Đọc thơ Phùng Khắc Bắc, đọc kỹ, tôi vừa thương cảm vừa
vui mừng. Thương cảm vì cuộc đời anh so với đồng nghiệp cùng lứa có nhiều rủi
ro, bất hạnh. Vui mừng vì anh đã gặt hái được những bài thơ hay viết về chiến
tranh, về tình yêu và cuộc sống đời thường… Đọc "Một chấm xanh", tôi
nhớ tới Phùng Khắc Bắc với dáng người gầy gò, tóc bạc sớm, làn da tím tái vì những
trận sốt rét. Anh thường bị đau yếu, bệnh tật luôn. Chắc hẳn vì thế, anh luôn
linh cảm thấy cái chết đang đến với mình… Thơ tình của anh không phải là đồ
trang sức, là hoa thơm mang tặng mỗi người. Nhưng người đọc thấy anh rất sâu nặng,
trân trọng tình yêu. Dường như tình yêu của anh giống như loài cây muộn mằn, phải
qua nắng gắt mưa sa mới có được chùm quả chín....
THƠ CỦA MỘT NHÀ THƠ ĐÃ KHUẤT
NGUYỄN ĐỨC MẬU
Phùng Khắc Bắc viết văn và làm thơ đã lâu, nhưng
riêng về thơ, khi còn sống, thơ anh chưa một lần in trên mặt báo. Vì thế bạn bè
đều ngạc nhiên khi trong phần di cảo của anh có một tập thơ khá dày dặn, chất
lượng. Có thể do tính anh dè dặt, mặc cảm hoặc do anh quá thận trọng trong
việc chuẩn bị cho hành trang thơ của chính mình? Viết rồi để đó, không đọc cho
bạn bè nghe, không công bố, không ồn ào. Thật ít có người làm thơ nào lại im lặng
trắc ẩn đến vậy. Cuộc đời anh đúng như thơ anh đã giãi bày, tâm sự:
Ký
hiệu của đời tôi là một chấm xanh ngăn ngắt
Ký hiệu của thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến khôn cùng.
Thế mới là tôi
Thế mới là đời
Thế mới là thơ
Tất cả hòa nhập lại như ánh sáng trộn cùng bụi
Mãi sau khi anh mất, thơ anh mới được in thành tập gửi
tới độc giả. Đọc thơ Phùng Khắc Bắc, đọc kỹ, tôi vừa thương cảm vừa vui mừng.
Thương cảm vì cuộc đời anh so với đồng nghiệp cùng lứa có nhiều rủi ro, bất hạnh.
Vui mừng vì anh đã gặt hái được những bài thơ hay viết về chiến tranh, về tình
yêu và cuộc sống đời thường.
Phùng Khắc Bắc là người lính đã trải qua mấy chục
năm quân ngũ. Mảng thơ anh viết về chiến tranh luôn gắn liền với cuộc sống của
chính mình:
Ta
- đã ba mươi năm xa
Ba mươi năm nằm hầm
Ba mươi năm làm mục tiêu cho những họng súng
Của ba kẻ thù lăm lăm
Nhà dột
Con dốt vợ xa
Mẹ già
Chỉ vì ta
Nhưng ta chưa một lần kêu khổ...
Cái nhìn của anh vừa bề bộn hiện thực vừa dồn nén
tâm trạng. Anh khái quát: "Chiến tranh như máy ủi. Chiến tranh thù văn
minh" hoặc: "Chiến tranh - tan những gia đình". Phùng Khắc Bắc
không tô vẽ, thổi phồng nỗi đau, anh chỉ đưa ra những hiện thực dữ dội, trần trụi.
Anh nói về những người lính trong cuộc chiến tranh đã vĩnh viễn đi vào cõi âm:
Có
người còn nguyên hình
Có kẻ cụt chân, có người thiếu ngón
Người thủng đầu, người xơ gan, nát ngực
Có người chỉ còn là một cục thịt
Bài thơ dài "Ra đi" gồm 10 đoạn, cấu trúc
phóng khoáng, các đoạn nối nhau thành những liên khúc. Ở đây, với cái tôi là chủ
thể, tác giả nói đến chiến tranh trong nhiều cung bậc khác nhau. Một miền quê
vùng đồi, hình ảnh người yêu, người bà, người mẹ, người cha… Tất cả đều rằng rịt,
gắn bó với người lính. Tác giả nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn: "Quê hương
mà ta sinh ra và quý yêu. Khổ đau là thế. Ta cũng chỉ là một viên sỏi nhỏ. Bong
ra từ mảnh đất này". Trước lúc chia xa, với người bà nội tuổi già, Phùng
Khắc Bắc có những ý nghĩ đau đớn: "Bà chết sẽ vắng mặt tôi".
Thắp sáng trong tâm tưởng anh là bóng dáng người mẹ:
"Mẹ cứ buồn cứ lo, cứ bạc đầu, cứ ốm đau vì làm sao khác được. Chỉ dáng mẹ
với cái nhìn là không lụi tàn, không mờ phai". Và thật cảm động, sâu sắc
khi anh nghĩ tới lời dặn của người cha, lời dặn được nung đúc lại qua bao khổ
đau, từng trải:
Hãy
đi đi! Tìm thấy những điều dại mà học
Con sẽ phải tự khôn lên
Nếu chỉ toàn những điều khôn lọt vào tai con
Con sẽ không vượt ra khỏi mình được.
...
Hãy
đi đi!
Hãy nhớ lấy
ở dưới bảy thước đất này, chỉ có một nắm xương của con nằm dưới đó.
Đừng quên là hàng năm, cha phải quỳ vái trước nắm xương đó.
Chiến tranh rơi xuống mọi làng quê, rơi vào từng số
phận mỗi con người. Phùng Khắc Bắc cảm nhận được chiến tranh như một con bệnh
ăn sâu vào mỗi tế bào trong cơ thể. Anh nói về mình khi bệnh tật đang gặm mòn sức
lực thể xác, câu thơ như chắt ra từ máu:
Đi
làm đảng viên
Đi làm liệt sĩ
Tất cả không thành
Chỉ là thương binh
Thương binh không vết sứt ngoài da
Thương binh chỉ có những vết rách trong phổi
Được hàn lại bằng kháng sinh và tình đồng đội
Thương binh có siêu vi trùng nằm ngủ trong gan…
Trong ngày hòa bình đầu tiên, Phùng Khắc Bắc lại nói
tới chiến tranh ở một góc độ khác. Sau bao nhiêu năm ở chiến trường, người lính
được trở lại căn nhà của mình. Trước cảnh nhà dột, người lính cảm thấy những lỗ
thủng "thành những mũi tên, thành những viên đạn", bắn tiếp về phía
mình. Phần kết bài thơ vừa đột biến, vừa mới mẻ trong cách diễn đạt:
Mẹ
giục:
- Ăn cơm, con
Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà
Và
Mùi ổ rơm
Đoạn thơ hay và lạ, giản dị và hiện đại. Bữa cơm
ngày hòa bình đầu tiên lẽ nào lại nghèo khó, đạm bạc đến thế? Nhưng đó là một hạnh
phúc mà phải bao gian khổ hy sinh, người lính mới giành lại được.
Đọc "Một chấm xanh", tôi nhớ tới Phùng Khắc
Bắc với dáng người gầy gò, tóc bạc sớm, làn da tím tái vì những trận sốt rét.
Anh thường bị đau yếu, bệnh tật luôn. Chắc hẳn vì thế, anh luôn linh cảm thấy
cái chết đang đến với mình. Cái chết len sâu vào mạch máu, len sâu cả vào ý
nghĩ của anh. Tôi tự hỏi điều gì đã xui khiến anh viết bài "Ta chết
đây", tâm trạng nào đã xô đẩy anh tới những dòng tự thú:
Nhà
làm chưa xong
Vợ học chưa xong
Con học chưa xong
Nhiều cái chưa xong
Cả cái chết cũng không đành lòng nhắm mắt…
Phùng Khắc Bắc nhận ra: "Nhà hộ sinh và nghĩa địa
là cái khung chân dung thời gian của mỗi con người". Quả thật, thơ anh hay
suy ngẫm tới lẽ sinh tử trong kiếp người, tạo vật. Những bài như "Ta chết
đây", "Bài thơ riêng cho người chết", "Trước mộ em trai ở
nghĩa địa Hà Lầm", "Biển hối thương", "Không đề I"…
tác giả nhìn thấy những tấm bia "có chân không có tay" đứng lặng phắc
trong màn đêm nhập nhoạng. Trước bao hình ảnh kinh dị, anh tự thức tỉnh mình, tự
nhận thấy một sự thật: "Ta đi giữa sự công bằng tầng dưới, và sự bất công
bằng ở tầng trên". Rồi khi tới mộ người em trai, trong sự đau đớn thương
tiếc, anh lại nghe được cả tiếng nói sâu thẳm vọng lên từ đất:
Anh
hãy sống
sống dần dà
đừng vội
Bởi,
chúng ta còn phải chết nhiều lần.
Hẳn viết về cái chết, Phùng Khắc Bắc muốn nhắc nhở mọi
người hãy sống lương thiện, tốt lành hơn. Hẳn viết về cái chết, Phùng Khắc Bắc
cũng tiên cảm được số phận mình: anh đã mất vào năm anh 47 tuổi.
Ngay cả những bài khác viết về tình yêu, về đời thường,
thơ Phùng Khắc Bắc cũng ở một gam trầm, buồn. Bài "Trái táo" anh nhắc
tới vị chua: "Chua - ngọt - Chua là một vòng tròn có thật". Bài
"Con chó đá" anh dẫn tới kết luận: "Ta phải là ta cả phần xác lẫn
phần hồn". Trong toàn bộ phần thơ tình yêu, Phùng Khắc Bắc ít có những bài
thơ tươi xanh, ngọt ngào và tràn trề hạnh phúc. Khi yêu, anh thốt lên:
"Tim ta bị thương rồi". Khi yêu, anh sống trong tâm trạng bồn chồn,
khắc khoải:
Nghe
tim ta thắc thỏm
Yêu mất rồi em ơi!
Tìm đâu ra nơi trốn
Trái đất chật mất rồi.
Có khi như một kẻ lữ hành cô độc, yêu đấy mà vẫn
không tìm thấy đích: "Nhưng, yêu mà buồn mà sợ. Ngỡ ngàng trước ngã ba.
Lòng muốn gần nhưng chân muốn trốn xa. Hồn mới mẻ mà mặt sầu cũ nát".
Thơ tình của anh không phải là đồ trang sức, là hoa
thơm mang tặng mỗi người. Nhưng người đọc thấy anh rất sâu nặng, trân trọng
tình yêu. Dường như tình yêu của anh giống như loài cây muộn mằn, phải qua nắng
gắt mưa sa mới có được chùm quả chín. Cũng phải nói thêm rằng, trong mảng thơ
tình yêu lan tràn trên sách báo hôm nay, không ít bài sa vào chung chung, sáo
cũ.
Ở Phùng Khắc Bắc, anh viết thơ tình xuất phát từ tâm
trạng, cảnh ngộ riêng mình. Anh thổ lộ: "Chúng ta yêu nhau trong âm thầm
khổ đau". Anh không giấu diếm những phiền muộn, xa cách trong tình yêu mà
mình phải hy sinh, gánh chịu.
Yêu
nhau mà phải xa nhau
Như người kiếp trước kiếp sau đợi chờ...
Người dưng ai nỡ ngẩn ngơ
Chỉ yêu mới thấy bến bờ là xa
Ước gì trái đất của ta
Nhỏ như hạt tấm để xa hết buồn.
Thơ Phùng Khắc Bắc đã khắc họa được đậm nét chân
dung của chính tác giả. Có người khen thơ anh u trầm, từng trải. Có người bảo
thơ anh bề bộn chất văn xuôi mà còn thiếu hàm súc, trữ tình. Nhưng thôi, mọi sự
đều có giới hạn, nhất là đối với thơ. Thơ Phùng Khắc Bắc có phong cách riêng
khó lẫn với người khác. Chúng ta ghi nhận những gì anh đã có được và gửi lại
trong phần di cảo.
Đọc thơ Phùng Khắc Bắc, người đọc hình dung ra cuộc
đời anh - cuộc đời của một người lính đã trải qua chặng đường chiến tranh. Thơ
anh như một tấm lăng kính soi rọi được những vẻ đẹp, những gian khổ hy sinh, những
góc khuất riêng tư mà anh đã trải qua, chiêm nghiệm.