Gần hai chục đầu sách với đủ thể loại đã trình làng
cho thấy tầng văn hóa của Nguyễn Gia Nùng khá đa dạng. Ông có hẳn một mảng viết
về chân dung các nhà văn thông qua những kỷ niệm riêng, rất thú vị. Đó là những
trang viết đầy trân trọng về các bậc đàn anh trong nghề như: Xuân Diệu, Chế Lan
Viên, Nguyên Hồng, Võ Huy Tâm… Kế đến là những trang thấm đậm nghĩa cử bạn bè,
đồng môn khi nói về Phan Tứ, Đoàn Minh Tuấn, Võ Văn Trực, Xuân Trình... Mỗi người
trong số họ, Nguyễn Gia Nùng đều lẩy ra được những nét tinh tế làm nổi bật tính
cách cũng như thần thái văn chương, qua đó giúp cho bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời
và sự nghiệp cầm bút của họ.
NGUYỄN
GIA NÙNG “NGƯỜI DỆT ƯỚC MƠ”
NGUYỄN MINH NGỌC
Nguyễn Gia Nùng tuổi Đinh Sửu (1937), thuộc lớp nhà
văn được học hành tới nơi, tới chốn. Quê ông ở Lệ Xá, thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh
Hưng Yên. Ngay từ thuở còn học phổ thông, Nguyễn Gia Nùng đã sớm bộc lộ năng
khiếu và có thơ đăng trên các báo của Trung ương. Nhưng phải đợi tới khi bước
vào cổng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì năng khiếu ấy mới có dịp nẩy nở tựa
như hạt mầm tốt gặp đất phì nhiêu. Ngày ấy, lớp Văn 3 của trường có một tổ sáng
tác văn học do Lê Khâm (nhà văn Phan Tứ) làm tổ trưởng, hoạt động rất hăng hái.
Nhờ cái lò luyện văn chương ban đầu này mà về sau cả tám thành viên của tổ sáng
tác ấy đều trở thành những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như: Phan Tứ, Đoàn Minh
Tuấn, Võ Văn Trực, Ngô Văn Phú, Xuân Trình, Nguyễn Gia Nùng...
Năm 1961, cùng lúc có bốn cơ quan đặt vấn đề xin
chàng sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, trong đó đáng chú ý nhất là Bộ
Ngoại giao và Nhà xuất bản Lao động, nhưng Nguyễn Gia Nùng đã chọn công việc của
một người biên tập. Đây là môi trường rất thuận lợi cho việc phát triển khả
năng văn học. Chẳng phải đợi lâu, tại cuộc thi bút ký và phóng sự do báo Văn học
tổ chức năm 1962, bút ký “Dấu khuyên đỏ” của Nguyễn Gia Nùng giành được giải nhì, cắm cột mốc đầu tiên
trong nghiệp cầm bút. Từ đây, ngòi bút của ông có dịp thử sức và tung hoành
trên nhiều thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký...
Với tư cách là một biên tập viên của Nhà xuất bản
Lao động, Nguyễn Gia Nùng từng làm “bà đỡ” mát tay cho nhiều cây bút trẻ mới xuất
hiện. Vừa đảm trách công việc ở cơ quan, vừa tranh thủ thời gian thâm nhập thực
tế để sáng tác, có thể nói nhà văn trẻ này đã căng mình ra tìm hướng đi cho
trang viết của mình. Truyện ký “Chuyện một tổ máy xúc” viết về chân dung người
lao động mới, anh hùng Vũ Xuân Thủy, đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Dù là
loại truyện người thực việc thực nên rất khó xoay trở, nhưng ngòi bút Nguyễn
Gia Nùng vẫn thể hiện với tất cả sự đồng cảm và lòng yêu thương, trân trọng. Dựng
lại một cách chân thực hình ảnh người công nhân trong mối tương quan gắn bó với
tập thể cùng những suy nghĩ và hành động của họ là điều không dễ. Điều đáng nói
là cuốn sách ra đời đã được những người thợ đón nhận nồng nhiệt. Đó là một phần
thưởng quý giá động viên khích lệ người cầm bút.
Khi giặc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại
ra miền Bắc bằng không quân và hải quân, Nguyễn Gia Nùng đã kịp thời có mặt ở
tuyến lửa khu Bốn. Sau đó, ông bám theo một đoàn xe vào tận Trường Sơn trong ba
tháng. Vẻ đẹp của những con người mà ông bắt gặp trên dọc tuyến đường ra trận
đã choán ngợp xúc cảm của nhà văn. Nhất định phải viết một cái gì đó để trả món
nợ ân tình! Trở về sau một chuyến đi dài trong hoàn cảnh nội tâm thôi thúc như
thế, Nguyễn Gia Nùng đã ngồi viết liền tù tì một mạch suốt 45 ngày hoàn chỉnh bản
thảo cuốn tiểu thuyết “Sao băng” với hơn 300 trang in. Đề tài mới mẻ, hấp dẫn,
nên cuốn sách được Nhà xuất bản Lao động ấn hành rất nhanh. Đây là cuốn tiểu
thuyết đầu tiên viết về những chiến sĩ trên mặt trận giao thông thời chiến
tranh. Ngày ấy, ngành giao thông vận tải đã huy động một chuyến xe đặc biệt chở
sách của Nguyễn Gia Nùng vào chiến trường, cứ mỗi trung đội hoặc đơn vị bảo đảm
giao thông đều được cấp một cuốn. Quả là một sự kiện hiếm thấy trong đời sống
văn học lúc bấy giờ. Sao băng trở thành bạn đồng hành của những người lái xe và
thanh niên xung phong, thôi thúc họ băng lên phía trước.
Thủy chung với mảng đề tài đã chọn, Nguyễn Gia Nùng
luôn hướng ngòi bút của mình vào số phận những người thợ, khơi gợi nét nhìn ấm
áp nhân hậu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) chừng hai tháng, nhà
văn đã có chuyến “hành phương Nam” đầu tiên, đặt chân đến Sài Gòn. Không phải để
ngao du, ông sục xuống các cơ sở sản xuất, tìm hiểu và nắm bắt những vấn đề cuộc
sống mới đang đặt ra. Những điều cảm nhận được đã giúp nhà văn viết rất nhanh
theo lối ứng chiến kịp thời. Cuốn tiểu thuyết “Người dệt ước mơ” viết về cuộc đời
của những người công nhân thông qua số phận của một cô thợ dệt chính là kết quả
của chuyến đi ấy.
Sau 17 năm liên tục công tác ở Nhà xuất bản Lao động,
Nguyễn Gia Nùng đã chọn Nha Trang làm nơi dừng chân. Thực ra, ban đầu do nể lời
một người quen mà ông đã đồng ý vào tăng cường cho Đài phát thanh Phú Khánh
(cũ) trong khoảng 2 năm. Khi hết thời hạn, do yêu cầu công việc của Đài, ông đã
không trở ra Hà Nội mà ở lại và bén rễ luôn với mảnh đất Nha Trang. Từ trưởng
phòng biên tập của Đài phát thanh, nhà văn Nguyễn Gia Nùng được cử làm Phó ban
vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Khánh. Trải bao thăng trầm,
cuối cùng ông lại trở về với nghề xuất bản. Như vậy, gần như suốt cả đời hoạt động
của mình, Nguyễn Gia Nùng chuyên tâm gắn bó với công việc làm sách từ Nhà xuất bản Lao động, đến Nhà xuất bản tổng
hợp Phú Khánh, Chi nhánh Nhà xuất bản Lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, rồi
Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Nha Trang cho tới lúc nghỉ hưu.
Ngay cả trong thời kỳ bận rộn làm công tác quản lý,
Nguyễn Gia Nùng vẫn dành thời gian sáng tác. Ngoài truyện và ký, ông còn viết cả
truyện phim, truyện thiếu nhi, rồi biên khảo... Những tác phẩm như: “Thành phố
mùa thu” (tập truyện ngắn), “Đất và người xứ trầm hương” (tập ký), “Từ nguồn ra
biển” (tập thơ)... đều lấy cảm hứng từ mảnh đất Nha Trang, Khánh Hòa. Giống như
một gã tình nhân đang yêu, Nguyễn Gia Nùng có những vần thơ say đắm viết về
thành phố biển. “Anh gọi Nha Trang là thành phố - tình - yêu. Nơi anh đã gặp em
và biển. Nha Trang của chúng mình, là thành phố của Thơ và Gió - Mặt - Trời.
Thành phố trẻ trung trong mỗi trái tim người”.
Đến nay, ông đã xuất bản một số tập thơ, trong đó,
đáng chú ý là: “Thơ tình mười hai tháng” (1991), “Những phút trầm tư” (2001).
Thơ Nguyễn Gia Nùng là những suy ngẫm về cuộc đời, về đất nước, con người với
giọng điệu sâu lắng và thật dễ thương. “Em sợ nhất là sự nửa vời. Nửa vời tình
yêu, nửa vời ước hẹn. Nên tình yêu đổi màu, ước hẹn đơn sai. Chân lý nửa vời, sớm
một, chiều hai. Sự thật nửa vời, chẳng ai thấu tỏ” (Nửa vời).
Gần hai chục đầu sách với đủ thể loại đã trình làng
cho thấy tầng văn hóa của Nguyễn Gia Nùng khá đa dạng. Ông có hẳn một mảng viết
về chân dung các nhà văn thông qua những kỷ niệm riêng, rất thú vị. Đó là những
trang viết đầy trân trọng về các bậc đàn anh trong nghề như: Xuân Diệu, Chế Lan
Viên, Nguyên Hồng, Võ Huy Tâm. Kế đến là những trang thấm đậm nghĩa cử bạn bè,
đồng môn khi nói về Phan Tứ, Đoàn Minh Tuấn, Võ Văn Trực, Xuân Trình... Mỗi người
trong số họ, Nguyễn Gia Nùng đều lẩy ra được những nét tinh tế làm nổi bật tính
cách cũng như thần thái văn chương, qua đó giúp cho bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời
và sự nghiệp cầm bút của họ.
Giờ đây, được giải phóng khỏi công việc quản lý,
khép lại nghề xuất bản đầy duyên nợ, Nguyễn Gia Nùng như cất được gánh nặng
trên vai. Dường như ông khỏe ra và càng có điều kiện để chuyên tâm hơn với nghiệp
văn chương. Đúng là về “hưu công tác không hưu bút” như ông vẫn tâm sự. Nhiều
hôm đi công chuyện ở ngoài Đồng Đế (Nha Trang), tôi tạt vào nhà riêng thấy ông
vận quần đùi, áo may ô đang nhễ nhại viết. Thì ra những trang văn, những trang
đời vẫn khôn nguôi ám ảnh và thôi thúc ông cầm bút. Ông hồ hởi khoe các tập bản
thảo vừa mới hoàn thành đã được “nhà” nọ “nhà” kia nhận xuất bản và chỉ nay mai
là có sách.
Nguyễn Gia Nùng là như thế. Ông là nhà văn của công
chúng, một con người sống bởi yêu thương và hy vọng. Vâng, chiều hôm qua, lúc
16 giờ ngày 25/11/2017, bước sang tuổi 81, trái tim của người con xứ Đông đã ngừng
đập. Xin vĩnh biệt ông, nhà văn Nguyễn Gia Nùng!