Nhà thơ Đặng Huy Giang đánh giá về tập thơ “Giá có thể” của Trương Nam Chi: “Theo tôi, “Giá có thể…” là một giả định và cũng có thể là một điều ước – một điều ước mà mỗi đời người, mỗi kiếp người hướng tới cõi thánh thiện cao xa luôn nhắm tới… Thơ Trương Nam Chi đầy nữ tính và cá tính. Thơ ấy cũng là thơ của một người có thân phận, chấp nhận thân phận và đôi khi muốn vượt lên thân phận với những thang bậc khác nhau. Tôi tin, bằng “Giá có thể…”, Trương Nam Chi đã khẳng định được một giọng điệu, một cá tính, một phong cách thơ chuyên nghiệp”.



                           
                  HOÀN NGUYÊN GIŨ SẠCH KIẾP NGƯỜI

           (Đọc “Giá có thể…” của Trương Nam Chi, NXB Hội Nhà văn 2017)

                               ĐẶNG HUY GIANG    

    Theo tôi, “Giá có thể…” là một giả định và cũng có thể là một điều ước – một điều ước mà mỗi đời người, mỗi kiếp người hướng tới cõi thánh thiện cao xa luôn nhắm tới.
     Trong “Giá có thể…”(tên một bài thơ, đồng thời cũng là tên một tập thơ), ta bắt gặp hình ảnh của một con người có thói quen vào chùa và cái tinh thần ấy dường như đã được điểm danh và bất ngờ xuất hiện:
Người đàn bà lưng thon, chân trần
đảnh lễ
quỳ trước đức Thích Ca
sám hối
những nụ hôn mê dại…
một lạy
hai lạy
ba lạy…
giá có thể
hoàn nguyên giũ sạch kiếp người!
    Ấy là hình ảnh của một người đàn bà đảnh lễ, sám hối, quỳ trước đức Thích Ca, thành tâm và ước “giá có thể hoàn nguyên” để “giũ sạch kiếp người”.
    Ấy là người đàn bà nhìn ra được cái bất ổn của đời sống: Thăng trầm níu lệch ban mai trong chức phận vay thương nhớ trả miền mây gió và dám vén thinh không cắt nghĩa cội nguồn (“Tôi, đàn bà”).
     Ấy là người đàn bà bình thường gồng mình đeo vết bầm gai bất thường ngập sâu cơ thể và luôn biết phải buông bỏ gì, níu kéo gì: Không bám víu thiên thời/ không chấp nê địa lợi/ ôm khư khư chút lộc nhân hòa sót lại (“Mẹ”).
    Ấy là người đàn bà từng mông lung trong ảo giác lẻ loi để nhận ra sương khuya cắt một lát đời mỏng manh (“Lát cắt”).
     Ấy là người đàn bà vừa đi vừa nghĩ: Lây phây mưa bụi phập phù/ đường khuya đâu nỡ cầm tù dấu chân/ ngày mai, ngày mai rất gần và vừa đi vừa ao ước: Xóa giùm tôi một nốt sần khổ đau (“Như có như không”).
     Ấy là người đàn bà trong nụ cười giá lạnh và cô đơn nhỏ giọt vẫn một mình tựa lưng vào những cơn giông (“Mẹ tôi”).
     Ấy là người đàn bà chấp nhận nỗi đau hóa thạch để cảm nhận được gió vuốt mắt trời (“Một niềm riêng tổ quốc”).
     Ấy là người đàn bà có tu tập, trong cái không ngộ ra cái có: Cuối đường rũ hết về không/ nở/ từ tĩnh lặng/ một bông sen vàng (“Bóng gió rèm mi”).
     Ấy là người đàn bà có lúc như để có khoảnh khắc hợp nhất với tự nhiên: Ta ngồi ta tạc hồn vào đá/ đá tác hồn ta trong bóng ta (“Chuốc hồn dọa bóng”).
     Ấy là người đàn bà ngoái nhìn quá khứ nhưng không chịu để quá khứ đè nén hoặc khống chế mình: Đắng cay trổ giữa lưng chừng/ xanh màu ký ức dẫu từng nhói đau (“Ở giữa lưng chừng”).
     Ấy là người đàn bà đầy tâm trạng: Trăng tình nhân lẫn vào mây/ bến bờ sông suối cỏ cây xa mờ/ tôi vờ khỏa lấp thẫn thờ/ dại chưa biết lối mà ngờ vực khôn/ Đời tôi dư dả nỗi buồn (“Đêm tình nhân”).
     Ấy là người đàn bà mạnh mẽ, dám đối mặt đến tận cùng: Cháy lên cho hết ngày dài/ dẫu mai tro bụi bay ngoài thinh không (“Hỡi người thắt gió”).
     Ấy cũng là người đàn bà cầm bút làm thơ như cốt chỉ để sử dụng vài con chữ khuấy bể dâu khóc cười (“Khóc cười bể dâu”)…
    Đôi khi ra ngoài “vùng sở trường” của mình, Trương Nam Chi còn có những bài thơ khác ở những đề tài khác, cũng rất ấn tượng. Đó là “Hy vọng”, “Lính nhà dàn có con trai ta”, “Lá thư cũ”, “Tím con mắt gió”…
   Không thể không thấm thía khi đọc:
bao người ngã xuống vô danh
cho màu áo lính nhuốm xanh cánh rừng
                              (Hy vọng)
     Không thể không nao lòng khi đọc:
Con ra đi biển cũng cô đơn
                              (Lính nhà dàn có con trai ta)
     Câu thơ cũng cho thấy vị thế của con người trước biển.
     Không thể không chia sẻ khi đọc:
Lá thư chiến trường đến hậu phương
không chỉ tính bằng máu và nước mắt
đôi khi
đổi cả kiếp người
               (Lá thư cũ)
     Không thể không băn khoăn khi đọc:
Thế giới nhỏ hẹp vô cùng
khắc đi khắc thấy chập chùng thấp cao
cớ làm sao tại làm sao
trời đem mưa nắng rót vào bão giông
                   (Như chiếc hộp diêm)
    Thơ Trương Nam Chi đầy nữ tính và cá tính. Thơ ấy cũng là thơ của một người có thân phận, chấp nhận thân phận và đôi khi muốn vượt lên thân phận với những thang bậc khác nhau. Tôi tin, bằng “Giá có thể…”, Trương Nam Chi đã khẳng định được một giọng điệu, một cá tính, một phong cách thơ chuyên nghiệp.