Alzheimer là căn bệnh phổ biến ở người già. Với người nọ có thể là hoạ nhưng với người kia có thể là phúc. Không ai được quyền thay mặt nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ trả lời đó là phúc hay hoạ, nhưng sự suy tàn của trí nhớ cũng giống như sự giải thoát khỏi những dằn vặt và những đắng cay. Nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ có hài lòng với sự phản vệ ấy của số phận nhiều thăng hoa lắm lận đận ấy chăng? Không rõ, nhưng nhìn chị bây giờ chẳng còn nôn nao “hái tuổi em đầy tay” và chẳng còn bồi hồi “đề tặng một giấc mơ”, sao cứ thấy thấm thía hơn những câu thơ chị từng viết: “Đời sống chật chội ơi/ Hạnh phúc dịu dàng ơi/ Thời gian một đời người không lặp lại/ Một ngày ta dần mất ta/ Từng chút, từng chút một…”.




LÂM THỊ MỸ DẠ BIẾT MÌNH CÒN MẮC NỢ ĐÓA PHÙ DUNG

LÊ THIẾU NHƠN

Sắp bước vào tuổi cổ lai hy, nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ mắc bệnh mất trí nhớ, mà y học gọi là alzheimer. Không còn nhận ra người quen, không còn bận tâm chuyện gì, nữ sĩ lừng danh ở xứ Huế mộng mơ một thời, bây giờ ngồi ngơ ngác giữa căn hộ chung cư Sài Gòn ngột ngạt như chìm khuất trong câu thơ thuở nào chị viết “Ước gì ta được là sông/ Để ra đến biển là không còn mình”.

Alzheimer là căn bệnh phổ biến ở người già. Với người nọ có thể là hoạ nhưng với người kia có thể là phúc. Không ai được quyền thay mặt nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ trả lời đó là phúc hay hoạ, nhưng sự suy tàn của trí nhớ cũng giống như sự giải thoát khỏi những dằn vặt và những đắng cay. Nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ có hài lòng với sự phản vệ ấy của số phận nhiều thăng hoa lắm lận đận ấy chăng? Không rõ, nhưng nhìn chị bây giờ chẳng còn nôn nao “hái tuổi em đầy tay” và chẳng còn bồi hồi “đề tặng một giấc mơ”, sao cứ thấy thấm thía hơn những câu thơ chị từng viết: “Đời sống chật chội ơi/ Hạnh phúc dịu dàng ơi/ Thời gian một đời người không lặp lại/ Một ngày ta dần mất ta/ Từng chút, từng chút một…”.

Nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên ở Lệ Thuỷ - Quảng Bình. Tuổi 20, chị bắt đầu xuất hiện trên thi đàn bằng những “Ý nghĩ” rộn ràng: “Những cơn mưa/ Quen mà rất lạ/ Mưa chải dài cây lá/ Đọng ngấn tròn bâng khuâng/ Mưa đi đâu về đâu/ Chẳng ai biết nữa/ Chỉ biết sau cơn mưa/ Trời không còn vôi vữa/ Chỉ biết sau cơn mưa/ Mặt đất thành mới mẻ/ Con gà đi nhặt thóc/ Nắng lại vàng trên đồng/ Cây đâm chồi nẩy lộc/ Cát nhìn thêm mênh mông”. Rồi tại cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1972-1973, nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ được trao giải nhất, mà chùm thơ 4 bài của chị tạo ấn tượng mạnh mẽ với “Khoảng trời, hố bom”. Bài thơ được cảm tác từ sự hy sinh của một cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường: “Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Lấy nước trời xoa dịu vết thương đau/ Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên  trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức/ Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi/ Ngày hôm nay bước tiếp chặng đường dài”.

Cái tứ độc đáo của bài thơ “Khoảng trời, hố bom” đã đưa nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ vào hàng ngũ những nhà thơ tiêu biểu cuối giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” làm nên thương hiệu Lâm Thị Mỹ Dạ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bởi tinh thần vượt lên sự khốc liệt bằng sự cao đẹp cũng hiển lộ trong nhiều bài thơ khác. Ví dụ, bài thơ “Một cuộc đời âm vang” viết về một nữ anh hung: “Đất gầm lên rồi đất bỗng im lìm/ Chiếc hầm nổ tung, chị vỡ thành ánh sáng/ Máu xương chị đất đai tỏa rạng hoặc bài thơ “Chuyện một cô bảo mẫu” nơi giao tranh gay gắt: “Tôi chạy về với các em lòng như lửa cháy/ Mắt trong veo, các em ngồi đấy/ Ôi bầy chim nhỏ của tôi!/ Chiến tranh còn là còn trẻ mồ côi”.

Giữa dòng thơ đầy nộ khí quen thuộc trong chiến tranh, nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ mang đến một giọng điệu đằm thắm, dẫu sau một trận càn dữ dội Đêm qua bom nổ trước thềm/ Sáng ra, trời vẫn ngọt mềm tiếng chim/ Nghe hương cây vội đi tìm/ Hai chùm ổi chín lặng im cuối vườn”, dẫu sau mất mát khôn nguôi: Những nấm mồ xếp đều bên nhau/ Như những phím chiếc dương cầm của đất/ Rung lên những âm thanh lặng thầm không tắt/ Chỉ trái tim người mới nghe được mà thôi”. Đôi mắt đàn bà hiền lành và khoan dung, nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ không chỉ nhìn về đồng bào mà còn dành cho kẻ địch. Người lính phía bên kia không phải bản tính đã man rợ, chị nghĩ vậy và chị lý giải “Khuôn mặt ẩn kín” thật độ lượng: Tôi muốn làm con nai nhỏ/ Chạy hoài dưới trời cỏ xanh/ Đừng bắt tôi đi vào rừng rậm/ Tôi sẽ hóa thành chó sói dữ dằn/ Những mưu chước lưới đời ai lường được/ Sự dối lừa/ Trá hình trong giọng lưỡi ngọt ngon/ Tôi là con nai quá đỗi ngu đần/ Đã xa đi đồng cỏ tươi xanh/ Khuôn mặt tôi khuôn mặt chó sói/ Trong hang sâu, trong bóng tối lặng thầm/ Nghe ai gọi giật mình chợt tỉnh/ Nhớ một thời trong suốt mắt nai in/ Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới làn da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây!”. Thái độ ôn hoà và ấm áp càng bộc lộ rõ hơn khi nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ có dịp đến Mỹ sau ngày hai nước nối lại quan hệ thanh bình. Trước “Bức tường đen” khắc tên 580 nghìn lính Mỹ tử trận tại Việt Nam, chị đã viết những câu nghẹn ngào chia sẻ: “Bức tường đen - Những linh hồn chết/ Bức tường đen - Những con người/ Những cuộc đời/ đã biến thành khói/ đã biến thành bụi/ đã biến thành gió/ đã biến thành sương/ đã biến thành vết thương/ Trong ngực bà - người mẹ Mỹ…/ Tôi đã đến đây bằng trái tim người Mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mỹ mất con/ Ở đây chỉ có một màu đêm/ Những bình minh đã chết/ Tuổi trẻ đầu xanh đã chết/ Cái ác, sự ngộ nhận, niềm thơ ngây đã chết/ Những tâm hồn tắt lặng…/ Nhưng/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Bức tường đen như một vết thương/ Nằm im lặng giữa lòng nước Mỹ/ Nhức nhối/ Không bao giờ thành sẹo”.

Nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ từng tâm sự về hành trình sáng tạo: “Ngày xưa khi còn rất trẻ, chỉ cần gọi một tiếng là tôi có thể lao vào nơi nguy hiểm, đó là vùng đất rất ác liệt, con đường loang lổ vết đạn bom... Tôi đã sống với những thực tế mà chính nó đã là bài thơ hùng tráng mà không cần phải lao động, sáng tạo nhiều. Còn bây giờ khi đã thành một người vợ, người mẹ, người làm thơ thì tôi không còn sống cho riêng thơ được nữa. Làm vợ, làm mẹ đã khó mà làm thơ lại càng khó hơn. Cái khổ của người làm vợ, làm mẹ là cái khổ của thân xác đồng hành cùng hạnh phúc, là cái khổ, niềm hạnh phúc có thể chia sẻ được. Còn cái khổ cũng như hạnh phúc của người làm thơ là mình tự biết mình, không ai chia, không ai gánh…”. Thực tế, sau năm 1975, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhiều băn khoăn hơn và nhiều day dứt hơn. Bởi lẽ, chính chị cũng nhận ra: “Ôi trái tim/ Sao em lại mang dáng lưỡi cày/ Để suốt đời không bao giờ yên ổn/ Để suốt đời cày lên/ Cày lên/ Đớn đau và hạnh phúc...” nên chị đành chọn lựa những phút giây xa vắng của kẻ làm thơ. Khi thì tư lự “Giấu bao cơn bão trong lòng/ Cây buồn đứng ngắm mênh mông biển trời”, khi thì bâng khuângƯớc gì cầm được cô đơn/ Ném thia lia để hóa buồn thành vui”, khi thì xao xác “Bây giờ chỉ một mình ta/ Một mình ta với bao la một mình”... Thế nhưng, yếu tố làm nên phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là ánh mắt ngỡ ngàng trước sự sống “Nhìn lá/ Cứ ngỡ là lá ngọt/ Bởi lá tơ non mơn mởn quá chừng”, giúp cái cụ thể trở thành nồng nàn “Ăn với nhau một que kem/ Mùa đông tan ra đầu lưỡi”, giúp cái tình cờ có màu sắc xao xuyến Đất như cô gái yêu/ Giấu bao điều chưa nói/ Bỗng nhú những mầm non/ Khi nghe mùa xuân gọi” và giúp cái dĩ vãng được cơ hội hồi sinh: “Bây chừ xa lắc buổi chợ mai/ Tuổi đã nghiêng chiều tóc đã phai/ Hỡi người bán quạt, giờ thiên cổ/ Sao gió trong tôi cứ thổi hoài”.

Nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ mang trái tim đàn bà đa đoan đi giữa cuộc đời nhiều bất trắc. Đôi lúc chị phân định rạch ròi: “Trái tim có mấy phần buồn/ Mấy phần vui sướng, nhớ thương mấy phần/ Phần yêu em gửi cho anh/ Còn phần hy vọng em dành cho con” nhưng chị vẫn thường xuyên thảng thốt: “Trời ơi! Làm sao có được một cuộc đời/ Để cho tôi ném mình vào đó/ Mà không hề cân nhắc đắn đo/ Rằng: cuộc đời ấy còn chưa đủ”. Giữa chờ đợi và hoài nghi, giữa tin cậy và đổ vỡ, chị đành nói thật với con: “Mẹ như AQ tự đánh lừa mình để sống/ Tưởng đốt thiêu quá khứ được thành tro/ Tưởng tương lai vẫn còn dài rộng lắm/ Nào đâu hay đã gần hết chuyến đò” và chị đành nói thật với người yêu: “Từ lâu rồi/ Em không còn là của anh/ Em vùi chôn tuổi trẻ của mình/ Trên tháng ngày khô cứng/ Đôi khi giật mình/ Xót một cơn mưa đã chết/ Em đâu còn là em/ Tiên nữ trong cây/ Trinh nữ trong gai/ Ánh cầu vồng bảy sắc/ Tia nắng dịu dàng anh đuổi bắt/ Em đã thành người đàn bà khác/ Bông hoa xanh nụ tầm xuân đã khác/ Trách chi em, trách chi đời đen bạc/ Khi chính mình lắm lúc tự vùi chôn”.  
Khi chồng – nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm trọng bệnh, nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ đã dẹp bỏ hết mọi đam mê thi ca để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho đấng lang quân. Trong bài thơ “Dù năm dù tháng”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng thổn thức “Anh hái cành phù dung trắng/ Cho em niềm vui cầm tay”, nên chị đã hồi đáp bằng bài thơ “Buổi sáng trong vườn” viết tháng 6-2000: “Choàng mở mắt cánh hồng rưng ngấn lệ/ Biết mình còn mắc nợ đoá phù dung”.

Nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ quan niệm: Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường, thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết. Vì vậy, có được một bài thơ hay vô cùng khó. Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình”. Chị đã sống thật, đã vượt qua không ít bẽ bàng, đã vượt qua không ít buồn thương để gắn bó với thơ, để nặng trĩu với thơ. Một trong những bài thơ cuối cùng của chị là “Tôi về với tôi” viết ngày 18-8-2004, chứng minh đầy đủ phẩm chất một người đàn bà đức hạnh: Thơ như máu thắm/ Tan vào hư vô/ Đời bao phúc hoạ/ Gieo gặt bất ngờ/ Mỏi không thể nghỉ/ Mệt không thể kêu/ Người im như bóng/ Tôi về với tôi/ May có đứa trẻ/ Còn ở trong hồn/ Cái nhìn xanh biếc/ Lung lunh cội nguồn/ Trái tim thơ dại/ Tôi về với tôi”.
Bây giờ căn bệnh mất trí nhớ đã kéo nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ rời khỏi thơ. Đôi mắt trong veo từng nuôi dưỡng bao nhiêu khao khát, bây giờ chỉ còn chớp mở vào lãng quên: “Rồi cỏ sẽ xanh trên tên tuổi chúng ta/ Dòng sông sương mù trôi mãi/ Những tứ thơ không bao giờ trở lại/ Tôi đã ném đi rồi qua cửa sổ đời tôi”./.