Câu chuyện của nhà văn Lê Văn Nghĩa: Từ khi tôi được thập mục sở thị công việc sắp chữ của thằng bạn thì biết rõ ảnh là thằng khoe mình là thợ typo nhà báo để lấy le với mấy cô gái trong xóm, chứ thật ra nó chỉ là thằng sắp chữ nhà in. Đến thời kỳ nhà báo viết bài bằng máy vi tính thì nghề sắp chữ coi như đi vào bảo tàng. Sau nầy, tôi lại gặp nó ở một tòa soạn báo X. trong vai trò người sắp chữ thời @-nghĩa là nạp liệu-đánh chữ bài vở vào máy vi tính rồi chuyển cho tòa soạn. “Tao cũng vẫn làm báo chứ phải không mậy?” Thợ  sắp chữ bằng máy vi tính thì ngồi trong phòng máy lạnh, không ngộ độc chì như làm thợ sắp chữ chì trong những phòng sắp chữ chật hẹp với tiếng máy in chạy rầm rập. Và bây giờ, ngẫm nghĩ nó nói đúng thiệt. 



BÀI XIN VIẾT TRÊN MỘT MẶT GIẤY...

LÊ VĂN NGHĨA

 Thời nay gửi bài đến tòa soạn bạn đọc có thể gửi bằng mail, hay bằng chữ viết tay kín cả hai mặt giấy cũng chẳng sao? Nhưng trước kia cho đến khoảng những năm 90, những mầm non văn nghệ, hay những bạn đọc thích tâm sự cùng nhà báo thường được các tòa soạn nhắn nhủ một cách thân tình rằng “ bài gủi đến tòa soạn xin viết một mặt giấy, viết chữ dễ đọc, đánh máy thì càng tốt cho tiện việc sắp chữ”.
Tại sao có một câu thòng vì tiện việc sắp chữ nghĩa là sao? Lúc đó, thuở đang là mầm non văn nghệ tôi hết sức thắc mắc về chuyện viết bài một mặt giấy vì viết một mặt giấy thì hơi tốn kém. Thời may, lúc ấy tôi có quen được một thằng bạn trong xóm thường xưng là thợ typo nhà báo X. Mỗi khi chiều về là nó có tờ báo còn thơm mùi mực cặp nách oai hùng. Nó kể vanh vách tên, tính tình và diện mạo những nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong báo X. thật là oách xà lách.  Mà trông nó cũng oách hơn tôi thật. Hôm nó đưa tôi vào nhà in nơi có tòa soạn báo X. đóng đô ở đường Phạm Ngũ Lão để xem nó mần việc, cu cậu mặc áo ca rô đóng thùng, cũng có vẻ thầy chú như ai chớ bộ.

Để tôi tin tưởng, nó đưa tôi vào tòa soạn báo X.-ghê thật. Nhưng tòa soạn báo X. ở trên lầu, còn phía dưới là khu của thợ sắp chữ và máy in. (Sau nầy tôi được biết, các tòa báo thời trước thường thuê nhà in làm luôn tòa soạn cho mình để tiện việc đưa bài và in báo. Vì vậy, đôi lúc tòa soạn báo cũng thường thay đổi địa chỉ.) Khi vào phòng sắp chữ, nó liền cởi ngay bộ đồ “ăn nói”, chỉ còn cái quần cụt và áo thun lá. Tôi thấy nhiều thợ sắp chữ cũng rất là “phong trần” y như nó vì phòng sắp chữ thì nhỏ mà có tới cả chục thợ đang căm cúi vào cái quầy gỗ đựng các hộc chữ của mình. Tiếng máy in chạy rầm trời vậy mà tôi được biết có nhiều nhà văn, nhà báo thường viết bài trong tiếng chạy của máy in.                   
Tôi tò mò đứng nhìn một ông mặc áo bốn túi-có vẻ là ký giả của tờ báo từ trên lầu chạy vội xuống đưa mấy tờ giấy bản thảo cho ông sếp của thợ typo (thợ sắp chữ). Khi nhận được bài rồi, ông sếp typo liền xé từ trang bản thảo ra từng đoạn rồi phân cho các thợ sắp chữ đang đứng chờ bài. Đây là lý do mà bài viết không thể viết trên hai mặt giấy vì một trang giấy đã bị xé thành nhiều đoạn nhỏ giao cho nhiều thợ sắp chữ. Thằng bạn tôi khi được giao một đoạn ngắn liền cầm lấy và bắt đầu sắp chữ. Trên bài viết đó, nếu muốn bài viết in chữ nghiêng, chữ đứng, chữ hoa, hay chữ thường; cỡ, kích thước đều được biên tập viên ghi vào bên cạnh bản thảo.

Mỗi thợ typo đứng trước một cái tủ có 120 hộc nhỏ chứa những con chữ bằng chì.Mỗi hộc là một con chữ riêng như a, ă, â…. Thợ typo cầm một hộp nhỏ được căn cứ theo diện tích của một hay nhiều cột báo được gọi là “con bò” ( có thể đọc  trại từ chữ composleur), mắt nhìn vào bài viết, còn tay mặt thoăn thoắt lấy từ con chữ trong hộc ra, sắp vào “con bò” đó. Những thợ sắp chữ “điêu luyện võ công” mắt không nhìn vào hộc chữ mà vẫn sắp chữ ít khi bị lỗi như các cô đánh máy vi tính giỏi thời nay không cần nhìn vào bàn phím mà tay vẫn thoăn thoắt. Cách sắp chữ cũng giống như ta đánh phím bây giờ. Thí dụ, sắp chữ “Báo chí ” thì thợ typo lấy chữ từ hộc chữ “B”, rồi đến chữ “á”, nhưng phải xếp chữ từ mặt sang trái. Sắp được chữ “Báo” rồi, họ mới dùng một miếng nhỏ bằng chì, cùng một cỡ với chữ nhưng thấp hơn để xen vào giữa hai chữ “Báo” và “Chí” để phân cách nó ra. Rồi lại tiếp tục sắp chữ. Sắp xong một cột báo được phân công, thợ sắp chữ liền lấy dây nhợ cột lại gọi là một bát chữ ( Paquet) . Nếu là bài báo dài thì có thể 5 đến 7 bát chữ.
Thằng bạn tôi sắp chữ xong một bát chữ liền lấy tờ giấy báo để lên bát chữ rồi vỗ bài ra đưa cho thầy cò (correcteur) sữa lỗi. Nếu chữ còn mới thì chữ sắc cạnh, rõ vô cùng và chỉ có nhà in giàu mới có thể thay đổi chữ liên tục. Còn nhà in mang kiếp nghèo thì vừa thiếu chữ, chữ thì mòn nên khi báo in ra chữ nhòe, xấu vô cùng.  Căn cứ theo bản sửa lỗi trên bản vỗ, thằng bạn tôi mới lấy cây nhíp, móc từng con chữ chì sắp lỗi và thay vào bằng chữ khác. Lỗi sắp chữ thường thì từ thợ typo lấy nhầm chữ và cũng có lỗi từ bản thảo viết tháo quá, đôi lúc cũng trật chính tả nên các tòa soạn thường yêu cầu bạn đọc viết chữ dễ coi là gì vậy.

Sửa xong lỗi coi như công đoạn sắp các bát chữ đã xong thì người của tòa soạn xuống chỉ cho thợ đặt các bát chữ, bản kẻm hình (cliché) ở vị trí nào –gọi là “mi” báo. ( Mise en page) thành trang rồi đưa vào máy in cho chạy. Sau nầy tiến bộ hơn có họa sĩ vẽ maket trên giấy đàng hoàng, thợ typo căn cứ theo đó mà sắp các bát chữ. Thằng bạn tôi làm nhà in thời báo còn in chữ chì nên khi “mi” các bát chữ xong là có thể đem in được rồi. Lúc đó các bát chữ được in thẳng lên mặt giấy, sau nầy nhà in cải tiến là làm bản kẽm từ chữ chì nên chữ đỡ mòn hơn. Đến thời kỳ in op sết thì chụp phim và làm bản kẻm. In ốp sết và in chữ chì còn mới thì đẹp và rõ hơn in bản kẻm nhiều.

Từ khi tôi được thập mục sở thị công việc sắp chữ của thằng bạn thì biết rõ ảnh là thằng khoe mình là thợ typo nhà báo để lấy le với mấy cô gái trong xóm, chứ thật ra nó chỉ là thằng sắp chữ nhà in. Đến thời kỳ nhà báo viết bài bằng máy vi tính thì nghề sắp chữ coi như đi vào bảo tàng. Sau nầy, tôi lại gặp nó ở một tòa soạn báo X. trong vai trò người sắp chữ thời @-nghĩa là nạp liệu-đánh chữ bài vở vào máy vi tính rồi chuyển cho tòa soạn. “Tao cũng vẫn làm báo chứ phải không mậy?”


Thợ  sắp chữ bằng máy vi tính thì ngồi trong phòng máy lạnh, không ngộ độc chì như làm thợ sắp chữ chì trong những phòng sắp chữ chật hẹp với tiếng máy in chạy rầm rập. Và bây giờ, ngẫm nghĩ nó nói đúng thiệt.  Nó cũng là người mần báo. Vì thợ sắp chữ, hay nạp liệu vào vi tính là bước đầu tiên để cho một tờ báo ra đời.  Không có thợ sắp chữ thì bài báo có hay đến mấy cũng không đến tay người đọc. Chỉ khác nhau là người viết báo thì có tên còn người thợ sắp chữ chỉ làm công việc âm thầm, không tên tuổi…