Tên thật của bà là Ngô Chi Lan, tự Quỳnh Hương, tục danh Ngô Thị Hĩm; còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ. Bà sinh vào khoảng giữa thế kỷ XV tại làng Phù Lỗ, xã An Lạc, huyện Kim Hoa, xứ Phúc Yên (nay là xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn). Nhiều người biết đến Ngô Chi Lan. Bởi bà không chỉ có sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” mà còn có tài về văn chương, tiếng tăm lừng lẫy. Duy có một điều, chi tiết cụ thể về gia thế của bà, nhất là thân phận “ba chìm, bảy nổi” của nữ học sĩ thì lại rất ít có người biết đến.  Vì có người cô ruột là Ngô Thị Ngọc Dao, thứ phi của Vua Lê Thái Tông nên Ngô Chi Lan sớm được theo cô vào cung Khánh Phương để hầu hạ. Song, cuộc đời của nữ học sĩ đã gặp phải muôn vàn khó khăn, nhất là từ khi thứ phi Ngọc Dao có thai, trong nội cung thường xảy ra lục đục bằng những vụ ganh ghét, hãm hại lẫn nhau. Trước tình hình trên, để bảo đảm an toàn về tính mạng, thứ phi Ngọc Dao đã được vợ chồng công thần Nguyễn Trãi đưa đi trốn, còn cô cháu gái (tức Ngô Chi Lan) thì được bà Nguyễn Thị Lộ (ái thiếp của Nguyễn Trãi) giấu đem về nhận làm con nuôi, cải thành họ Nguyễn và đổi tên, gọi là Nguyễn Hạ Huệ.


BÀ TỔ THƠ VĂN TRÊN ĐẤT SÓC SƠN HUYỀN THOẠI

NGÔ VĂN HỌC

Sóc Sơn vô vàn huyền thoại, đa phần gắn với Đức Thánh Gióng, cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và thấm đẫm chất thi ca. Tại đây đã sinh ra người phụ nữ nức tiếng tài năng về thơ văn, từng được vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) phong chức Phù gia nữ học sĩ và giao cho đảm đương công việc dạy đạo đức, nghi lễ, truyền đạt văn hóa cho cung nhân trong triều. Bà là thi sĩ Ngô Chi Lan, người con của xã Phù Lỗ.
Tên thật của bà là Ngô Chi Lan, tự Quỳnh Hương, tục danh Ngô Thị Hĩm; còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ. Bà sinh vào khoảng giữa thế kỷ XV tại làng Phù Lỗ, xã An Lạc, huyện Kim Hoa, xứ Phúc Yên (nay là xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn). Nhiều người biết đến Ngô Chi Lan. Bởi bà không chỉ có sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” mà còn có tài về văn chương, tiếng tăm lừng lẫy. Duy có một điều, chi tiết cụ thể về gia thế của bà, nhất là thân phận “ba chìm, bảy nổi” của nữ học sĩ thì lại rất ít có người biết đến.  Vì có người cô ruột là Ngô Thị Ngọc Dao, thứ phi của Vua Lê Thái Tông nên Ngô Chi Lan sớm được theo cô vào cung Khánh Phương để hầu hạ. Song, cuộc đời của nữ học sĩ đã gặp phải muôn vàn khó khăn, nhất là từ khi thứ phi Ngọc Dao có thai, trong nội cung thường xảy ra lục đục bằng những vụ ganh ghét, hãm hại lẫn nhau. Trước tình hình trên, để bảo đảm an toàn về tính mạng, thứ phi Ngọc Dao đã được vợ chồng công thần Nguyễn Trãi đưa đi trốn, còn cô cháu gái (tức Ngô Chi Lan) thì được bà Nguyễn Thị Lộ (ái thiếp của Nguyễn Trãi) giấu đem về nhận làm con nuôi, cải thành họ Nguyễn và đổi tên, gọi là Nguyễn Hạ Huệ.
Chồng Hạ Huệ là Phù Thúc Hoành, tự Nhâm Nhân, người làng Phù Xá Đoài (nay thuộc xã Phú Minh, cùng huyện với Nguyễn Hạ Huệ). Ông Hoành thi đỗ làm quan, được giữ chức Đông các Đại học sĩ. Sau vụ án “Lệ Chi Viên”, mẹ nuôi của bà là Nguyễn Thị Lộ bị khép án tử hình, bà phải cải dạng, đổi tên thật là Chi Lan và trốn tránh ở khắp mọi nơi. Đến khi Thái tử Hạo (Tư Thành), con của thứ phi Ngọc Dao lên ngôi vua, bắt đầu triều đại Lê Thánh Tông (1460 – 1497), nữ học sĩ Ngô Chi Lan lại được dịp vào trong cung bái kiến cô mình, giờ là Thái hậu Ngọc Dao. Bản thân Chi Lan lúc bấy giờ đã rất tài giỏi thi ca, từ khúc, lại làu thông về kinh sử, nên không những được Thái hậu vô cùng yêu chiều, mà nhà vua Lê Thánh Tông cũng rất đỗi mến mộ.
Tương truyền, mỗi khi nhà vua đi du ngoạn hoặc dự yến tiệc ở bất cứ nơi đâu, học sĩ Ngô Chi Lan đều phải mang nghiên bút theo chầu hầu. Vì có biệt tài sáng tác rất nhanh, nên khi xuất khẩu, lúc phóng bút, ít khi bà phải sửa chữa, dù chỉ là một chữ. Có lần nhà vua đi dạo, dừng chân thưởng ngoạn tại Thanh Dương Môn, chợt thấy làn mây biếc là đà trên mái điện bèn sai quan thị họ Nguyễn làm từ vịnh cảnh. Khi từ khúc Uyên ương dâng lên, nhà vua không vừa ý và truyền ngay nữ học sĩ họ Ngô làm bài khác. Ngô Chi Lan vâng mệnh rồi nhón tay thảo luôn một chương, trong đó có hai câu kết rất đắc vị:
Điện ngọc ngói mời mây biếc phủ
Cẩm Giang sóng lụa sắc hồng dâng.
Nghe xong, nhà vua lấy làm đắc ý, khen tài văn hay chữ tốt của nữ học sĩ nhà họ Phù (họ của chồng bà), từ đó ban hiệu là Phù gia nữ học sĩ, thưởng cho 5 đĩnh huỳnh kim.
Đến một buổi tối, bà được Ngô Thái hậu cho tháp tùng du ngoạn trên núi Vệ Linh (tức núi Sóc, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn ngày nay). Dạt dào trước sự tích đức Thánh Gióng – “Tứ bất tử” trên thần điện của người Việt, nữ sĩ cảm tác nên bài tứ tuyệt:
Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn
Muôn tía nghìn hồng đẹp thế gian
Ngựa sắt lên trời tên rạng sử
Anh hùng mãi mãi với giang san.
Bài thơ ra đời, ngay lập tức không những mọi người ở trong nội cung đều biết, mà còn lan truyền ra cả ngoài phố thị, ai cũng ca ngợi và xếp vào hạng tuyệt tác. Nhà vua cũng ngỏ lời khen bà và ban tặng một cặp áo gấm màu lục, ngoài có phủ áo sa mỏng màu thiên thanh. Bài thơ đó nay vẫn được lưu giữ trong đền Sóc.
Tên tuổi Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan ngày càng tỏa sáng, tiếng tăm ngày càng vang dội, khiến tao nhân mặc khách thời đó vô cùng kính nể. Nhưng, cũng chính vì tiếng tăm lừng lẫy đó, mà một số kẻ tiểu nhân đã ganh ghét, đố kỵ, đặt thơ giễu cợt mỉa mai, nhằm hạ danh giá của bà – chẳng hạn như:
Quân vương ví phỏng cần tiêu muộn
Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào.
Hoặc:
Tan tiệc lầu rồng thơ mệt tứ
Sáu canh chầu chực giấc nồng trưa.
Những vần thơ vô danh khinh xuất trên thực chất là có ý châm chọc và xuyên tạc về phẩm hạnh, đã làm cho nữ sĩ Chi Lan vô cùng buồn rầu. Đã có lúc bà mượn giấc mộng để thổ lộ tâm tư tình cảm của mình với mọi người trong cung nội: “Bấy nay tôi chầu hầu Thuận đế, thi phụng tôn vương. Nghĩa cả là vua tôi, song vẫn còn tình thâm đồng tộc, lại vốn Ngô gia phép tắc; Phù gia trọng đạo… Thế mà lẽ nào trong giới thi văn lại có hạng đơn bạc, đặt giọng quàng xiên, tệ hại cho đành?”.
Thuở ấy trong giới Tao đàn Nhị thập bát tú (Nguyên súy Tao đàn là Lê Thánh Tông) ai ai cũng thông cảm với nỗi phiền muộn và uất ức của nữ học sĩ Chi Lan. Tiến sĩ Thái Thuận, tác giả của tập thơ Lữ Đường, cũng là Phó súy Tao đàn, đã lên tiếng khuyên giải bà,  đại ý: “… Nào phải một mình phu nhân mới bị khốn vì ngòi bút trào lộng của những kẻ xú ác…, mà các bậc trinh liệt xưa nay đã thường bị những lời thơ khinh bạc trây bẩn, song nước Ngân Hà dễ gì khuấy cho nhơ, nên nữ học sĩ cũng chẳng cần bận tâm làm gì”.
Khi vua Lê Thánh Tông băng hà, nhân ngày lễ đại hành (đặt thụy hiệu), nữ học sĩ Chi Lan cảm kích khóc điếu tiên hoàng bằng bài Đường luật nổi tiếng:
Ba chục năm dư ngự điện vàng
Chín châu bốn bể gội ân quang
Đông Tây mở đất miền cương giới
Sự nghiệp ngang trời mệnh đế vương
Tuyết phủ xe tiên mờ mịt bóng
Hoa chờ vườn ngự bẽ bàng hương
Quán triều canh vắng còn thơ mộng
Sầu ngắm Kiều sơn lệ mấy hàng.
Nữ học sĩ Ngô Chi Lan qua đời vào tuổi ngoài 50. Để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ với tên đề “Kim Hoa nữ học sĩ”. Ngôi đền đó hiện nay được đặt ngay trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình bà.
Sinh thời bà sáng tác rất nhiều thơ phần ứng khẩu, phóng bút… Nhưng vì đa số do không được gom lại thành tập, nên sớm bị thất truyền. Ngoài ra, bà còn có tập thơ nhan đề “Mai trang tập” nhưng rất tiếc cũng đã thất truyền. May thay, trong vài bộ sách văn học sử hiện nay có in mươi bài thơ của bà, trong đó có 4 bài tứ: “Xuân”, “Hạ”, “Thu”, “Đông”. Còn lại dăm bài tứ tuyệt khác được in trong các sách “Văn đàn bảo giám”, “Việt Nam thi văn hợp tuyển”, “Nữ lưu văn học sử”, “Kiến văn tiểu lục”  và “Truyền kỳ”. Đặc biệt,  phần chữ Hán của bốn bài “Xuân”, “Hạ”, “Thu”, “Đông” đã được người xưa khắc trên bộ Tứ bình bằng đá “vãn mẫu” (loại đá có ánh ngũ sắc). Và hôm nay, được đọc những vần thơ đầy thâm thúy, ý nhị của bà thật là điều may mắn xiết bao. Bà quả là một trong những nữ thi sĩ đầu tiên để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn học viết của nước nhà. Sự nghiệp văn chương của nữ thi sĩ Ngô Chi Lan từ thế kỷ XV xa xưa ấy, giờ đây như ngọn lửa tỏa sáng, gieo mầm, dẫn dắt cho những tài năng, trí tuệ và phong trào thơ văn trên vùng đất Sóc Sơn huyền thoại.

Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM