Những ngày đón mùa xuân Mậu Tuất, nữ sĩ Đặng Nguyệt
Anh ra mắt tập thơ “Thao thức đường trăng” để mừng sinh nhật lần thứ 70 và kỷ
niệm 50 năm ngày cưới. Nhà giáo Phạm Thanh Liêm – phu quân của nữ sĩ Đặng Nguyệt
Anh nhớ lại: “Ngày 7-1-1968, chúng tôi làm đám cưới theo đúng kiểu thời chiến.
Đoàn rước dâu toàn mặc đồ màu nâu hoặc màu đen, đạp xe thành một đoàn lặng lẽ
trong màn đêm giá lạnh. Đám cưới diễn ra từ 2 giờ sáng đến 5 giờ sáng”. Nữ sĩ Đặng
Nguyệt Anh cười rộn rã theo câu chuyện xa xưa mà chồng mình vừa nhắc đến. 50
năm ân nghĩa tào khang, con cái cũng đã trưởng thành, vợ chồng nữ sĩ Đặng Nguyệt
Anh quyết định chụp ảnh cưới , vừa để thêm nồng ấm hoài niệm quá khứ vừa để bù
đắp thiệt thòi thời trai trẻ lãng mạn và khốn khó.
ĐỘI CÂU KIỀU ĐI SUỐT TRƯỜNG SƠN TÌM CHỒNG
TUY HÒA
Nữ
sĩ Đặng Nguyệt Anh được công chúng biết đến với những câu thơ mềm mại và xao
xuyến như “Nếu anh biết được... chiều nay/ Gió từ đâu đến... thổi gầy nhành
mai/ Một đời gió có vì ai/ Xô nghiêng chiều tím ra ngoài hoàng hôn”. Thế nhưng,
trong giới cầm bút, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh thường được truyền tụng bằng giai thoại
một cô giáo tuổi đôi mươi từ Nam Định vượt Trường Sơn vào Nam tìm chồng. Và họ
không chỉ gặp lại nhau giữa mưa bom lửa đạn và còn hạnh phúc đến hôm nay với một
đám cưới vàng đầu năm 2018!
Những ngày đón mùa xuân Mậu Tuất, nữ sĩ Đặng Nguyệt
Anh ra mắt tập thơ “Thao thức đường trăng” để mừng sinh nhật lần thứ 70 và kỷ
niệm 50 năm ngày cưới. Nhà giáo Phạm Thanh Liêm – phu quân của nữ sĩ Đặng Nguyệt
Anh nhớ lại: “Ngày 7-1-1968, chúng tôi làm đám cưới theo đúng kiểu thời chiến.
Đoàn rước dâu toàn mặc đồ màu nâu hoặc màu đen, đạp xe thành một đoàn lặng lẽ
trong màn đêm giá lạnh. Đám cưới diễn ra từ 2 giờ sáng đến 5 giờ sáng”. Nữ sĩ Đặng
Nguyệt Anh cười rộn rã theo câu chuyện xa xưa mà chồng mình vừa nhắc đến. 50
năm ân nghĩa tào khang, con cái cũng đã trưởng thành, vợ chồng nữ sĩ Đặng Nguyệt
Anh quyết định chụp ảnh cưới , vừa để thêm nồng ấm hoài niệm quá khứ vừa để bù
đắp thiệt thòi thời trai trẻ lãng mạn và khốn khó.
Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh sinh ra và lớn lên ở Ninh Trực
– Nam Định. Cảnh quê và tình quê trong thơ chị luôn bồi hồi cảm hứng bất tận: “Sông
Ninh dạt dào sóng vỗ/ Chân đê xanh mướt cỏ non/ Chú bé thả diều trâu ăn lúa/ Hoa
phượng đỏ sân trường vẫn nở/ Võng ai đưa kẽo kẹt trưa hè/ Thuyền ai về neo dưới
bóng hàng tre”. Học xong trường huyện, cô gái mới lớn Đặng Nguyệt Anh mỗi ngày
qua đò theo khoá 7+2 của Trường Sư phạm Nam Định. Người thầy chủ nhiệm của chị
cũng là một giáo viên Toán cự phách – Phạm Thanh Liêm. Những giờ học giữa phập
phồng tiếng kẻng báo động máy bay địch, thầy giáo Phạm Thanh Liêm vẽ hình tròn
không cần compa và vẽ đường thẳng không cần thước kẽ, khiến bao nữ sinh muôn phần
ngưỡng mộ. Cô học trò Đặng Nguyệt Anh cũng để ý thầy giáo Phạm Thanh Liêm lớn
hơn mình 8 tuổi, nhưng chỉ âm thầm gửi gắm vào thơ: “Em như trái đậu trên cành/
Ướp hương trời đất... chín... thành tương tư/ Giữa đời thường, thực và mơ/ Anh
như ngọn gió... bất ngờ thoảng qua”. Hết khoá học, thầy giáo Phạm Thanh Liêm bắt
đầu theo đuổi cô học trò Đặng Nguyệt Anh. Quê chàng – Xuân Trường và quê nàng –
Trực Ninh ngày càng gần gũi hơn, cho đến ngày nàng viết “Câu hát trao duyên
vương vào khóm trúc/ Để một đời thương nhớ gỡ không ra”.
Cưới nhau vừa được mấy tháng, thì thầy giáo Phạm
Thanh Liêm được lệnh chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiễn chồng đi xa, người
vợ trẻ Đặng Nguyệt Anh an ủi bản thân: “Vùi trong lòng mẹ yêu thương/ Thoáng
đôi mắt mẹ nét buồn xa xăm/ Đời người dài cả trăm năm/ Chồng con ra trận vài
năm rồi về”. Ngày qua ngày, người vợ trẻ Đặng Nguyệt Anh ở lại quê nhà chỉ biết
ngóng trông bằng niềm riêng xao xác: “Ngày ấy/ Câu ca dao mảnh quá/ Không níu
được đời em/ Phận gái như cánh chuồn kim/ Lại say miền bão lửa”. Sau 4 năm chồng
vào Căn cứ trung ương Cục miền Nam, người vợ trẻ Đặng Nguyệt Anh được một người
quen báo tin: “Chồng của chị bị sốt rét, nằm ở Lộc Ninh. Bây giờ tổ chức có cho
anh ra Bắc, thì anh cũng không tự đi được!”. Dẫu biết sự chia ly vì lý tưởng giải
phóng dân tộc, nhưng trái tim người vợ trẻ Đặng Nguyệt Anh vẫn nghẹn ngào, nửa
thương chồng nửa xót mình. Chị tự nhủ: “Người đàn bà sinh ra mọi nỗi cô đơn/ Và
chính họ đã nhận về tất cả”, nhưng chị không thể tiếp tục đứng ngồi không yên,
vào ra một bóng với những giấc mộng hoang mang. Nhiều đêm thao thức, chị có một
quyết định táo bạo: xung phong vào chiến trường miền Nam: “Biết rằng bom đạn
gian nan/ Xin cha mẹ, con vào Nam tìm chồng/ Mưa chiều giăng trắng dòng sông/ Trũng
sâu mắt mẹ lưng tròng lệ xa”. Cả cha mẹ ruột và cha mẹ chồng đều thương cảm ngập
tràn, nhưng họ không thể không đồng tình với ý chí của Đặng Nguyệt Anh.
Cuối năm 1968, Đặng Nguyệt Anh từ giã con sông Ninh
ôm ấp bao nhiêu êm đềm tuổi thơ để lên đường. Khoảnh khắc ấy được chị viết
thành Trường ca Mẹ: “Thiên cổ hùng văn chưa thuộc/ Luận ngữ trên tường để mốc/
Đội câu Kiều đi suốt Trường Sơn/ Dép cao su mòn đá/ Gót chân son không đợi dấu
hài/ Dồn dập những trận bom tọa độ, B52/ Trường Sơn rùng rùng đất đá/ Vẫn mơ
phương trời lạ/ Khát cháy lòng một ban mai”. Cô giáo Đặng Nguyệt Anh tuổi 24 lần
đầu tiên xa nhà, không chỉ gửi lại phấn trắng bảng đen và những đôi mắt học trò
thơ ngây, mà còn gửi lại bao nỗi hy vọng của hai bên nội ngoại. Bao lần vấp ngã
đường mưa, bao lần co ro gió lạnh, bao lần khóc thầm bơ vơ, Đặng Nguyệt Anh vẫn
cắn răng chịu đựng: “Nhìn ánh lửa gần/ Nghĩ đến chiến trường xa/ Lòng rạo rực
mong trời mau sáng/ Ngày mai/ Đồng đội cùng con lại hành quân/ Đêm Trường Sơn
mông mênh…”.
Vốn có sẵn sự đa cảm của người làm thơ, hành trình
vượt Trường Sơn gập ghềnh và cam go vẫn giúp nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh nhận ra nhiều
vẻ đẹp quanh mình: “Trăng liềm lơ lửng góc trời/ Cho em đưa võng một thời Trường
Sơn”. Sau đúng 90 ngày đêm lặn lội, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh đặt chân đến chiến
khu Nam bộ trong niềm hạnh phúc vỡ oà, như những câu thơ chị tâm sự cùng người
mẹ ở quê nhà Nam Định: “Chiều hè vui thật là vui/ Cao su lòa nắng xanh trời Lộc
Ninh/ Đi qua trăm thác ngàn ghềnh/ Gặp chồng, con nghĩ là mình chiêm bao”.
Không ai tin một cô giáo trẻ nhỏ nhắn và mỏng manh
như Đặng Nguyệt Anh lại có thể vượt Trường Sơn bom đạn để tìm chồng. Vậy mà sự
thật ấy đã xảy ra, như một câu chuyện cổ tích. Và chính sự hiện diện của người
vợ yếu đuối nhưng kiên cường, đã trở thành liều thuốc bổ để nhà giáo Phạm Thanh
Liêm nhanh chóng bình phục. Hai vợ chồng cùng được bố trí công tác ở Tiểu ban
Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Sau chuỗi ngày dằng dặc
cách ngăn, họ lại ở bên nhau san sẻ đắng cay ngọt bùi, mà nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh
ghi lại thành những dòng lục bát rưng rưng: “Mẹ ru anh ngủ ngày xưa/ Em ru anh
thức nắng mưa trọn đời/ Mẹ ru yên ấm biển trời/ Ru anh em biết chọn lời nào
đâu/ Ru cùng biển rộng sông sâu/ Con chim về tổ, con tàu về ga/ Ru cùng trời đất
bao la/ Hồn mê lộ biết lối mà tìm không”. Sang năm 1974, hạnh phúc của họ được
nhân lên khi con gái đầu lòng Ngọc Anh ra đời dưới tán lá trung quân rợp bóng
chở che những người kháng chiến. Nữ sĩ Đặng Nguyệt Ánh viết về phút giây diệu kỳ
và nhân ái ấy: “Chọn một bình minh mùa hạ, con ra đời/ Sáng nay tiếng chim rừng
ríu rít/ Nắng chan hoà mặt đất/ Trời xanh hơn mọi ngày/ Bố con mừng cuống quít/
Mọi người trong cứ đều vui/ Từ nay lại được nghe tiếng trẻ khóc cười…/ Các bác
thương con dặm lại mái nhà dột/ Các bác thương con dành dụm từng viên thuốc/ Mấy
cô thương con cho nắm rau rừng/ Mấy chú thương con xách từng xô nước/ Mọi người
thương con chia nhau bế bồng…”.
Đất nước thống nhất, vợ chồng họ cùng ở lại TPHCM. Nữ
sĩ Đặng Nguyệt Anh dạy Văn tại Trường trung học Marie Curie, còn nhà giáo Phạm
Thanh Liêm gắn bó với Trường quản lý cán bộ giáo dục. Thêm hai đứa con nữa sinh
ra giữa hoà bình vun đắp ngọn lửa yêu thương cho gia đình họ. Thanh bạch và
trong sáng, họ cùng nhau đi qua từng mùa xuân mơ ước, dẫu lắm phen chật vật và
hắt hiu: “Đồng lương vợ chồng nhà giáo/ Cộng lại, chia năm/ Chia cho cả mấy tên
lừa đảo/ Dẫu chắt chiu, không đủ tiền về thăm cha mẹ… Mùa này Tết, quê ta rét lắm/
Thương mẹ tay cóng chân run lưng gầy/ Chiếu chăn nào cản nổi, gió mùa đông bắc
tới/ Xin cho con làm hơi ấm bên người”. Rồi những câu thơ của nữ sĩ Đặng Nguyệt
Anh cũng thong dong hơn, nhưng những vần điệu xôn xao vẫn khôn nguôi ký ức một
thưở gian lao tìm chồng: “Đạn bom một thời đã qua/ Cơn sốt rừng theo em về phố/
Đắng nghẹn từng hơi thở/ Những khớp xương nhức nhối/ Vẫn thương buốt lòng/ Trường
Sơn ơi…”.
Nhà giáo Phạm Thanh Liêm với đặc thù nghề nghiệp,
luôn đứng khiêm tốn phía sau một người vợ làm thơ nổi tiếng. Thế nhưng, nhà
giáo Phạm Thanh Liêm yêu vợ và và yêu cả những tác phẩm của vợ hơn ai hết. Nhà
giáo Phạm Thanh Liêm nhận ra những nuối tiếc xa xưa trong thơ vợ: “Cái thời
lúng liếng đong đưa/ Bao nhiêu cậu ấm cù cưa theo mình/ Dẫu rằng không hát trúc
xinh/ Mà ai cứ đứng sân đình đợi ai”. Từ ngày nghỉ hưu, nhà giáo Phạm Thanh
Liêm thường xuyên đưa vợ về thăm quê nhà Nam Định, để nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh được
ngụp lặn trong xanh mát những cánh đồng bên sông Ninh mơ mộng: “Vườn ai còn
ngát hương cau/ Giếng khơi thuở ấy gội đầu. Trăng lên/ Đây rồi những lối thân
quen/ Gọi hồn phiêu lãng, gọi tên bồi hồi”.
Nửa thế kỷ có nhau, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh và nhà
giáo Phạm Thanh Liêm có được một đám cưới vàng giữa vòng tay con cháu và bạn
bè. Mối tình của họ còn được làm chứng bởi những câu thơ đắm đuối của nữ sĩ Đặng
Nguyệt Anh: “Anh và em lẫn vào nhau/ Lẫn vào nhau tự lúc nào không hay/ Như trời
xanh lẫn trong mây/ Như nước trong đất, như cây trong rừng/ Như sông hoà biển
mênh mông/ Như ngàn gió lẫn vào trong đất trời/ Như lời ru quyện vành môi/ Như
bao la sóng suốt đời biển xanh/ Lẫn vào nhau nữa đi anh/ Cái tên riêng đã hoá
thành tên chung”./.