Tình cảm giữa các nhà thơ, nhà văn đích thực thường
sâu sắc. Phải chăng nó xuất phát từ sự suy nghĩ sâu sắc của họ về cuộc đời, về
con người. Tôi rất kính trọng các nhà thơ nhà văn về sự sâu sắc ấy. Sự sâu sắc
này chứa đựng trách nhiệm cao với cuộc sống, cũng thể hiện tình yêu sâu nặng của
họ với cuộc đời. Sống sâu sắc thì một ngày sống có thể dài hơn một ngày, một đời
sống chỉ “cổ lai hi” cũng là dài hơn trăm năm! Trong lịch sử, tình bạn văn
chương sâu sắc được ghi lại rất nhiều. Thi thánh Đỗ Phủ kém thi tiên Lý Bạch 11
tuổi, nhưng hai người là bạn thân thiết. Năm 759 Lý Bạch đang trên đường đi
đày, Đỗ Phủ đã làm bài thơ “Cuối trời nhớ Lý Bạch” rất cảm động: “Cuối trời gió
lạnh bốc lên rồi? Ý người quân tử lúc này ra sao?/ Chim hồng, chim nhạn bao giờ
đến?/ Sông hồ nước thu tràn đầy/ Văn chương ghét người gặp vận/ Ma quỷ thích
trêu người đi qua? Để nói chuyện với hồn người thác oan/ Có lẽ (bác) ném thơ xuống
sông Mịch La”.
TÌNH VĂN GIỚI
ĐINH QUANG TỐN
Tình bạn đẹp là động lực thúc đẩy nhau trong cuộc sống
và xây dựng sự nghiệp. Tình bạn trong văn giới là động lực sáng tạo, bởi đời sống
tâm hồn đẹp hay xấu ảnh hưởng rất lớn đến thế giới thẩm mỹ của nhà thơ nhà văn.
1.
Hai chục năm trước tôi còn công tác ở địa phương. Phải
nói rằng tình bạn văn giới ở địa phương khi ấy thật thắm thiết. Khi Hội Văn học
nghệ thuật Hải Dương tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập, mặc dù tôi không phải
quê ở đây, tôi đã viết một bài trên tạp chí văn nghệ của tỉnh với đầu đề Tôi
mãi mãi nhớ về ngày ấy. Ngày ấy, có thể sáng tác văn chương của chúng tôi chưa
được hay, nhưng tình cảm của chúng tôi đối với nhau thì không thể chê được, trọng
nhau về tài quý nhau về đức. Hội Văn nghệ tỉnh Hải Hưng khi ấy (nay thành hai hội
văn nghệ Hải Dương và Hưng Yên) mỗi năm tổ chức trại sáng tác văn học một lần.
Bạn bè văn nghệ háo hức được gặp nhau, trò chuyện, đọc thơ đọc truyện cho nhau
nghe thâu đêm suốt sáng. Bạn bè cùng làm thơ cùng viết truyện hiếm lắm. Cả tỉnh
gần ba triệu dân mà những người sáng tác thơ văn cũng chỉ có vài chục người.
Khi không có trại, nhiều người chúng tôi tìm đến thăm nhà nhau, đạp xe xa đến mấy
chục cây số để hàn huyên.
Khi ấy, qua báo chí chúng tôi cũng được biết những
tình cảm trong giới nhà văn rất cảm động. Nhà thơ Xuân Diệu sống tằn tiện mua để
dành được chỉ vàng, thấy vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc và Đỗ Bạch Mai nghèo
nuôi con nhỏ, thi sĩ đem mừng tuổi cho các cháu ngày Tết. Một chỉ vàng ngày ấy
có giá trị hơn cả cây vàng bây giờ. Rồi chuyện nhà thơ Phùng Khắc Bắc khi mất,
thơ của anh vẫn chưa in ra, bởi khi sống anh thường viết giấu mọi người. Sau
khi anh mất, bạn bè đã sưu tầm, tập hợp, sắp xếp, chọn lọc in thành tập Một chấm
xanh và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Còn những nhà thơ nhà văn
làm công tác biên tập ở các báo và nhà xuất bản trân trọng từng bản thảo, góp ý
sửa chữa cho các tác giả, viết thư trao đổi tâm tình, gọi điện báo cho cộng tác
viên bài được in ra... thì là những việc làm tự nhiên thường ngày. Những tình bạn
kiểu như của Nguyễn Khuyến - Dương Khuê, Xuân Diệu - Huy Cận thì rất nhiều, chỉ
có điều mọi người ít nổi tiếng nên không được nhắc đến.
Bây giờ, mới chỉ cách đó hai chục năm mà sao nhiều sự
khác thế. Các Hội Văn nghệ ở địa phương tình cảm giữa các bạn văn hình như cũng
không còn được như trước. Trong văn giới, một số người đối xử với nhau cho
chúng ta nghĩ họ chưa hề bao giờ biết khái niệm quân tử là gì. Thì đúng rồi,
quân tử là một khái niệm cũ từ thời phong kiến. Nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc
cũng có lúc đã phải thốt lên: Hãy khoan quân tử đã! Nhưng đấy là ông nói khi đối
xử với kẻ thù. Còn giữa các bạn văn, sao lại nỡ đối xử với nhau như vậy? Tôi ngờ
rằng đã có một lực lượng không lương thiện xâm nhập vào giới nhà văn hoặc có một
số nhà văn biến chất hoạt động không lương thiện. Họ không lấy văn chương làm cứu
cánh mà chỉ lấy văn chương làm phương tiện thôi.
Tình bạn đẹp là động lực thúc đẩy nhau trong cuộc sống
và xây dựng sự nghiệp. Tình bạn trong văn giới là động lực sáng tạo, bởi đời sống
tâm hồn đẹp hay xấu ảnh hưởng rất lớn đến thế giới thẩm mỹ của nhà thơ nhà văn.
Lĩnh vực văn chương là thế giới tinh thần, tâm hồn đẹp thì mới sáng tạo được những
tác phẩm đẹp, bởi văn tức là người, không thể có những nhân cách xấu mà mong
sáng tạo được những tác phẩm đẹp bất tử. Nguyễn Trãi tiên sinh trở thành danh
nhân văn hóa thế giới, bởi tâm hồn ông sáng đẹp, được vua Lê Thánh Tông ca ngợi:
ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo. Bạn có cùng tôi nghĩ như thế chăng hỡi các
nhà thơ nhà văn đã nguyện suốt đời phụng sự cái đẹp, phụng sự văn chương nghệ
thuật?
2.
Trong cuộc sống, bạn bè cũng có lúc giận nhau. Vấn đề
là ứng xử thế nào trong những tình thế ấy, để giữ tình bạn đẹp mãi. Bởi vì, “Bạn
thân suốt đời/ Quý hơn vàng ngọc”. Tôi nhớ, có một nhà thơ lớn đã bộc lộ
cách ứng xử trong tình huống ấy của mình: “Nếu bạn bước lại một bước, thì mình
phải tiến lại hai bước!”. Đó là một cách ứng xử đẹp, vì tình bạn cao cả, chứ
không vì ích kỷ cá nhân.
Tình cảm giữa các nhà thơ, nhà văn đích thực thường
sâu sắc. Phải chăng nó xuất phát từ sự suy nghĩ sâu sắc của họ về cuộc đời, về
con người. Tôi rất kính trọng các nhà thơ nhà văn về sự sâu sắc ấy. Sự sâu sắc
này chứa đựng trách nhiệm cao với cuộc sống, cũng thể hiện tình yêu sâu nặng của
họ với cuộc đời. Sống sâu sắc thì một ngày sống có thể dài hơn một ngày, một đời
sống chỉ “cổ lai hi” cũng là dài hơn trăm năm!
Trong lịch sử, tình bạn văn chương sâu sắc được ghi
lại rất nhiều. Thi thánh Đỗ Phủ kém thi tiên Lý Bạch 11 tuổi, nhưng hai người
là bạn thân thiết. Năm 759 Lý Bạch đang trên đường đi đày, Đỗ Phủ đã làm bài
thơ “Cuối trời nhớ Lý Bạch” rất cảm động: “Cuối trời gió lạnh bốc lên rồi? Ý
người quân tử lúc này ra sao?/ Chim hồng, chim nhạn bao giờ đến?/ Sông hồ nước
thu tràn đầy/ Văn chương ghét người gặp vận/ Ma quỷ thích trêu người đi qua? Để
nói chuyện với hồn người thác oan/ Có lẽ (bác) ném thơ xuống sông Mịch La”. Đấy
là tâm sự của những tâm hồn lớn mà cuộc đời không hiểu được. Bảo Lý Bạch hãy
trò chuyện với Khuất Nguyên bằng cách “ném thơ xuống sông Mịch La” nơi Khuất
Nguyên trẫm mình thác oan là Đỗ Phủ đã hiểu Lý Bạch đến tận cùng!
Đại thi hào Nguyễn Du có lẽ là một người cô đơn giữa thời đại lúc đó chăng mà
ông toàn đi tâm sự với những người đời trước, những giai nhân văn sĩ nước
ngoài. Ông đã biến nàng Kiều trong tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm
Tài Nhân thành người phụ nữ Việt Nam để gửi gắm niềm tâm sự.
Ông trò chuyện với Khuất Nguyên vô cùng sâu sắc
trong bài thơ “Phản chiêu hồn”, trò chuyện với nàng Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu
Thanh ký” nổi tiếng. Đặc biệt, ông thương Đỗ Phủ, có lẽ vì hoàn cảnh nghèo khổ
trong loạn lạc giống mình, và cũng lận đận vì văn chương như mình, dẫu Nguyễn
Du sinh sau Đỗ Phủ hơn nghìn năm. Đây là hai nhà thơ hiện thực và nhân đạo sâu
sắc nhất của hai nền văn chương Trung Hoa và Việt Nam. Tình cảm lớn của thi
nhân đã kéo thời gian gần lại, và lời tâm sự như của người cùng thời: “Văn
chương ông lưu truyền muôn đời, ông cũng là bậc thầy muôn đời/ Tôi bình sinh
khâm phục ông không lúc nào xa rời… Ông với tôi/ ở hai thời đại khác nhau,
thương nhau luống rơi nước mắt/ Ông cùng khổ như thế há phải vì hay thơ/ Cái bệnh
lắc đầu cũ (bệnh điếc) bây giờ đã khỏi chưa?/ Dưới suối vàng đừng để bọn quỷ cười”.
Đồng cảm đến mức nhớ cả bệnh điếc của người xưa, và khuyên “đừng để bọn quỷ cười”
là sự tri âm đến tận cùng tri âm!
Trở lại với tình bạn văn chương của chúng ta hôm
nay, hình như một số nhà thơ, nhà văn đã không học được cốt cách của các văn
nhân thi sĩ thời xưa. Cách ứng xử của một số người trong văn giới đã để cho những
người yêu văn chương phải chạnh lòng. Tôi luôn quan niệm là cuộc đời cao hơn
văn chương, nên tôi cũng vô cùng kính trọng những ai sống và hành động theo
quan niệm của đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vì thế,
mặc dù không hâm mộ thơ của nhà thơ Lê Đạt và cũng không đồng tình với quan niệm
về thơ của ông, tôi vẫn vô cùng kính trọng ông khi ông viết: “Công việc làm thơ
và phê bình thơ ít tiền và gian nan. Do đó các nhà thơ, các nhà phê bình thơ phải
đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau”.
Đừng sợ mình thua bạn, đừng sợ mình thấp hơn bạn,
hãy “tiến lại hai bước” để gặp bạn như cách ứng xử của nhà thơ Chế Lan Viên
trong cuộc tranh luận với nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến về “văn học phải đạo” từ
gần bốn thập niên trước.