Trước khi đi Cuba học, tôi đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay cho một biên tập viên của một Nhà xuất bản. Mấy năm sau về nước, tiểu thuyết của tôi cũng không thể in được vì có những vấn đề mà ngày nay chúng ta gọi là “nhạy cảm”. Tôi đã rút bản thảo về. Một người viết là đàn anh của tôi nói để ông ấy in cho. Nhưng khi sách ra đời thì ảnh tác giả là ảnh của ông ấy và tên tác giả không phải tên tôi. Ông ấy cũng lấy gần hết số nhuận bút cuốn tiểu thuyết đó. Tôi hỏi ông ấy sao lại thế, thì ông ấy trả lời vòng vo. Một số bạn bè tôi, trong đó có biên tập viên đã giữ bản thảo của tôi mấy năm, đều rất nổi giận và muốn “xử lý” ông ấy. Nhưng tôi đã yêu cầu họ bỏ qua. Vì sao?



TIẾT LỘ 3 CÂU CHUYỆN VỀ BẢN QUYỀN

NGUYỄN QUANG THIỀU

Lẽ ra tôi không kể những chuyện dưới đây. Vì tôi tâm niệm rằng: nếu mình làm một điều tốt mà kể ra thì việc làm tốt ấy có nguy cơ biến mất. Nhưng chắc các bạn sẽ chia sẻ với tôi khi tôi kể những chuyện này. Mong mọi người thông cảm.

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT:
Gần 30 năm trước, tôi có in một truyện ngắn có tên “Bụi Trắng” ở một tờ báo chuyên nghành. Ít lâu sau, tôi thấy một truyện ngắn xuất hiện trên báo Tiền phong Chủ nhật trùng tên, bèn đọc, thì hóa ra là truyện ngắn của mình nhưng lại tác giả lại là người khác. Hỏi ra biết “tác giả” là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học ở Hà Nội. Nhưng tôi đã không công khai chuyện này. Tôi chỉ nhờ người phụ trách tờ báo nói với bạn sinh viên này phải nghiêm khắc sửa chữa lỗi lầm đó. Tôi không làm ầm ĩ chuyện này vì nghĩ bạn ấy còn rất trẻ và sai lầm là chuyện dễ hiểu. Người Pháp có câu “70 tuổi cũng không dám chắc mình không đui, không què”. Tôi đã sống 60 năm trên cõi đời này và ngày nào tôi cũng có nguy cơ mắc sai lầm. Nếu tôi công khai chuyện đạo văn này thì bạn ấy sẽ bị dư luận lên án và nếu không đủ bản lĩnh, bạn ấy sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc. Như vậy, quyền chính đáng và sự minh bạch của tôi trong chuyện này có thể lại hại đến tương lai của một người trẻ.

CÂU CHUYỆN THỨ HAI:
Trước khi đi Cuba học, tôi đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay cho một biên tập viên của một Nhà xuất bản. Mấy năm sau về nước, tiểu thuyết của tôi cũng không thể in được vì có những vấn đề mà ngày nay chúng ta gọi là “nhạy cảm”. Tôi đã rút bản thảo về. Một người viết là đàn anh của tôi nói để ông ấy in cho. Nhưng khi sách ra đời thì ảnh tác giả là ảnh của ông ấy và tên tác giả không phải tên tôi. Ông ấy cũng lấy gần hết số nhuận bút cuốn tiểu thuyết đó. Tôi hỏi ông ấy sao lại thế, thì ông ấy trả lời vòng vo. Một số bạn bè tôi, trong đó có biên tập viên đã giữ bản thảo của tôi mấy năm, đều rất nổi giận và muốn “xử lý” ông ấy. Nhưng tôi đã yêu cầu họ bỏ qua. Vì sao? Vì tôi có quen biết gia đình ông ấy và tôi rất cảm thông với vợ và con của ông ấy. Họ theo ông từ một miền quê nghèo ra Hà Nội và sống một cuộc sống rất khó khăn. Người vợ của ông ấy là một phụ nữ vô cùng hiền dịu và chịu khó. Nếu tôi công khai chuyện này thì chị ấy sẽ xấu hổ và đau khổ vô cùng. Có một lý do phụ nữa mà tôi đã nói với những người bạn biết chuyện này là “trong đầu tôi còn rất nhiều cuốn sách, tôi “tặng” ông ấy cuốn sách đó”.
Một điều lạ lùng là sau này và cả bây giờ, ông ấy thi thoảng lại phê phán những sáng tác của tôi trên báo chí một cách không thiện chí. Trên thực tế, tôi đã quyết định in một bài phê phán thơ tôi trên tờ báo tôi phụ trách nội dung, vì nhà phê bình ấy đã phê thơ tôi một cách trong sáng theo cách hiểu của ông. Tệ hơn là ông ấy còn phê phán đạo đức của tôi nữa . Và trong phần tiểu sử bản thân in trong sách của mình bây giờ, ông ấy vẫn kê khai cuốn tiểu thuyết của tôi là của ông ấy. Một câu chuyện thật bi hài phải không các bạn.

CÂU CHUYỆN THỨ BA
Tôi có viết một bài thơ về mẹ mình như là một sự ân hận về những gì trong những năm tuổi trẻ tôi đã làm cho mẹ buồn và lo lắng về tôi. Tôi chưa in bài thơ này ở đâu mà chỉ thi thoảng cho một hai người bạn đọc trong cuốn sổ làm thơ của mình. Khi từ Cuba về nước, tôi nghe tin một người bạn vong niên bị mất. Tôi đã đến gia đình em ấy để thắp nén hương cho em. Người mẹ của em ấy đã lấy cho tôi xem lá thư của em viết cho bà trước khi mất chừng một tháng. Kèm theo lá thư đó là bài thơ mà trong thư em ấy viết “con viết tặng mẹ bài thơ này”. Mẹ em ấy là một tri thức, bà nhận ra trong bài thơ là tình yêu của em ấy dành cho bà và sự ân hận của em ấy về những năm tháng trước đó em ấy đã làm cho bà buồn phiền và lo lắng. Bà cho tôi đọc bức thư và bài thơ. Tôi “choáng váng” nhận ra đó là bài thơ tôi viết cho mẹ mình. Sau đó bà nói với tôi bà đã khóc trong đau đớn khi mất đứa con của mình và bà cũng khóc vì hạnh phúc bởi lần đâu tiên bà thấy con mình đã viết được những lời như vậy về mẹ. Lúc đó tôi hiểu rằng: em ấy đã chép bài thơ trong sổ tay của tôi viết cho mẹ tôi, để gửi cho mẹ em ấy. Tôi đã khóc.
Tôi đến trước ban thờ có di ảnh em ấy, thắp một nén hương cho em và thầm nói: “ Bài thơ này thuộc quyền sở hữu trọn vẹn của em. Anh chỉ là người chấp bút bài thơ này cho em mà thôi. Cầu nguyện cho em thanh thản chốn thiên thu”.
Bài thơ ấy vẫn trong sổ tay của tôi. Tôi chỉ viết thêm một dòng chữ phía trên tên bài thơ . Dòng chữ đó là tên của em ấy. Và tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc vì điều đó. Đến bây giờ tôi vẫn tin, tôi không sáng tác bài thơ ấy mà tôi chỉ là người chép giúp em bài thơ của em cho mẹ em mà thôi. Mong linh hồn em ở chốn thiên thu thứ lỗi cho tôi khi kể câu chuyện liên quan đến em. 


Đấy là 3 câu chuyện về bản quyền trong không ít câu chuyện về bản quyền của tôi và những câu chuyện bản quyền của bạn bè tôi mà tôi biết. Vấn đề bản quyền tôi nghĩ không chỉ là luật pháp mà trong đó còn chứa đựng sự tôn trọng, sự chia sẻ và lòng cảm thông đối với những trường hợp cụ thể.
Để đi đến một hành động văn hóa là vô cùng khó khăn, tôi đã từng viết: để vứt một cọng rác xuống nơi công cộng chỉ mất 1 giây, nhưng để tự nguyện cúi xuống nhặt một cọng rác nơi công cộng lên phải mất 100 năm. Thời gian 100 năm ước lệ ấy chỉ sự hình thành văn hóa.