Năm 6 tuổi, tài năng văn học của Hoàng Hiếu Nhân cũng bắt đầu khoe sắc. Sau nhiều bài thơ “gân guốc”, một hôm chú ruột Hoàng Hiếu Nhân là Hoàng Bình Trọng (sau này là nhà văn, là kĩ sư địa chất tình nguyện vác súng lên đường bảo vệ Tổ quốc) về phép, tặng cháu một quả địa cầu nhỏ. Hoàng Hiếu Nhân cảm xúc làm ngay bài thơ “Quả địa cầu” và năm sau, bài thơ đó vào "ngự" luôn trong sách giáo khoa cấp I phổ thông mấy năm liền: “Chú cho em quả địa cầu/ Em nhìn bốn biển năm châu rành rành/ Trục này em vặn quay nhanh/ Em đi mấy lượt vòng quanh địa cầu/ Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu/ Đất nào đẹp, nước nào giàu tìm xem/ Chẳng đâu bằng đất nước em/ Đã giàu đẹp, lại vang tên anh hùng”. Độc giả thời kỳ đó sửng sốt một bé Nhân mới 8, 9 tuổi mà có tư duy sáng tạo, độc đáo lạ thường. Trần Đăng Khoa, người cùng thời với Hoàng Hiếu Nhân, sau này trở thành nhà thơ, đã có nhận xét: “Tôi rất quý Nhân, Nhân viết ít, nhưng bài nào cũng hay, rất có nghề”


THI NHÂN ĐOẢN THƠ, ĐOẢN MỆNH

HỒ NGỌC DIỆP

Nhiều người vẫn còn nhớ, vào những năm trước và sau thập niên thứ 7 của thế kỷ trước, trên thi đàn Việt Nam bỗng lóe sáng những ngôi sao nhí. Đó là Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Cẩm Thơ, Nguyễn Hữu Kiên, Chu Hồng Quý... Riêng Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân là 2 tác giả được đánh giá cao nhất, xứng đáng nhận giải A cuộc thi thơ do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức năm 1972. Sau rực rỡ ánh hào quang đó, Hoàng Hiếu Nhân từ giã thơ ca, rẽ lối sống khác và cuộc đời của anh quăng quật, đắng đót làm sao!
Rực rỡ một tài năng nhí.
Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1959 tại xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, mẹ là giáo viên trường tiểu học, cha là giáo viên dạy Toán trường THPT. Cậu bé thông minh kỳ lạ khi bắt đầu học chữ với cha mẹ ở nhà. Với tố chất sẵn có, bé Nhân bỏ qua lớp 1, 2, 3 mà vào thẳng lớp 4 trường làng khi mới 8 tuổi. Phòng Giáo dục Quảng Trạch - Quảng Bình liền tổ chức sát hạch để kiểm tra kiến thức của em. Nhân không những vững vàng trong các bài kiểm tra mà sau đó tham gia kì thi học sinh giỏi cuối cấp I phổ thông, giành giải nhất môn Toán vào năm ấy.
Năm 6 tuổi, tài năng văn học của Nhân cũng bắt đầu khoe sắc. Sau nhiều bài thơ “gân guốc”, một hôm chú ruột Nhân là Hoàng Bình Trọng (sau này là nhà văn, là kĩ sư địa chất tình nguyện vác súng lên đường bảo vệ Tổ quốc) về phép, tặng Nhân một quả địa cầu nhỏ. Nhân cảm xúc làm ngay bài thơ “Quả địa cầu” và năm sau, bài thơ đó vào "ngự" luôn trong sách giáo khoa cấp I phổ thông mấy năm liền: “Chú cho em quả địa cầu/ Em nhìn bốn biển năm châu rành rành/ Trục này em vặn quay nhanh/ Em đi mấy lượt vòng quanh địa cầu/ Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu/ Đất nào đẹp, nước nào giàu tìm xem/ Chẳng đâu bằng đất nước em/ Đã giàu đẹp, lại vang tên anh hùng”.
Độc giả thời kỳ đó sửng sốt một bé Nhân mới 8, 9 tuổi mà có tư duy sáng tạo, độc đáo lạ thường. Trần Đăng Khoa, người cùng thời với Nhân, sau này trở thành nhà thơ đã có nhận xét: “Tôi rất quý Nhân, Nhân viết ít, nhưng bài nào cũng hay, rất có nghề” (Chân dung và đối thoại). Viết về “mặt trời”, sau khi miêu tả “Trên giường biển mặt trời đã mọc đầy râu đỏ/ Mây trắng tặng mặt trời khăn quàng cổ/ Mặt trời từ biệt mẹ lên đường”, tác giả bài thơ liên tưởng: “Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất/ Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực”.
Và thật là trí tuệ khi Nhân viết tiếp: “Đêm Trường Sơn mặt trời xuất hiện/ Những chiếc xe mang con mắt mặt trời ra tiền tuyến/ Những loạt đạn mang lửa mặt trời đốt máy bay…”. Còn khi chú Hoàng Bình Trọng từ chiến trường trở về, Nhân ôm lấy chú “Cháu hôn chú đầu tiên/ Lên vết thương trên cổ” (Những chiếc hôn) thì tứ thơ không còn là thơ “con nít” nữa.
“Thơ Hoàng Hiếu Nhân là thế, rất sắc sảo và thông minh. Ngôn ngữ chắt lọc. Cấu tứ chặt chẽ. Đặt thơ anh bên cạnh thơ của bạn bè cùng trang lứa, và về cùng một đề tài, mới thấy anh có một tư duy vượt trội” (Trần Đăng Khoa - Lời mở sách “Quả địa cầu” - NXB Kim Đồng, 2016).
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã dịch ra tiếng Pháp và cho xuất bản tại nước đó một tập thơ gồm thơ Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân. Biết bao người đã ghi lại, đã thuộc lòng nhiều bài thơ của Nhân. Còn nhớ, bài thơ “Mặt trời” của Nhân ra đời năm 1969, năm 2000, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc thi bình thơ, một cựu công nhân vùng Mỏ Quảng Ninh đã được giải vì bình rất hay bài thơ này mà anh đã ghi đậm trong kí ức của mình suốt 31 năm qua.
Vỏn vẹn 33 bài thơ đã sáng tác in ở nhiều báo địa phương và Trung ương, thơ Nhân chiếm được lòng ngưỡng mộ của nhiều người, xứng đáng là “Thần đồng thơ” cùng với Trần Đăng Khoa một thời. Năm 1993, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát hành “Tuyển tập văn học cho thiếu nhi”.
Trong số 217 tác giả, bên cạnh những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Tạ Hữu Yên… chỉ có 2 nhà thơ nhí được góp bài trong sách, đó là Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân.
Bão táp trên những bước đường lam chướng
Vào học cấp 3 phổ thông, có lẽ không còn tố chất nên Hoàng Hiếu Nhân từ biệt thơ, nếu không nói là vĩnh biệt thơ. Nhân học giỏi các môn tự nhiên và sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi đậu xuất sắc vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, Nhân vào bộ đội và được điều làm giáo viên của trường đào tạo về quân khí trong quân đội đóng ở Huế. Anh được kết nạp Đảng tại đây.
Năm 1984, anh được phong hàm Thượng úy. Tưởng rằng thuyền đời Hoàng Hiếu Nhân neo đậu tại đây, nhưng đùng một cái, anh xuất ngũ. Sau đó làm Trưởng phòng Kỹ thuật khi anh vào làm việc tại Nhà máy Dệt Phú Xuân - Huế. Năm 1987, anh được UBND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) cử làm Đội trưởng, Bí thư chi bộ, đưa 100 cán bộ trẻ đi xuất khẩu lao động tại Belarus.
Được vài năm thì Liên bang Xôviết tan rã. Nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, lang bạt. Nhân cũng như bao người Việt Nam làm ăn bên đó phải quăng quật làm đủ nghề để kiếm sống. Nhân mua đi bán lại hàng hóa vặt vãnh, rồi mở sạp hàng bán ở chợ, ý định chắt cóp ít tiền bạc để hồi hương. Đánh hơi được khi biết túi tiền của Nhân đã kha khá, bọn đầu gấu Việt có, Nga có đã xông đến trùm chăn đánh anh gần chết rồi vứt ra giữa tuyết.
Một cô gái bác sĩ thú y người Nga đi làm về giữa khuya gặp được đã kịp thời sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện. Mang ơn người đã cứu sống mình, Nhân không thư từ gì với vợ và 2 con gái đang sống ở Huế vì buồn nản tự ti cuộc sống mưu sinh lận đận, đắng đót ở xứ người của mình, để kết hôn với người con gái xứ người, ân nhân của mình, mặc dầu anh được biết cô gái ấy đã có con gái với một người tình trước đó đã bỏ đi.
Năm sau, con trai Hoàng Hiếu Đức - dòng máu Việt - Belarus ra đời. Năm 2009, Hoàng Hiếu Nhân đưa con trai về Quảng Bình thăm quê cha đất tổ rồi vội vàng quay lại Belarus để tiếp tục con đường kinh doanh nuôi mình, nuôi con. Năm 2014, Nhân lại vội vàng về nước được mấy hôm. Nhưng lần này với mục đích liên hệ với một công ty mua bán gốm sứ ở Hà Nội xuất hàng cho công ty của Nhân ở đất người. Ai ngờ, đó là chuyến hồi hương cuối cùng, vì một cơn tắc ruột diễn ra sau đó, do sơ suất của bác sĩ phẫu thuật đã gây nhiễm trùng sau khi mổ, Nhân phải mổ lại lần thứ hai. Lần này thì thần chết đã lạnh lùng vung lưỡi hái. Anh từ giã cõi trần vào ngày 6/2/2014. Trước khi chết, Nhân đã nói với con trai: “Hãy đưa ba về với ông bà nội ở Việt Nam”.
Được nhiều bạn bè, người đồng hương Quảng Bình đang sinh sống ở Nga giúp đỡ, thi hài nhà thơ nhí của đất Quảng Bình thuở nào được đưa về an táng tại nghĩa địa Hói Đồng bên dòng sông Gianh lịch sử. Chúng tôi, những hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình cũng đã kịp thời đến thắp hương tiễn biệt người đã làm sáng danh văn học Quảng Bình và văn học hiện đại Việt Nam một thời.
Năm 2016, nhân tròn 2 năm mất của Hoàng Hiếu Nhân, NXB Kim Đồng đã tái bản tập thơ “Quả địa cầu” gồm 21 bài chọn lọc và một số bài viết về thơ của Hoàng Hiếu Nhân, trong đó có bài của nhà thơ Trần Đăng Khoa.


Nguồn: Văn Nghệ Công An