Đọc “Ngày đi trên chữ” của Lê Minh Quốc, cũng như
các tạp văn gần đây của anh, thấy anh bàn đủ chuyện trên trời dưới đất, không
tránh né cả những đề tài xã hội nóng bỏng, gay cấn như vụ Formosa, vụ nước mắm
công nghiệp... dễ nhận ra cảm hứng sáng tạo của anh bắt nguồn từ cảm thức của một
người đang sống giữa thời đại mình, ký ức gắn bó với những trải nghiệm cộng đồng
và mối quan tâm của anh mang rõ dấu vết của thời cuộc. Rõ ràng anh có nhu cầu
trao đổi với “cô Sáu”, “bà Ba”, “chị Bảy”, những bạn đọc vô hình trong tâm thức
của mình. Tôi đồ rằng nếu không được nói ra hoặc viết ra, chắc anh thấy khó chịu,
bức bối lắm!
Lê
Minh Quốc - người ham chuyện
NGUYỄN NHẬT ÁNH
1.
Dạo gần đây Lê Minh Quốc viết nhiều. Đến nay, Quốc
đã in gần 40 tác phẩm nhiều thể loại khác nhau. Xét về mặt lao động nhà văn, đó
quả là những nỗ lực làm nghề đáng trân trọng.
Người viết nhiều là người có nhiều thông điệp muốn
chia sẻ với bạn đọc. Điều đáng lo nhất với một nhà văn là không còn điều gì để
bộc bạch nữa. Cái nhu cầu được trò chuyện xét cho cùng là nhu cầu được kết nối
với cộng đồng. Các bậc cha mẹ ở quê lên thành phố sống với con cái cứ nằng nặc
đòi về cũng vì lý do sâu xa này. Ở thành phố nhà cao cửa rộng nhưng chẳng quen
biết ai, con cái suốt ngày đi làm, hàng xóm thì hầu như nhà nào nhà nấy đóng cửa
im ỉm. Tuy gần con cái đấy, nhưng sống như vậy chẳng khác gì sống ngoài hoang đảo.
Nhu cầu tâm tình, nhu cầu được trò chuyện bị hạn chế, bị bó hẹp. Cuộc sống
khinh khoái tự do lâu nay bỗng dưng thiếu mất “cô Sáu xóm trên”, “bà Ba đầu
ngõ”, “chị Bảy bán tào hũ” chiều nào cũng đi ngang nhà, đại khái là thiếu mất
các “đối tác” ăn ý để nói, để nghe, để thông tin, để... sống cho đáng sống!
Đọc “Ngày đi trên chữ” của Lê Minh Quốc, cũng như
các tạp văn gần đây của anh, thấy anh bàn đủ chuyện trên trời dưới đất, không
tránh né cả những đề tài xã hội nóng bỏng, gay cấn như vụ Formosa, vụ nước mắm
công nghiệp... dễ nhận ra cảm hứng sáng tạo của anh bắt nguồn từ cảm thức của một
người đang sống giữa thời đại mình, ký ức gắn bó với những trải nghiệm cộng đồng
và mối quan tâm của anh mang rõ dấu vết của thời cuộc. Rõ ràng anh có nhu cầu
trao đổi với “cô Sáu”, “bà Ba”, “chị Bảy”, những bạn đọc vô hình trong tâm thức
của mình. Tôi đồ rằng nếu không được nói ra hoặc viết ra, chắc anh thấy khó chịu,
bức bối lắm!
2.
Từ đó suy ra, Lê Minh Quốc là người ham chuyện. Có
thời gian anh xuất hiện khá thường xuyên trên các chương trình truyền hình,
tham gia trao đổi nhiều chủ đề, từ văn học đến... lối sống, từ lịch sử đến...
chuyện vợ chồng, yêu đương rắc rối. Nhờ ưu thế đó, anh cũng là một MC được nhiều
nơi mời mọc.
Quốc ham chuyện một phần do tính cách Quảng Nam, nhưng chủ yếu là do anh đọc
nhiều. Đọc nhiều sinh ra nghiền ngẫm, rồi so sánh, đối chiếu, rồi rút ra những
kết luận lý thú, tự dưng có nhu cầu muốn chia sẻ những thủ đắc của mình. Không
làm MC hay không nói chuyện trên tivi nữa thì Quốc nói... trong sách. Ngày đi
trên chữ là thế. Cũng như lâu nay anh từng Ngày viết mỗi ngày, Ngày sống đời
thơ...
Trong cuốn sách này, Quốc bàn từ tính cách người Sài
Gòn, nhắc Phan Xích Long và Nguyễn An Ninh, đến chuyện “người Việt Nam thấy được
máy bay là vào năm nào?” Đến các món ăn: phở, cơm tám giò chả, các loại mứt, rồi
nước mắm, bánh tráng miền Trung. Lạ, viết đến đây tôi phát hiện ra đã là nhà
văn thì sớm muộn gì cũng động bút đến đề tài ẩm thực, từ Nguyễn Tuân, Thạch
Lam, Vũ Bằng đến Võ Phiến, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Giang,
Đoàn Thạch Biền... Món ăn vật chất như vậy có liên quan mật thiết đến món ăn
tinh thần, vì nó là một sự tích lũy, gửi gắm của văn hóa rồi nghiễm nhiên trở
thành biểu tượng của văn hóa.
3.
Nhưng chiếm đa phần trong cuốn sách này vẫn là đề
tài liên quan đến văn chương, sách báo, chữ nghĩa. Bởi nói gì thì nói, dù có thể
bình đủ thứ chuyện như đặc thù của thể loại tạp văn, thì một người căn bản hành
nghề bằng con chữ vẫn có khuynh hướng quay lại với đề tài gần gũi, thân thuộc
nhất với mình. Đây cũng là mảnh đất mà Quốc tha hồ thao bút, thoải mái vùng vẫy.
Anh đề cập đến nhiều tác giả và tác phẩm từ xưa tới nay. Anh hào hứng bàn về
thú đọc sách, thú đọc từ điển, về bút danh của các văn nghệ sĩ hay chuyện viết
thư tình ngày xưa. Anh cặm cụi lần mò đi tìm “tờ báo Xuân đầu tiên của Việt
Nam”, rồi tỉ mẩn tìm hiểu “tại sao phong trào làm báo Xuân ở miền Nam phát triển
mạnh hơn ở miền Bắc”.
Thú vị nhất là đọc những trang Quốc bàn về lịch sử
truyện kiếm hiệp ở Việt Nam, hóm hỉnh nhắc lại tác phẩm Tự truyện của nhà văn
Tô Hoài trong đó nhà văn thú nhận thuở mới vào nghề mình rất mê truyện kiếm hiệp,
thậm chí từng viết truyện kiếm hiệp (hình như có tên Tráng sĩ Rừng Thông hay
Sơn Lâm hiệp khách gì đấy - chính nhà văn Tô Hoài cũng không nhớ rõ), rồi Quốc
say sưa viết về hiện tượng dịch và tự sáng tác truyện kiếm hiệp để in trên nhật
báo ở miền Nam trước 1975 (cuối giai đoạn này Kim Dung nhanh chóng nổi lên như một
“đại hiệp” lẫy lừng không đối thủ). Đọc Quốc, người viết bài này không khỏi tủm
tỉm khi nhớ lại câu “Vì báo Hồng Kông chưa qua kịp, truyện Tiếu ngạo giang hồ
hôm nay xin gác lại một kỳ” từng khiến bao độc giả Sài Gòn thời đó hụt hẫng còn
hơn bị người yêu lỡ hẹn.
Chuyện Sài Gòn không chỉ có vậy. Tác giả còn viết về
các tờ báo thiếu nhi ở miền Nam trước đây như Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi Ngọc,
Tuổi Hoa..., về phong trào các cây bút tuổi mới lớn yêu thích văn nghệ rủ nhau
thành lập các bút nhóm hay thi văn đoàn với đủ thứ tên gọi vừa ngây thơ vừa hào
sảng. Rồi tới phong trào tiểu thuyết feuilleton với những tên tuổi Lê Xuyên, An
Khê, Nghiêm Lệ Quân, Trương Đạm Thủy, Bà Lan Phương, Hoàng Ly... Quốc nhớ đến
đâu bàn đến đó, chứ không có ý định tập hợp thành một tác phẩm chuyên đề như
các tập sách viết về Sài Gòn rất thú vị và có sức hút mạnh mẽ của các tác giả
Phạm Công Luận, Lê Văn Nghĩa, Trần Nhật Vy, Phúc Tiến... trong thời gian gần
đây. Nhưng tôi tin, nếu Quốc có ý định đó, anh hoàn toàn có thể phục dựng lại
kiểu cách sinh hoạt cũng như khí hậu thời cuộc miền Nam nói chung và Sài Gòn
nói riêng với những ký ức, những tư liệu phong phú và hấp dẫn của một người sống
trực tiếp trong thời kỳ đó.
4.
Đọc cuốn sách này, thấy Lê Minh Quốc có sức đọc dồi
dào và sức liên tưởng phong phú, mạnh mẽ. Đang nói chuyện này anh bắt sang chuyện
kia, đang nói chuyện nay anh nhắc lại chuyện xưa. Nhưng rồi cuối cùng bao giờ
anh cũng quay về với chuyện chữ nghĩa, như thể nước chảy lòng vòng bốn phương
tám hướng rốt cuộc cũng quay về... chỗ trũng. Chỗ này anh tỏ vẻ áy náy vì nãy
giờ do ham chuyện anh đã trót đi quá xa: “Mà thôi. Hãy quay về với chuyện văn
chương chữ nghĩa, vốn rành rẽ hơn những chuyện vừa nêu trên”. Chỗ khác anh nói
như thở than: “Cái ồn ào của hôm nay, có thể chỉ là tro lạnh của ngày mai. Vẫn
biết là thế, nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân”, người cầm bút vẫn cứ lầm lũi
bước đi, trên từng trang viết”.
Rồi anh tách mình ra, tự quan sát công việc (hay là
nỗi đam mê) của mình: “Trong những ngày này, như thói quen, y vẫn nhặt nhạnh chữ
nghĩa làm vui”. Cách nói thoạt nghe như tự chế giễu mình, nhưng trong thẳm sâu
anh đang hài lòng với thiên chức của một người cầm bút đó thôi. Nếu không, anh
đã không cao hứng “làm thơ”: “Lại một mình cùng bàn phím; Chữ lại viết; Chữ lại
đi; Từng con chữ tri âm; Chữ hái ra mây trắng; Chữ trôi về lãng du”.
Rõ ràng, Quốc vẫn còn hào hứng với chữ nghĩa lắm.
Hãy nghe anh bàn về tác giả của Gia huấn ca thì biết. Hay cách anh phân tích về
chữ “con đen” trong câu thơ Kiều “Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”, chữ “em”
trong câu thơ Vũ Hoàng Chương “Em ơi, lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi
say với ai?”, chữ “bùn” trong câu thơ Lưu Quang Vũ: “Ôi tiếng Việt như bùn và
như lụa”. Khi cao hứng, Quốc còn mổ xẻ cả ca từ của Trịnh Công Sơn. Tất nhiên,
những điểm lý thú trong cuốn sách có chỗ do Quốc tự phát hiện, tự rút ra kết luận
(không đủ tự tin để kết luận thì Quốc xem như là một đề xuất để “nhờ các bậc thức
giả cho cao kiến”), có chỗ Quốc giới thiệu ý kiến của các tác giả đi trước qua
đó bày tỏ thái độ phản bác hay đồng tình.
Hồi sinh viên, tôi cũng thích thú quan tâm đến chuyện
chữ nghĩa. Cuốn Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ là cuốn sách đầu tiên
giúp tôi tiếp cận với khái niệm từ nguyên (và đến bây giờ khi gặp những “tồn
nghi” về mặt từ ngữ tôi vẫn dựa vào các cuốn từ điển của ông để cân nhắc các
quyết định). Nói có sách của Vũ Bằng, Ngôn ngữ và thân xác của Nguyễn Văn Trung
từng khiến tôi mê mẩn. Sau 1975, tôi luôn tìm đọc các tác phẩm bàn về chữ nghĩa
của các tác giả mà tôi ngưỡng mộ như Cao Xuân Hạo, An Chi... Vì vậy, gặp người
luôn đau đáu về chữ nghĩa như Lê Minh Quốc, trao đổi với anh về ý nghĩa của từ
này, ý tứ của câu thơ kia, thật là thú vị. Quốc từng có lần khoe với tôi ý định
biên soạn một cuốn từ điển thành ngữ điển tích thuần Việt, kiểu như Vắng như
chùa Bà Đanh, Mút mùa Lệ Thủy, Nợ như chúa Chổm... chẳng biết anh đã thực hiện
được tới đâu, nhưng tôi biết chắc cuốn sách sắp tới của anh cũng liên quan đến
chữ nghĩa: Lắt léo tiếng Việt.
5.
Viết tới đây, tôi bỗng giật mình thấy mình lây cái tật
ham chuyện của Lê Minh Quốc. Giới thiệu sách mà kể tất tần tật kiểu này thì quả
là không nên. Cũng phải chừa lại những phần hay ho lý thú cho độc giả khám phá
nữa chứ. Thôi thì tôi sẽ khép lại bài viết của mình bằng câu chuyện của Đoàn Tuấn,
bạn văn cũng là bạn chiến đấu ở chiến trường Campuchia của Lê Minh Quốc. Chuyện
này có trong sách.
Đoàn Tuấn kể lúc đi từ phum Cầu Sắt về phum Choăm
Sre, anh nhờ cô bé khoảng 15 tuổi - con gái trưởng phum - dẫn đường. Cô bé giới
thiệu mình tên Naryn, ở nhà tên là Tút. Trên đường, anh hỏi chuyện cô bé (tất
nhiên bằng tiếng Khmer). Cô cho biết, mình đang sống với anh trai và chị dâu ở
đây. Anh chị cô có hai con. Trước, gia đình cô ở Phnôm Pênh. Sau bị Pol Pot dồn
về miền rừng núi. Cha mẹ cô không còn. Tuấn hỏi vì sao, cô bảo: “Bị Pol Pot giết”.
Đang đi giữa đồng, bỗng Tuấn nghe thấy tiếng chó sói tru từ bìa rừng. Anh hỏi
cô bé bằng tiếng Khmer: “Sơ mua ây?” (Con gì thế?) Không ngờ, cô bé đáp bằng tiếng
Việt, rõ ràng: “Con chó rừng”.
Lúc ấy anh như không tin vào tai mình. Anh không ngờ
giữa chốn rừng núi hoang vu, giữa cánh đồng xa lạ nơi xứ người, anh lại được
nghe tiếng Việt, lại từ cái miệng xinh đẹp của một cô bé như thiên thần thốt
ra. Tuấn bỗng bước lên, quỳ xuống hỏi: “Naryn, em là người Việt Nam phải không?”
Cô bé nhìn thẳng vào mắt anh, gương mặt đầy xúc động, môi mím lại, gật đầu. Nước
mắt cô bỗng trào ra. Và anh, cũng trào nước mắt. Vì anh hiểu, mấy từ tiếng Việt
ấy, đã bao năm, cô bé phải giấu kín trong lòng. “Giấu kín giữa tứ bề nguy hiểm.
Giấu kín suốt ngày và đêm. Giấu kín cả trong lúc tỉnh táo nhất. Giữa đám đông.
Lúc một mình. Giấu kín cả trong những giấc mơ khủng khiếp, nhọc nhằn. Em phải
giấu thân phận là người Việt, để đi qua địa ngục trần gian. Và tiếng Việt thân
yêu của tôi, đã được em xinh đẹp và thông minh, giấu ở những miền sâu thẳm và đẹp
nhất trong tâm hồn mình. Mấy từ tiếng Việt đơn sơ ấy, như những mạch ngầm của sự
sống, vẫn chảy đâu đó trong tâm khảm em. Đã bao lần em sợ hãi, run lên khi kẻ
thù thẩm tra, kiểm soát. Đêm nay, giữa một nơi không còn thù địch, giữa một nơi
không ai nghe thấy, rất thoáng đãng và dịu dàng, mầm cây tiếng Việt bắt đầu đâm
chồi trong em; dòng suối tiếng Việt bắt đầu róc rách trong em. Ôi tiếng Việt tội
nghiệp của tôi! Ôi Naryn bé bỏng mà anh hùng của tôi! Tôi cảm nhận sức mạnh và
sự vĩ đại của tiếng Việt, cảm nhận sức mạnh và sự vĩ đại của người Việt qua
thân hình mảnh khảnh của Naryn”. Lê Minh Quốc bảo đọc đoạn văn này của Đoàn Tuấn,
anh ứa nước mắt. Và tôi, khi đọc câu chuyện này, cũng thấy mắt mình cay cay.
Lật lại lịch sử, thấy tiếng Việt lắm khi bị truy
sát, bức hại. Trong số phận thăng trầm của mình, văn hóa Việt không ít lần bị
ngoại bang tìm cách xóa sổ. Sách vở văn chương Việt từng bị đốt, bị càn quét chở
về Kim Lăng - với âm mưu khiến dân tộc Việt Nam bị đồng hóa, mất đi gốc rễ. Tự
nhiên tôi nhớ đến bài Tình ca của Phạm Duy: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng
rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Tôi cũng nhớ tới câu nói nổi
tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta
còn”. Vế đầu, do mục đích đề cao Truyện Kiều, Phạm tiên sinh có thể đã thậm
xưng. Nhưng vế sau, chắc chắn là chân lý. Rõ ràng, giả dụ một sáng mai thức dậy,
thấy trên đất nước mình tiếng Việt đột ngột biến mất, chung quanh người ta nói
toàn... tiếng lạ, có khác chi chúng ta quay trở về thời kỳ lệ thuộc! Lúc đó thì
“ngày đi trên đất” cũng chưa chắc còn, huống gì “ngày đi trên chữ”, phải không
Quốc?