Trưa ngày 24 tháng 2 năm 2018, đúng kỷ niệm lần thứ 80 của mình, NSND Tuệ Minh đã trút hơi thở cuối cùng. Một ngôi sao sáng chói của màn ảnh và sân khấu nước ta trong suốt mấy chục năm qua đã lụi tắt. Một giọng đọc dịu dàng, thủ thỉ, đầy nữ tính của những “Mẩu chuyện đêm khuya” trên Đài Tiếng nói Việt Nam, của những câu chuyện kể dành cho tuổi nhỏ, của các nhân vật “nhí” trong các bộ phim hoạt hình, phim búp bê từ nay mãi mãi chỉ còn lại trên những băng từ trong kho lưu trữ… Về cuộc đời Bà, về những cống hiến nghệ thuật của Bà, tôi tin rằng sau này sẽ có rất nhiều bộ phim, nhiều trang sách đề cập tới...




MỘT NGƯỜI RA ĐI, NHỮNG MÃ KHÓA CÒN CHƯA KỊP MỞ...

TÔ HOÀNG

Ví như, ai đặt tên cho Bà là Tuệ Minh- cái tên gợi lên đúng tư chất thông minh, tài năng đa dạng, khuôn mặt và nụ cười rất riêng và hiếm có của Bà?
Ví như hãy điểm lại những nhân vật mà Bà đảm trách trên màn ảnh và sân khấu của đời sống nghệ thuật một thời kỳ mà bây giờ người đời quen gọi là “duy ý chí”, hoặc “bao cấp”? Phim thì có “Một ngày đầu thu”, “Vợ chồng anh Lực”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “ Ngày lễ thánh”.. Kịch thì có “Trung phong chết trước lúc rạng đông”, “Cách mạng”…Những nhân vật nữ nghệ sỹ đảm nhiệm thuở ấy thường là những thân phận bình thường, nhỏ bé, thậm chí tội nghiệp nhưng đều ánh lên chất người; những đau đớn, giằng sé có thật; những ước ao, mong muốn đơn giản nhưng cũng có thật… Sau hết là những phẩm giá đạo đức tựa như khơi chảy tự ngọn nguồn của cha mẹ, ông bà; của bà con xóm trên, làng dưới. Hầu như trong bảng phân vai nhân vật của nữ nghệ sỹ không có những mẫu người hô hào, hò hét tiến lên; ăn nói tuyền bằng khẩu hiệu, chủ trương- những nhân vật gượng gạo, sống sít, hay nói khác đi là những ma-nơ-canh vật vờ, lạnh giá để chuyển tải cho những được những yêu cầu chính trị nhất thời.Mà những mẫu nhân vật như thế thuở ấy là rất nhiều, là nhan nhản. Có thể nói điều này, nếu ngày hôm nay nhìn lại những nhân vật điện ảnh và sân khấu Bà đã tạo dựng, nữ nghệ sỹ sẽ không phải trải qua nỗi ngượng ngùng, để tin rằng những nhân vật ấy không chết yểu mà sẽ còn sống mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ người xem. Nữ nghệ sỹ Tuệ Minh đã bằng cách nào thoái thác hay né tránh những gì được giao? Hay do chất người, tư chất  của riêng bà;nụ cười, ánh mắt, gương mặt của bà đã trở thành thứ thuốc “dị ứng” với những “ típ” nhân vật kia? Lại một mã khóa chưa có lời giải.
            Cuộc hôn nhân đầu tiên của nữ nghệ sỹ với đạo diễn điện ảnh Huy Vân. Ông vốn là một ngòi bút đã có uy tín và tiếng vang trong cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp.Ông còn là em ruột của nhà báo nổi tiếng Thép Mới. Huy Vân còn là dịch giả sớm sủa nhất và đầu tiên cuốn tiểu thuyết “ Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô Viết Nhicolai Ostrovsky qua tiếng Việt, góp phần động viên nhiều thế hệ trai trẻ nước ta bước vào những trận đánh sinh tử trong các chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Bước vào những năm tháng hòa bình sau Hiệp định Giơnevơ 1954, khi nước ta chuẩn bị bắt tay làm phim truyện điện ảnh, bà Tuệ Minh theo học lớp diễn viên, còn ông Huy Vân theo học lớp đạo diễn cùng do các thày giáo Nga hướng dẫn. Tốt nghiệp khóa học, ông Huy Vân một mình làm một bộ phim truyên dài hơn100 phút với cái tựa đề khá lãng mạn “ Một ngày đầu thu”, kể về lớp thanh niên Việt nam theo cách mạng và bước vào kháng chiến. Loáng thoáng còn nhớ được những cánh rừng cọ tuyệt đẹp ở vùng Phú Thọ; tiếng cười trong trẻo, gương mặt hồn nhiên của một thế hệ áo nâu sồng, khẩu súng trường Trung Chính dài lê thê hăm hở xông trận…” Một ngày đẩu thu” vừa được khen trên báo, lập tức bỗng nghe có lệnh “ cấm chiếu”. Hỏi nguyên nhân. Lao xao tin ngoài luồng: Ăn phải “bả” diễn biến hòa bình của bọn xét lại Liên Xô.Cho tới hôm nay, bọn xét lại Liên Xô kia là ai? Chúng gây những tai họa gì với Việt Nam ta? Còn cái “ bả” diễn biến hòa bình kia là gì? Không một văn bản, không một lời lẽ nào giải thích rành rõ, cụ thể. Có điều, kể từ ngày ấy bộ phim “ Một ngày đầu” chưa bao giờ được chiếu lại để gỡ tiếng oan bởi những suy luận giáo điều, công thức. Mà nghe nói đâu, ngay bản gốc phim “ Một ngày đầu thu” đã bị hủy hoại bới ẩm mốc trên kệ của kho tư liệu phim. Còn “ vụ án” về  đạo diễn Huy Vân và cái chết đầy bi thảm của ông- cho đến tận hôm nay- cũng không công quyền cơ quan nào làm sáng tỏ đúng, sai.
            Giữa những năm tháng bom rơi đạn nổ, củi tem gạo phiếu, nữ nghệ sỹ Tuệ Minh một mình nuôi hai con nhỏ. Bà ở lại Hà Nội đóng  phim, tập kịch, đọc chuyện cho đài vừa bằng niềm mê say nghệ thuật, vừa gom từng chục bạc lẻ để mua thêm ký đường, hộp sữa mang lên nơi sơ tán cho hai con. Làm sao tính suể nỗi gian lao, cơ cực ngày đó. Nhưng gặp bà bất cứ ở đâu, nơi nào vẫn là nụ cười, ánh mắt, giọng nói ấy, không hề suy xuyển, đơn sai.. Cả vài chục năm, tận cho đến lúc bước vào cuộc hôn nhân với nhà văn Nguyễn Đình Thi…
            Có một động tác nhấp chuột dễ dàng để tìm hiểu xem nhà văn  này với nữ nghệ sỹ Tuệ Minh ở trong giãn cách bao nhiêu tuổi?  Sao tôi cứ tin rằng, cùng ở chiến khu Việt Bắc những năm tháng xa xưa ấy, cặp mắt tinh nhậy, đa tình của ông không thể bỏ lọt qua một “giai nhân tuyệt thế” như cô văn công kịch nói Tuệ Minh. Có thể quan hệ ngày ấy giữa nhà văn và nữ nghệ sỹ thuộc lớp đi trước, lớp đi sau; của “chú” và “cháu”.Họ đáng đến và cần đến với nhau có lẽ từ thuở những năm rất xa ấy. Nhưng cả hai đều phải trải qua thêm nhiều thăng giáng, nhiều đổ vỡ, hàn găn, làm lại..Trải qua những năm hòa bình ngắn ngũi; trải qua những năm tháng chiến tranh một lần nữa với Mỹ; trải qua cả một thời kỳ hậu chiến với muôn vàn cơ cực, thử thách. Để khi mái tóc của cả hai đã ngả bạc, họ mới xum họp dưới một nhà- vừa như một điều tất yếu, vừa như một sự tình cờ. Chỉ biết là, sau khi nhà văn Nguyễn Đình Thi qua đời, nữ nghệ sỹ Tuệ Minh bắt đầu cầm bút viết những dòng thơ đầu tiên. Về ông, về mình...
            Khóa mã cuối cùng này dễ gợi ý cho những bạn trẻ viết nên một câu chuyện về một mối lương duyên, trên nền những bi kịch của cá nhân và thời buổi.
            Theo ý riêng tôi, nữ nghệ sỹ Tuệ Minh là một tài năng nhiều vẻ, độc đáo, nhiều tiềm năng mà sáng chói nhất trong lớp diễn viên Khóa I của nền Điện ảnh Cách mạng.
            Bà không may mắn đã đóng phim, diễn kịch khi trên sân khấu, trên  màn ảnh của nước ta hầu như chỉ có một loại vai-không có tính cách hoặc tính cách đơn điệu; không có tâm trạng hoặc xung đột tâm trạng thật, mà chỉ có những gì thêu dệt lên một cách gượng gạo, sắp đặt theo một chủ ý có trước..

            Lý ra, nữ nghệ sỹ cần phải được thử thách, cần được đảm trách.. để giải tỏa trí tưởng tượng của mình, tung đôi cánh tài năng bay xa hơn, bay cao hơn với những nhân vật đại loại như ở các tác phẩm “Gã khờ” của Fedor Dostoievsky, “Anna Karenina ” của Lev Tolstoi…