Không chỉ là những bóng ma, Việt còn gọi những người tị nạn là zombie, là xác sống, một “hình ảnh ghê gớm và tồi tệ hơn cả ma quỷ”. “Người tị nạn xuất hiện như thế trong mắt những người khiếp đảm họ, xuất hiện như những kẻ chết dở hay những thây sống”, anh giải thích. Ở một vài khía cạnh, đọc văn của Viet Thanh Nguyen giống như đọc thơ haiku, ngắm giọt sương tí hon mà thấy phản chiếu cả mặt trăng vĩnh cửu. Anh lắng nghe âm thanh rủ rỉ rù rì đến từ những di chứng nhỏ của một thời đại lớn. Những di chứng không cồn cào, quặn xoắn mà rả rích, âm ỉ như cơn mưa hiu hắt của một ngày thâm u. Những di chứng chẳng biến mất theo tháng năm mà ngưng tụ lại trong những rãnh sâu của ý thức, những ngóc ngách của thực tại, mắc kẹt mãi mãi không lối thoát.



Nhà văn Viet Thanh Nguyen: 'Muốn sách được dịch tiếng Việt để cha đọc'

HIỀN TRANG

"Anh Việt mong ước tác phẩm của anh được dịch sang tiếng Việt, để người cha già của anh có thể đọc được chúng bằng tiếng mẹ đẻ. Đó là chia sẻ của anh mà mình nhớ nhất.”, người phụ trách xuất bản cuốn Người tị nạn của Viet Thanh Nguyen nói với tôi. Viet Thanh Nguyen, nhà văn đoạt giải thưởng cao quý Pulitzer với cuốn The Sympathizer, đến với độc giả trong nước qua tuyển tập truyện ngắn Người tị nạn, tên gốc là The Refugees. 10.000 bản trong lần in đầu tiên không hề là con số nhỏ. Việt viết nhẹ nhàng, tỉ mỉ, không lên gân. Anh rút ra những sợi chỉ mỏng tang từ màn đời lỗ chỗ của những người tị nạn, tỷ như một người chồng lão suy bỗng gọi vợ bằng tên người phụ nữ khác, một người đàn ông đi tìm tính danh người đã hiến tạng cho mình, cuộc tương ngộ với hồn ma người anh trai đã chết giữa đại dương - hồn ma vẫn còn ướt sũng.
Trò chuyện với Viet Thanh Nguyen qua email, anh gọi cộng đồng người tị nạn ở Mỹ những năm 1980 là “một cộng đồng bị ma ám”. Những bóng ma ám ảnh họ không chỉ là những âm hồn hay những con ma, nó là “sự mất mát của rất nhiều điều: cuộc sống cũ ở quê hương của họ, danh tính của họ, nghề nghiệp của họ, tương lai của họ... Nhân vật chính trong Những người đàn bà mắt đen là một bóng ma dù cô còn đang sống. “Tại sao anh chết mà em còn sống?”, cô hỏi người anh trai đã chìm xuống biển. Người anh đáp: “Mày cũng chết rồi. Có điều mày không biết thôi”. Cô chết, chết tắc trong những ký ức không nên ghi nhớ, ký ức trên chiếc thuyền xanh dương được tô hai con mắt đỏ. Theo truyền thuyết, ngư phủ Việt Nam tô mắt cho thuyền để hăm dọa thuồng luồng, giao long, kình ngư, thủy tộc. Thế mà hai con mắt ấy không ngăn được tội ác con người. Khi trưởng thành, nhân vật của Việt trở thành một ghostwriter, trong tiếng Anh nghĩa là một người viết thuê nhưng không được đề tên tác giả. Tôi liền hỏi Việt rằng anh có bao giờ nghĩ mình cũng là một ghostwriter, nhưng theo ý nghĩa là một nhà văn viết về các âm linh?
Anh đáp: “Con người bị hối thúc bởi những mất mát, những bóng ma, những nỗi ám ảnh. Trên tư cách một người viết, tôi muốn tỏ bày nỗi ám ảnh ấy, đôi khi dùng những bóng ma theo nghĩa đen, nhưng thường là những bóng ma theo nghĩa biểu tượng”.
Không chỉ là những bóng ma, Việt còn gọi những người tị nạn là zombie, là xác sống, một “hình ảnh ghê gớm và tồi tệ hơn cả ma quỷ”. “Người tị nạn xuất hiện như thế trong mắt những người khiếp đảm họ, xuất hiện như những kẻ chết dở hay những thây sống”, anh giải thích.
Ở một vài khía cạnh, đọc văn của Viet Thanh Nguyen giống như đọc thơ haiku, ngắm giọt sương tí hon mà thấy phản chiếu cả mặt trăng vĩnh cửu. Anh lắng nghe âm thanh rủ rỉ rù rì đến từ những di chứng nhỏ của một thời đại lớn. Những di chứng không cồn cào, quặn xoắn mà rả rích, âm ỉ như cơn mưa hiu hắt của một ngày thâm u. Những di chứng chẳng biến mất theo tháng năm mà ngưng tụ lại trong những rãnh sâu của ý thức, những ngóc ngách của thực tại, mắc kẹt mãi mãi không lối thoát.
Sinh ra tại Ban Mê Thuột, khi Việt lên 4 tuổi thì chế độ Sài Gòn ở miền Nam sụp đổ. Gia đình anh di cư sang Mỹ bằng đường biển. Không đổi sang một cái tên nước ngoài như nhiều người khác (như cha mẹ anh chẳng hạn), anh vẫn giữ tên tiếng Việt của mình, chỉ xếp lại theo cách người phương Tây xếp tên trước họ sau, Nguyễn Thanh Việt được viết thành Viet Thanh Nguyen. Việt trong từ Việt Nam. “Cha mẹ đã chọn cho tôi một cái tên rất dân tộc và ái quốc”, nhà văn chia sẻ trong một lần trả lời phỏng vấn.
Bài viết này gọi anh là Việt cũng vì thế. Báo chí Tây phương chẳng đã gọi anh là Nguyễn quá nhiều hay sao? Vậy thì hãy để quê cha đất tổ gọi anh bằng tên thay vì họ. Ngay cả khi đọc bản gốc sáng tác bằng tiếng Anh, người ta vẫn thấy anh Việt Nam lắm. Những nhân vật của anh ôm guitar hát Phạm Duy, hát Đức Huy, hát Trịnh. Việt nhắc tới “một đĩa CD ghi những bài hát buồn bã của Khánh Ly” trong một truyện ngắn của mình.
“Bài hát nào của Khánh Ly mà anh thích nhất?”
“Các bản thu nhạc Trịnh Công Sơn của Khánh Ly những năm 1960 luôn khiến tôi hoài niệm.”, anh trả lời, “Biển nhớ là bài tôi thích nhất. Giọng của bà và bài hát ấy bao chứa nỗi hoài nhớ, mà chính là nỗi nhớ nhà, thứ cảm xúc lan tỏa trong cộng đồng người tị nạn Việt thập niên 1980 ở San José, nơi tôi khôn lớn. Âm nhạc của họ chất chứa nỗi khát khao vừa nhức nhối, vừa lãng mạn về thời quá vãng.”
Anh tiết lộ nghe rất nhiều nhạc pop Việt, những ca khúc gắn liền với giai đoạn lịch sử mà anh nghiên cứu. Rồi anh nói cả về Modern Talking, CC Catch, Gazebo, những nhóm nhạc châu Âu mà như anh bảo, thú vị ở chỗ, chỉ người Việt mình mới nghe. Vì chỉ người Việt nghe nên thể loại âm nhạc “làn sóng mới” đó thành ra lại là đặc trưng riêng của thanh niên Việt Nam hải ngoại bấy giờ. Anh còn chia sẻ cho tôi một bài viết về âm nhạc, thời trang giai đoạn này, có cả ảnh về những tay chơi với mốt tóc disco chổng ngược lên trời. Nếu có dịp khác, tôi chắc chắn sẽ hỏi thêm Việt rằng, hồi choai choai anh có để kiểu đầu phá phách đó hay không. Khi thấy anh cẩn thận trích cả nguồn dẫn về phong cách âm nhạc của đồng bào mình ở nước ngoài, tôi mới gật gù, nhận định của người phụ trách xuất bản cuốn Người tị nạn chuẩn xác thật.
Trước đó, người biên tập bảo với tôi rằng, làm việc với anh Việt chủ yếu qua email, tin nhắn, tóm lại chỉ là biết nhau qua chữ nghĩa, nhưng rất ấn tượng vì sự kiên nhẫn, kỹ tính và chu đáo của anh, sẵn sàng mất hàng tháng trời trao đổi để hoàn thiện bản dịch. Vài tháng để hoàn thiện bản thảo hẳn là chuyện bình thường với anh. Vài tháng đã là gì, anh từng mất 20 năm để hoàn thành cuốn sách 200 trang bạn đang cầm trên tay. Và một câu chuyện về sự kiên nhẫn cũng không nên kể một cách qua loa. Hãy bắt đầu từ ngọn nguồn của nó.
Việt viết từ khi còn bé tí. Năm lớp 2, anh đã đoạt một giải thưởng cho cuốn truyện nhỏ của mình.
“Cuốn truyện ấy nói về cái gì?”
“Tôi sáng tác và minh họa một cuốn sách đen trắng tên là Lester the Cat (Chú mèo Lester - PV). Nó kể về một chú mèo thành thị ngán ngẩm cuộc sống đô thành, liền chuyển về một miền quê, và phải lòng một cô mèo nông thôn. Một kết thúc có hậu.”, Việt trả lời.
Với những người hâm mộ Viet Thanh Nguyen, làm thế nào để đọc cuốn sách có vẻ rất dễ thương ấy đây? Chuyện nhỏ, hãy hỏi bạn gái cũ của anh. “Tôi tặng nó cho bạn gái đầu tiên của mình, người mà, theo những gì tôi biết, vẫn còn giữ nó.”
Nhưng con đường của anh không phải luôn suôn sẻ. Tự nhận mình là một học sinh xoàng xĩnh, Việt trải qua năm đầu tiên của đời sinh viên ở một ngôi trường mà anh mô tả như “sự lựa chọn cuối cùng”. “Những thời khắc quan trọng nhất trong đời tôi đều xoay quanh những thất bại.”, anh tâm sự. Anh đã phải rất nỗ lực để chuyển tới UC Berkeley, ngôi trường mơ ước của mình.
Nhắc tới kỷ niệm trên, anh bảo: “Bài học ở đây là, thất bại tự nó không quan trọng. Thất bại không định nghĩa một con người, thứ định nghĩa một con người là những gì họ làm với thất bại đó”.
Có hai loại nhà văn: những người tỏa sáng khi còn trẻ, như Faulkner, như Melville; và những người thăng hoa khi tuổi không còn trẻ nữa, như Henry James, như Conrad. Việt, dù mê mẩn Faulkner và Melville, lại thuộc về nhóm thứ hai. The Sympathizer xuất bản khi anh đã ngoài 40, cái tuổi mà Murakami lên đỉnh cao trên tư cách một người chạy bộ. Với 9 truyện ngắn trong Người tị nạn, anh dùng tới 20 năm, tức là một phần tư đời người, để viết, sửa, viết, sửa, viết.  Cẩn thận thế cũng đúng thôi, Việt bảo rằng, anh muốn mọi người nhớ đến mình qua những cuốn sách. Tôi không bất ngờ vì chuyện đó. Như mọi người viết trên đời, anh bước lùi lại để nhường sức sống cho tác phẩm. Tác phẩm đại diện cho anh, phải cẩn thận chứ.
Việt nhớ lại: “Năm 2004, tôi nhận một học bổng viết lách kéo dài 7 tháng. Tôi được trao cho một căn phòng, một khoản trợ cấp nho nhỏ, và tất cả những gì tôi cần làm là viết”. Nếu 7 tháng ấy được dành cho Kazuo Ishiguro, ông đã có thể hoàn thành tới 7 cuốn sách tương tự như The remains of the days. Nhưng với nhà văn này, 7 tháng ròng rã phần lớn được anh dùng để nhào đi nặn lại một truyện ngắn mà trước đó anh đã viết... 7 năm vẫn chưa hài lòng, chính là truyện Những người đàn bà mắt đen. “Tôi đinh ninh cuối cùng mình cũng có thể sáng tác một cuốn sách phi hư cấu đầu tiên. Thay vì thế, tôi lại nhận ra mình không phải một cây viết cừ như mình vẫn tưởng. Tôi viết hoài viết mãi nhưng bản sau lại càng tệ hơn bản trước”. 7 tháng đi qua không nên cơm cháo gì, anh bảo lúc đó hoàn toàn lạc lối, lạc lối trong mê cung chữ nghĩa. Nhiều năm tiếp theo, anh vẫn kiên định chỉnh sửa câu chuyện của mình. Kiên định là từ của tôi, còn anh dùng từ “ngang bướng”.
17 năm, 50 bản nháp, hình như chừng ấy là quá nhiều cho một truyện ngắn dài chỉ hơn hai chục trang. Đóng bút lại rồi, anh vẫn không rõ truyện của mình có hay không. Nhưng không sao, dù dở dù hay, với anh, “viết là lạc đường và tìm lối ra, viết lách tự thân nó nằm bên trong quá trình khám phá và nhận thức về nghệ thuật của mình, về chính mình, về câu chuyện của mình”.
Hẳn bởi thế mà khi đưa bản thảo Người tị nạn cho biên tập viên, anh nói rất thanh thản: “Nếu nó hay, anh hãy in nó. Nếu nó không hay, tôi có thể chấp nhận chuyện cuốn sách không bao giờ được xuất bản, bởi vì tôi đã trở thành một nhà văn thông qua việc viết cuốn sách ấy, và trải nghiệm này đã cho phép The Sympathizer ra đời”.
Dường như Việt viết truyện chỉ vì "thì phải có người viết lại chớ". Đã đoạt giải Pulitzer, đã nổi tiếng khắp văn đàn thế giới rồi nhưng khi nói về danh sách những điều phải làm trước khi chết, Việt không đao to búa lớn, chỉ đặt ra những mục tiêu giản dị, như là có thời gian để viết nhiều hơn, viết được dăm tiểu thuyết hay, thêm một hai cuốn sách phê bình, ngoài ra thì đi du lịch càng nhiều nơi càng tốt, và uống thật nhiều whiskey ngon.
“Vậy thì”, tôi hỏi Việt, “có điều gì mà ngay cả văn chương cũng không thể giúp anh diễn tả không?” Trước câu hỏi đó, anh bộc bạch: “Văn chương luôn là cả những điều đã được nói ra và cả những điều không thể nói ra - cũng là tất cả những gì mà tôi chưa viết”. Nhưng một nhà văn cũng không nhất thiết phải cố gắng diễn tả mọi điều.
Đoạn cuối trong truyện ngắn Tổ quốc, câu chuyện khép lại tập Người tị nạn, khi Phương đốt đi những tấm ảnh của cô, cha cô và Vivien, người chị khác mẹ cùng cha, và trong lúc lửa bén lên từng tấm ảnh, Việt cũng không nói rõ vì sao nhân vật của anh lại làm như vậy. Vì ghen tuông? Vì muốn quên? Hay vì giận dữ? Khi một nhà văn không nói hết mọi điều có thế nói, đó không phải vì anh không biết nói gì, mà có thể vì anh đang dừng lại và lắng nghe âm thanh của sự im lặng.


Nguồn: Zing.vn