Ý kiến của nhà thơ Trần Quang Đạo: “Tôi thấy những
người phê bình thơ Nguyễn Duy hơi cực đoan. Song họ có một phần lý lẽ của họ.
Và tôi cho ai cũng có phần đúng. Tôi không bàn nhiều về thơ Nguyễn Duy nói
chung, ở bài này tôi chỉ nói về một đoạn thơ trong bài thơ: Đánh thức tiềm lực
mà đề thi môn Văn lớp 12 năm nay được Bộ Giáo dục đưa ra cho học sinh làm. Nói
thẳng, đoạn thơ trên là một đoạn thơ quá dở trong một bài thơ xoàng, diễn xướng,
nhiều khẩu ngữ, hô khẩu hiệu; khô khan, không có tính nghệ thuật. Thế mà không
hiểu tại sao Bộ Giáo dục – Đào tạo lại chọn, ra đề thi Văn cho các em lớp 12 một
cách phản cảm, phản giáo dục như vậy?!”
MỘT BÀI THƠ DỞ ĐƯỢC ĐƯA LÀM ĐỀ THI MÔN VĂN LỚP 12
NĂM 2018
Đánh
thức tiềm lực – Đánh mất mùa thơ!
TRẦN QUANG ĐẠO
Hãy thức dậy, đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...
xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
***
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...
Đối với Nguyễn Duy, đánh giá về thơ ông có nhiều luồng
khác nhau. Nhưng tựu trung có 3 luồng chính:
1/ Thơ hay, ca ngợi mút mùa
2/ Thơ hay, nhưng còn mốt số điểm cần bàn
3/ Thơ điễn xướng và thơ diễn xẩm, ít có giá trị.
Tôi thấy những người phê bình thơ Nguyễn Duy hơi cực
đoan. Song họ có một phần lý lẽ của họ. Và tôi cho ai cũng có phần đúng. Tôi
không bàn nhiều về thơ Nguyễn Duy nói chung, ở bài này tôi chỉ nói về một đoạn
thơ trong bài thơ: Đánh thức tiềm lực mà đề thi môn Văn lớp 12 năm nay được Bộ
Giáo dục đưa ra cho học sinh làm.
Nói thẳng, đoạn thơ trên là một đoạn thơ quá dở
trong một bài thơ xoàng, diễn xướng, nhiều khẩu ngữ, hô khẩu hiệu; khô khan,
không có tính nghệ thuật. Thế mà không hiểu tại sao Bộ Giáo dục – Đào tạo lại
chọn, ra đề thi Văn cho các em lớp 12 một cách phản cảm, phản giáo dục như vậy?!
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Duy viết: Hãy thức dậy, đất
đai! Câu này đích thị không phải thơ. Nó như một câu nói thường ngày, không ảnh
hình, vần điệu. Cách gọi hơi bị thô lỗ, xách mé khi nhà thơ dám gọi đất đai – Đất
Mẹ như vậy.
Nếu nói: Hãy thức dậy, mùa vàng! thì lại khác. Mùa
vàng do bàn tay con người đánh thức. Hai chữ “mùa vàng” làm cho câu trên thành
thơ, dù chưa phải là câu thơ hay. Cụ Phan Bội Châu cũng có câu thơ nói về việc
“thức dậy”: Dậy, dậy!/ Bên áng một tiếng gà vừa gáy. Câu thơ của chí sỹ họ Phan
cũng nói về sự đánh thức, song nó thơ, bởi nó có hình ảnh, nhịp/ nhạc điệu. Và
đặc biệt, nó vẽ được một khung cảnh tươi sáng sau tiếng gà cất tiếng: Mặt trời
mọc, báo hiệu một tương lai. Còn Nguyễn Duy thì vỗ mông trái đất: Hãy thức dậy!
Đất thức hàng triệu triệu năm nay rồi.
Không cần chờ nhà thơ thúc giục. Có chăng, con người
phải thức, để làm cho đất đai ngày càng tươi đẹp, sản sinh ra nhiều của cải, bạc
vàng.
Sau câu thúc giục đất đai một cách thô lỗ, xách mé trên, Nguyễn Duy “yêu cầu” đất
đai cái gì?
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...
Đó là yêu cầu rất cụ thể. Một yêu cầu tưởng dễ,
nhưng rất khó đối với thời tác giả sống, viết bài thơ này. Thật, của làm sao,
chiêm bao làm vậy!
Tiếp đến nhà thơ chỉ ra “đường hướng” cho đất đai:
xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn.
Mấy câu trên nó rất phản thơ, trừ câu đầu tàm tạm.
Câu: cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn... thì thật tồi tệ.
Nó lủng củng, dài dòng, thật thà, thiếu tính logic. Có thể nói thế này: thay
ngô khoai bằng phần gạo mỗi nhà. Chỉ cần nói ngô khoai là đủ. Thêm “sắn” vào
làm gì ? Hóa ra thêm “sắn” để Nguyễn Duy bắt vần với câu dưới, cho có “vần điệu”:
“sắn/ ấm”. Câu “xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm” là một câu nhạt, sáo.
Đáng lẽ hai câu trên nói đến cái cụ thể rồi, thì ở
hai câu dưới phải nói cái trừu tượng, khái quát để nâng tầm thơ lên. Đằng này
Nguyễn Duy lại tiếp tục cái cụ thể ở mức độ 2 : “cơm no, áo ấm, đẹp giàu, sung
sướng”. Có lẽ do đói khổ triền miên cùng đất nước, nên khi nói về no ấm tương
lai nhà thơ bị mụ mị, không vượt ra được bóng mình ? Còn nghệ thuật ở mấy câu
thơ này thì ôi thôi, hết chỗ nói.
Tôi không tin được Nguyễn Duy của Bầu trời vuông,
Tre xanh, Hơi ấm ổ rơm lại viết như vậy. Cụ thể, mấy chữ “xin bắt đầu” thì khó
coi đó là thơ. Mấy chữ câu dưới: “rồi thì đi xa hơn”, càng tồi tệ. Câu thơ có
12 chữ, Nguyễn Duy sử dụng đến 4 hư từ: rồi, thì, và, và. Chưa nói, những chữ
như “đẹp và giàu”, “sung sướng”, các nhà thơ có tay nghề rất kiêng khi sử dụng,
vì nó phô, nó là xác chữ.
7 câu trong khổ thơ tiếp theo, tác giả dành 5 câu
nói về sự giàu có của đất đai: Trên đất và dưới lòng đất. Nói tóm lại là rừng
vàng, biển bạc đất phì nhiêu. Có một nhà thơ đã viết như thế. Viết như thế cũng
chưa phải viết được câu thơ hay. Nó có sáo, nhưng kể vừa và đủ về sự giàu có của
đất đai tổ quốc.
Điều này trở thành câu nói của miệng. Trẻ con cũng
biết. Với khả năng thơ của mình, thêm một lần, Nguyễn Duy diễn nôm cái “mệnh đề”
trên thành 5 câu thơ vừa sáo, vừa nhạt. Sáo với: tiềm tàng, vô biên, bạc vàng,
phù sa – sữa mẹ. Nhạt với: Cả 5 câu.
Vì câu nào cũng dễ dãi, câu nào cũng như công thức
có sẵn, không có từ mới, hình ảnh mới. Nếu lao động một cách nghiêm túc, dù đề
tài đất đai giàu/ nghèo đã cũ, thì Nguyễn Duy cũng có thể viết được những câu
thơ trung bình. Đây là một bằng chứng về sự lười biếng trong sáng tạo!
Sau khi diễn nôm “sự giàu” của đất đai, Nguyễn Duy
“gọi em” về:
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
Không biết “em” đây là “em” nào? Em thân thương của tác giả, hay em chung chung
trong xã hội? “Em” này có phải cùng cái “em” trong “cho áo em tôi không còn vá
vai”? Dùng “em” nói chung, phải cụ thể, mới thật, mới có hiệu quả. Thi sỹ Xuân
Diệu đã nhiều lần phê phán hiện tượng dùng “em” tràn lan trong thơ: Trái đất/em.
Mặt trời/em, Mặt trăng/em, Khẩu súng/em, Ngôi nhà/em… “Em” ở đây không ăn nhập
gì với nội dung đưa ra, thành thử nó cứ trơ, không cảm được! Còn cái “tu từ” mà
tác giả thể hiện: “giàu/nghèo”, “nào/sao” chả biểu hiện được gì nhiều, bởi vì không
có thông điệp mới. Giống như nhà thơ mặc một chiếc áo mới giặt lên cơ thể vừa tắm,
rồi đi ra đường, hỏi một người: Từ sáng đến giờ có thấy con lợn nào chạy qua
đây không?!
4 câu thơ tiếp theo Nguyễn Duy thông điệp một điều
đã cũ: Tài nguyên còn giàu, tại sao ta còn nghèo! Vẫn như trên (nt). Nghĩa là
mòn, sáo. “Lúc này ta làm thơ cho nhau/ đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt” – hai
câu này chả ăn nhập gì với cái ý thơ ở trên. Nó là cầu nối có vẻ điệu đàng,
nhưng thực chất Nguyễn Duy đang bí câu, bí từ để nối ý. Đành mượn câu đưa đẩy rất
“xẩm”, để móc “tiềm lực” vào, nhằm khơi thông cho các khổ thơ sau.
Tóm lại, đây là một đoạn thơ rất, rất không hay của
Nguyễn Duy. Tôi đã đọc một phần bài thơ dài này đã lâu, nhưng không kiên nhẫn đọc
hết cả bài. Vì nó dở. Ngô ngọng. Làm dáng chính trị. Không hiểu sao năm nay, bộ
Giáo dục – Đào tạo lại lấy đoạn thơ này làm đề thi cho học sinh? Nguyễn Duy có
nhiều bài thơ hay. Điều đó không ai phủ nhận ! Nhưng đưa đoạn thơ này vào làm đề
thi thì không ổn. Không thiếu gì bài có nội dung tương tự, nhưng hay hơn, ý
nghĩa hơn. Cứ nghĩ, đưa thơ Nguyễn Duy làm đề thi là nâng ông lên ư ? Yêu nhau
như thế bằng mười hại nhau!