Từng bùng phát mạnh mẽ vào khoảng cuối năm 2015 đến 2016, năm 2017 bắt đầu suy thoái, nhưng bất ngờ, vào những ngày giữa năm 2018, hai đề tài du ký và lịch sử bất chợt trở lại thị trường sách trong nước. Tuy nhiên, thay cho sự hời hợt, đôi khi có phần sai lệch, dòng sách du ký và lịch sử trong lần trở lại lần này với bạn đọc lại có những nét riêng, hấp dẫn bởi sự sâu sắc của các chi tiết.



KHOÁC ÁO MỚI CHO ĐỀ TÀI CŨ

TƯỜNG VY

Chuyện nhỏ của lịch sử
Ban đầu dự kiến chỉ tối đa 3 tập sách, bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố của nhà báo, nhà nghiên cứu Phạm Công Luận bất ngờ đạt được thành công lớn, cả về phương diện kinh doanh cũng như đánh giá của bạn đọc. Kết quả là sau đó, tác giả tiếp tục ra phần 4 mang tính thăm dò và nay thậm chí phần 5 cũng đã ra mắt. Bất chấp thừa nhận của tác giả là có phần mỏi mệt với bộ sách này, rất có khả năng bộ sách sẽ không dừng lại tại đó. 
Điểm hấp dẫn của bộ sách hoàn toàn không phải ở những vấn đề to lớn mà nó thu hút bạn đọc ở những câu chuyện có phần… lẻ tẻ. Có một chi tiết khá đặc biệt là vào những năm 1930, thế giới đang trải qua cuộc đại khủng hoảng kinh tế, Sài Gòn - nơi bắt đầu có nền kinh tế thị trường - bị ảnh hưởng nhất định bởi cuộc khủng hoảng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu viết về giai đoạn này nhưng Phạm Công Luận lại có cách tiếp cận rất riêng, đi vào từng mảnh đời, từ trực tiếp như câu chuyện về hệ thống nhà hàng điểm tâm Đức Thành Hưng, phát triển theo kiểu nhượng quyền cho đến câu chuyện gia đình một viên chức ở quận 4 vượt qua những năm khủng hoảng kinh tế... 
Tiếp nối dòng sách lịch sử này, vừa qua Công ty sách Phương Nam liên kết cùng NXB Thế giới giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách đề tài lịch sử có nhan đề 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất của tác giả Quốc Việt (tên thật là Nguyễn Quốc Việt). Điều đặc biệt của bộ sách này là tác giả của nó, một nhà báo được phân công viết các vấn đề thời sự về sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay. Từ các bài báo này, tác giả nảy ra ý tưởng lần ngược lại quá khứ để viết về một trong những địa danh quan trọng nhất của Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay. Điều đáng chú ý ở tác phẩm này là bên cạnh các miêu tả mang tính bao quát, tác giả còn thu hút bạn đọc bằng cách đưa vào những chi tiết nho nhỏ mà hầu hết đã bị quên lãng. Từ chuyện xưa như xây sân golf năm 1964 cạnh sân bay (khu công viên Gia Định ngày nay) nhưng không ai dám đến chơi do tình hình an ninh thiếu bảo đảm, rồi cả chuyện họp hành liên tục để giải tỏa quán phở, nhà dân nhằm mở rộng sân bay vào năm 1967… 
Bên kia cầu Chữ Y lại là một cách thể hiện khác biệt dù lịch sử vẫn là chủ đề chính. Thực tế, đây là một tập tản văn của tác giả Huỳnh Ngọc Nga, sinh năm 1949, cựu học sinh Trường Gia Long niên khóa 1962-1969. Vùng đất Sài Gòn đặc biệt là khu vực Chánh Hưng - Hưng Phú (quận 8 ngày nay) được tái hiện dưới con mắt của một thiếu nữ ngày đó. Điều khác biệt là dù có yếu tố lịch sử nhưng chứa đựng trong tác phẩm này lại là những câu chuyện văn hóa, là sự hoài niệm về quê hương, về vùng đất chôn nhau cắt rốn, về căn nhà cũ, về bạn bè thuở tuổi trẻ đến tận cuối đời của các nhân vật trong sách.
Qua rồi thời “vác ba lô lên và đi”
Vào giai đoạn bùng nổ của dòng sách du ký, ai cũng có thể viết dạng sách này bởi nó đơn giản chỉ là “Xách ba lô lên và đi” (tựa một cuốn sách tiêu biểu của dòng sách du ký). Thế nhưng, người đọc mau chóng nhàm chán với những tác phẩm như vậy bởi ngoài các chi tiết mang tính kinh nghiệm, các tác phẩm đó hầu như không mang lại điều gì mới lạ ngoài những thông tin có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, nhiều cuốn sách còn bị nghi ngờ là sai sự thật đến mức mà có buổi ra mắt sách, tác giả phải đem cả hộ chiếu đến để chứng minh mình có đi đến các địa danh trong sách.
Đó cũng là nguyên nhân chính khiến cho dòng sách du ký sớm nở tối tàn. Tuy nhiên, một dòng sách du ký khác bắt đầu xuất hiện, tiêu biểu như Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero của tác giả Nguyễn Tập. Không chỉ là những chuyến du lịch, để viết nên tác phẩm tác giả còn thực sự sống 2 tháng cùng dân địa phương, sinh sống cùng người Quechua (Peru), hậu duệ dân Inca, chủ nhân một thời vùng đất Nam Mỹ. Rồi lại thêm 4 tháng lang thang ở các bộ lạc thiểu số, từ Amazon đến Peru rồi qua Bolivia. Dù rằng những thông tin mà tác giả thu thập được không mới nhưng có góc nhìn của một thanh niên Việt Nam, cùng các cảm nhận, đánh giá mang đậm chất Việt. Tác phẩm thu hút bạn đọc với sự gần gũi, thân thiện trong cách miêu tả những con người, vùng đất xa lạ.
Cũng ở hướng tiếp cận đó, Trên con đường tơ lụa Nam Á và Bốn mùa trên xứ Phù Tang cùng của Nguyễn Chí Linh cũng hấp dẫn người đọc với các thông tin chân thật. Nổi tiếng là một người lữ hành chuyên nghiệp, đã đi qua hơn 90 quốc gia. Với Bốn mùa trên xứ Phù Tang, tác giả đặt bút viết tác phẩm này sau 10 năm kể từ ngày đầu anh đến đất nước Nhật Bản chỉ đề có dịp chiêm nghiệm lại, tập hợp thêm cảm xúc, thông tin bởi trước đó có quá nhiều người viết về đất nước này. Và rồi, trong sự bối rối đó, cuối cùng tác giả chọn hình thức nhật ký hành trình để miêu tả về nước Nhật bởi cách viết nó mang đến sự riêng biệt cao do mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau cho dù về cùng một sự việc, một địa điểm. Điểm hấp dẫn nữa là cách tác giả viết về những nét văn hóa Nhật theo dạng bách khoa toàn thư, giải thích cặn kẽ từ lịch sử, truyền thuyết, sự tích đến các thuật ngữ riêng, cách thức biểu lộ của người Nhật đối với sự việc… 
Còn với Trên con đường tơ lụa Nam Á, tác giả không có ý định thực hiện một công trình nghiên cứu chuyên khảo mà thực hiện theo hình thức du ký, đi lại đúng con đường năm xưa, kết hợp chuyện xưa và chuyện nay. Tác giả đi theo hành trình từ Pakistan qua Ấn Độ, xuôi qua Afganistan. Tuy là hành trình quá khứ nhưng dấu ấn quan trọng nhất lại là hiện tại, những biến đổi tốt xấu, nhưng vấn đề của thời hiện đại… tất cả đưa bạn đọc đến với sự đan xen giữa huy hoàng của quá khứ và cả những khó khăn của hôm nay.