Tâm tư của
Ngô Minh: Là một nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp hơn 20 năm nay, thế mà từ lâu
tôi cứ băn khoăn không hiểu sao các nhà báo xứ ta lại hay nói “Viết cho”,”In
cho”. Đó là do thói quen hay do một “luật lệ không thành văn” của nghề báo? “Viết
cho” hay “in cho” có nghĩa rằng, viết báo, in bài trên báo không phải là vấn đề
bức xúc xã hội mà báo cần phải nêu lên như nêu gương tốt, hay đấu tranh chống
tiêu cực, chống tham nhũng, cảnh báo về ô nhiễm mối trường, bảo vệ chủ quyền quốc
gia... đã thành nhu cầu tự thân của nhà báo, cơ quan báo. Mà “viết bài cho”,
“in bài cho” theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp hay địa phương nào đó để
“có đi có lại”! In bài kêu ca để xin đầu tư dự án, in bài khen để che giấu thất
thoát, thua lỗ... Vì anh mà tôi phải viết bài báo đó. Vì anh mà tôi phải in bài
báo đó. Chứ không phải vì tư cách nhà báo của tôi, của báo tôi . Vì thế mà khi
viết xong, in xong bài “anh” phải trả công, anh phải “có đi có lại” đàng hoàng
với tôi, nếu không thì…
VIẾT
CHO” VÀ “IN CHO” - “TRIẾT LÝ” NHÀ BÁO THỜI THAM NHŨNG!
NGÔ
MINH
Có anh
phóng viên một tờ nhật báo ở Hà Nội vào miền Trung công tác khoe với tôi:” Em vừa
viết cho Công ty D. bài báo về chuyện làm ăn có lãi lớn”. Biết chắc là cái công
ty đó từ hơn 5 năm nay năm nào cũng thua lỗ dài dài, nhưng tôi lại hỏi :” Sao cậu
lại “viết cho” ?”. Nhà báo đỏ mặt không trả lời. Một lần ra Hà Nội , tình cờ gặp
một ông phó Tổng biên tập một tờ báo ngành, biết tôi làm báo ở miền Trung ra,
ông khoe :” Báo mình mấy số vừa rồi in cho các tỉnh trong ấy mấy bài liền về
thu hút đầu tư, mình có gửi báo cho các ông bí thư, chủ tịch tỉnh, họ phôn ra
khẩn khoản mời vào...”. Tôi cười hỏi lại: “Sao ông lại bảo “in cho” ?”. Anh bạn
“phó tổng“ đỏ mặt không trả lời.
Là một
nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp hơn 20 năm nay, thế mà từ lâu tôi cứ băn khoăn
không hiểu sao các nhà báo xứ ta lại hay nói “Viết cho”,”In cho”. Đó là do thói
quen hay do một “luật lệ không thành văn” của nghề báo ? “Viết cho” hay “in
cho” có nghĩa rằng, viết báo, in bài trên báo không phải là vấn đề bức xúc xã hội
mà báo cần phải nêu lên như nêu gương tốt, hay đấu tranh chống tiêu cực, chống
tham nhũng, cảnh báo về ô nhiễm mối trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia.v.v.. đã
thành nhu cầu tự thân của nhà báo, cơ quan báo. Mà “viết bài cho”, “in bài cho”
theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp hay địa phương nào đó để “có đi có lại”!.
In bài kêu ca để xin đầu tư dự án, in bài khen để che giấu thất thoát, thua lỗ.v.v..Vì
anh mà tôi phải viết bài báo đó. Vì anh mà tôi phải in bài báo đó. Chứ không phải
vì tư cách nhà báo của tôi, của báo tôi . Vì thế mà khi viết xong, in xong bài
“anh” phải trả công, anh phải “có đi có lại” đàng hoàng với tôi, nếu không thì…
Đó là
thói quen xấu trong thời bao cấp. Báo tôi khen anh thì anh được cấp trên tin
dùng, anh được thăng chức, tăng lương, kiếm được nhiều dự án để “ăn %”, nên mới
gọi là “viết cho”. Báo tôi là báo bao cấp, in bài dở, in bài không có vấn đề gì
bức xúc không có người đọc cũng không sao, báo tôi vẫn sống khỏe năm này sang
năm khác, tôi vẫn có lương năm này qua năm khác, cơ quan vẫn được nhà nước xây dựng
lầu ngang tòa dọc, xe con xe to ba bốn chiếc, vẫn được thưởng huân chương lao động
hạng nhì, hạng nhất. Cho nên tôi viết bài là viết cho anh, chứ không phải viết
cho sự sống còn của tờ báo của tôi. Vì tôi “viết cho”,”in cho” anh , nên mỗi
khi tôi đi công tác về địa phương thì các anh phải bao ăn ở, chu cấp tiền tàu
xe, bố trí xe cộ và cán bộ cùng đi cơ sở, tham quan du lịch và tặng quà cáp,
phong bì. Đó là triết lý “báo nhà nước”, triết lý “tiền chùa” của các nhà báo,
của các cơ quan báo tiêu cực, tham nhũng!
Cái triết
lý “in cho”,”viết cho” ấy đến thời kinh tế thị trường thành sự “liên kết” “làm
ăn” rất ngoạn mục, đã biến không ít nhà báo thành “người viết thuê” mẫn cán,
thành người đánh đu cùng bọn tham nhũng. Đội ngũ nhà báo “viết cho” này đang
ngày càng đông đảo, lúc nhúc không ít trong số các nhà báo có thẻ bài!. Ông tổng
biên tập nọ viết bài in trên báo của mình để giúp Năm Cam thoát tội. Đó là “viết
cho” Năm Cam. Và Năm Cam sẽ trả công xứng đáng. Các nhà báo “viết cho” giám đốc
Doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ, ca ngợi ông ta làm ăn có lãi, để giúp ông
ta “lừa cấp trên”, giúp ông ta được huân huy chương, tiếp tục được duyệt dự án
dây chuyền 2, giai đoạn 2, giúp ông ta tránh được thanh tra.v.v..Tất nhiên nhà
báo sẽ được thưởng công xứng đáng. Nhà báo nắm được thông tin sơ sịa về việc
tham nhũng, ăn chơi của giám đốc, liền đến “nửa úp nửa mở”,”nửa dọa, nửa hứa” ,
rồi “viết cho” một bài ca ngợi đức liêm khiết, chí công vô tư. Thế là giám đốc
phải mở hầu bao. Mà tiền gì của giám đốc, tiền chùa cả nên chi mấy cũng không
xót , miễn là “an thân”. Chí ít cũng phải ký vài ba trang quảng cáo.
Còn đối
với các doanh nghiệp tư nhân, các nhà báo cũng có cách “viết cho”,”in cho” làm
sao hai bên cùng có lợi. Tôi viết bài “đấu tranh cho anh” được cấp đất, được giảm
thuế, được tham gia xuất khẩu , được dự thầu vào các dự án lớn của địa phương,
hay anh không còn bị hải quan, thuế vụ “hành”, thì anh phải “tử tế” chứ. Không
chỉ doanh nghiệp, mà không ít hiệu trưởng các trường phổ thông, dạy nghề, đại học,
giám đốc bệnh viện, giám đốc sở, ban, ngành.v.v.. ai cũng cần được ca ngợi trên
báo, ai cũng thấy có lợi cho mình khi được nhà báo “viết cho”,”in cho” một bài,
vì ai cũng có một “gót chân A Sin” tham nhũng, tiêu cực cần phải che giấu. Dần
dần triết lý “viết cho”,”in cho” biến không ít nhà báo thành đồng lõa với tham
nhũng, bảo vệ bọn tham nhũng. Hay nói cách khác, “viết cho”,”in cho” là triết
lý sống , là phương thức tham nhũng phổ biến của không ít nhà báo hiện thời!
Các nhà
báo tham nhũng không sống bằng nhuận bút từ nghề báo mà sống bằng “nhuận bút viết
cho”. Nhuận bút báo tính bằng trăm ngàn đồng , năm ba trăm ngàn một bài. Các
báo bán chạy trả đắt cũng triệu, hơn triệu! Còn nhuận bút “viết cho” tình bằng
chục triệu, trăm triệu, cả trăm mét đất làm nhà một bài. Những nhà báo “viết
cho” không dại gì mà đi bí mật điều tra, chất vấn, tìm hiểu trong Nam ngoài Bắc
để đưa lên mặt báo các vụ tham nhũng. Vì làm như thế thì họ không thể “viết
cho”, “in cho” được. Họ thích làm “quan báo” vừa giàu có sung sướng vừa an
toàn. Ai hỏi tại sao báo anh không chống tham nhũng thì họ trả lời rất lập trường
quan điểm :” viết về gương người tốt việc tốt cũng là một cách chống tham
nhũng”, “xây là chính, chống là phụ, xây là để chống”. Có rất nhiều đồng nghiệp
của họ vì đi điều tra tiêu cực mà bị hành hung, bị thu máy ảnh, bị giam cầm, thậm
chí truy tố.v.v.. Tất cả những bức xúc đó họ không bao giờ động lòng trắc ẩn.
Nhà báo xông xáo phanh phui tiêu cực tham nhũng làm lợi cho dân cho nước thì
nghèo, nhà báo “viết cho”,”in cho” thì giàu. Đó là sự thật đau lòng!
Làm sao
để loại trừ những nhà báo “viết cho”,”in cho”? Trộm nghĩ, đã thành tệ nạn rồi
thì khó diệt ngay một lúc được, mà phải diệt dần. Ta biết rằng các nhà báo “viết
cho”,”in cho” thường có nhiều ở các báo bao cấp , sống dựa vào tiền đóng thuế của
nhân dân, làm ra báo không cần người mua nhiều hay ít . Ở các báo cả tòa soạn sống
bằng chất lượng tờ báo, lo làm sao từng số báo thu hút độc giả, sống bằng tiền
bán báo hàng ngày... không phải là đất “dụng võ” của những người “viết cho”. Vì
thế nếu tất cả các báo chính trị -kinh tế- văn hóa- xã hội của nước ta đều sống
bằng chất lượng tờ báo, sống bằng tiền bán báo thì chắc chắn những nhà báo “viết
cho”,”in cho” sẽ giảm đi rất nhiều. Xóa bỏ bao cấp báo chí cũng là một biện
pháp chống tham nhũng trong nghề báo một cách hữu hiệu.