Một lần, nhà văn Cao Linh Quân tâm sự: “Bước vào tuổi
50, khoa học tự nhiên như mùa xuân lỗi hẹn lại trở về trong tôi. Tôi lấy làm tiếc
và ngây thơ tin rằng mình đã học không đầy đủ toán và vật lý mà mình vốn yêu
thích. Tôi tìm đọc các sách về thiên nhiên, hình học, vũ trụ... Đọc để cảm, đọc
để biết. Và một tia sáng kỳ diệu đã rọi chiếu tâm hồn tôi, giúp tôi cảm nhận ra
được một không gian - thời gian mới cho đời sống và những trang viết”. Có lẽ nhờ
vậy mà bạn đọc có dịp được thưởng thức những “Sao chổi Ha-lây” và đặc biệt là
tiểu thuyết huyền ảo “Tiếng gọi Thiên hà”, một tác phẩm khá lạ, được viết theo
tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái. Có thể nói đây là một cuốn sách được viết
dành cho kỷ nguyên của tin học, sinh học và phục hưng văn hóa. Tự vượt lên
chính mình, táo bạo tìm ra một lối đi mới, tránh được sự tẻ nhạt và nhàm chán, ấy
là những phẩm chất tạo nên phong cách văn xuôi Cao Linh Quân, hiện đại mà vẫn
dung dị.
CAO LINH QUÂN NGƯỜI LỮ HÀNH LẶNG LẼ
NGUYỄN MINH NGỌC
Trong số các nhà văn từng sống và viết ở Nha Trang-
Khánh Hòa, thì Cao Linh Quân là một gương mặt khá đặc biệt, nếu như không muốn
nói là lạ lẫm. Lạ ngay từ trong phong cách sống và cách ứng xử, lạ cả trong cái
phương cách mà người đàn ông này âm thầm “cày ải” như một gã lực điền trên
trang giấy để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương mang hơi thở nóng hổi của
đời sống. Phải chăng ông là một người lập dị hay cố tình tạo nên một cách sống
khác người như một cách làm dáng? Hẳn nhiên là không phải vậy.
Là một người con của đất thần kinh, Cao Linh Quân được
sinh ra và lớn lên ở xứ Huế nhưng lại thành danh ở xứ người. Có lẽ vì thế mà
sau nhiều năm sống và học hành trên đất Bắc rồi phiêu dạt vào dạy học và định
cư ở thành phố biển Nha Trang, cái chất Huế trong con người ông vẫn còn đậm đặc
lắm lắm. Điều đó cũng lý giải vì sao trong các trang viết của mình, đặc biệt
riêng ở thể loại ký, Cao Linh Quân lại thường quan tâm đến những người con gốc
Huế đến vậy.
Năm 21 tuổi, Cao Linh Quân tốt nghiệp khoa Ngữ văn
Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa đầu tiên sau hòa bình lập lại (1956-1959).
Ra trường, ông hành nghề dạy học ở một số trường phổ thông và trường sư phạm
trên đất Bắc. Chính những tháng năm vất vả, nghèo khó, phải vật lộn bươn chải
trong môi trường sư phạm trước cuộc sống không chút dễ dàng này đã giúp ông có
được cái nhìn thấu đáo, đầy cảm thông, lúc nào cũng đau đáu nỗi đau nhân tình
thế thái. Nhưng có lẽ do bản tính dè dặt và cẩn trọng “nhìn trước ngó sau” nên
Cao Linh Quân đến với văn học khá muộn chăng?
Sau ngày đất nước thống nhất, Cao Linh Quân trở về
miền Nam, nhưng ông không về lại cố hương mà vào tận thành phố biển Nha Trang
hành nghề gõ đầu trẻ. Hiện thực cuộc sống mới với bao tâm trạng buồn vui bộn bề
đan xen, giằng xé đã khiến ông phải tìm cách giải tỏa. Và giống như một tất yếu,
ông đến với văn chương thật tự nhiên. Truyện ngắn đầu tay “Bên phá Tam Giang” của
Cao Linh Quân xuất hiện trên Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tháng 9-1975.
Ký ức về những người thân chợt sống dậy, mừng mừng, tủi tủi sau hai chục năm trời
phải sống trong cảnh đất nước cắt chia, nó có sức lay động mạnh đến nỗi không
thể không cầm bút để ghi lại cảm xúc của mình.
Sau một loạt truyện ngắn xuất hiện trên báo chí Trung
ương và địa phương như: Chị Lài, Cành mai vàng, Dã tràng, Vàng, Mưa, Một chuyến
đi... đã được gom lại thành tập Sự im lặng của đất do Nhà xuất bản Văn nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1986. Từ đó đến nay, Cao Linh Quân tiếp tục
trình làng gần chục đầu sách, trong đó ông dành sự quan tâm đặc biệt của ngòi
bút cho lớp người trẻ tuổi (ba cuốn ở NXB Kim Đồng và một cuốn ở NXB Thanh
Niên). Xa lạ với lối viết “ăn may” theo bản năng, Cao Linh Quân luôn cần mẫn
chuẩn bị hành trang cho mình, ông không ngừng không nghỉ bồi đắp vốn liếng kiến
thức và vốn sống. Vì vậy, đọc văn xuôi Cao Linh Quân, có cái thú là được cảm nhận
vốn liếng tri thức văn hóa phong phú và cả chất trí tuệ lấp lánh qua mỗi trang
viết.
Một lần ông tâm sự: “Bước vào tuổi 50, khoa học tự
nhiên như mùa xuân lỗi hẹn lại trở về trong tôi. Tôi lấy làm tiếc và ngây thơ
tin rằng mình đã học không đầy đủ toán và vật lý mà mình vốn yêu thích. Tôi tìm
đọc các sách về thiên nhiên, hình học, vũ trụ... Đọc để cảm, đọc để biết. Và một
tia sáng kỳ diệu đã rọi chiếu tâm hồn tôi, giúp tôi cảm nhận ra được một không
gian - thời gian mới cho đời sống và những trang viết”. Có lẽ nhờ vậy mà bạn đọc
có dịp được thưởng thức những “Sao chổi Ha-lây” và đặc biệt là tiểu thuyết huyền
ảo “Tiếng gọi Thiên hà”, một tác phẩm khá lạ, được viết theo tinh thần tự do,
bình đẳng, bác ái. Có thể nói đây là một cuốn sách được viết dành cho kỷ nguyên
của tin học, sinh học và phục hưng văn hóa. Tự vượt lên chính mình, táo bạo tìm
ra một lối đi mới, tránh được sự tẻ nhạt và nhàm chán, ấy là những phẩm chất tạo
nên phong cách văn xuôi Cao Linh Quân, hiện đại mà vẫn dung dị.
Ngoại trừ những truyện thuộc dạng “huyền ảo” thì
nhân vật trong những tác phẩm của Cao Linh Quân phần lớn đều là những người
thân, hoặc họ hàng ruột thịt... với những người có thật trong đời sống mà ta từng
biết, từng gặp ở đâu đó và đã được ngòi bút của nhà văn nâng lên tầm nghệ thuật.
Thấp thoáng bóng dáng người thầy giáo nghèo, quanh năm tức tưởi vì chuyện áo
cơm, luôn day dứt bởi lương tâm nghề nghiệp và thế sự, khao khát vươn tới lẽ sống
đích thực của con người chân chính. Hầu hết họ là những người sống lay lắt,
nghèo khổ với những mơ ước cỏn con, tầm thường. Đó là ông họa sĩ Xuân Tùng khao
khát có được một cành mai để đón xuân, là thi sĩ Thu Giang phải cho thuê mặt tiền
nhà mình làm nơi sửa xe honda, để kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình. Rồi chuyện
của một ông vụ trưởng, giáo sư, từng một thời làm đại sứ tại một nước Đông Âu,
nay nghỉ hưu sống đời thanh sạch. Bữa cơm hằng ngày rất đạm bạc, chỉ độc món
rau muống luộc với đậu phụ, vậy mà hai vợ chồng già người nọ cứ nhường người
kia. Đó là bi kịch của một trí thức chân chính, suốt đời chỉ biết cống hiến và
lo giữ mình, lúc về hưu bỗng thấy mình bơ vơ, lạc lõng hệt kẻ bị thừa ra trong
cái xã hội đầy xô bồ, nhốn nháo. Bởi vậy, ông vụ trưởng nọ đã chọn cái chết, chứ
nhất định không chịu hạ mình làm cái việc vấy bẩn...
Dường như số phận của những con người không hợp thời
luôn ám ảnh trong các trang viết của Cao Linh Quân. Ngòi bút của ông luôn trăn
trở hướng tới sự hoàn thiện nhân cách con người. Bởi vậy, cùng với việc vạch mặt
lối sống thực dụng, thói trục lợi và hưởng lạc, ông cũng đồng thời lên án sự
suy thoái nghiêm trọng về đạo đức trong xã hội. Truyện ngắn “Con” là một thí dụ.
Người cha già yếu ngã bệnh phải vào viện nằm còng queo một mình. Con cái khá
đông nhưng chúng đều ở xa và “mắc bận” công việc quan trọng, chỉ mỗi mình cô út
ở cùng thành phố với ông. Nằm cùng phòng với ông là một vị quan chức. Cô con
gái út lễ mễ khuân quà cáp đến bệnh viện “thăm” sếp, lúc xong việc thì bất ngờ
cô bị người cha tội nghiệp phát hiện. Bố con nhận ra nhau, sượng sùng đến độ
không còn gì để nói. Tên truyện tưởng chừng như tác giả đặt vội, nhưng hóa ra
khá đắc địa. Loại hình nhân ấy chỉ đáng là hạng “con” chứ chưa thể thành người được!
Hầu hết các truyện ngắn, truyện vừa của Cao Linh
Quân đều bám được mạch sống, khai thác triệt để khía cạnh nhiều chiều của đời sống,
nhất là thế giới nội tâm đa dạng và luôn biến đổi của con người. Nhiều vấn đề
xã hội được nhà văn đặt ra, đan cài rất khéo vào cốt truyện để dẫn dắt người đọc,
nhằm chuyển tải những điều tác giả muốn gửi gắm, qua đó bày tỏ một thái độ sống.
Có cảm giác mỗi khi Cao Linh Quân viết phóng tay, thoát ý thì những trang viết
của ông trở nên giàu chất thơ, hết sức ấm áp và cảm động. Cũng phải nói thêm rằng
trong số những người cầm bút đã và đang sống ở Nha Trang, ít ai có được một
tình cảm gắn bó thân thiết với xứ thùy dương cát trắng như Cao Linh Quân. Hãy
nghe một đoạn đối thoại giữa hai nhân vật trong truyện “Dã tràng” của ông:
- “Anh nghĩ gì về Nha Trang sau 25 năm xa cách?
Người đàn ông trả lời sau một lúc suy nghĩ:
- Anh đã đi qua 16 nước. Không có nơi nào đẹp như
Nha Trang mình. Đẹp không phải chỉ vì Nha Trang là quê hương mà vì Nha Trang là
Nha Trang: Nha Trang đẹp thật, không gì so sánh được...”.
Bên cạnh những truyện ngắn đứng được với thời gian,
Cao Linh Quân còn có một thế mạnh khác ở mảng bút ký văn học. Khi chuyển về Nhà
xuất bản Quân đội nhân dân, tôi có trên tay bản thảo gồm 19 bài ký được ông viết
rải rác trong quãng thời gian gần 20 năm ở xứ trầm hương. Tiếc thay, tập bút ký
Dấu người... năm tháng là cuốn sách đầu tiên và cũng là cuốn cuối cùng tôi làm
với ông. Nhưng đây là một tập ký khá đặc sắc, đề tài đa dạng được viết bởi một
nhà văn rất có nghề. Nhìn chung, ký là một thể loại khó hay, song nó thường tạo
cho những người mới tập tọng cầm bút đôi chút ảo tưởng, thậm chí… hoang tưởng.
Thực chất, ký văn học đòi hỏi ở người viết nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất vẫn
là tầng văn hóa phong phú, thứ đến là phẩm chất văn xuôi quyện hòa với sự rung
cảm mạnh mẽ, kết hợp với bản lĩnh cao cường của ngòi bút.
Bạn đọc có thể bắt gặp ở đây những chân dung sống động
về những người anh hùng đã xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là hình tượng
Bửu Đóa (Ông Hoàng Đen), Ngô Mây (Quả bom quyết tử của Ngô Mây) trong kháng chiến
chống Pháp; là Nguyễn Thị Loan (Xanh trong mùa thu), Nguyễn Khắc Diện (Tuổi thơ
thù hận và cây súng AK) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Điều dễ nhận thấy là Cao Linh Quân có biệt tài phát
huy được sở trường tạo dựng không khí và tập trung khắc họa nhân vật dựa trên
những chi tiết có sức thuyết phục chứ không kể lể dông dài. Do vậy, mảng ký viết
về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang của ông luôn tạo được dấu
ấn riêng, hấp dẫn người đọc. Ngoài ra, ông còn một loạt các bài ký ngợi ca những
nhân tố tích cực trong công cuộc đổi mới của đất nước, mang tính phát hiện. (Một
hương vị Việt Nam, Trò chuyện về một loài chim yến, Đảo Tôn Ngộ Không...). Viết
về mảng đề tài dân tộc và miền núi, ông có hẳn một xê-ri như: Đêm Khánh Sơn,
Con đường Lăm-ba-đa, Tạm biệt Yali!, Già làng Raglay ở Khánh Sơn. Tuy nhiên,
không chỉ ngợi ca một chiều, ngòi bút của ông biết cách lật xới vấn đề, thẳng
thắn phê phán sự quan liêu hứa hão, thói mị dân của những kẻ có chức quyền bằng
một giọng điệu hóm hỉnh đến bất ngờ. Đọc ký của Cao Linh Quân thú vị là vì thế.
Suốt mấy mươi năm quen biết nhà văn cao Linh Quân,
tôi thấy ông vẫn vậy, cẩn trọng thu mình đến độ rụt rè. Căn hộ chung cư của ông
nằm ngay trên đường Thống Nhất, một con phố vào loại sầm uất bậc nhất của Nha
Trang, nhưng hầu như không mấy khi ông xuất hiện ở những chỗ đông người, lại
càng không thấy ông “cao đàm khoát luận” bao giờ. Lặng lẽ sống, lặng lẽ viết,
không đua chen cũng không hề “chạy chọt” tranh giành với bất kỳ ai. Cao Linh
Quân là vậy. Có lẽ vì thế mà ông là người luôn chịu thiệt thòi. Nhưng ở đời có
một nghịch lý thế này: không ít kẻ cầm bút thường quá ư ham hố “tuần chay nào
cũng có nước mắt”, bằng mọi cách họ cố vơ váo cho riêng mình được nhiều thứ,
nhưng rốt cuộc thì cái đọng lại vẫn chỉ là con số không to tướng.
Trò chuyện về nghề, Cao Linh Quân cho rằng: “Tâm tưởng
của con người trong tác phẩm mới là điều thiết yếu nhất cho chủ nghĩa hiện thực.
Vì con người là vô tận, chủ nghĩa hiện thực phải mới lạ, tự do và tỉnh táo. Làm
thế nào để trở thành một nhà văn trung thực, viết được những câu chuyện văn
dung dị và lương thiện...
Cuối cùng lại vẫn là chữ Tâm, là nhân cách của nhà
văn”.
Chuyện tuy không mới nhưng cũng sẽ không bao giờ
xưa, cũ đối với một người cầm bút.
*
Những năm cuối đời, sức khỏe của nhà văn Cao Linh
Quân suy sụp chóng vánh. Gia đình đưa ông rời Nha Trang vào sống cùng con trai
tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi còn chưa kịp tìm đến thăm thì trái tim ông đã vĩnh
viễn ngừng đập lúc 15 giờ ngày 14-6-2018…