Giáo sư Đào Nguyên Cát kể rằng ngày ấy ông nhận chức Tổng Biên tập, nhưng là “Tổng biên tập 3 không”: không tiền, không tòa soạn, không bộ máy. Trong khi để đăng ký giấy phép xuất bản thì điều tối thiểu phải có nơi ghi địa chỉ tòa soạn. Thấy ông làm Tổng Biên tập kiểu “tay không bắt giặc” như vậy, ông Lê Tiến, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại, đồng ý cho báo đăng ký địa chỉ tòa soạn tại Trung tâm Thông tin Thương mại ở số 46 phố Ngô Quyền; nhưng chỉ là cho nhờ trên giấy tờ để đủ điều kiện xin cấp phép thôi chứ không được dùng làm nơi làm việc. Không có tiền thuê trụ sở, cuối cùng ông đưa tòa soạn về… nhà riêng ở số 8 phố Lý Thường Kiệt. Do tòa soạn đặt tại nhà nên vợ ông trở thành người trực điện thoại, thu báo “kiêm” nhân viên tạp vụ. Hai người con trai làm thư ký; con rể phụ trách trị sự; con dâu trưởng là nhân viên hành chính ở Thông tấn xã Việt Nam cũng được trưng dụng vừa làm kế toán, thủ quỹ kiêm nhân viên đánh máy. Vì là người nhà nên tất cả mọi người đều không có lương. 



CHUYỆN VỀ MỘT TỔNG BIÊN TẬP U…100

NGUYỄN THIÊM

Đó là Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập đầu tiên và cho đến nay của Thời báo Kinh tế Việt Nam.65 tuổi ông bắt tay gây dựng tờ báo, giờ đây sau 27 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của ông, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã trở thành một tổ hợp báo kinh tế. Không những thế trong làng báo Việt Nam, ông là Tổng Biên tập cao niên nhất, 92 tuổi. Bây giờ, ngẫm lại cuộc đời gần 1 thế kỷ của mình, Giáo sư Đào Nguyên Cát bảo rằng có lẽ ông có duyên nợ với nghề báo chí và tuyên huấn nên ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, ông đã gắn với nó.
Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông là lớp cán bộ đầu tiên được cử đi học lý luận cách mạng ở Trung Quốc và Liên Xô. Và rồi suốt quãng thời gian công tác mấy chục năm ở Ban Tuyên huấn Trung ương, ông gắn bó với công việc giảng bài, soạn sách, viết báo và làm tổng biên tập các tạp chí và tổng biên tập Nhà xuất bản sách giáo khoa Mác Lênin. Nhưng dấu ấn trong cuộc đời làm báo của ông lại bắt đầu từ công việc khi ông đã ngoài 60 tuổi và nhận quyết định nghỉ hưu ở Ban Tuyên huấn Trung ương, đó là khởi nghiệp với nghề Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, năm 1991, do Hội Khoa hocj kinh tế Việt Nam thành lập.
Giáo sư Đào Nguyên Cát kể rằng ngày ấy ông nhận chức Tổng Biên tập, nhưng là “Tổng biên tập 3 không”: không tiền, không tòa soạn, không bộ máy. Trong khi để đăng ký giấy phép xuất bản thì điều tối thiểu phải có nơi ghi địa chỉ tòa soạn. Thấy ông làm Tổng Biên tập kiểu “tay không bắt giặc” như vậy, ông Lê Tiến, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại, đồng ý cho báo đăng ký địa chỉ tòa soạn tại Trung tâm Thông tin Thương mại ở số 46 phố Ngô Quyền; nhưng chỉ là cho nhờ trên giấy tờ để đủ điều kiện xin cấp phép thôi chứ không được dùng làm nơi làm việc. Không có tiền thuê trụ sở, cuối cùng ông đưa tòa soạn về… nhà riêng ở số 8 phố Lý Thường Kiệt.    
Do tòa soạn đặt tại nhà nên vợ ông trở thành người trực điện thoại, thu báo “kiêm” nhân viên tạp vụ. Hai người con trai làm thư ký; con rể phụ trách trị sự; con dâu trưởng là nhân viên hành chính ở Thông tấn xã Việt Nam cũng được trưng dụng vừa làm kế toán, thủ quỹ kiêm nhân viên đánh máy. Vì là người nhà nên tất cả mọi người đều không có lương. Chỉ duy nhất có một người sửa morat là vợ của một cán bộ ở Ban Tuyên huấn Trung ương được ông giúp xin chuyển hộ khẩu từ Bắc Giang về Hà Nội tự nguyện đến làm không lương nhưng được tòa soạn trả lương là 50.000 đồng/tháng. 
Tháng 9-1991, số 1 báo Thông tin Kinh tế chính thức ra mắt bạn đọc với số lượng rất khiêm tốn, chủ yếu để mang đi biếu. Ông là Tổng Biên tập nhưng cũng phải trực tiếp mang báo đi khắp những nơi quen biết để biếu. Nhưng chỉ sau 3 số, báo đã lấy được quảng cáo và số lượng đã nhúc nhích tăng. Vì thế, đến số thứ 4, khi bắt đầu phải trả tiền in thì báo đã có tiền để thuê chỗ khác in đẹp hơn với số lượng 2.000 bản.
Tháng 12-1991, khi tờ báo đã định hình thành tờ chuyên về kinh tế, thấy rằng cái tên “Thông tin Kinh tế” không còn phù hợp với yêu cầu của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nữa, Tổng Biên tập Đào Nguyên Cát quyết định đổi tên báo lấy tên Thời báo Kinh tế Việt Nam”.
Nhưng một dấu ấn không chỉ của Thời báo Kinh tế Việt Nam mà của cả làng báo là việc Thời báo Kinh tế Việt Nam là một trong hai tờ báo đầu tiên của Việt Nam được cấp phép hợp tác với đối tác nước ngoài để in ấn và bán quảng cáo.
Nhắc lại “thương vụ thế kỷ” ấy, Giáo sư Đào Nguyên Cát kể rằng giữa năm 1992, ông nhận được công văn của ông Bùi Xuân Nhật, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Bộ Ngoại giao, thông báo rằng Công ty Ringier AG của Thụy Sĩ  muốn hợp tác với phía Việt Nam để xuất bản một tờ báo chuyên về kinh tế. Nhận được công văn này, ông lập tức trao đổi với lãnh đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hóa-Thông tin, Ủy ban hợp tác đầu tư nước ngoài và may mắn là đều nhận được sự ủng hộ. Vì thế việc hoàn tất các thủ tục hợp tác sau đó được ông triển khai rất nhanh. Cuối năm 1992, hợp đồng hợp tác giữa Thời báo Kinh tế Việt Nam và Ringier AG được ký kết. 
Trong câu chuyện, ông bảo rằng từ hai bàn tay trắng, giờ đây vốn liếng của Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tương đối nhất là thương hiệu lan tỏa trong và nước biết đến. Ai đó đã nói rằng Tổng biên tập báo là cái nghề vinh quang nhưng cũng lắm khổ ải vì suốt ngày phải lo toan cả tiền bạc, chữ nghĩa và đủ các mối quan hệ trên dưới. Năm nay 92 tuổi, ông đang giữ kỷ lục của làng báo là Tổng Biên tập cao tuổi nhất. Giữ kỷ lục ấy với ông có lẽ cũng là một nỗi khổ?

Nguồn: CAND