Ngọn bạch lạp và cây đèn chai đối với ai nhỏ bé bình thường nhưng với chị thì đó là sự linh ảo. Linh ảo bởi lẽ nó đã truyền cho chị cảm hứng và năng lượng sáng tạo không biết chán nản. Dòng lạch văn chương của chị trôi đi, lúc lặng rãi, khi thao thác trong ánh sáng của ngọn nến và cây đèn ấy. Chị coi tim đèn, một chấm đen tí teo là con mắt chim biết nhìn, biết đọc từng chữ ở bản thảo. Cái chấm đen đó trò chuyện hay nghiêm khắc nhắc nhở chị. Nó gắn liền với số phận của chị, những khúc đoạn gập ghềnh, những khao khát yêu thương và cả bấy nhiêu chìm nổi trong đời. Không biết đã liền sẹo chưa cái vết thương sâu trong lòng chị? "Lỗi lầm cầm cả lên tay/ Mình em chèo chống tháng ngày nhạt duyên/ Tóc thề nửa mái còn riêng/ Trong tim bao nỗi hồn nhiên héo rồi". Hồn nhiên của thời xa xăm khi cõi lòng còn đủ những đam mê và tin tưởng về sức mạnh của tình yêu. Dịu dàng nữ tính có thể làm thay đổi ham muốn quyền lực, danh vọng của người đàn ông mình yêu thương.



Nhà thơ của ngọn nến và cây đèn chai

NGUYỄN HỮU QUÝ

Cứ nghĩ, thơ văn của chị có nhiều tác phẩm liên quan đến lửa đèn, ánh sáng. Này nhé, trong trên hai mươi đầu sách đã xuất bản của chị đã có chín, mười quyển chứng minh điều tôi nói. Đó là các tập thơ "Những mùa trăng mong chờ"; "Ánh sáng đời cây"; các trường ca "Lửa  mùa hong áo"; "Tự khúc ánh sáng"; các tập văn xuôi "Trăng trên cát"; "Mặt trời mọc ở phía tây"...; tập tiểu luận phê bình "Bên ngọn đèn khuya"... Nguồn ngọn nào đã dội vào tâm thức của chị, để ánh sáng và lửa đèn luôn soi tỏa vào từng trang viết ấm nóng tình người? Tôi chưa từng hỏi chị điều ấy dù hai chị em quen nhau, quý nhau từ lâu. Thời đang còn là lính trẻ đóng quân tại Quảng Trị, tôi đã mê một bài thơ của chị. Tôi tin rằng, nhiều người biết và yêu bài thơ đó. Khi chị là Tổng biên tập của Cửa Việt thì tôi trở thành cộng tác viên thân thiết của tạp chí này.
Đầu năm 1997, tôi về Văn nghệ Quân đội và sau đó ít lâu, chị cũng ra Hà Nội nhận công tác tại Ban Tuyên giáo. Cơ quan chị ở gần Tòa soạn tôi, chị em thi thoảng gặp nhau. Chị về hưu mấy năm rồi, tôi cũng đã cởi áo lính giữa năm 2017. Mấy lần đi chợ Đồng Xa (Mai Dịch) chị ghé thăm tôi, chuyện trò rủ rỉ. Thế mà, tôi chưa một lần hỏi chị về cái điều phát hiện ở trên.
Tôi tự tìm hiểu, bằng cách đọc chị kỹ càng hơn. Hóa ra, cái nguồn cơn của những tên sách có lửa đèn, ánh sáng thật giản dị. Chị viết: "Tôi thường gom những mẫu đèn sáp trên bàn còn sót lại, thắp vào khi chỉ còn thức một mình, hướng tâm linh vào trời đất nhân gian, tìm ý tưởng, cảm xúc thi ca". Còn nữa: "Cùng với những mẩu bạch lạp, cây đèn chai nhỏ, chân cao, thắp lên có bóng đèn cũng được tôi rất quý, dùng để đọc sách thâu đêm". Ánh sáng bạch lạp và ngọn đèn chai rọi vào những xa xưa, thời mắt sáng, eo thon, tóc đen biêng biếc chảy như suối xuống vai, xuống lưng thanh nữ.
Chị chong thức gần trọn đời người, từ chiến tranh sang hòa bình, giữa dòng chảy hồi ức, trong cam phận đơn chiếc với những dập dềnh, bấp bênh và còn hơn thế nữa, để giữ lấy ánh sáng thiện lành, để không cạn tin yêu cái đẹp. Cuối cùng, hạnh phúc của chị cũng ở đây, chỉ ở đây, chứ không phải cái gì khác. Trời chỉ cho chị những đứa con tinh thần. Sự thiếu thiệt đời thường của một phụ nữ không gì bù đắp nổi đâu, tôi nghĩ thế mà thương chị nhiều.
Bài thơ tôi mê, "Những mùa trăng mong chờ". Tôi đọc nó một mình và cũng từng đọc cho đồng đội nghe nhiều lần: "Anh khoác ba lô về/ Đất trời dồn chật lại/ Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày"... Bài thơ mang vẻ đẹp dịu dàng mà nhiều người con gái, con trai ở hai đầu thương nhớ của những năm giặc giã khốc liệt thấy mình trong đó. Sự giãi bày chân thành tới mức những hình tượng thi ca bao la cũng trở nên gần gũi quen thân quá. Tình yêu chẳng hề nhỏ bé chút nào trước đất trời rộng lớn. Và, nó cũng không bị chê là ngoa ngôn sáo rỗng, thế mới tài hoa chứ.
Những năm tháng đạn bom khốc liệt nhưng thơ chị vẫn trong trẻo như buổi sớm làng quê: "Ban mai em nhớ anh/ Một ngày mong vời vợi/ Trời xanh như có lỗi/ Giờ anh đâu ở đâu?". Tuổi hai mươi, năm 1969, chị góp vào làng thơ Việt những câu như thế. Không có bom rơi đạn nổ ùng oàng, chỉ có trời xanh, hoa ngâu, quả thị, chỉ có mỗi ban mai thức dậy thấy mặt trời như vầng thơ đang rực cháy. Những ngân rung dịu dàng của tâm hồn được gửi gắm vào thơ.
Chị đã giữ được cho mình một không gian yên bình trong chiến tranh, khi là: "Chíu chít cành sim quê/ Hẹn lòng nhau tím ngát" lúc khác "Trai làng áo lính về thăm / Cây rơm treo một khuôn rằm cầu hôn…". Sau cuộc chiến, chị thường nhớ về Trường Sơn, nơi mình từng là cô thanh niên xung phong với những vần thơ tươi tắn: "Còn trong nhịp đập bao người/ Tiếng cười năm ấy át trời đạn bom/ Tim đường xuyên dọc Trường Sơn/ Đồng tiền một lúm giận hờn còn riêng...".
Ngọn bạch lạp và cây đèn chai đối với ai nhỏ bé bình thường nhưng với chị thì đó là sự linh ảo. Linh ảo bởi lẽ nó đã truyền cho chị cảm hứng và năng lượng sáng tạo không biết chán nản. Dòng lạch văn chương của chị trôi đi, lúc lặng rãi, khi thao thác trong ánh sáng của ngọn nến và cây đèn ấy. Chị coi tim đèn, một chấm đen tí teo là con mắt chim biết nhìn, biết đọc từng chữ ở bản thảo. Cái chấm đen đó trò chuyện hay nghiêm khắc nhắc nhở chị. Nó gắn liền với số phận của chị, những khúc đoạn gập ghềnh, những khao khát yêu thương và cả bấy nhiêu chìm nổi trong đời. Không biết đã liền sẹo chưa cái vết thương sâu trong lòng chị? "Lỗi lầm cầm cả lên tay/ Mình em chèo chống tháng ngày nhạt duyên/ Tóc thề nửa mái còn riêng/ Trong tim bao nỗi hồn nhiên héo rồi". Hồn nhiên của thời xa xăm khi cõi lòng còn đủ những đam mê và tin tưởng về sức mạnh của tình yêu. Dịu dàng nữ tính có thể làm thay đổi ham muốn quyền lực, danh vọng của người đàn ông mình yêu thương.
"Chiếc hôn em/ Chiếc hôn em/ Có thể/ Thay những nấc thang thay những vòng nguyệt quế/ Làm xanh lại tóc anh?". Thế mà, trời không cho chị một duyên phận êm đềm, suôn sẻ. Bước qua tuổi hai mươi, qua tuổi ba mươi, rồi tuổi bốn mươi vẫn đơn thân. Mẹ chị, xót xa cho đứa con gái đam mê thơ phú văn chương mà quên bẵng chuyện chồng con đã có lần giận dỗi: "Mây này! Gió này! Mây, gió, rốt ráo chi chi, hứ con...".
Mây là tên chị tự gọi mình sau này và nó trở thành một bút danh quen thuộc trong làng văn, Lê Thị Mây. Tên khai sinh của chị là Bông, bà mụ đặt cho ở Nhà thương Đồng Hới năm 1949, khi nữ sĩ tương lai cất tiếng khóc chào đời bên dòng Nhật Lệ. Chị sinh ra ở Quảng Bình nhưng quê gốc là Quảng Trị. Không khỏi nao nao khi nghe chị tâm sự: "không đẹp gái, nhưng tôi cũng đâu đến nỗi nào mà không ai ngó ngàng tới. Chỉ tại sách vở, thơ phú đã bắt mất vía và cũng tại tôi không thuận lòng cha, khi cha tôi đã tìm con rể đến hai đám... nhưng cái duyên của tôi vẫn chưa đến".Chị trở lại với quê gốc, đi dọc những con phố ở Đông Hà nắng gió mà lòng vẫn canh cánh nỗi thiếu hụt chênh chao của cuộc đời: "Tôi chờ duyên chẳng cầm được trên tay/ Niềm hạnh phúc của ngày còn quá trẻ/ Dọc theo phố ai mời nhau ngọt quá/ Tôi biết mình còn chưa đủ đắng cay". Chị ơi, đắng cay biết bao nhiêu là đủ, biết trĩu nặng tới đâu mới có được ngọt ngào.
Thơ Lê Thị Mây nhiều ánh lửa, ánh đèn, ánh nắng, ánh trăng và cũng thấm thía không ít nỗi buồn với những đợi mong. Nhà thơ đích thực không giấu được nỗi niềm riêng tư của mình trong con chữ đâu. "Bên này chân cầu chú cá ngủ lơ mơ/ Hệt chiếc đinh mềm mại và quyến rũ/ Đóng đinh thời gian cùng với nỗi đợi chờ". Và đây nữa, như một chấp nhận cảnh ngộ mà vẫn lấp ló hy vọng: "Tôi ru nỗi buồn như ru hạt đợi nẩy mầm tươi...". Vì thế, chị trân trọng ngợi ca vẻ đẹp hạnh phúc không phải của mình: "Nhà bên hàng xóm ríu rít con/ Vú mẹ yếm hồng câu đối đỏ...". 
Chị dồn tâm huyết cho thi ca. Thành công của cuộc đời chị ở đó, tập "Tặng riêng một người" được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991); trường ca "Lửa mùa hong áo" được Giải thưởng Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2003); trường ca "Người sau chân sóng" được Giải Nhất cuộc thi thơ "Đây biển Việt Nam" do VietNamNet và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2012). Lê Thị Mây được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Với chị, viết dù chỉ một câu, một chữ cũng là lao động thơ, lao động cảm xúc. "Thi hứng bật lên, ứa ra nơi đầu bút bởi nghẹn thấu tình thương, vì tình thương, vì lẽ phải ở đời...". Với chị, bản chất căn cốt của thơ không gì khác chính là cảm xúc. Nhịp tim lắc đẩy hình thành nên điệu thức, ngôn ngữ thơ. Với tư cách thi sỹ, chị lắng nghe và có câu trả lời riêng với cuộc sống vốn xưa nay chưa bao giờ phẳng bằng.
Nhiều điều chị viết ra trong và sau chiến tranh như mồ hôi, nước mắt của quá khứ, của hiện tại cô đúc lại, dẫu có đắng mặn, chông chênh nhưng ấm áp tình người. "Chiếc khăn thêu trao ngày lửa đạn/ Gói giấc mơ rất đỗi dịu dàng/ Hai thân thể cháy nồng và im lặng/ Góa bụa chiến tranh vùi dưới đáy cỏ hoang...".
 Có một chiều đông nắng vàng hanh hao và se buốt tôi ngồi với chị bên mé chợ Đồng Xa. Hai ly nước vối. Nhắc chuyện xưa và kể chuyện bây giờ, chị ứa nước mắt. Tôi không biết nói gì hơn với chị, ngoài câu: "Chúng ta còn có trang viết chị ạ". Chị cười, nụ cười có cái lúm đồng tiền hiền lành như lần đầu tôi gặp và gật gật đầu. Nụ cười có ánh sáng khiêm nhường của ngọn nến bạch lạp và cây đèn chai. Có phải thế không chị?

Nguồn: VNCA