Chính báo chí Sài Gòn trước 1975 là một “kênh” đưa ngôn ngữ văn chương cũng như báo chí vào đời sống bằng những truyện đăng dài kỳ, được gọi là phơi-ơ-tông ( feuilleton). Nếu không có những tờ báo chuyên dịch truyện chưởng Kim Dung hàng ngày trong một thời gian dài và phổ biến khắp miền Nam, hấp dẫn không chỉ người bình dân mà ngay cả trí thức thì sẽ không có những từ như “ma giáo”, “cái bang”, “10 thành công lực”, “tẩu hỏa nhập ma”... Rồi cũng từ sự sáng tạo của các nhà báo ngôn ngữ nói thời ấy lại có thêm những cụm từ quá hay để chỉ những chính khách, quan nha và các ngài dân biểu, nghị sĩ. Chỉ sự nịnh nọt bề trên của các quan chức, nhà báo đẻ ra chữ “nâng bi” (chỉ sự nịnh nọt nam quan nhân trên đầu mình), còn nịnh nọt các nữ quan nhân, phu nhân của các “lãnh tụ” thì có chữ “đội dĩa”. Những chữ nầy thường được cánh viết lách dùng cho bọn “gia nô” trong chốn quan trường , trong đó có những cây bút thân chánh, nịnh nọt để kiếm tí bỗng lộc. Các cây viết mạnh bạo cũng không quên đặt “nick name” các tướng lãnh cho dễ nhớ. Nguyễn Khánh từng hét ra lửa một thời nhưng có chòm râu dưới cằm như râu của sư phụ cánh đàn ông nên được báo chí mỹ miều gọi là “tướng râu dê”. Nếu đã có râu dê rồi thì sá gì hàm râu đen nhánh của Nguyễn Cao Kỳ mà không gọi là “tướng râu kẽm”. Ngay cả tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn bị gọi sách mé là “tông tông”, nặng nề hơn là “Sáu thẹo” thì “tướng râu kẽm” còn đẹp đến từng xăng ti mét râu.
Mấy cây viết săn tin Nhà Hát lớn- cách gọi mỉa mai cho Hạ nghị viện, thường thấy những bác “Nghị Gật” gồm những mít tơ dân biểu nâng bi, đội dĩa chính quyền được dân bầu vào quốc hội họp để ..ngủ gật. Những ngài dân biểu nghị sĩ không gì quyền lợi của dân từ tính từ trên cao xuống dưới thấp như sếp hạ viện là ông Nguyễn Bá Lương được gọi một cách rất kiếm hiệp là “Hồi dương liệt lão”. Vốn là sếp ông hạ viện nầy được truyền tụng là khi công du nước ngoài đã mua thuốc cường dương khi lên giường vì vốn ông đã già và đã liệt. Gần gần liên quan đến ông “hồi dương…” thì có bác dân biểu “teo chim”. Báo chí đồn rằng “sư phụ” nầy trong một chuyến công du nước ngoài bằng tiền ngân sách đã “đường đi lối về” với một vài “chị em ta” ở nước sở tại . Các kiều nữ nước người đã đổ vào ông bệnh tiêm la, hột xoài gì đó nên ông ta phải dùng thuốc để tống khứ dấu vết ô nhục của thể xác nhưng bị phản ứng phụ bị một cái bệnh của xứ này là teo tẻo tèo teo. Ông Nghị Nhữ Văn Úy, trong một phiên họp đã bị bạn đồng viện có lời cao nhưng ý không đẹp nên ông đã rút súng đòi bắn từ đó ông được cánh nhà báo đặt một biệt danh rất là viễn tây oai hùng “ông Nhữ đùng đùng”.
Trong Hạ nghị viện hồi ấy có rất ít bậc nữ lưu anh kiệt so với số ghế có đít nam quan nhân. Tuy nhiên, mấy anh nhà báo cũng chẳng tha một vài cánh hoa trong đám lúc nhúc đàn ông- vì những nàng nầy dầu sao cũng là “người có tiếng nói” dù ít khi mở miệng. Mà khi mở miệng thì nói đôi điều sằng bậy như đòi đi …tè vào hạ viện. Rồi từ đó bà nghị Trần Kim Thoa được đặt mỹ danh là “bà nghị nín tè” . Riêng nữ dân biểu Kiều Mộng Thu đã được cánh nhà báo ưu ái gọi là “Nàng Kiều lá đổ” vì bà có sáng tác thơ là tác giả của tập thơ “Lá đổ trên mười đầu ngón tay”. Té ra nhà báo cũng sợ những bậc nữ lưu biết làm thơ như bây giờ vẫn sợ một cách thâm căn cố đế.
Bây giờ, đọc báo mạng, báo giấy lâu lâu cũng “cốp” được một vài chữ lạ mà hay từ báo chí nhưng tiếc thay nó lại xuất phát của những bất cập từ chốn công quyền, hay từ cửa miệng những sếp có quyền ăn đằng sóng, nói đằng gió chẳng hạn như “Ăn theo” (ám chỉ việc sống dựa vào người khác), “Quà trên mức tình cảm” (nói về chuyện hối lộ). “Đường cong mềm mại” ( giải thích cho một việc làm không hợp lý’), “Tàu lạ, hàng lạ” (không có nghĩa trái với quen mà chỉ là một cách nói trớ). “Tụ nước” (thay vì ngập), “thu giá (thay cho thu phí) hay “lọt đề” thay cho lộ đề thi. Ôi cái lưỡi không xương... Làm báo bây giờ sướng thiệt. Nhà báo không cần dùng đầu mình để sáng tạo ra chữ mới mà chỉ cần chép lại lời phát biểu của một vài quan chức là đủ xài rồi. Không lẽ các quan chức thời đại nầy đã đổi ngôi, trở thành người lắt léo ngôn từ thay nhà văn và nhà báo sao nè?