Phẩm chất một thi sĩ cả tin và cả nghĩ khiến Trần Vàng Sao không gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp công danh. Thế nhưng, sự thật thà và sự bộc trực của ông vẫn giúp ông sống tự tại và ung dung qua chuỗi ngày dằng dặc túng thiếu và âu lo. Vẫn khuôn mặt nhàu nhĩ nhưng lạc quan, vẫn áo quần đơn sơ nhưng ngay thẳng, Trần Vàng Sao dựa vào bạn để làm thơ và dựa vào thơ để có bạn: “Rồi tôi chỉ còn lại có một mình em/ Như thằng điên tự vẽ mặt mình hề ngồi núp mưa trong góc phố/ Buổi trưa không có người đi qua đi lại tôi ngó cho đỡ buồn/ Tôi sẽ đi hết cơn mưa này tối tăm mặt mũi/ Em sẽ là người cuối cùng tôi còn nhớ lại”. Thơ Trần Vàng Sao không chú trọng niêm luật và nhạc tính. Hiếm hoi lắm, ông mới viết những dòng lục bút tưng tửng như “Không nhớ tháng không nhớ ngày/ Nửa đêm thức dậy chống tay ngó trời/ Bây giờ cho tới cuối đời/ Thì tôi cũng cứ như tôi thế này”.



NGƯỜI YÊU ĐẤT NƯỚC MÌNH CHÂN THẬT

LÊ THIẾU NHƠN

Chiều 9-5-2018, nhà thơ Trần Vàng Sao đã trút hơi thở cuối cùng ở căn nhà thân thuộc của ông tại Vỹ Dạ - Huế, hưởng thọ 78 tuổi. Vậy là một cuộc đời tài hoa và lầm lũi, đã khép lại mãi mãi. Chỉ còn thơ của Trần Vàng Sao nhắc nhở thế hệ sau về mộ thời ông đã sống, đã yêu, đã giận dữ, đã hy vọng…

Sinh ra trong giai đoạn đất nước chiến tranh, tuổi trẻ của Trần Vàng Sao sớm ý thức tranh đấu. Sau mấy năm tham gia phong trào học sinh – sinh viên đô thị tại Huế, Trần Vàng Sao lên chiến khu, rồi tập kết ra Bắc. Con đường đi theo cách mạng cũng khơi mở con đường thơ của Trần Vàng Sao. Ngay cả việc lấy bút danh Trần Vàng Sao để thay cho tên thật Trần Đính đã chứng minh điều ấy. Tại căn cứ A Lưới tháng 12-1967, Trần Vàng Sao đã viết những vần điệu tiêu biểu nhất trong lý lịch làm thơ và hồ sơ làm người của bản thân: “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Tác phẩm dài hơn 120 câu của Trần Vàng Sao không chỉ phơi bày khẩu khí kẻ sĩ mà còn lấp lánh số phận: “Tôi yêu đất nước này xót xa/ Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng, thương tôi nên ở goá nuôi tôi/ Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới/ Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc, như cho một đứa hủi/ Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới/ Thắp ba cây hương, với mấy bông hải đường/ Mẹ tôi khóc thút thít, cầu cha tôi phù hộ tôi nên người…”. Sau nửa thế kỷ, “Bài thơ của một người yêu nước mình” vẫn còn nhiều gửi gắm đáng trân trọng: “Tôi yêu đất nước này chân thật/ Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi/ Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi/ Và yêu tôi đã biết làm người/ Cứ trông đất nước mình thống nhất”.
Cảm hứng “Bài thơ của một người yêu nước mình” còn tiếp tục lan tỏa trong nhiều bài thơ khác của Trần Vàng Sao. Ví dụ, bài “Nhân dân và tôi” viết năm 1970: “Nhân dân ơi rất anh hùng/ Nhân dân ơi chúng ta còn đông/ Nơi mũi chông nhọn chúng ta giận dữ, đòi trả thù, và được ăn no/ Chúng ta gặp nhau/ mỗi ngày/ thân mật/ như nhân dân còn đông lực lượng”.
Phẩm chất một thi sĩ cả tin và cả nghĩ khiến Trần Vàng Sao không gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp công danh. Thế nhưng, sự thật thà và sự bộc trực của ông vẫn giúp ông sống tự tại và ung dung qua chuỗi ngày dằng dặc túng thiếu và âu lo. Vẫn khuôn mặt nhàu nhĩ nhưng lạc quan, vẫn áo quần đơn sơ nhưng ngay thẳng, Trần Vàng Sao dựa vào bạn để làm thơ và dựa vào thơ để có bạn: “Rồi tôi chỉ còn lại có một mình em/ Như thằng điên tự vẽ mặt mình hề ngồi núp mưa trong góc phố/ Buổi trưa không có người đi qua đi lại tôi ngó cho đỡ buồn/ Tôi sẽ đi hết cơn mưa này tối tăm mặt mũi/ Em sẽ là người cuối cùng tôi còn nhớ lại”.
Thơ Trần Vàng Sao không chú trọng niêm luật và nhạc tính. Hiếm hoi lắm, ông mới viết những dòng lục bút tưng tửng như “Không nhớ tháng không nhớ ngày/ Nửa đêm thức dậy chống tay ngó trời/ Bây giờ cho tới cuối đời/ Thì tôi cũng cứ như tôi thế này”. Trần Vàng Sao thường buông xuống bản thảo những câu gấp gáp và nặng trĩu như những tiếng thở dài trìu mến, cho mình và cho người. Có lúc, Trần Vàng Sao phát hiện “Khoảng trống ngoài sân khấu” đầy trớ trêu: “Sân khấu không còn ai biết/ Khán giả đã bỏ về nửa chừng/ Người kéo màn đắp tấm bố rách ngủ dưới chân cầu thang/ Tôi nhìn chung quanh trước mặt sau lưng/ Tôi đeo mặt nạ vẽ tôi là hề/ Rồi thổi kèn nhảy múa một mình tôi…/ Tôi không thấy gì nữa/ Tôi la thật to/ Và bước ra ngoài sân khấu/ Tôi rớt hoài trong một vũng đen sâu/ Trời vẫn không mưa được cho mát”. Tuy nhiên, giữa thua thiệt và âm u, Trần Vàng Sao luôn tin cậy vào vẻ đẹp của sự giản dị tưởng chừng bị bóp nghẹt trong ồn ào đua chen: “Chẳng có gì phải nhớ/ Bạn bè gặp nhau bụng không, đứng uống một ly rượu buổi chiều trong quán/ Nói chuyện đời chơi/ Thêm một ly nữa để thấy trời ngoài mái tranh thấp một chút/ Ngó ly rượu đầu tràn cười to vào mặt nhau”.
Trần Vàng Sao có dáng vẻ bụi bặm và ngang tàng, nhưng tính tình lại hiền lành và hóm hỉnh. Đặc biệt, ông có nét cười rất riêng, vừa bông lơn lại vừa hồn nhiên. Thế mạnh của Trần Vàng Sao là những câu thơ mạnh mẽ và đau đớn va đập trực diện với hiện thực bộn bề. Vậy mà, trong những dòng, những chữ ngỡ khô khốc của Trần Vàng Sao thỉnh thoảng vẫn bật lên những triết lý rất thú vị. Chẳng hạn, Trần Vàng Sao viết về những người làm nghề thổi chai: “Người thổi chai thổi cái chai qua lỗ trống/ Người thổi chai thổi từ cái không qua cái có/ Người thổi chai thổi cái không để đựng cái có/ Người thổi chai không thổi được chất chai/ Chỉ thổi được hình chai/ Người thổi chai thổi mình vào cái chai”.
Chốn cư ngụ của Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ - Huế là một căn nhà cổ do tổ tiên để lại. Bạn bè văn chương cả nước mỗi khi qua đất Thừa Thiên đều ghé qua thăm Trần Vàng Sao, như một địa chỉ văn hóa gần gũi. Trần Vàng Sao hòa đồng và thân thiện, cứ “mi” và “tao” với tất thảy mọi người. Trần Vàng Sao nghỉ hưu với mức lương rất thấp, phải tặn tiện để nuôi con, nên những ai hiểu hoàn cảnh của ông luôn tìm cách nọ cách kia để giúp đỡ chút ít. Người bạn học thuở nhỏ của Trần Vàng Sao sau này cũng thành nhà thơ nổi tiếng nhưng có vị trí xã hội khác hẳn là Nguyễn Khoa Điềm. Khi đang giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thì Nguyễn Khoa Điềm vẫn giữ thói quen ghé thăm Trần Vàng Sao mỗi lần có dịp công tác ở Huế. Có lần Nguyễn Khoa Điềm cho Trần Vàng Sao số tiền một triệu đồng, Trần Vàng Sao trả lại phân nửa với lý do: “Tao lấy 500 ngàn cũng nhiều rồi, còn 500 ngàn mi cầm để phòng thân!”  
Suốt một cuộc đời không ít lấm láp và cay đắng, Trần Vàng Sao chẳng mấy khi oán trách ai. Ông lặng lẽ với bổn phận của ông, bổn phận làm thơ để chia sẻ những mệnh kiếp long đong: “Trời không sập cho chết hết/ Nên tôi cũng sống như người khác chung quanh…/ Có khi muốn được như ông thày tu ở trên chùa/ Áo quần sạch sẽ thơm tho/ da thịt trắng đỏ/ đi ra đi vào nhìn trời nhìn đất chấp tay cuối đầu a di đà phật…”.  Bây giờ Trần Vàng Sao không còn nữa, nhưng chắc chắn công chúng không quên ông đã từng đem đến nhân gian một tấm lòng chân thành: “Tôi yêu đất nước này như thế/ Như yêu cây cỏ ở trong vườn/ Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương/ Nuôi tôi thành người hôm nay/ Yêu một giọng hát hay/ Có bài mái đẩy thơm hoa dại/ Có sáu câu vọng cổ chứa chan/ Có ba ông táo thờ trong bếp/ Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen…”./.