Trong tự truyện, Công Vinh đã cho thấy, anh không thật sự xuất sắc, không có tài năng thiên bẩm, nhưng sự cần cù khổ luyện đã mang lại cho anh thành công rực rỡ. Trong khi đó, cùng lứa với Công Vinh có nhiều cầu thủ tài năng hơn, xuất sắc hơn nhưng vì nhiều lý do đã không thể đi hết con đường sự nghiệp. Bài học lớn nhất mà Công Vinh nhắc đến trong sách là việc tránh né các chuyện tiêu cực, từ ăn chơi cho đến cờ bạc, phe cánh… Thế nhưng, lẽ ra nếu chỉ dừng ở việc tái hiện cuộc đời của cá nhân Công Vinh, cuốn sách đã là một tác phẩm có ý nghĩa tích cực. Đằng này, Công Vinh đã dành quá nhiều trang sách để nhận định, đánh giá về các cá nhân khác và đa số là dưới cái nhìn tiêu cực. Lẽ dĩ nhiên, bị chê bai, phê phán như vậy thì không có gì lạ khi những người trong cuộc đã đáp trả mạnh mẽ. Nhẹ nhàng thì cho rằng Công Vinh hiểu sai vấn đề, như trường hợp Huỳnh Đức, HLV Alfred Riedl… Nặng nề hơn thì tố Công Vinh đặt điều, như trường hợp cầu thủ Tấn Tài.



GIỚI HẠN NÀO CHO TỰ TRUYỆN?

TƯỜNG VY

Những tưởng cuộc tranh luận về tự truyện đã khép lại sau những câu chuyện không mấy vui vẻ xung quanh các tự truyện của nghệ sĩ như Thương Tín, Ái Vân… thì vừa qua, cuốn tự truyện của một cựu cầu thủ bóng đá lại làm bùng lên những tranh luận mới. Có giới hạn nào cho tự truyện, nhất là khi càng ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm gây phản ứng từ dư luận.

Lập lờ viết về mình - về người
Trong buổi ra mắt cuốn tự truyện có nhan đề Lê Công Vinh - Phút 89, cựu thủ quân đội tuyển bóng đá Việt Nam cho biết, anh viết cuốn tự truyện với mong muốn cuộc đời anh là một bài học kinh nghiệm cho những người trẻ đang và sắp bước chân vào con đường cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Quả thực, nếu nhìn ở một góc độ nào đó thì Công Vinh xứng đáng là một bài học như vậy.
Trong tự truyện, Công Vinh đã cho thấy, anh không thật sự xuất sắc, không có tài năng thiên bẩm, nhưng sự cần cù khổ luyện đã mang lại cho anh thành công rực rỡ. Trong khi đó, cùng lứa với Công Vinh có nhiều cầu thủ tài năng hơn, xuất sắc hơn nhưng vì nhiều lý do đã không thể đi hết con đường sự nghiệp. Bài học lớn nhất mà Công Vinh nhắc đến trong sách là việc tránh né các chuyện tiêu cực, từ ăn chơi cho đến cờ bạc, phe cánh… Thế nhưng, lẽ ra nếu chỉ dừng ở việc tái hiện cuộc đời của cá nhân Công Vinh, cuốn sách đã là một tác phẩm có ý nghĩa tích cực. Đằng này, Công Vinh đã dành quá nhiều trang sách để nhận định, đánh giá về các cá nhân khác và đa số là dưới cái nhìn tiêu cực. Lẽ dĩ nhiên, bị chê bai, phê phán như vậy thì không có gì lạ khi những người trong cuộc đã đáp trả mạnh mẽ. Nhẹ nhàng thì cho rằng Công Vinh hiểu sai vấn đề, như trường hợp Huỳnh Đức, HLV Alfred Riedl… Nặng nề hơn thì tố Công Vinh đặt điều, như trường hợp cầu thủ Tấn Tài.
Trong tự truyện có đoạn Công Vinh cho rằng, HLV Alfred Riedl thương cầu thủ Phan Thanh Bình như con và ưu ái nhiều. Thế nhưng, ông Riedl vừa tiết lộ là khi đó, dàn cầu thủ chỉ có Phan Thanh Bình nói tốt tiếng Anh, ông có thể trực tiếp trao đổi để nắm thêm tâm tư tình cảm cầu thủ. Có thể vì thế Công Vinh nghĩ ông thân Phan Thanh Bình hơn, nhưng ngoài Bình ra, ông biết nói với ai đây. Trường hợp Lê Huỳnh Đức cũng vậy, anh cũng cho rằng Công Vinh hiểu nhầm, khi đó HLV có nói với anh trường hợp Công Vinh mới nghỉ xong nên không gò vào tập mà để Công Vinh tự quyết nên mới nói câu mà Vinh hiểu là “mặc kệ mày” như thế!
Cuốn tự truyện của Công Vinh lại một lần nữa đặt lại câu hỏi về giới hạn của tự truyện. Bởi bản chất của tự truyện là kể lại cuộc đời, cuộc sống của bản thân tác giả mà trong đó điểm quan trọng là mối quan hệ với các cá nhân khác xung quanh. Thế nhưng, việc nhắc đến các mối quan hệ đôi khi là rất riêng tư sẽ có ảnh hưởng lớn đến người có liên quan. Đó là chưa kể việc nhắc lại đó rất khó để xác định đúng sai.
Cách đây không lâu, cuốn tự truyện của nghệ sĩ Thương Tín đã gây xôn xao dư luận bởi trong đó, anh nhắc đến các mối quan hệ với nhiều nhân vật nữ, điều đáng nói là hầu hết trong số họ giờ đã có gia đình, đã có hạnh phúc riêng và nhiều người không lấy gì làm vui vẻ khi những chuyện bồng bột, dại khờ thời tuổi trẻ giờ lại bị nêu ra trước bàn dân thiên hạ.
Cuốn tự truyện của ca sĩ Ái Vân cũng lâm vào cảnh tương tự khi chị nhắc đến những bi kịch cuộc đời do người chồng cũ gây ra. Mà người chồng cũ giờ đã có hạnh phúc riêng còn câu chuyện phòng the giữa hai vợ chồng ngày xưa, rất khó để xác định thật giả, đúng sai.
Khi nhắc đến tự truyện, nhiều nhân vật “bị” đưa vào đã đặt câu hỏi, rốt cục người viết tự truyện muốn viết về mình hay chỉ mượn tự truyện để viết về người khác?

Khó bị thu hồi
Trước những dư luận không vui xung quanh các cuốn tự truyện, ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho rằng nếu có kiện tụng thì tự truyện sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số luật sư, điều này khó thực hiện, bởi gần như không thể chứng minh tính đúng sai trong tự truyện. Như trường hợp tự truyện của Công Vinh, những câu nói riêng tư giữa hai người cách nay cả chục năm rất khó để xác định. Hay chuyện bạo lực trong phòng the giữa hai vợ chồng, trong một cuốn tự truyện khác, nếu ngày đó không có sự can thiệp của chính quyền, không lập biên bản… thì hàng chục năm sau sẽ không thể xác nhận.
Việc viết tự truyện là hoạt động mang đậm tính cá nhân và người viết sẽ chịu trách nhiệm, trước hết với chính mình, sau là với bạn đọc, với những điều mình viết ra. Trong cuốn Hồi ký Nghệ sĩ Kim Cương - Sống cho mình, sống cho người, nghệ sĩ chủ yếu nhắc đến cuộc đời mình với những phút đúng sai, những sai lầm, những trả giá… Thế nhưng bà tuyệt không phê phán, trách móc ai dù rằng đọc trong đó bạn đọc vẫn thấy được những phút giây giận dữ, bi kịch… Đây là một trong những cuốn tự truyện đẹp hiếm hoi hiện nay khi chứa đủ những thông tin chi tiết về cuộc đời tác giả. Hiện tại, những tự truyện với mục đích tốt đẹp như của nghệ sĩ Kim Cương là hàng hiếm trong làng văn học. Nhiều người tìm đến tự truyện vì tiền, vì danh, vì thích được nổi tiếng sau một thời gian chìm nghỉm, hay đơn giản chỉ là để thỏa mãn, để ăn thua đủ với những “bóng ma” từ quá khứ…


Nguồn: SGGP