Hiện tại nhà văn Phan Việt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ,
giảng dạy đại học và nghiên cứu tại Mỹ. Chị dung hòa tốt chuyện công việc với
đam mê cá nhân. Học và lấy bằng tiến sĩ, tìm được chỗ đứng trong giới trí thức
tinh hoa ở Mỹ vào thời điểm khủng hoảng nhất của hôn nhân. Bên cạnh những tác
phẩm văn chương ấn tượng, chị còn thường xuyên viết báo, dịch, hiệu đính và
biên tập sách… Những năm qua, Phan Việt thường xuyên đi đi về về giữa Mỹ và Việt
Nam, vừa để giảng dạy vừa kết hợp các dự án cá nhân. Lọt giữa khe hở của sự tất
bật, sắp xếp được, chị lại ngồi chia sẻ với độc giả. Có người hỏi chị về cách
"giữ lửa" cho những trang văn, chị nói: "Đời sống lúc nào cũng
có chuyện nên chuyện không bao giờ hết. Chỉ bản thân nhà văn có thể mất sự lay
động với cuộc sống nên không thấy những câu chuyện đó. Cho nên tôi cố gắng bảo
vệ mình để lúc nào cũng vẫn giữ được một sự phải lòng với cuộc sống, để viết".
PHAN VIỆT PHẢI LÒNG VỚI CUỘC SỐNG
VĂN THÀNH LÊ
1.
Năm 2017. Chủ nhật đầu tiên của tháng Mười. Tôi hủy
hai sự kiện khác để đến với cuộc trao đổi về chủ đề "Sống và lập nghiệp".
Mặc kệ tinh thần buổi trò chuyện có vẻ hợp với người trẻ nhiều hơn, những bạn
sinh viên, những bạn mới chập chững vào đời. Tôi thì đã già. Mặc. Chẳng phải
tôi cưa sừng làm nghé. Chẳng phải tôi còn hăm hở chuyện lập nghiệp và loay hoay
tìm cách sống cho riêng mình. Đơn giản, nhân vật chính của hôm ấy là nhà văn
Phan Việt, cùng một tiến sĩ kinh tế trẻ tuổi nữa.
Tôi đến. Để thỏa sự tò mò về nhà văn đã cho mình đi
từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, với lối viết mới lạ, không giống bất cứ ai
cùng thời. Phan Việt nói chuyện tự nhiên, thẳng thắn và chân thành. Cảm giác chị
không giấu mình, không giữ kẽ. Chị phát tán năng lượng của mình đến những người
dự thính.
Tôi ngồi trên gác, nhờ kéo zoom máy ảnh qua lất phất
chùm rễ si của quán để nhìn chị gần hơn. So với các sự kiện giao lưu khác, số
người tham dự không nhiều, nhưng tất thảy đều nghiêm ngắn, chăm chú nhập vào cuộc
chuyện.
Buổi chiều thật đẹp. Trong không gian cà phê sách, nắng
tắt dần, thay vào đó là ánh điện vàng. Về cuối lại thêm một chút mưa bay như ở
đất Bắc. Tôi bị cuốn theo những chia sẻ của Phan Việt. Chính xác là cuốn theo ý
nghĩ tiệm cận chị rõ hơn, sau những trang sách đã đọc, qua những gì chị đang
tâm sự.
2.
Còn nhớ, kết thúc cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi
20 lần 3 năm 2005, cái tên Phan Việt được xướng lên với giải Nhì cùng tập truyện
nghe có vẻ không được nghiêm túc lắm: "Phù phiếm truyện". Tác giả
không có mặt để nhận giải. Mọi người tò mò xớn xác hỏi nhau, Phan Việt là ai,
nam hay nữ, ở đâu nhảy dù xuống cuộc thi này?
Rồi buổi trao giải ồn ào cũng qua. Bình tĩnh lại, mới
hay Phan Việt lúc ấy đang theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Chicago, về
lĩnh vực công tác xã hội. Thêm nữa, chị không phải người ngoại đạo với chuyện
chữ nghĩa, không thuộc kiểu đột ngột xuất hiện rồi "sáng lòa". Ngay từ
thuở "đuổi bướm bắt chim" chị đã có thơ và truyện trên mặt báo.
Thời sinh viên Đại học Ngoại thương, Phan Việt viết
nhiều hơn. Nhưng ít người biết. Chẳng phải do chị viết dở, mà do dân viết lách
dở, đa số không biết ngoại ngữ. Phan Việt viết bằng tiếng Anh, cả truyện và các
bài bình luận cho Vietnam News. Nên với bạn viết cùng thời, chắc chắn tên Phan
Việt chưa có trong bộ nhớ, chị tự biên tự diễn với chính mình, với khoanh vùng
số lượng người đọc hẹp.
Bình tĩnh hơn nữa, nhiều người đọc cấp tiến nói
"Phù phiếm truyện" của Phan Việt xứng đáng về Nhất, chứ không chỉ ở mức
Nhì. Tập truyện của Phan Việt có nhiều phá cách, tuy nhiên tác giả lại ở Mỹ. Có
thể Ban tổ chức chưa quen với việc trao vương miện mà lại vắng mặt hoa hậu. Hoặc
còn những lí do xyz nữa?
"Phù phiếm truyện" mở ra không gian bên
kia Thái Bình Dương, vượt khỏi khung hiện thực quen thuộc của văn chương Việt.
Có lẽ trước Phan Việt mới có Hồ Anh Thái, Phan Triều Hải và Dương Thụy dẫn người
đọc đi ra khỏi biên giới, xa nhà mình. Hồ Anh Thái và Phan Triều Hải thuộc thế
hệ viết trước, riêng Dương Thụy là cùng thế hệ.
Nếu văn Dương Thụy nhẹ nhàng, tươi trẻ, dễ chạm đến
số đông, thì các trang viết của Phan Việt gây "nặng đầu" hơn, khó đọc
hơn và chắc chắn kén người hơn. "Phù phiếm truyện" khác hẳn những tác
phẩm dự thi khác.
Ngoài xúc cảm, tâm lí, tác giả đã "nhồi",
đã "nén" vào truyện khá nhiều thứ, là kiến thức lịch sử, xã hội học,
văn hóa… Có những truyện/những đoạn lại mang dáng dấp của tùy bút, bút kí hay tự
truyện. Thoáng qua dễ nghĩ Phan Việt viết có phần tùy tiện, thả trôi chữ, nhưng
thực ra lại rất chắc, rất thạo "bày binh bố trận". Có lẽ đây là kiểu
văn của người mang phẩm chất... nhà khoa học, nghiên cứu.
3.
Sau Văn học tuổi 20, trong khi người đọc nóng lòng
chờ một "chiều kích" mới ở Phan Việt thì chị lại im hơi lặng tiếng. Sốt
ruột, có người hoài nghi, hay bỏ văn chạy lấy người rồi, hay dóng lên một tiếng
trống rồi quăng dùi bỏ chạy? Hóa ra không phải. Phan Việt vẫn viết. Và như chị
tâm niệm "văn chương thực sự là một thứ lao động đòi hỏi nhiều lương tri lắm",
nên chị kĩ với chữ. Tiểu thuyết "Tiếng người" ra đời trong tâm thế ấy,
sau "Phù phiếm truyện" 3 năm, dù Phan Việt hoàn thành bản thảo ngay
sau khi tập truyện đầu tay ra mắt không lâu.
Cuốn tiểu thuyết là lát cắt về cuộc sống của đôi vợ
chồng trẻ nhiều năm ở Mỹ về lại Hà Nội. Tác giả phác họa thành công tầng lớp
trí thức trẻ đương đại. Với tay nghề nhà văn của một tiến sĩ về công tác xã hội,
Phan Việt đã luồn rất sâu để chạm đến những ẩn ức khó nói của người trẻ dưới
mái nhà hôm nay. Chị làm được cái việc nội soi tâm lí, vừa đòi hỏi sự tỉ mẩn vừa
cần sự hiểu biết. Cuốn sách nặng hơn rất nhiều bề mặt về chuyện hôn nhân và ngoại
tình.
Đây là tác phẩm thứ hai, tác phẩm mà Phan Việt cho rằng
có tính bản lề trong sự nghiệp văn chương của chị, dẫu có thể không phải là tác
phẩm xuất sắc nhất. Ở "Tiếng người", Phan Việt học được nhiều điều,
trong đó có việc: Bất cứ khi nào nhà văn dùng ngôn từ một cách có ý chí và áp
các khái niệm vào cuộc sống của cuốn sách, anh ta sẽ không còn đáng tin.
Cứ thế, bằng giọng văn tỉnh táo, mạnh mẽ, riết róng,
câu văn cực chặt, rất khó tìm từ thừa, Phan Việt tiếp tục lấy lòng độc giả khó
tính bằng tập truyện "Nước Mỹ, Nước Mỹ". Tôi quan sát, và thấy, văn
chương Việt không nhiều tác giả có những câu văn có thể đứng độc lập để thành…
danh ngôn, để độc giả có thể ghi vào sổ tay, như ở tác phẩm của các nhà văn ngoại
quốc. Có lẽ Nguyễn Khải là một trong số không nhiều nhà văn trước đây làm được
điều này. Và tác giả trẻ bây giờ, là… Phan Việt.
4.
Những tưởng vào đà rồi, các tác phẩm văn chương sẽ
tiếp tục nối nhau ra đời. Nào ngờ, Phan Việt có cú bẻ lái bất ngờ. Lần lượt là
"Một mình ở Châu Âu", đến "Xuyên Mỹ", rồi "Về
nhà" ra mắt, thuộc dạng "á văn chương", làm thành bộ sách
"Bất hạnh là một tài sản". Giữa thời buổi sách du kí lên ngôi, với ba
tựa trên, cứ nghĩ Phan Việt đu theo người trẻ, chạy theo đám đông.
Nhưng không. Phan Việt vẫn là Phan Việt. Không lẫn
vào đâu được. Bộ sách không dừng lại ở dạng du kí, dù nhìn ở góc độ này nó đã
du kí hơn rất nhiều cuốn du kí đang bán chạy hiện nay. Tôi gọi đấy là du kí tâm
hồn. Nghĩa là, sau khi mổ xẻ nội tâm nhân vật, cật vấn xã hội, Phan Việt trở về
mổ xẻ nội tâm chính mình, bằng "lưỡi dao" thiện xạ quen thuộc. Đây hẳn
là quyết định không dễ dàng gì, và không phải ai cũng đủ bản lĩnh để làm.
Với cuộc lộn trái, phơi lòng mình ra trong "Bất
hạnh là một tài sản", tôi kịp thấy thấy Phan Việt cũng đàn bà lắm, Á Đông
lắm, thuần Việt lắm, dù chị đang sống ở nơi hiện đại nhất. Người đọc có thể tiệm
cận bộ sách ở góc độ văn chương, bởi nó không thiếu chất văn, hoặc tiệm cận bộ
sách ở góc độ kĩ năng - tâm lí trong hôn nhân, bởi nó đầy những lí giải khoa học
lẫn thực tế. Phan Việt khéo léo dắt người đọc đi chênh vênh, hồi hộp trên hai
đường dây này. Mà không. Chị không dắt. Chị cứ trải ra, chị bước, và người đọc
bước theo, dõi theo sự chênh vênh hồi hộp của chính chị.
Tôi thích cách Phan Việt nhìn mọi vấn đề theo hướng
tích cực, như chính thông điệp "Bất hạnh là một tài sản" của bộ sách.
Nói rộng ra, bất cứ điều gì đã qua với ai đó đều là tài sản của chính họ, nếu họ
biết nhìn theo chiều hướng tích cực.
5.
Hiện tại nhà văn Phan Việt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ,
giảng dạy đại học và nghiên cứu tại Mỹ. Chị dung hòa tốt chuyện công việc với
đam mê cá nhân. Học và lấy bằng tiến sĩ, tìm được chỗ đứng trong giới trí thức
tinh hoa ở Mỹ vào thời điểm khủng hoảng nhất của hôn nhân. Bên cạnh những tác
phẩm văn chương ấn tượng, chị còn thường xuyên viết báo, dịch, hiệu đính và
biên tập sách.
Phan Việt chính là người hiệu đính tiểu thuyết
"Suối nguồn" của Ayn Rand. Cuốn tiểu thuyết kinh điển gần 1.200 trang
in này đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỉ XX do độc giả
bình chọn, theo điều tra của New York Time. Ngoài ra, người yêu sách sẽ còn nhắc
đến Phan Việt, cùng Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, ở vai trò đồng sáng lập tủ
sách "Cánh cửa mở rộng", đã giới thiệu rất nhiều đầu sách giá trị của
thế giới đến độc giả trong nước.
Những năm qua, Phan Việt thường xuyên đi đi về về giữa
Mỹ và Việt Nam, vừa để giảng dạy vừa kết hợp các dự án cá nhân. Lọt giữa khe hở
của sự tất bật, sắp xếp được, chị lại ngồi chia sẻ với độc giả. Có người hỏi chị
về cách "giữ lửa" cho những trang văn, chị nói: "Đời sống lúc
nào cũng có chuyện nên chuyện không bao giờ hết. Chỉ bản thân nhà văn có thể mất
sự lay động với cuộc sống nên không thấy những câu chuyện đó. Cho nên tôi cố gắng
bảo vệ mình để lúc nào cũng vẫn giữ được một sự phải lòng với cuộc sống, để viết".
Nguồn: Văn Nghệ Công An