Ngôi nhà trong ngõ nhỏ đã
gắn bó gia đình Phan Quế hơn hai chục năm trời. Từ mảnh đất cất tạm ngôi nhà cấp
bốn, vợ chồng con cái dành dụm, đủ tiền xây lên ngôi nhà bốn tầng khá khang
trang, hỏi ra đi, làm sao tránh khỏi bối
rối. Anh bảo, chiều ý vợ con thôi, cả nhà đã quyết. Mà tôi thấy việc chuyển tới
ở khu chung cư cao cấp, ấy là thuận nhịp sống hiện đại, can cớ gì anh phải băn
khoăn? Vậy mà bao ngày anh bồn chồn leo lên leo xuống bốn tầng gác. Một khung cửa,
một mảng tường, tay vịn cầu thang, chiếc vòi nước, bất kể đồ đạc trong căn nhà,
đã gắn bó bao lâu, khi chia tay, anh sao lắm lỗi vân vi. Thoạt đầu là việc dọn
tủ sách. Bao cuốn sách bạn bè tặng. Bao cuốn sách mà anh hằng mất công sưu tầm.
Mang đi cuốn nào? Để lại cuốn nào? Chồng sách nào đóng gói trước, chồng báo nào
đóng gói sau? Công việc tưởng đơn giản, mà mất bao thời gian...
CÂU THƠ CHÙNG CHÌNH ĐÓN
ĐỢI
VŨ TỪ TRANG
Cái tâm trạng bối rối, lấn cấn không thể dấu nổi, khi Phan Quế nói sắp phải
chuyển nhà đi nơi khác. Không riêng anh, mà tôi cũng có phần hẫng hụt. Vậy là lại
một người bạn sắp chuyển đi xa. Mà có phải
xa xôi chân trời góc bể gì. Vẫn ở cái thành phố này, vẫn cùng quận này, nhưng chúng tôi không tránh khỏi bùi ngùi.
Ngôi nhà trong ngõ nhỏ đã gắn bó gia đình
anh hơn hai chục năm trời. Từ mảnh đất cất tạm ngôi nhà cấp bốn, vợ chồng con cái
dành dụm, đủ tiền xây lên ngôi nhà bốn tầng khá khang trang, hỏi ra đi, làm sao tránh khỏi bối rối. Anh bảo, chiều ý vợ
con thôi, cả nhà đã quyết. Mà tôi thấy việc chuyển tới ở khu chung cư cao cấp, ấy
là thuận nhịp sống hiện đại, can cớ gì anh phải băn khoăn? Vậy mà bao ngày anh
bồn chồn leo lên leo xuống bốn tầng gác. Một khung cửa, một mảng tường, tay vịn
cầu thang, chiếc vòi nước, bất kể đồ đạc trong căn nhà, đã gắn bó bao lâu, khi
chia tay, anh sao lắm lỗi vân vi. Thoạt đầu là việc dọn tủ sách. Bao cuốn sách
bạn bè tặng. Bao cuốn sách mà anh hằng mất công sưu tầm. Mang đi cuốn nào? Để lại
cuốn nào? Chồng sách nào đóng gói trước, chồng báo nào đóng gói sau? Công việc
tưởng đơn giản, mà mất bao thời gian. Cầm mỗi cuốn sách, tờ báo, lại bao kỷ niệm
ùa về. Rồi có lúc anh ngồi thừ ra, chán chường và bất lực. Bao đồ gỗ nội thất mà
anh chăm chút một thời. Từ bộ ghế kiểu đời Minh gỗ trắc, đến cái tủ rượu gỗ gụ
góc nhà, chiếc tủ áo ba buồng khung cánh ốp con tiện kiểu Pháp cổ, ngỡ chúng gắn bó suốt đời với anh, ấy rồi cũng phải chia
ly. Nhà mới, không gian kiến trúc mới, đồ nội thất lại phải theo lối mới. Vậy là
bao đồ đạc gắn bó hơn chục năm, nay không phù hợp nữa, đành thanh lý. Cái cảm
giác bùi ngùi, liệu chính con người mình có còn phù hợp, hay phải thanh lý với
thời buổi quay cuồng bây giờ, làm Phan Quế thêm chộn rộn, đắng đót.
Ở căn hộ mới khu đô thị cao cấp, mà mấy lần Phan Quế toan nhảy xe buýp về thăm
lại ngôi nhà xưa trong ngõ nhỏ. Có lần xe đi ngang ngõ, toan xuống nhìn lại ngôi nhà xưa, mà anh lại không dám. Kỷ
niệm nó là cái gì, mà làm người ta nhoi
nhói không yên. Có phải anh là nhà thơ, dễ nặng lòng. Hay có phải lối sống, lối
nghĩ đã cũ càng. Hay có phải tại câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên ám ảnh “Khi
ta ở, đất chỉ là nơi ở/ khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Phan Quế cũng đã từng mấy bận đổi nhà,
di chuyển chỗ ở. Nhưng có lẽ cuộc thoát ly quê là cuộc di chuyển lớn nhất, thay
đổi lớn nhất đời anh. Giây phút ngoái nhìn lại cổng làng lần cuối, khi lên đường
học trường sư phạm, chứa chất nhiều niềm vui xen nỗi phân vân. Những người trong
gia đình, những tưởng mấy năm cho anh đi ăn học, rồi sẽ trở về, làm anh giáo làng.
Nhưng đâu có ngờ, anh đi khỏi làng từ đấy. Chính anh cũng không ngờ đời mình ly
quê từ đấy. Hữu Bằng , cái làng quê trù
phú về nghề nông, nghề mộc của huyện Thạch Thất, (Sơn Tây cũ, nay thuộc Hà Nội)
cũng không kéo nổi anh quay trở lại. Không biết do sự phân công, hay khát những
miền đất xa xôi, ngày ra trường, Phan Quế được điều thẳng lên Lạng Sơn dạy học.
Năm mươi năm về trước, việc đi lại từ Hà Nội lên Lạng Sơn là cả quãng đường xa
xôi cách trở. Ba năm dạy trẻ con miền núi học chữ, cũng là thời gian cho anh tích
lũy vốn sống, đọc và viết, để rồi cho anh hăm hở bước vào con đường sáng tác văn
học. Năm 1969, chuyển sang Hội văn nghệ Lạng Sơn. Năm 1977, cũng là đột biến, chuyển
về Sở văn hóa thông tin Hà Tây. Năm 1987, chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Công
an Nhân dân. Năm 1996, về báo Văn nghệ Công an, làm phó Trưởng ban biên tâp cho
tới lúc nghỉ hưu. Cuộc đời Phan Quế cứ trình tự tiến triển, ai cũng ngỡ, ấy là sự xuôi chèo mát mái. Nào mấy ai hay, đấy
là sự lầm lũi tự vượt lên chính mình của Phan Quế.
Chỉ nói riêng về đận thơ ca của anh,
cũng thấy không suôn sẻ gì. Làm thơ sớm, in thơ sớm. Lại có thơ được chọn trong
“Trang Thơ 1978” của báo Nhân Dân và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức từ bốn mươi năm
về trước. Ngày ấy, đấy là vinh quang lắm. Rồi hàng năm vẫn có thơ in đều đặn trên
báo Văn Nghê, các báo văn chương trung ương và địa phương. Nếu như những bạn cùng trang lứa, đã tập hợp thơ in thành dăm, bảy
tập rồi. Nhưng Phan Quế, chỉ dám trình làng tập thơ đầu tiên của mình, tập “Trái tim lang thang” 32 bài, mỏng
manh dăm chục trang đóng gáy, năm 1994. Từ đấy, thơ vẫn viết, vẫn in báo đều đặn,
mà Phan Quế chưa dám cho ra mắt tập thơ
nào khác. Nếu nói chính xác, anh có in hai trường ca “Tên đất tên làng”,
1999 và “Cổ kính và phóng túng”, 2001.
Nhưng trong giới làm thơ, như vẫn chưa quan tâm trường ca của anh. Họ vẫn chờ đợi
anh những tập thơ lẻ. Sao Phan Quế chưa công bố. Có phải sự thận trọng quá mức?
Hay bởi không bằng lòng với những gì mình viết ra? Hay nhút nhát? Bạn bè hỏi. Anh chỉ biết đỏ mặt ậm ừ, lấp láp sự băn
khoăn. Theo quy luật tự nhiên, bông hoa muốn dâng hương. Con chim muốn khoe giọng hót.
Người làm thơ muốn công bố thơ mình với độc giả. Vậy căn cớ gì Phan Quế chưa dám
công bố tập thơ thứ hai? Anh kỹ tính quá chăng? Hay anh không tin những câu thơ
mình đã viết ra? Để rồi, khi tuổi ngoại bảy mươi, toan làm tuyển tập thơ cho mình,
Phan Quế càng thêm đắn đo, lấn cấn, in cái gì và không in cái gì?!
Nhắc lại sự kiện “Trang thơ 1978”,
nhiều người còn nhớ bài thơ “Mùa thu tiễn bạn” của anh. Đấy là bài thơ cảm động. Phan Quế kể, cảm xúc bắt nguồn từ bữa
về quê tiễn người cháu lên đường ra trận. Đất nước hòa bình được mấy năm, nhưng
biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc vẫn rậm rịch súng đạn. Cuộc chiến bảo vệ
tổ quốc của người dân vẫn chưa được nghỉ ngơi. Cảm xúc rối bời, từ cảm xúc riêng
tư cho người cháu trong gia đình, chuyển hóa thành cảm xúc tiễn người bạn ra trận,
biên độ bài thơ thêm rộng mở. Câu thơ bồn chồn, rối rít Chưa kịp về/ Nói hết lời yêu/ Nói một lời tin tiễn bạn/ Tôi biết mùa
thu hò hẹn... Cái hồn hậu, chân tình,
ấm áp như chảy suốt mạch viết, tạo ra phong cách thơ anh. “Trang thơ 1978” đã tạo
ra một sự kiện văn học, mà nhiều nhà thơ đã ghi trong lý lịch văn học của mình.
Qua sự kiện này, Phan Quế rất vui và tự
hào vì thơ anh được sánh cùng các nhà thơ “ngang ngửa” như Trinh Đường, Trần Mạnh
Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Hòa Bình... Tôi cũng có niềm vui, bài thơ “Trăng Phồn
Xương” được chọn trong “Trang thơ 1978”. Gần bốn mươi năm sau, nhà thơ Phạm Đình
Ân, người từng làm ở báo Nhân Dân, đã phô-tô lại những trang báo có in sự kiện
trên tặng tôi, tôi có chia sẻ Phan Quế đọc cùng. Nhìn bài thơ mấy chục năm trước,
khuôn mặt anh vẫn ánh lên niềm vui trong trẻo thưở nào.
Ngoài thơ, Phan Quế đã công bố hơn chục
tiểu thuyết. Cuốn nào cũng dày dặn. Bùa
mê, 1989. Gió bụi, 1990, 1995. Ổ quỷ, 1991. Trầm luân, 1993. Bên bờ hạnh
phúc, 1994. Ba lần xuống tóc,
2005. Duyên phận, 2006. Bao công làng, 2008. Phúc họa, 2014... Ở mỗi cuốn, anh muốn đặt
một vấn đề nhức nhối xã hội. Nhìn số lượng đầu sách văn xuôi của Phan Quế, phải
ghi nhận sức lao động bền bỉ của anh. Chỉ
riêng số sách văn xuôi này, với một tác giả khác, đó là sự nghiệp mơ ước. Nhiều
cuốn tiểu thuyết của Phan Quế đã được trao giải thưởng văn học. Nhưng với Phan
Quế, cuốn tiểu thuyết tâm đắc nhất đời mình, vẫn là cuốn sách viết dang dở. Còn
dưới con mắt của các nhà văn xuôi cự phách, thì vẫn nhìn Phan Quế là một nhà thơ.
Những nhà thơ, vẫn yêu mến gọi anh là nhà thơ và họ trông chờ đọc những câu thơ
hồn hậu, bảng lảng của anh.
Nghệ thuật, muôn đời là cuộc lao động
âm thầm đầy cam go. Với người cầm bút nào cũng vậy, có những tác phẩm mình tưởng
tâm đắc, dồn công “mang nặng đẻ đau” nhất,
ấy nhưng khi đứa con tinh thần ra đời, bạn đọc lại nhìn với con mắt dò xét, có
khi hững hờ. Có những cái, viết như bắt được, thì lại gây dư ba, ám ảnh với bạn
bè. Tôi chả dám hỏi anh, rằng những cuốn
tiểu thuyết ngồn ngộn kia, hay tập thơ mỏng manh anh chưa xuất bản, cái nào sẽ
sống bền vững cùng với tên anh? Nghệ thuật, đôi khi chỉ có trời phân định được.
Phan Quế vốn là người sống ôn hòa, nhưng đã đôi lần, tôi thấy anh thốt lên sự mệt
mỏi, chán chường. Người cầm bút, ai chả có tâm trạng bất thường như thế? Cuộc sống có vòng
quay tự nhiên của nó. Không riêng gì ai, ai cũng nhận thấy văn chương như đang đi
xa sự quan tâm của người đọc. Văn hóa đọc,
ngày càng xuống dốc. Mà có riêng gì ở nước ta đâu, ngay ở châu Âu đình đám nghệ thuật, đất nước có dăm
nhà văn giải No-ben văn chương, mà sách văn chương nhiều cuốn chỉ in có vài trăm
bản. Con người đang phải đối mặt với những cơn lốc chính trị, cơn lốc kinh tế,
cơn lốc công nghệ, thì những trang thơ văn mơ hồ kia càng bị sao nhãng. Vậy viết
thế nào? Câu hỏi nhức nhối cho người cầm bút có trách nhiệm.
Rồi lại ba lô, sách bút theo bạn bè đi
thực tế, đi trại sáng tác. Những trang viết mới lại thôi thúc, hăm hở. Có lần
Phan Quế khoe với tôi, sẽ dốc hết tâm lực viết cuốn tiểu thuyết để đời. Bối cảnh
câu chuyện, lại là làng quê Hữu Bằng của
anh. Cái làng quê xứ Đoài, nay đã chuyển hóa không còn là làng quê thuần nông
như trước. Tôi đã về Hữu Bằng, thấy làng quê nơi ấy hao hao như làng
quê tỉnh Bắc của tôi. Một làng quê đang chịu cơn sóng đô thị hóa. Những con đường
gạch đã bị đào bới, đổ bê tông trùm lên. Những mái nhà ngói màu rêu thâm u, đã
dỡ đi, xây cất nhà tầng mái bằng chóp nhọn. Câu thơ của nhà thơ Thợ Rèn thật đúng
với sự chuyển đổi “Cả làng thành một cục
bê tông”. Cái làng quê cổ kính, ngăn nắp, lề lối, nay bị phá vỡ. Mọi cái xấu tốt
xô bồ, ồ ạt tấn công làng. Phan Quế như
ngỡ ngàng và lo lắng trước cái đổi thay tới mức lộn xộn, phá chốn quê tuổi thơ bình yên của mình. Bao cái tốt,
bao cái xấu của làng, anh muốn ghi chép và tái tạo theo lăng kính tâm hồn anh
trên trang viết. Có người bảo anh không viết nổi cái bề bộn, đa chiều đến phức
tạp của làng, vì tạng anh là người khuôn phép, lề lối và chừng mực. Trong khi xã
hội mỗi ngày một vỡ ra những chiều kích dữ dằn, bạo liệt. Sinh thời, nhà văn Tào
Mạt, người cùng làng quê với Phan Quế, cũng từng dằn vặt muốn viết một cái gì đó
về làng quê mình, mà chưa viết được. Anh như người càng dần xa làng. Mặc dù
trong tâm sự đầu một cuốn sách, Phan Quế tự thú “Tôi vốn là một trai làng. Lớn
lên học chữ ở trường huyện, trường tỉnh, học làm thầy giáo rồi đi xa. Quê hương,
cứ lùi lại sau lưng thời trai trẻ, nhưng ngôi làng của mình thì luôn luôn là một
hiện hữu khó phai.”
Làng anh, làng tôi, những kỷ niệm,
những hương ước, những lề lối, níu kéo và giàng buộc bao kiếp người. Ấy rồi cũng
phải đi xa làng. Câu thơ Phan Quế viết vẫn chùng chình ở cửa làng.Có lúc anh muốn
đẩy nó đi xa. Rồi có khi nó lại níu kéo anh trở lại. Nom bề ngoài, anh như một
người chỉn chu, một công chức thung dung. Nhưng có thân, mới thấy nỗi giằng xé
trong tâm trạng anh. Anh có thể không thích, không theo cá tính sinh hoạt này
khác của bạn, nhưng chiều được tất cả các cá tính của bạn. Ngày anh còn ở gần
nhà tôi, chúng tôi cũng có nhiều chuyến dã ngoại cùng nhau. Thường có cả các nhà văn cao tuổi đi
cùng. Như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Phan Xuân Hạt, nhà thơ Mã Giang Lân...
Có chuyến đi, chúng tôi cũng đấu lý đến nơi đến chốn về công việc viết lách của
mỗi người. Khi ấy, Phan Quế cũng chia sẻ cùng chúng tôi những gì muốn làm, mà
chưa làm được. Có lần anh nhắc lại kỷ niệm hơn bốn mươi năm trước, khi ấy tôi đi
làm báo, đến tìm anh ở Hội văn nghệ Lạng Sơn. Ngày ấy chưa biết nhau, nhưng thơ
là cầu nối cho chúng tôi thân nhau ngay từ độ ấy. Phan Quế thốt lên rằng, giá cứ
nghĩ, cứ viết vô tư và hồn nhiên như dạo ấy. Giờ càng viết, càng thấy sợ. Cái đích
của nghệ thuật như càng xa xăm.
Rồi anh lại đau khổ với những câu
thơ. Những câu thơ vẫn chìm nổi trong tâm trí. Có bữa hào hứng, anh đã đưa cả tập
bản thảo thơ tuyển của anh, cho tôi đọc cùng. Tôi thấy nhiều bài thấm đẫm nỗi
niềm. Vừa nồng ấm, vừa dằn vặt. Mừng thế
như là mới đấy thôi/ Em về hoa bưởi rắc vai tôi/ Mắt xưa tím thế giờ sim tím/
Buồn thẫm vai nhau một vạt đồi.Tôi thúc anh in đi. Anh hăng hái, rồi lại chùng
chình. Tôi đã bực và vặn lại. Sao anh cứ cầu toàn mãi thế. Nghệ thuật, là cuộc
chạy ma-ra-tông không ngơi nghỉ. Ấy mà mấy năm rồi, anh vẫn chưa in. Khất lần,
nói rằng để đến tuổi 75. Rồi lại lần nữa tuổi 80.
Thơ ca, muôn đời là hạnh phúc của
người sáng tạo ra nó. Nhưng đôi khi lại hành hạ người viết ra nó. Việc chia tay ngôi
nhà, thay đổi chỗ ở xem ra cũng chỉ là chuyện nhỏ. Còn thay đổi cách cảm, cách
nghĩ, thay đổi bút pháp liên tục của một đời làm thơ, để con chữ có tầm vóc vạm
vỡ, đa dạng, tồn tại được với thời gian, thì càng khó biết bao nhiêu. Khi nghĩ điều
này, tôi lại thông cảm với sự chùng chình và do dự của anh trước việc in hay chưa
in tập thơ. Vì anh là người biết khó tính với chính mình. Và có nghĩa, tôi vẫn
tin nhà thơ Phan Quế đang ấp ủ nhiều dự định mới trên con đường sáng tạo văn chương.