy Tân, con trai của vua Thành Thái.
Trang 263, Chu Giang viết: “cụ Nguyễn Văn Tố, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp…” là sai. Cụ Nguyễn Văn Tố là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên (2/3/1946).  Khi hi sinh, cụ Nguyễn Văn Tố đương chức Bộ trưởng Không bộ của Chính phủ.
Chu Giang dẫn sự kiện “Lò vôi thế kỷ” (Hà Giang – 1979) ở trang 272 thì tôi không rõ đấy là lò vôi nào. Phải chăng lò nung vôi để tôi rồi xây nhà? Chứ còn “Lò vôi thế kỷ” ở Hà Giang trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược là chỉ chiến trường Vị Xuyên mãi năm 1984 kia ạ.
Chỉ riêng trang 267 thì nhiều sai sót về lịch sử của Chu Giang khi viết “Tứ long Quỳnh – Vĩnh – Tốn – Tố” và viết về Nguyễn An Ninh “Nhật hất Pháp, ra tận Côn Đảo mời ông về cộng tác, làm Thủ tướng. Nguyễn An Ninh từ chối và hi sinh trong lao tù Côn Đảo”.
Thứ nhất, “Quỳnh – Vĩnh – Tốn – Tố” là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn và Nguyễn Văn Tố được gọi là “Tứ hổ Tràng An”. Còn “Tứ long” có lẽ do Chu Giang nhớ lộn lèo. Thứ hai, Nguyễn An Ninh chết ở Côn Đảo ngày 14/8/1943. Vậy thì sau ngày Nhật hất Pháp (9/3/1945), họ ra Côn Đảo mời vong hồn Nguyễn An Ninh về làm Thủ tướng ư?
THIẾU KIẾN THỨC BÀI BẢN, HỆ THỐNG
Đọc “Luận chiến Văn chương” (quyển 4) thấy Chu Giang dẫn Phạm Trọng Yêm, dẫn Phật,… Nhưng chỉ riêng câu tác giả dẫn đi dẫn lại “Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu, hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc” (tr. 249, và nhiều trang khác) thì sai cả. Câu này của Phạm Trọng Yêm, một nhà tư tưởng thời Bắc Tống, được trích trong “Nhạc Dương lâu ký”, đã quá nổi tiếng  phải là: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Người ta lo trước cái lo của thiên hạ, mà vui sau cái vui của thiên hạ như thế, đâu phải lẫn lộn “nhi – chi”.
Trang 266, Chu Giang nhầm giữa ông Tả Khâu Minh giữ chức Tả sử, là sử gia nổi tiếng của Trung Quốc, sống cuối đời Xuân Thu, đầu đời Chiến Quốc, với ông Tả Từ thời Tam Quốc. Chu Giang viết mỉa mai việc lạm phát tiến sĩ, có câu: “cần gì phải đi học tiến sĩ cho mất công tốn của, của mình, của Nhà nước, chỉ cần làm theo ông Tả Khâu Minh là được (tức ông Bệnh Tả Truyện thời Tam Quốc, đi đâu cũng đem theo sách đọc”.
Song điều khiến tôi bất ngờ nhất ấy là khi Chu Giang nhắc đến Ngũ qui, Ngũ giới trong bài “Khi tiến sĩ đều là kẻ sĩ” (Gửi bạn Trương Thanh Hùng) ở trang 272. Tác giả viết: “Còn Ngũ qui là qui Phật, qui Nho, qui Hồ Chí Minh, qui vũ trụ và qui chính mình là trở về với bản thể, hòa cùng vũ trụ, thân Tứ Đại lại trở về Cát Bụi. Vô thường mà Thường Hằng” (tr. 272).
Hình như khi viết những dòng này, Chu Giang nhớ lộn lèo sang Đạo Lăng hoa hoặc Thanh Hải vô thượng sư mà báo chí của ta 20 năm về trước đã phê phán là “Thanh Hải vô thượng… bịp”?
Trong Phật pháp thì có Tam qui và Ngũ giới. Ngũ giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Còn Tam qui, nói cho đủ là Qui y Tam Bảo (Tam Bảo là 3 ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng). Qui y Tam Bảo là Quay trở về nương tựa ở Phật, Pháp, Tăng.
Nay đọc thấy Chu Giang viết Ngũ qui như vậy làm tôi nhớ đến Tiến sĩ B.T.H viết trên Facebook về chuyện mấy ông quán nước Giáp, Ất, Bính, Đinh hỉ hả bảo nhau là có một loại giống mới lai ghép thành công giữa cụ Xít-ta-lin ở bển với Mẫu Thượng Ngàn ở ta: “Sáng đọc nghị quyết, chiều bắc ghế hầu đồng, tối họp chi ủy, nửa đêm áp vong gọi hồn đa cấp. Sống và làm việc theo lời thầy bói, định hướng theo thầy địa lý, ủ mưu tranh đấu dựa thầy bồ thủy, cô hồn..; rồi thì sáng tạo ra kinh tế siêu nạc/ đi tắt đón đầu, văn hóa phiên phiến/ đậm đà bản sắc trung cổ”. 
Tôi đọc ngay tiếp đến dòng dưới, đoạn Ngũ qui, thấy tác giả viết: “Tinh hoa Nho – Phật bàng bạc trong cuộc sống. Hay đấy mà dở đấy. Không được học từ tấm bé, có bài bản, hệ thống, thành thói quen, thành tiềm thức cho đến suốt đời thì chỉ bàng bạc mà thôi”. Tự dưng tôi phải vỗ đùi: Chu Giang tự họa chân dung… tài thế!
Chẳng hiểu sao, gần đây, cứ ai nhắc đến Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu là tôi lại gật gù nhớ đến câu thơ của Tố Hữu “mắt sáng quắc tay xanh lòe mã tấu”./.