Năm 2017 đi qua, có dư luận cho rằng thi ca đang “mất
mùa” vì Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay không có thơ; Giải thưởng Hội
Nhà văn Hà Nội không trao cho thơ và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng không trao
giải thưởng chính thức cho thơ (chỉ có tặng thưởng cho mấy tập thơ, nhưng sau
đó có tập lại bị kiện vì có dấu hiệu “đạo thơ”). Có một thực tế ai cũng nhận ra
trong tình trạng xuất bản thơ những năm gần đây, thơ hay quá ít mà thơ dở lại
quá nhiều. Trong khi đó, số người làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn ở Trung ương
và các tỉnh, thành phố lớn ngày một đông đảo. Có thể nói, người làm thơ hôm nay
quá nhiều, việc in thơ ở các nhà xuất bản đang trong tình trạng “lạm phát thơ dở”,
“bùng nổ thơ dở” nên thơ không bán được và chủ yếu thơ in ra là để giao đãi, để
tặng nhau. Có người đã nói vui, thi ca đương đại hôm nay đang ở tình trạng bi
hài dở cười, dở khóc “Người người làm thơ/ Nhà nhà in thơ/ Ta nhất định thắng/
Thơ nhất định thua”.
Qua các giải thưởng văn chương gần đây: Vì sao thơ
"mất mùa"?
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Cho đến những thập niên đầu của thế kỷ XXI, có nhiều
ý kiến cho rằng, dường như một thế kỷ “vàng son” của thi ca Việt Nam đã đi qua,
và rằng thời đại của thi ca đã dần tắt trước sự “xâm lăng” của các loại hình
văn hoá mới, trước thời đại văn minh hội nhập toàn cầu của công nghệ thông tin
và các phương tiện nghe - nhìn. Có lý lắm, khi cộng đồng văn hóa Việt hôm nay không
mấy người chú ý đến thơ đương đại và sự phát triển lặng lẽ của nó trong dòng chảy
chung của văn học Việt Nam trong hai thập kỷ gần đây.
Phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống trong
tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống đô
thị và cái gọi là lối “sống gấp” đang nghiền thời - gian - sống của chúng ta
thành từng mảnh vụn? Đã có lúc tôi tự hỏi: “Thơ cần cho ai - cần cho mọi người
hay chỉ cần cho riêng ta?”.
Nếu nói thơ cần cho mọi người thì đấy là một điều
không thực tế, vì số đông hôm nay không đọc thơ (cũng không phải vì không đọc
thơ mà đời sống tinh thần của họ nghèo nàn). Trong cộng đồng văn hóa Việt hôm
nay chỉ có một thiểu số còn đọc thơ (đa phần là học sinh, sinh viên và người
làm thơ đọc thơ của nhau). Vậy thơ sống thế nào trong thời đại “kỹ thuật số”,
trong thời “điện tử hoá” đang rút dần đất sống của thơ?
Có thể nói, sự xuất hiện của các cây bút trong những
năm gần đây đã làm cho diễn đàn thơ trẻ có thêm một luồng sinh khí mới. Bước đầu,
những tác giả trẻ này với bút pháp tìm tòi đang thể hiện một khuynh hướng mới
trong thi ca. Nhưng liệu khuynh hướng tìm tòi này có thể trở thành một trào
lưu, một phong cách mới ghi được dấu ấn riêng trong sự phát triển của thơ Việt
Nam đương đại hay không thì vấn đề ấy vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời giải.
Tôi có cảm giác, một số tác giả thơ trẻ hiện nay đang coi trọng, đang đề cao việc
tìm kiếm “cái lạ” và tìm cách biểu đạt “cái người khác chưa dám nói tới hoặc né
tránh” trong thi ca nhiều hơn là việc tìm tòi, xây dựng một hệ thống thi pháp mới
có khám phá về mặt nghệ thuật để làm giàu có cho ngôn ngữ thơ Việt.
Có ý kiến cho rằng, phải chăng với họ, thơ “cần phải
lạ” chứ không “cần phải hay”? Có một thực tế, nhiều bài thơ tìm tòi của một số
cây bút trẻ hiện nay không nhận được sự hưởng ứng đồng thuận của nhiều người
trong giới văn chương chứ chưa nói tới độc giả thơ. Nhưng không vì thế mà chúng
ta không ghi nhận những dấu hiệu “biến đổi” mới mẻ này ở nhiều tác giả trẻ, nó
cho thấy nền văn học đương đại của chúng ta đang có những chuyển động, đang
khai mở cho một giai đoạn mới của thi ca.
Các tác giả trẻ này thường trình bày khá sinh động,
khá đa dạng cái tôi-hiện-đại của mình trong một cuộc chơi nhằm đổi mới ngôn ngữ
thơ, nó mang hơi thở buồn vui của đời sống đô thị hôm nay. Một số cây bút trẻ
không chú ý tới việc xây dựng tứ thơ, vì thế các bài thơ của họ mang một cấu -
trúc - lỏng, nó mới chỉ dừng lại ở một mức biểu đạt thông thường của ngôn ngữ
nhằm chuyển tải một nỗi niềm, một tâm sự, một ghi nhận, một khắc họa đời sống…
Và khi ấy, bài thơ chỉ là một tập hợp của những mảnh
vụn đời sống được mô tả, được sắp đặt bằng những con chữ mà đáng lẽ ra nó phải
được nhà thơ kiến tạo và xác lập bằng một ý tưởng mới, một cấu trúc mới mang lại
cho bài thơ một đời sống một tư duy cao hơn cái đời sống tầm thường đang diễn
ra mỗi ngày.
Một cái - tôi - đặc - trưng của thơ trẻ hiện nay là
cái tôi gai góc, cái tôi cực đoan, cái tôi xa lạ, cái tôi khác người luôn được
thể hiện, được hướng tới, được nhìn nhận, được khẳng định ở nhiều khía cạnh
khác nhau trong nhiều bài thơ của họ.
Có một thực tế thơ ca mà chúng ta nhận thấy trong những
thập niên cuối của thế kỷ XX vừa qua, người đọc đã quá quen tai với những vần
điệu du dương mòn mỏi. Sự lạm phát đến “quá tải”, đến bão hoà của thơ tình (xin
nhấn mạnh là loại thơ tình không hay) đã gây cảm giác nhàm chán, làm người đọc
thất vọng và làm công chúng quay lưng lại với thơ. Giờ thì tất cả mọi người đều
có thể bỏ tiền túi để công bố những tâm sự “nỉ non lai láng” của mình, hoặc những
“triết lý vặt” theo kiểu “đánh đố” bằng thơ.
Có lẽ thơ hay không cần phải giải thích, lĩnh hội
nhiều, cứ đọc lên là ta thấm ngay được cái phần tâm linh của câu chữ. Thú thật,
là một người làm thơ, nhưng tôi rất ngại đọc những bài thơ tình nhạt nhẽo, đọc
thấy nhang nhác giống nhau về nỗi niềm, tình ý với những hình ảnh xưa cũ hoặc
làm duyên câu chữ với các loại thơ tình vật vã, thơ tình trái ngang, thơ tình
cô liêu, thơ tình u uất, thơ tình phá phách đề cao dục vọng thân xác… đua nhau
lạm phát các kiểu “tình tang muôn thuở”.
Thứ thơ dễ dãi “đong đưa” này dường như không có sức
sống cùng thời gian. Hành trình khắc nghiệt của thơ ca sẽ loại bỏ những thứ thơ
đó. Thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo. Trong
thơ Việt thời gian qua, không ít những bài thơ vui rất giả, rồi buồn cũng rất
giả. Ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng “giả” làm người đọc khó chịu. Phải chăng
độc giả của thơ ngày một ít đi cũng bởi lẽ ấy (?).
Thời gian trước đây tôi cho rằng, thơ hay (giống như
một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người
hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có
soi vào mãi cũng không thấy gì. Còn thời gian gần đây tôi lại nhận ra rằng, thơ
hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý
tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới
của ngôn ngữ thơ.
Và một trong những tiêu chí của thơ hay là phải làm
người đọc ngạc nhiên về tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại, để thơ vượt thoát khỏi những
khuôn sáo ước lệ của vần điệu và thắp lên những hình tượng thơ mới. Trong mỗi
bài thơ hay, không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều
kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao.
Và, trong trường - thẩm - mỹ này, những vấn đề tưởng
chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời
sống quê hương máu thịt hằng ngày.
Theo tôi, trong quá trình cách tân thi ca, điều quan
trọng là tác giả phải biết cách giữ được đặc thù của ngôn - ngữ -thơ trong chuyển
động đổi mới của những con chữ. Đây chính là sự khác biệt giữa một số cây bút
cách tân đã nhân danh cái mới để “lạ hoá” thơ đến mức phản - thơ với những tác
giả có xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn- ngữ- thơ bằng những ý tưởng
mới.
Theo tôi, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ
nhiều khi không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của
ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được
phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế
giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân.
Điều khác biệt (và khu biệt nhất) để có thể nhận ra
được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương- mặt- thơ khác nhau như thế
nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh,
khắc hoạ trong một trường - thẩm - mỹ nào.
Trong thơ trẻ gần đây, đời sống đường phố và nhịp điệu
sống đô thị hiện lên khá ngột ngạt và căng thẳng với những nỗi lo âu của con
người thời hiện đại. Thơ văn xuôi của họ ít chất thơ nhưng nó chứa đựng những ẩn
ức và quẫn bách của một tâm trạng đang tìm lối thoát và sự chia sẻ, khi con người
đang trở nên mông muội và ký thác tâm trí mình vào những điều hoang tưởng.
Và trong số những nhà cách tân đầy nhiệt huyết này, ở
một số cây bút, nhiều khi phẩm chất tài năng, phẩm chất thi sĩ không theo kịp
phẩm chất đổi mới, nên có thể những bài thơ “non lép” của họ mới chỉ dừng lại ở
mức có dấu hiệu của sự tìm tòi mà chưa làm nên sự khác biệt của một phong cách
thơ mới được khẳng định bởi một tài năng thơ đích thực. Bởi một trong những thể
hiện rõ nét nhất của phẩm chất thi sĩ chính là cách tìm tòi về mặt ngôn ngữ và
cách xử lý câu chữ theo một phong cách riêng để tạo nên một tứ thơ mới cho mỗi
bài thơ, và cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng
một hình tượng lạ, một cấu trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải
là một phát hiện mới về tính suy tưởng của thơ.
Nguồn:
Văn Nghệ Công An