NGUYỄN MỘT
Ngày ấy, chúng tôi là những phóng viên thường trú ở Đồng Nai, anh làm Thanh Niên, tôi làm Tiền Phong. Tôi và anh hay ngồi ở quán cóc vỉa hè trước nhà văn hóa Long Khánh – Đồng Nai nhìn qua bệnh viện khu vực, để suy gẫm về thân phận con người, nói những chuyện vu vơ về thơ ca. Nhìn những con người chân lấm tay bùn vào bệnh viện, cả người họ sẫm màu đất đỏ bazan. Anh tìm hiểu viết về những số phận hẩm hiu, những trường hợp không có tiền trị bệnh. Trong quá trình tác nghiệp, phát hiện bệnh viện nhiều sai sót, anh viết mấy phóng sự với mong muốn cái bệnh viện huyện này cải tiến để phục vụ người nghèo. Trong bài báo cuối cùng anh gặp tai nạn nghề nghiệp về một chi tiết trong bài viết ấy, chi tiết sai sót vì anh quá tin một người cung cấp thông tin, giám đốc bệnh viện gởi thư khiếu nại. Tôi phàn nàn: “Người cấp tin quá tệ, anh quá tin người!”. Anh nạt: “Cho dù cuộc đời tôi có gặp trăm người phản trắc, thì tôi vẫn tin rằng bản chất con người là tốt, lỗi trước tiên là của tôi – là nhà báo phải kiểm chứng kỹ thông tin trước khi hạ bút, sai mình phải chịu trách nhiệm không nên đổ cho ai!”. Anh lập tức cải chính, nhận trách nhiệm và tìm mọi cách để sửa chữa lỗi lầm của mình, đến nỗi người bị anh đưa tin sai lúc đầu giận dữ sau thành bạn bè thân thiết của anh.
Từ một nhà giáo, rồi viết văn, rồi tập viết báo, tôi ngây ngô và nhút nhát trước cuộc đời, những bài báo tôi viết ra nhợt nhạt thiếu lửa cho tới khi gặp anh. Anh đưa tôi vào cuộc với các phóng sự xã hội, điều tra, những bài viết của tôi trên Tiền Phong lúc ấy đều có ngọn lửa từ Đặng Ngọc Khoa truyền qua.
Tôi còn nhớ vào một ngày mùa mưa, khoảng mười một giờ khuya, trời mưa tầm tả, mưa miền đông ào ạt trút nước như ai “cầm chỉnh mà đổ”, tôi cuộn tròn trong chăn, anh dựng tôi dậy bảo: “Đi!” “Đi đâu?” “Đi làm báo!” “Trời!”- Tôi kêu lên.
“Cầu gãy ngoài Bình Thuận, lũ về hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, ở đó mà nệm ấm chăn êm, làm báo chi lạ rứa. Gọi điện về tòa soạn đi, bảo chờ tin cầu gãy để mai xe miền Bắc khỏi vô, mất công bà con. Mặc áo mưa vào lên đường nhìn cho tận mắt rồi đưa tin viết bài” – Anh ra lệnh, tôi không kịp thở, giọng nói anh đầy quyền uy, một thứ quyền uy của trái tim. Đêm hôm ấy mưa mờ mịt, tôi và Khoa trùm áo mưa vượt hơn trăm cây số để kiểm chứng nguồn tin.
Hôm nay đọc nhiều bài báo cẩu thả, chỉ “nghe nói “ đã vội đăng gây ra bao nhiêu tác hại!!! Tôi nhớ lời của anh Đặng Ngọc Khoa: “Không phải lỗi ở những nguồn tin phản trắc mà lỗi ở nhà báo không kiểm chứng!”