Sự kiện tập truyện "Cánh đồng bất tận" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được giải thưởng Liprom ở Đức, được giới truyền thông trong nước loan báo rất hoan hỉ. Ngoài hiện kim 3000 euro, nghe nói còn có một buổi vinh danh nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại hội chợ sách bên ấy. Thế nhưng, theo tiết lộ của nhà văn Việt kiều – Đoàn Minh Phượng đang sống ở Đức thì giải thưởng Liprom không có gì gọi là “thắng lớn”.




GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC QUỐC TẾ THỰC SỰ NHƯ MỘT GÓI TRÀ?

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà văn Đoàn Minh Phượng - người từng cùng em trai Đoàn Thành Nghĩa làm đạo diễn cho bộ phim nổi tiếng “Hạt mưa rơi bao lâu”, và chị cũng từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2007 với tiểu thuyết “Và khi tro bụi”. Bằng thông tin có được của một người Việt định cư tại Đức từ năm 1977, chị cho biết tỉ mỉ: “Liprom là giải văn học dành cho các nước châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, được thành lập tại Đức vào năm 1980, năm mà các châu lục này được xem là nghèo và chậm tiến. Giải thưởng được tài trợ bởi các tổ chức nhân đạo và viện trợ phát triển. Mục đích của họ hẳn nhiên là tốt, nhưng kém tế nhị. Nhà văn, bất kể từ đâu, không bao giờ nên được trao tiền thưởng từ những tổ chức từ thiện với một cái tên như “Bánh mì cho thế giới”. Họ còn kém tế nhị hơn khi viết trên website của họ là nhà văn nhận được tài trợ của hãng trà sức khoẻ YOGI TEA (viết hoa toàn bộ). Giải thưởng này vô hại cho sức khoẻ. Nhưng vị của nó không hay lắm, đừng quen miệng nói “thắng lớn” khi viết về nó. Tốt nhất là đừng viết về nó”.

Xưa nay do mặc cảm sinh sống ở một quốc gia đang phát triển, nên bất cứ giải thưởng nào ngoài biên giới cũng khiến cánh nhà văn phấn khích tột độ. Ít ai để ý, ở nước ngoài thì việc thành lập một giải thưởng rất đơn giản. Đôi khi dăm ba người nhàn rỗi tụ bạ với nhau rồi cao hứng góp chút tiền và cho ra một cái giải thưởng có tên gọi rất thánh thót và có mục đích rất vĩ đại. Không chỉ giải thưởng bên trời Tây thì phải cư dân bên Tây mới thấu hiểu ngọn nguồn như nhà văn Đoàn Minh Phượng, mà ngay Giải thưởng văn học ASEAN do Thái Lan đăng cai, vẫn là một bí mật kỳ ảo đối với công chúng Việt Nam.

Cách đây vài năm, bằng vốn ngoại ngữ điêu luyện và bằng bản lĩnh của một gương mặt du lịch khắp năm châu, nhà văn Di Li đã đột kích vào Lễ trao giải Văn học ASEAN và viết bài tường thuật khá lâm ly. Bối cảnh chính được nhà văn Di Li miêu tả như sau: Do vua Thái Lan có việc bận, nên công chúa Thái Lan đại diện trao giải. Công chúa ngồi trên bục cao, từng nhà văn lần lượt đến gần cúi đầu cung kính để được chủ nhân trao cho giải thưởng trị giá 1000 USD. Lâu nay, những nhà văn đi nhận giải cứ tỏ vẻ thần bí, nên nhiều người cứ tưởng không khí lễ trao giải văn học ASEAN phải long trọng và trang nghiêm ghê gớm lắm. Câu chuyện của nhà văn Di Li được in trên một trang web văn học uy tín, ngay lập tức nhân vật vừa từ Thái Lan trở về và nhiều nhà văn từng đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN khác phải năn nỉ xin rút bài xuống.

Tầm vóc của Giải thưởng văn học ASEAN sẽ tiếp tục mờ ảo, nếu như không được hé mở trong… thơ. Năm 2008, Nguyễn Ngọc Tư được Giải thưởng Văn học ASEAN với tác phẩm "Cánh đồng bất tận". Nguyễn Ngọc Tư sang Thái Lan nhận giải khi đang mang thai đứa con trai thứ hai. Bài thơ "Nhật ký mang thai tháng thứ năm" đã ghi lại chân thực cảm xúc của Nguyễn Ngọc Tư lúc ấy:
“Con bỏ lỗi cho mẹ vừa làm lễ trước vua xứ khác
Chỉ mẹ thôi, con chớ có quỳ
Áo mẹ tối màu, làm mắt con u uẩn?
Một chút rượu nhấm môi, con trong ấy nghe cay
Bài ca buồn mẹ để vẳng vào tai
Ấy chết, con đừng sớm thở dài
Mẹ lỡ giẫm gai, con không cần nhói
Hãy cựa quậy
Hãy trở mình
Nhắc nhớ mẹ thở cho hai người
Mẹ nuôi men ủ nụ cười
Và đứng thẳng".


Ôi, cái câu “chỉ mẹ thôi, con chớ có quỳ”, sao mà nghe ứa nước mắt. Cảm ơn sự can đảm tuyệt vời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bộc bạch trong thơ, để bạn đọc có thêm góc nhìn thi vị. Thì ra vinh quang thỉnh thoảng có những màu sắc không dễ tưởng tượng. Với kinh nghiệm của 10 năm trước, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng dễ dàng hình dung được giá trị của Giải thưởng Liprom theo chiều hướng mà nhà văn Đoàn Minh Phượng chia sẻ. Do đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói về sự kiện tập truyện “Cánh đồng bất tận” của mình được trao giải ở Đức, một cách nhẹ nhàng: “Tôi xem giải thưởng là quan hệ cho - nhận. Giải Nobel cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, tôi coi giải thưởng mới nhận được là một món quà. Mình nghĩ nó quan trọng, thì nó là núi, còn nhẹ nhàng thì cũng như bạn gửi tặng tôi gói trà”. Ừ, thật ngẫu nhiên, tưởng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói chơi, mà đúng là chị sắp nhận được một gói trà thật sự, do hãng trà sức khoẻ YOGI TEA tài trợ kia mà!

Trong thời hội nhập, giải thưởng văn chương mang tính quốc tế, cũng lắm phen cười ra nước mắt!