Nhà văn Y Điêng tên thật là Y Điêng Kpă Hôp, sinh ngày 15-2-1928, người dân tộc Êđê, hiện ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Đã xuất bản trên 10 đầu sách văn xuôi và thơ, như: "Ông già Kơ Rao", "Hơ Giang", "Drai Hling đi về phía sáng", "Như cánh chim Kway", "Chuyện trên bờ Sông Hinh", "Sông Hinh, con sông quê hương", "Thơ tình Y Điêng", "Trường ca Tây Nguyên",…  Giải thưởng Nhà nước về VHNT, năm 2007. Nhà văn Y Điêng thổ lộ: "Mình như một người con Êđê vắng nhà đi câu cá, nay đã có cá mang về. Mình chỉ kể lại những câu chuyện đáng nhớ. Để con cháu biết rằng, Tây Nguyên cần phải thẳm xanh, chứ không nên bị xáo tung, cạn kiệt..."



CÁNH CHIM ĐẠI NGÀN TÂY NGUYÊN

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Người văn 90 mùa rẫy
Lâu lâu rồi tôi mới lên thăm ông. Thì ra Y Điêng đã chuyển nhà đi nơi khác, cũng ở Thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh, Phú Yên) nhưng không nằm cạnh con lộ. Vợ chồng ông chuyển vào ở gần buôn Hai K'lok, ngôi nhà một nửa cất xi măng, một nửa nhà sàn Ê Đê. Bà vợ Nguyễn Thị Lưu cho hay, ngôi nhà sàn này cất theo ước muốn của ông. Bề ngang 3,5m, dài 6m, ngót 40 triệu đồng. Thế nhưng giá sách và nơi trưng bày tác phẩm của ông vẫn chưa được hoàn thiện. Bà Lưu say sưa nói về chuyện chăm lo ông chồng nhà văn. Còn trưởng lão Y Điêng thì tỏ ra rất ưng ý, ánh mắt cười nhiều hơn mỗi khi lên xuống mẫu nhà của dân tộc mình, của riêng mình.
Bà Lưu là người vợ thứ hai, nhỏ hơn nhà văn Y Điêng 27 tuổi, sống với ông từ năm 1980. Bà đương còn xốc vác, hiện chạy buôn bán nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh. Cách đây mấy năm, ông bị tai biến, mắt yếu nhiều, sức nghe đã lãng. Vợ ông nói: "Các con đều ở xa, nhà chỉ có vợ chồng già, cạnh xóm mấy đứa cháu. Ổng tự động bỏ rượu được hai tháng nay… Thầy thuốc bảo, ông phải tránh cảm xúc vui buồn đột ngột". Thế nhưng điều này thật khó cho một tính cách phóng túng, chất nặng suy tư như Y Điêng. Bằng chứng, vẫn dày lên từng chồng bản thảo viết tay những cuốn sách ăm ắp hơi thở núi rừng…
Ông nhấp nháy kéo tôi lên sàn để khoe mấy tập sắp đem in, mấy tập còn dang dở. Đó là tập "Truyện cổ Tây Nguyên", "Những chuyện về hổ Sông Hinh", tập truyện ngắn và ký "Người mẹ",… Đặc biệt, bản thảo trên 600 trang tập tạp văn "Nghe, thấy, nghĩ và viết" với 3 phần kể theo thời gian đời ông: "Thời thơ ấu", "Năm tháng làm công tác cách mạng" và "Hoạt động sáng tác văn học". "Báo cho cháu mừng, hai tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước của chú đang được NXB Đà Nẵng in lại. Đó là hai tiểu thuyết "Chuyện trên bờ sông Hinh" và "Hờ Giang". Nay mình dùng bút lông cho chữ to, dễ nhìn. Nhưng tốn giấy lắm à! Cứ túc tắc viết thôi, chẳng biết có còn kịp in…", ông nói, vui đó rồi chuyển ngay sang đăm chiêu.
Ngôi nhà sàn thơm mùi gỗ, đơn sơ, đẹp lạ. Gần đây, không thể đi lại nhiều nên ngoài thời gian viết lách, Y Điêng xoay sang chơi với những viên đá cuội nhặt từ lòng suối quê hương. "Đây là mô hình những cô gái Êđê lên rẫy. Đây là hình ảnh người dũng sĩ Tây Nguyên. Đây là cảnh bà con buôn làng đang họp bàn xây dựng nông thôn mới…", ông hồn nhiên giới thiệu mấy cái khay có nhiều viên đá gắn xi măng lớn nhỏ, đặt phía sau bàn viết. Khoảng sân trước là mấy chậu rau quả, hoa leo xanh mát. Nhà ông tiệt nhiên không có chiêng cổ, ché quý, bonsai cổ thụ,…
Sinh ra ở miền núi Phú Yên rồi đi học ở Đắk Lắk, Y Điêng theo đoàn quân tập kết ra Việt Bắc, về Hà Nội công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó trở lại miền Nam hoạt động cách mạng. Cuối đời, ông còn lại với Tây Nguyên như một cõi đi về, không thể bứt ra được…
Cho núi rừng thẳm xanh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên nhận xét: "Thiên nhiên đôi khi cũng là phương thuốc tìm quên diệu kỳ. Vậy mới hiểu vì sao đại diện ưu tú của đồng bào Êđê này lại bỏ phố phường tiện nghi để về lại với núi rừng, bản quán của mình. Trước 1954, Y Điêng là một trong số rất ít người Êđê được học hành căn bản, biết chữ Pháp nên ông có trình độ để tham gia nghiên cứu, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Cuối thập niên 50, chính ông cùng với một số cán bộ Tây Nguyên tập kết ra miền Bắc như Y Yung, K'so Bơliêu và Ngọc Anh đã tập hợp, dịch và công bố tập sách "Trường ca Tây Nguyên" với 7 tác phẩm sử thi tiêu biểu. Tập sách này ra đời đã khiến nhiều người ngạc nhiên trước vẻ đẹp bất ngờ của sử thi Tây Nguyên".
Theo nhà văn Linh Nga Niê Kdam, Y Điêng là người viết văn thuộc thế hệ thứ nhất ở Tây Nguyên. Ông là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết, người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt, đồng thời ông cũng là người Êđê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Sức sáng tạo của cây bút tiêu biểu cho Tây Nguyên này, cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện vẫn khó có tác giả nào ở khu vực này theo kịp. Và điều nhà văn Linh Nga Niê Kdam lo lắng là đội ngũ người viết dân tộc bản địa Tây Nguyên đang thiếu sự kế thừa, thiếu những người giàu nội lực tâm huyết như "cây Kơnia" Y Điêng…
Hai mươi năm qua, Y Điêng có thêm niềm vui khi giúp cho Đài TTTH Sông Hinh, rồi Đài Phát thanh Truyền hình Phú Yên đào tạo biên dịch, dàn dựng lên sóng các chương trình thời sự - văn nghệ tiếng Êđê. Nhà báo Phan Xuân Luật, Phó Giám đốc phụ trách Đài Phát thanh Truyền hình Phú Yên nói: "Bác Y Điêng biết tiếng Pháp, Lào, giỏi tiếng đồng bào Ba Na, Gia Rai, Tày,… Riêng tiếng Êđê thì ông đắm đuối, không chỉ viết truyện bằng song ngữ Êđê - Việt, mà ông còn "muốn cái tiếng Êđê của mình vang xa". Mỗi khi anh em cậy nhờ là ông sẵn sàng nhiệt tình giúp đỡ, bất kể sức khỏe tuổi tác.
Y Điêng là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1962 và vẫn chưa ngừng viết báo. Ông còn là người thầy dạy tiếng Êđê tại rất nhiều khóa học của các ngành; là một già làng uy tín trong việc giải tỏa nhiều điểm nóng của buôn làng. Cái tâm chuyên chú với nghiệp đời, nghiệp chữ đã tạc nên một giá trị nhân văn Y Điêng, một tự hào Tây Nguyên". Riêng nhà văn Y Điêng nói: "Có gì đâu, mình như một người con dân tộc Êđê vắng nhà đi câu cá, nay đã có cá mang về. Mình chỉ kể lại những câu chuyện đáng nhớ. Để con cháu biết rằng, Tây Nguyên cần phải thẳm xanh, chứ không nên bị xáo tung, cạn kiệt…". Còn nhà văn Bằng Tín (nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên) nhìn nhận: "Y Điêng đến với cách mạng, với Đảng, rồi những gì nung nấu trong lòng mà anh cảm nhận được từ cuộc chiến đấu của dân tộc mình, anh viết ra và trở thành nhà văn. Có thể nói Y Điêng là người viết văn xuôi đầu tiên của Tây Nguyên, và cũng là người đầu tiên của Tây Nguyên sáng tác ở nhiều thể loại: bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ. Ông là bậc trưởng lão của nền văn học miền núi và dân tộc Tây Nguyên".