Ai đó đã từng nói, truyện cổ tích là giấc mơ của
loài người. Tôi nghĩ rằng đâu phải chỉ riêng truyện cổ tích mà tất thảy văn học
cũng chính là giấc mơ của nhân loại. Trong các lí thuyết về phê bình văn học của
thế giới, Phân tâm học của Sigmund Freud rất chú trọng vào việc nghiên cứu các
giấc mơ, coi đó là một phương tiện hữu hiệu để tìm hiểu thế giới tinh thần, cấu
trúc tinh thần của nhà văn. Theo đó, giấc mơ sẽ mang trong nó những phản ánh của
vô thức, là những dồn nén của mong muốn và ẩn ức được đem vào giấc ngủ. Giấc mơ
khi đi vào tác phẩm thi ca có một độ khúc xạ riêng, nhưng nó vẫn phản ánh được
tâm lý của chủ thể sáng tạo với nhiều chất chứa nằm ở bề sâu của mỗi tác phẩm.
Những bài thơ, câu thơ của Nguyễn Bính về những giấc mơ đem đến cho chúng ta rất
nhiều câu chuyện như vậy.
Những giấc mơ trong thơ thi sĩ chân quê
ANH VŨ
Nguyễn Bính trước 1945 công bố tất cả 7 tập thơ,
chúng ta có thể xét theo trình tự xuất hiện những bài thơ, câu thơ kể về các giấc
mơ, lần lượt xuất hiện qua các tập thơ của ông. Đó là các tập: Lỡ bước sang
ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương, cố nhân (1941), Một nghìn cửa sổ và tập
thơ Bướm (1941), Mười hai bến nước (1942), Người con gái ở lầu hoa (1942) và
Mây Tần (1942). Cộng thêm một số bài thơ lẻ in rải rác trên các báo, tổng số
các thi phẩm viết trước Cách mạng của Nguyễn Bính là 272 bài (dựa theo Nguyễn
Bính toàn tập do Nguyễn Bính Hồng Cầu sưu tầm và biên soạn).
Trong tập thơ đầu Lỡ bước sang ngang, bài Thời trước
có thể xem là câu chuyện đầu tiên về giấc mơ trong thơ Nguyễn Bính. Đó là một
giấc mơ đẹp, mang kết thúc có hậu về một câu chuyện tình của thời xưa, vợ nuôi
tằm dệt vải trồng dâu chạy chợ, nuôi chồng ăn học, mong chồng thành tài, có
ngày vinh quy bái tổ. Không gian nghệ thuật của bài thơ mang đậm dấu ấn của
nông thôn Bắc Bộ thuở xưa, mở đầu và kết thúc đều bằng ánh trăng sáng trên vườn
chè: Sáng trăng sáng cả vườn chè/Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/Vì tằm tôi phải
chạy dâu/Vì chồng tôi phải dầu hao bấc gầy (…) Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/Hai
bên có lính hầu đi dẹp đàng/Tôi ra đứng tận gốc bàng/Chồng tôi xuống ngựa cả
làng ra xem/Đêm nay mới thật là đêm/Ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè. Bài
thơ kết thúc bằng một hạnh phúc thật viên mãn, tròn đầy nhưng ta hiểu rằng,
trên thực tế khoa thi chữ Hán cuối cùng do triều Nguyễn tổ chức đã diễn ra vào
năm 1915, tức là trước khi Nguyễn Bính ra đời 3 năm. Bài thơ vì thế mãi mãi là
một niềm hoài vọng mênh mang…
Bài Truyện cổ tích trong tập Một nghìn cửa sổ lại là
một giấc mơ đẹp khác trong thơ Nguyễn Bính. Thi sĩ không chỉ nhận mình là hóa
thân của bướm mà cả người yêu của chàng cũng mang cốt bướm vậy. Trí tưởng tượng
đặc biệt của nhà thơ đã mang đến cho người đọc một câu chuyện vừa hư ảo vừa trần
thế: Em ạ ngày xưa vua nước Bướm/Kén nhân tài mở Điệp lang khoa/Vua không lấy
Trạng, vua thề thế/Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa/Vua liền gọi gả con gái
yêu/Nàng đẹp như em, chả nói điêu!/Vua nuông hai vợ chồng phò mã/Cho nhởn xem
hoa sớm lại chiều. Câu chuyện được tiếp tục khi vợ chồng đôi bướm lạc giữa vườn
hoa lê, được một bà tiên hiện ra giúp đỡ, đón về nhà cho ăn và ngủ. Và khi giấc
mộng bừng tỉnh cũng là lúc bài thơ kết thúc: Đêm ấy chăn êm và gối êm/Vợ chồng
ăn bánh với bà tiên/Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt/Chồng hóa làm anh, vợ hóa
em. Nhưng bên cạnh những giấc mộng đẹp còn có những giấc mộng đầy chia lìa xa
xót. Đó là những mối tình dở dang thiếu vắng, là những khát khao không bao giờ
được trọn vẹn, mãi mãi day dứt trong cuộc đời thi sĩ. Câu chuyện với em Nhi
trong bài Hoa và rượu (tập Mười hai bến nước) chính là một trong những giấc mộng
tình điển hình nhất cho sự dở dang này.
Trong bài thơ, chỉ có những tháng ngày thơ bé là đẹp
đẽ, trong trẻo và có thực. Để rồi nỗi cách chia xảy đến, khiến thi sĩ chỉ còn
mong thấy người xưa trong mộng mà thôi: Ước gì trên bước đường lưu lạc/Một buổi
chiều nào lạnh gió mưa/Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ/Giật mình tôi thấy giọng Nhi
thưa/Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó/Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu/Nhắc lại thời
xưa mà thẹn lại/Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau. Và rồi cũng giống như Truyện
cổ tích, cho đến cuối bài thơ thì giấc mộng bừng tỉnh, trở về với thực tại bẽ
bàng: Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi/Hoa thừa rượu ế ấy tình tôi/Xa rồi vườn
cũ hoa cam rụng/Gặp lại nhau chi muộn mất rồi/Chiều nay tôi chắp tay tôi lại/Đừng
gặp người xưa nữa, lạy giời! Những giấc mộng tình dang dở còn hiện ra rải rác
trong những câu thơ ở nhiều bài thơ khác: Đêm qua mơ thấy hai con bướm/Khép
cánh tình chung ở giữa trời (Hết bướm vàng), Đêm qua buồn quá tôi say/Đã mơ một
giấc mơ đầy mắt nhung (Mắt nhung). Bản thân người con gái trong mối tình với
thi sĩ cũng được ví như một giấc mơ mà chàng trai chẳng bao giờ theo kịp, chẳng
bao giờ giữ được: Vì em là một bài thơ/Vì em là một giấc mơ khôn cùng (…) Tôi
xin em chớ đợi chờ/Tôi còn theo đuổi giấc mơ khôn cùng (Vì em).
Bên cạnh giấc mộng tình, còn có một cơn mơ khác, một
giấc mộng khác ám ảnh cuộc đời thi sĩ. Đó là nỗi lo cơm áo, là cái nghèo cứ mãi
đeo đẳng người làm thơ như một định mệnh: Nhất kiêng đừng lấy chồng thi
sĩ/Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con (Oan nghiệt). Thế nên trong bài thơ Giấc mơ
anh lái đò, sự cách biệt quá xa về địa vị xã hội, về kẻ giàu người nghèo là một
điều có thật. Gia tài của anh lái đò chỉ có mỗi chiếc thuyền mà thôi, làm sao
có thể so với nguời đàn ông đến cưới được cô gái có những chín chiếc đò đón
dâu, chín nghìn cau, chín nghìn tiền cheo tiền cưới. Chàng trai những muốn bán
đi gia tài duy nhất của mình nhưng làm sao anh có thể làm nổi điều ấy: Lang
thang tôi dạm bán thuyền/Có người trả chín quan tiền lại thôi. Vậy là không chỉ
ái tình mà tiền bạc cùng đời sống giàu sang với thi sĩ cũng mãi là một giấc mơ
xa vời. Nỗi ám ảnh của đời sống cơm áo ấy không chỉ đi vào thơ Nguyễn Bính, nó
còn là một trạng thái chung của nhiều thi sĩ lãng mạn đương thời: Nỗi đời cơ cực
đang giơ vuốt/Cơm áo không đùa với khách thơ (Xuân Diệu), Trời hỡi làm sao cho
khỏi đói/Gió trăng có sẵn làm sao ăn (Hàn Mặc Tử), Suốt mấy năm giời kiết vẫn
kiết/Mà thương cho tôi thương cho anh/Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh (Nguyễn Vỹ),
Đã có lần khói bếp không lên/Vợ ngược con xuôi túi hết tiền/Chồng gục cả lòng
trên giấy mực/Đen ngòm mặt đất tối như đêm (Trần Huyền Trân). Nhưng điều khác
biệt là tất cả những thi sĩ trên đều trực tả với bút pháp của hiện thực, còn
Nguyễn Bính thì đem cái nghèo đó vào trong giấc mơ.
Còn một bài thơ cuối cùng nữa mà tôi muốn kể ra đây
như một giấc mơ đặc biệt nhất trong thơ Nguyễn Bính, đó là bài Cô hái mơ. Thi
phẩm vốn mở ra bằng một không gian có thực của chùa Hương, với một người con
gái hái mơ trong rừng già. Nhưng càng đọc tiếp bài thơ, ta lại càng có cảm giác
đây là một không gian hư ảo, nhuốm màu tiên cảnh. Mối tình đẹp đẽ như khói
sương chưa kịp chớm nở đã vội tàn, giống như con đường của Từ Thức bị chặn lại,
làm nên cách ngăn mãi mãi giữa trần gian và thiên giới. Vì thế, chữ “mơ” trong
bài thơ thực sự là một lấp lửng đa thanh đa nghĩa, vừa là rừng mơ mà cũng vừa
là cơn mộng: Cô hái mơ ơi, cô gái ơi/Chẳng trả lời nhau lấy một lời/Cứ lặng rồi
đi, rồi khuất bóng/Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi…
Tóm lại, hai giấc mơ quan trọng trong cuộc đời thi
sĩ Nguyễn Bính là giấc mơ tình yêu và giấc mơ cơm áo. Soi chiếu vào cuộc đời thực
của nhà thơ, ta thấy Nguyễn Bính ít có những hạnh phúc lâu dài về đời sống hôn
nhân và gia đình. Ông có tới 4 đời vợ mà thời gian chung sống đều chẳng được
bao lâu. Người vợ đầu tiên là bà Nguyễn Hồng Châu (cưới năm 1951), người vợ thứ
hai là bà Mai Thị Mới (cưới năm 1952), người vợ thứ ba là bà Phạm Vân Thanh,
hai người chung sống với nhau trong thời gian Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm
hoa (1956). Năm 1958, Nguyễn Bính trở về quê nhà Nam Định làm việc tại Ty văn
hóa Thông tin và ít năm sau cưới người vợ cuối cùng, bà Trần Thị Lai.
Theo hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài, đứa con với
bà Vân Thanh, Nguyễn Bính đã làm thất lạc ở ga Hàng Cỏ khi trao nó vào tay một
người lạ mặt. Về đời sống vật chất, chúng ta chắc rằng nhà thơ cũng có một đời
sống với nhiều khó khăn, nhất là trong những năm tháng cuối đời, nằm trong tình
hình chung của đất nước khi vẫn còn chưa thống nhất. Như vậy, những giấc mơ
trong thơ Nguyễn Bính đứng từ góc nhìn của phân tâm học Freud ít nhiều cho
chúng ta những đáp án tương đối sát thực với cuộc đời của nhà thơ. Và dù đời thực
của thi sĩ khá đa đoan nhưng những cống hiến của ông về mặt nghệ thuật lại có
giá trị lâu dài, đi vào lòng đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân của nhiều thế hệ.
Đọc lại những vần thơ của Nguyễn Bính, người đọc hôm nay hiểu ông hơn và thêm
phần đồng cảm, sẻ chia với tiếng lòng của một thi sĩ tài danh.