Lý thú là cuộc hội ngộ của anh với chị Khánh Ly sau 15 năm xa cách, cũng lại ở một gác nhỏ ở Paris... Nhớ lại cuộc hội ngộ ấy, Trịnh Công Sơn đã kể: "Chao, chưa kịp ngồi xuống đã lãnh đủ một trận mưa rào trên vai. Một thứ mưa nước mắt được kết tụ từ đám mây xa xứ, từ những kỷ niệm thần tiên của một thời phiêu lãng hồn nhiên, từ những rối rắm không thể biện giải của những uẩn khúc trong tâm hồn, từ những lúc xa xưa gần gũi bất khả nghi của lịch sử, từ những điều chưa nói, muốn nói mà không nói được, từ cái lỗi của người này cái sơ sót của người nọ, từ cái phù du của vật chất, cái khắc nghiệt của tinh thần, từ cái không mà có, cái có mà không... và cứ mưa đi những cơn mưa từ thiện của sự trong lành. Mưa và tâm hồn được rửa sạch...”



TRỊNH CÔNG SƠN và cơn mưa dầm trên vai...

CHÂU LA VIỆT

Ngày ấy tôi làm ở Báo Thanh Niên. Tổng biên tập Nguyễn Công Khế bảo tôi sang gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để viết về chuyến đi châu Âu và lần gặp gỡ sau 15 xa cách của nhạc sỹ họ Trịnh với ca sỹ Khánh Ly (ngày ấy báo chí dường như rất ít nhắc đến chị Khánh Ly)...
Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi gọi bằng anh, và có những thân thiết. Là bởi ba tôi, nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ trong những ngày sống ở Huế được mẹ anh Sơn coi như em, vì thế anh Sơn vẫn gọi ba tôi là cậu xưng cháu... Một người anh họ của tôi là nhạc sỹ Hoàng Thi Thao gọi ba tôi là chú ruột cũng rất thân thiết với anh Sơn và gia đình anh Sơn, nhất là với anh Tịnh, em ruột anh Sơn. Lại một người cháu khác của tôi - theo dòng họ Hoàng là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường được kể là bạn thân nhất của anh Trịnh Công Sơn những ngày ở Huế...
Tôi nhớ ngày ấy (những năm 80), chị Khánh Ly từ Mỹ gửi về những tâm sự, những nỗi niềm. Trong những dòng tâm tư ấy, dù là khi chị nhớ về tuổi thơ, kể về cuộc đời nghệ thuật, hay bộc bạch nỗi lòng yêu Huế của mình, thì vượt lên tất cả, vẫn là để nhớ, để nói, để kể về một người mà với chị, đã làm chị từ "cô bé Lọ Lem” được “lột xác”, và lột xác từ một đọan trường này sang một đoạn trường khác. Con người ấy với chị Khánh Ly chính là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn...
Chị bộc bạch: “Cũng tưởng đời sẽ lêu bêu mãi cho đến ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật, thì điều đó đã đến với tôi từ một đêm mưa Đà Lạt. Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh, người con trai đó nói với tôi bằng giọng Huế.
Dân Đà Lạt đa số nói giọng Huế, nhưng Sơn là “Huế chay”. Sơn với đôi bàn tay gầy guộc, những ngón dài tài hoa, chắp cho tôi đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài vạn dặm. Cô bé Lọ Lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này sang một đoạn trường khác. Từ Sơn, tôi đã thành danh. Nhưng đó cũng chưa hẳn là điều tôi mong muốn!
Một hôm tôi hỏi Sơn: “Sống trong đời mình cần phải có gì?”. Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: "Cần có một tấm lòng”. Tôi nhìn Sơn: “Một tấm lòng? Ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu củi quế, giữa thời con người được định giá bởi quần áo, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn, thì một tấm lòng để làm gì?”. Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao kính: "Dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió... cuốn đi!”.
Tôi nhìn sững Sơn không rõ là bao lâu, nhưng chắc là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh. Nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gầy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào cũng không hay, gió thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang muốn chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu rọi vào cõi u tối, ngu muội. Hình ảnh con nhỏ bụi đời lúc hàn vi bỗng sừng sững trước mặt tôi. Cái ngõ tối lầy lội đường Phan Thanh Giản. Cái nhà sàn cầu sắt Đa Kao. Những buổi chiều nằm trên sân cù Đà Lạt khóc một mình...
Tất cả chợt sống lại. Hay nói đúng hơn, ở một lúc nào đó tôi đã chết rồi. Và chiều nay, vầng trán mênh mông, giọng nói dịu dàng, ánh mắt thăm thẳm, bao dung. Sơn đã kéo tôi ra khỏi cái chết ngu xuẩn. Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, đời người cũng dễ sống và hãy thả trôi đi những niềm đau. Hai mươi năm qua, tôi sống như lời Sơn nói, như điều Sơn muốn. Còn có ai thấy được hay không, điều đó không cần thiết. Chỉ cần Sơn không thất vọng, điều đó đủ rồi".
Đất nước giải phóng, hết cơn binh đao, loạn lạc. Rồi người đi người ở, sông chảy đời sông, suối trôi đời suối, đã có lúc tưởng không bao giờ có ngày gặp lại! Ấy vậy mà, có một ngày tháng 6 của năm 1989, đất nước đổi mới mang đến nhiều lạ kỳ và diệu ảo. Trịnh Công Sơn và người bạn văn thân thiết Nguyễn Quang Sáng có dịp sang Paris. Trong cuộc đi này của các anh, những người hằng quan tâm tới nhạc sỹ họ Trịnh và ca sỹ Khánh Ly lại thầm hỏi: "Những thần tượng của họ có hay không một cuộc hội ngộ, có hay không tìm gặp lại nhau? Có hay không “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”?
Anh Sơn rót cho tôi một ly rượu "uống đi em”, rồi bàn tay với những ngón tay gầy của anh nâng ly, nhấm nháp từng ngụm. Và anh bắt đầu kể tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có những gác nhỏ ngày xưa anh vẫn đi về ở Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt, Đơn Dương... rồi những gác nhỏ mà anh vừa qua ở Paris". Lý thú là cuộc hội ngộ của anh với chị Khánh Ly sau 15 năm xa cách, cũng lại ở một gác nhỏ ở Paris...
Nhớ lại cuộc hội ngộ ấy, Trịnh Công Sơn đã kể: "Chao, chưa kịp ngồi xuống đã lãnh đủ một trận mưa rào trên vai. Một thứ mưa nước mắt được kết tụ từ đám mây xa xứ, từ những kỷ niệm thần tiên của một thời phiêu lãng hồn nhiên, từ những rối rắm không thể biện giải của những uẩn khúc trong tâm hồn, từ những lúc xa xưa gần gũi bất khả nghi của lịch sử, từ những điều chưa nói, muốn nói mà không nói được, từ cái lỗi của người này cái sơ sót của người nọ, từ cái phù du của vật chất, cái khắc nghiệt của tinh thần, từ cái không mà có, cái có mà không... và cứ mưa đi những cơn mưa từ thiện của sự trong lành. Mưa và tâm hồn được rửa sạch... Cơn mưa đi qua, đôi mắt ráo lạnh. Khánh Ly ngồi xuống cạnh tôi cùng vài người bạn. Và cũng chỉ thế thôi, đủ quá rồi. Chúng tôi ngồi hát với nhau như xưa đã cùng ngồi hát thâu đêm... Cứ như là một câu chuyện bỏ dở hôm qua, hôm nay tiếp tục. Không hề có một chút đoạn trường ở đây. Cuộc đời bỗng dưng nhẹ nhàng, dễ thở, tốt đẹp bất ngờ. Tôi gặp Khánh Ly hai lần cũng căn gác đó. Ăn, uống, ca hát và nhắc nhở nhau gắng giữ gìn sức khỏe. Đời sống vốn đôn hậu và rộng lòng...".
Trịnh Công Sơn kết luận như vậy, tinh tế, đằm thắm và thanh thản. Tôi lặng ngắm nhìn anh. Mới hay trong thẳm sâu nỗi nhớ của mình, chị Khánh Ly nhớ về anh Sơn rất chuẩn:  "Cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh”.
Hệt như cuộc sống, anh thật đôn hậu và rộng lòng. Như với cơn mưa nước mắt bởi nhiều lý do của Khánh Ly vừa trút lên bờ vai của anh. Anh cũng hiểu những năm tháng qua, nhiều thăng trầm đến với người bạn nghệ thuật của mình, không phải lúc nào Khánh Ly cũng sống được như điều chị hằng tâm niệm: "Sống như Sơn nói, như điều Sơn muốn, chỉ cần Sơn không thất vọng”, nhưng anh vẫn cứ ngồi lặng im lãnh đủ trận mưa rào nước mắt, kể như cơn mưa từ thiện của sự trong lành, mưa và tâm hồn được rửa sạch...
Khánh Ky lể: "Tan cơn mưa, nước mắt cũng tạnh ráo, lại chạm ly với anh. Lại nhìn nhữn ngón tay gầy của anh đưa ly lên nhấp nhấp. Chao, phải không anh, trên đời này có những tình yêu cao hơn cả tình yêu, có những ánh sáng của tâm hồn huyền ảo lung linh hơn cả ánh sáng của tình yêu, có những cuộc đời chỉ cần sống như người kia muốn, sống chỉ cần cho người kia biết, và cũng có những cuộc đời là cả một tấm lòng, “dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi!”, cho muôn người và cho riêng một người...".
Bài viết về cuộc gặp gỡ của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly in, được nhiều bạn đọc quan tâm. Một lần anh Hoàng Thi Thao từ Mỹ về, có nói với tôi, chị Khánh Ly có đọc bài này, hỏi anh Thao là “Con cậu Thơ đấy à”. Anh Thao gật đầu, chị Khánh Ly bảo: "Viết dễ thương quá”.
Lại một lần anh Sơn kêu sang uống rượu, cứ hồi hộp chờ anh cho một lời về bài viết, nhưng anh không nói gì, chỉ rót một ly rượu: "Uống đi em”. Cũng lúc đó có một người bước vào, anh Sơn chỉ tôi trìu mến giới thiệu "Con cậu Thơ đó”!