Sách độc “Nam Đình, nhà văn, nhà báo kì đặc”:
không chỉ bịa đặt hồi ký bậy bạ, nguy hiểm, thâm độc như đã trích dẫn. Sách độc
còn hướng độc giả hiểu sai về Đảng Cộng sản và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh,
xin trích (nguyên văn): “Ngày 27 tháng 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay sang
Pháp. Trước khi đi, Thủ lãnh cộng sản có hai thủ đoạn: một là làm dịu lòng người
dân yêu nước thật thà; hai là gạt Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết cộng sản
không được cảm tình với Anh, Pháp, Mỹ. Nên cứ giữ mãi Mặt trận Việt Minh e sẽ
hoàn toàn thất bại, nơi Hội nghị Fontainebleau. Phải tổ chức một Đảng chính trị
khác, để gom hết nhân dân vào một Mặt trận khác – có tính cách quốc gia hơn – để
mưu gạt Anh, Pháp, Mỹ, nên dặn dò Trần Huy Liệu phải tổ chức Mặt trận khác, gọi
là “Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam”.
NAM ĐÌNH – NHÀ VĂN, NHÀ BÁO KỲ ĐẶC, một quyển
sách phản động, độc hại được ấn hành và bày bán tràn lan
HOÀNG PHƯƠNG
Vừa qua vào nhà sách, thấy sách có tựa “Nam
Đình, nhà văn, nhà báo kì đặc” do Nguyễn Q. Thắng (tên thật là Nguyễn Quyết Thắng)
sưu tầm và giới thiệu, NXB Văn học ấn hành Quý III năm 2011. Thấy lạ, tôi mua về
đọc mới biết cuốn sách này giới thiệu tiểu thuyết và hồi ký của Nam Đình (1906
– 1978), tên thật là Nguyễn Thế Phương với nhiều bút danh như: Nguyễn Kỳ Nam,
Việt Nam, Nam Đình…, từng chủ trương các báo ở vùng tạm chiếm từ thời Bảo Đại
cho đến Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… như báo Cao Đài, tuần báo L’Action
Indochinoise, Đuốc Công Lý, Đuốc Nhà Nam, Thần Chung, Dư Luận, Tin Điển, Tin Mới,
Việt Thanh, Giai Phẩm Thần Chung…
Các tiểu thuyết trinh thám của Nam Đình đa phần
là truyện tình, tiền, lừa đảo, tù tội… Còn hồi ký hoặc bài viết tác giả này
không gì khác ngoài ca ngợi chế độ của “vua” Bảo Đại, “Quốc trưởng” Bảo Đại, “Tổng
thống” Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Nam Đình cho rằng các tổ chức, đảng
phái như: Việt Nam Quốc gia Độc lập đảng, Mặt trận Quốc gia Thống nhất của Hồ
Văn Ngà; đảng Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Quốc gia Liên hiệp Việt Nam của Nguyễn
Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân; Việt Nam Quốc dân đảng của Vũ Hồng
Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Hải Thần; Mặt trận Bình dân
Nam kỳ của Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Phong Tân, Việt Nam phục quốc Đồng Minh hội
của Cường Để là… yêu nước, kháng chiến chống Pháp (?!).
Sưu tầm và giới thiệu sách độc như thế này, ông
Nguyễn Q. Thắng cho rằng Nam Đình là (nguyên văn): “Một nhà báo chân chính… Điểm
sáng nhất của những ghi chép của ông qua bộ Hồi ký 1926 – 1964 với vai trò một
nhân chứng lịch sử của các biến cố lịch sử từ khi Nhật đảo chính Pháp
(9-3-1945) đến ngày thành lập Thanh niên Tiền phong, cuộc biểu tình lịch sử
tháng 8 năm 45 tại Sài Gòn để giành chính quyền từ tay thực dân Pháp… Ngày nay
đọc lại các biến cố, sự kiện này có thể giúp nhà viết sử ghi lại các biến cố ấy
một cách trung thực” (trang 95, 96).
Sự thật lịch sử: “Mùa thu năm 1940, phát xít
Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân
Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng
xích: Pháp và Nhật (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập III, 1930
– 1945, tr.556).
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính thực
dân Pháp để độc chiếm Đông Dương, giành quyền cướp nước ta, đè đầu cỡi cổ bóc lột
nhân dân ta – đó là biến cố lịch sử. Việc thành lập Thanh niên Tiền phong cũng
như cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn để giành chính quyền từ tay thực dân Pháp
không thể gọi là biến cố được. Vậy mà NXB Văn học và ông Nguyễn Q. Thắng gọi cuộc
biểu tình lịch sử tháng 8 năm 45 tại Sài Gòn để giành chính quyền từ tay thực
dân Pháp… là biến cố! Ngày nay đọc lại các biến cố, sự kiện này có thể giúp nhà
viết sử ghi lại các biến cố ấy một cách trung thực quả là hồ đồ hết biết!
Chưa hết, sách “Nam Đình, nhà văn, nhà báo
kì đặc” còn bịa về Thanh niên Tiền phong (TNTP): “… Ông Mai Văn Nguyễn kết luận
“Thế là hàng rào tầm vông của TNTP đã bị đốn ngã; và ngọn cờ của TNTP bắt đầu từ
đó đã khuất dạng, để thay thế ngọn cờ khác: Cờ vàng sao đỏ đã nhường cho “cờ đỏ
sao vàng”. Cộng sản ra mặt cướp hết công lao gầy dựng phong trào Thanh niên Tiền
phong lúc đó. Không hàng ngũ quốc gia ủng hộ, phong trào thanh niên không bành
trướng được. Những ai có thủ đoạn nào cũng không thể gây một sức mạnh vô song
như bên cánh quốc gia đã thành tâm thiệt ý đưa phong trào thanh niên tận tâm phục
vụ Tổ quốc. Vậy là đủ rồi”… (Sđd, trang 240)… “… Đã vậy thanh niên Việt Minh lại
đàn áp TNTP; các chiến sĩ quốc gia bị Đệ tam tàn sát. Như vậy, tinh thần của
dân chúng làm sao không xuống? Nhân dân mất tin tưởng ở Lâm ủy Hành chính, mất
tin tưởng ở Việt Minh – làm sao còn nghị lực để kháng chiến? Cộng sản mặc tình
vu cáo những chiến sĩ quốc gia, buộc tội “Việt gian” lớp giết, lớp thủ tiêu, lớp
cầm tù, hỏi vậy ai còn dám tham gia kháng chiến? (Sđd, trang 445).
Sự thật – theo cố nhà báo Trần Bạch Đằng: “…
tuy tên là TNTP nhưng tham gia vào tổ chức không chỉ có thanh niên. Thực sự, đó
là một Mặt trận đoàn kết rộng rãi những người yêu nước, gồm đủ lứa tuổi, đủ giới,
không phân biệt vị trí xã hội hay tín ngưỡng. TNTP đã làm được một việc hết sức
quan trọng là đoàn ngũ hóa nhân dân, tập luyện cho mọi người ý thức tập thể và
thống nhất hành động. Điều đáng
ghi nhận ở đây là nghệ thuật lãnh đạo, công lao của các đồng chí sáng tạo ra
hình thức tập hợp quần chúng cực kỳ mạnh mẽ ấy. Tất nhiên, khi cuộc Tổng khởi
nghĩa chuyển sang Nam bộ kháng chiến, TNTP không thể đóng vai trò chủ lực trước
một tranh chấp mới trên chiến trường mà yếu tố quyết định là lực lượng có tổ chức,
có kỹ năng chiến đấu vũ trang, tuân theo một sự chỉ huy thống nhất, chặt chẽ, kỷ
luật. Và, TNTP trong bối cảnh mới tất yếu có sự phân hóa. Tuy nhiên, những con
người trung kiên đứng dưới cờ TNTP vào thời tổng khởi nghĩa vẫn tiếp tục đoạn
đường đã chọn và trong số họ, không ít những nhân vật đã thành danh. Trung ương
và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá TNTP đúng thực chất. Khi chính quyền lâm thời
đầu tiên của nước Việt Nam thành lập ngày 23-8-1945 – tức cuộc Tổng khởi nghĩa ở
Sài Gòn chưa diễn ra – thủ lĩnh TNTP Phạm Ngọc Thạch được giao trách nhiệm là
thành viên của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế”.
Chưa hết, sách độc còn viết: Việt Minh cướp của,
giết người rất tàn ác (nguyên văn): “Khi V.M xử Việt gian… Đây, những vụ án điển
hình nhất: Một bác nông phu bị Việt Minh xét trong mình gặp 3 sợi chỉ xanh trắng
đỏ – tức màu cờ Pháp. Tức thì Việt Minh bắt giải về quốc gia tự vệ quốc. (Quốc
gia tự vệ cuộc mới đúng. HP) Và bị giam chung một khám. Cái khám này là một cái
lẫm lúa, sung công của một điền chủ, dùng làm nơi nhốt tội nhân; một bên đàn
ông, một bên đàn bà. Tối lại bác nông phu mới kể lại sự tình cho anh em trong
khám nghe. Hai ngày hôm sau, ông ta bị thủ tiêu, bằng cách dùng dao găm đâm vào
bụng. Người làm việc… sát nhân này – tên Ba Sanh – đánh xe ngựa. Anh ta chuyên
môn… đâm bụng… những người bị kết án tử hình.
Đặc biệt là việc Ba Sanh giết bà Nguyễn Thị
Muôn ở Thị Nghè khá ghê rợn. Quả báo! Độ chừng bốn tháng sau đồng bào ở vùng đó
cho tôi hay: “Ba Sanh đã ra đầu Tây ở Bình Chánh. Vừa rồi, anh lại bị lính Tây
bắn, vì họ tình nghi Ba Sanh thông đồng với V.M”.
Thế là xong đời một kẻ tàn ác giết người vô
nhân đạo. Đó, là tình cảnh của nhân dân Nam bộ, lúc tháng 3 năm 1946. Nghe theo
tiếng gọi của V.M, nhân dân đi tản cư, bỏ hết nhà cửa, đem theo một chiếc va li
cầm tay, vợ chồng con cái đùm đề về tỉnh hay lên miền Đông. Tôi tin rằng: một
trăm người đi tản cư, may lắm là có một người còn áo quần thôi. Còn tiền bạc
vòng vàng, may lắm là giấu được 1 phần 10 (Sđd, trang 481, 482, 483, 484,
485)”.
Lớp trẻ ngày nay đọc hồi ký này của Nguyễn Kỳ
Nam sẽ cho rằng Việt Minh chỉ là một tổ chức của cộng sản chuyên ăn cướp, giết
người.
Sách độc “Nam Đình, nhà văn, nhà báo kì đặc”:
không chỉ bịa đặt hồi ký bậy bạ, nguy hiểm, thâm độc như đã trích dẫn. Sách độc
còn hướng độc giả hiểu sai về Đảng Cộng sản và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh,
xin trích (nguyên văn):
“Ngày 27 tháng 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy
bay sang Pháp. Trước khi đi, Thủ lãnh cộng sản có hai thủ đoạn: một là làm dịu
lòng người dân yêu nước thật thà; hai là gạt Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết cộng
sản không được cảm tình với Anh, Pháp, Mỹ. Nên cứ giữ mãi Mặt trận Việt Minh e
sẽ hoàn toàn thất bại, nơi Hội nghị Fontainebleau. Phải tổ chức một Đảng chính
trị khác, để gom hết nhân dân vào một Mặt trận khác – có tính cách quốc gia hơn
– để mưu gạt Anh, Pháp, Mỹ, nên dặn dò Trần Huy Liệu phải tổ chức Mặt trận
khác, gọi là “Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam”.
Còn Võ Nguyên Giáp giờ chót ở lại Hà Nội,
không đi Pháp là Chủ tịch Hồ Chí Minh mưu đồ việc lật Pháp. Trước khi đi, ông Hồ
Chí Minh âm thầm nhỏ to với Giáp, đặng hi sinh tất cả, miễn là mua cho được thật
nhiều khí giới của Trung Hoa, khi họ rời Bắc Việt… Thực là đúng như mạng lịnh của
lãnh tụ, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội, Trần Huy Liệu tuyên truyền quyết
liệt “Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam” gọi tắt là “Liên – Việt”. Tôi còn nhớ, ở
Nam bộ lúc đó, Nguyễn Bình nắm hết cơ quan quân sự, hành chánh trong tay, lại
là người gốc Việt Nam quốc dân đảng nhưng trong giai đoạn này, Bình làm sao chống.
Nguyễn Bình phải tuân lịnh của cộng sản, triệt để ủng hộ Liên – Việt, liền đưa
ra tuyên truyền rất mạnh “Cương lãnh của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam”. Một bản
danh sách của nhiều phần tử quốc gia được nêu ra để làm “mồi” câu những người
thật thà nhập vào Liên – Việt. Rất nhiều công chức tín nhiệm ở ông chủ tịch Huỳnh
Thúc Kháng nên ghi tên đông lắm. Huống gì, dân chúng ở Nam bộ? Chủ tịch Hồ Chí
Minh quả thật có nhiều thủ đoạn nên tự mình rút tên ra ngoài, không ở trong “Mặt
trận Liên – Việt”…
Nhưng, Mặt trận Liên – Việt, có kết quả như ý
muốn của những người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh không? Không. Họ lầm. Vì họ tưởng
rằng: đưa ra điều 1 – của cương lãnh, “Mặt trận Liên – Việt” nên câu
“chống Phát xít” sẽ được Anh, Mỹ, Pháp ủng hộ, không ngờ. Đồng Minh biết
rõ bên trong của Mặt trận Liên – Việt có những ai rồi, ngoài những tay cộng sản
quốc tế? Mà cộng sản quốc tế do Đồng Minh Nga-Sô lãnh đạo, đã bị Anh, Mỹ, Pháp
ngờ vực từ sau chiến tranh… Mỗi làng, mỗi tổng, mỗi tỉnh đều có một Ủy ban
lãnh đạo, mà nhân viên của Ủy ban chấp hành đều do cộng sản lãnh đạo! Từ
làng, từ tổng, từ tỉnh… đến chót hết là Ủy ban chấp hành Trung ương, đều có
nhân viên cộng sản cao cấp, làm sao quốc tế dám tín nhiệm?(?!) (Sđd, trang 533,
534, 535)”.
Rõ ràng, Nguyễn Q. Thắng và NXB Văn học tuyên
truyền cho các thế lực thù địch, nói không đúng sự thật, xuyên tạc cộng sản,
xuyên tạc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta, xúc phạm đến
các cố lão thành cách mạng như: Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu,
Phạm Ngọc Thạch, Kha Vạng Cân, Nguyễn Bình…; xúc phạm đến Bác Hồ: “Chủ tịch Hồ
Chí Minh lên máy bay sang Pháp. Trước khi đi, Thủ lãnh cộng sản có hai thủ đoạn;
rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh quả thật có nhiều thủ đoạn nên tự mình rút tên ra
ngoài, không ở trong “Mặt trận Liên – Việt”…
Thủ đoạn, có nghĩa là mánh khóe, lừa lọc. Rõ
ràng, NXB Văn học và Nguyễn Q. Thắng đã xúc phạm đến Bác Hồ, hành vi xúc phạm
này “trời không dung, đất không tha, lòng người lên án”.
Căn cứ Luật Xuất bản số 19/2012-QH13 của Quốc
hội ngày 20-11-1012 tại Điều 10 qui định:
1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất
bản phẩm có nội dung sau đây:
a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chúng tôi kiến nghị: Ban Tuyên giáo Trung
ương, Bộ Thông tin – Truyền thông có biện pháp: thu hồi hết 1.000 bản đã phát
hành, bày bán ở các nhà sách; cấm không cho tái bản và có hình phạt xử lý thích
đáng đối với NXB và người sưu tầm và giới thiệu Nguyễn Quyết Thắng.
Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM