Nếu gõ các từ khoá "underground, rap Việt, beef 2018", chúng ta sẽ nhận được ngay kết quả và nếu chịu khó đọc, rồi tiếp tục tìm các nội dung dẫn chứng từ đó để nghe, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy ghê sợ. Beef là một từ tiếng lóng, có nghĩa là "xung đột", "mâu thuẫn", "cuộc chiến" và beef 2018 là cuộc chiến của giới nhạc rap underground Việt Nam, mới vừa xảy ra từ hồi tháng 5 vừa rồi. Nó là cuộc chiến tiếp nối các cuộc chiến đã có từ năm 2017 và các năm trước đó. Nhưng nguy hiểm hơn các cuộc chiến đơn thuần đa phần mang tính cá nhân khác, lần này cuộc chiến chia rõ vùng miền, với cánh rapper miền Bắc và lực lượng rapper miền Nam, được gọi nôm na theo ngôn ngữ underground là Northside và Southside.



MỐI NGUY CHIA RẼ VÙNG MIỀN TRONG ÂM NHẠC

VĂN ĐOÀN

Như thói quen thường lệ, chúng ta sẽ vẫn nghĩ về thị trường âm nhạc Việt Nam với những cái tên chủ lưu phổ biến hiện nay, và cho rằng họ chính là đại diện của nhạc nhẹ hiện đại trong nước. Nhưng thực tế, chưa chắc những ca sỹ đình đám hiện nay có thể tác động lên thị trường người nghe bằng những lực lượng "sóng ngầm" khác, vốn dĩ vẫn được gọi là underground. Lực lượng ấy đông đảo, chủ yếu phát hành bằng các tài khoản cá nhân trên các nền tảng nghe nhìn miễn phí trên internet. Và số lượng nội dung tính bằng triệu lượt nghe xem của lực lượng sóng ngầm này có thể nói là nhiều khủng khiếp, gấp nhiều lần của lực lượng chủ lưu hiện hành.
Đó mới chính là một phần diện mạo văn hoá trẻ đương đại Việt Nam, mà bên cạnh những tín hiệu tích cực như những nghệ sỹ đáng xem, đáng nghe, đáng khen ngợi như Andiez Nam Trương, Thái Vũ, Ngọt, Cá Hồi Hoang, Gác Mái, Đen…, cũng tồn tại song song cả những dấu hiệu tiêu cực vô cùng đáng ngại.
Nếu gõ các từ khoá "underground, rap Việt, beef 2018", chúng ta sẽ nhận được ngay kết quả và nếu chịu khó đọc, rồi tiếp tục tìm các nội dung dẫn chứng từ đó để nghe, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy ghê sợ. Beef là một từ tiếng lóng, có nghĩa là "xung đột", "mâu thuẫn", "cuộc chiến" và beef 2018 là cuộc chiến của giới nhạc rap underground Việt Nam, mới vừa xảy ra từ hồi tháng 5 vừa rồi. Nó là cuộc chiến tiếp nối các cuộc chiến đã có từ năm 2017 và các năm trước đó. 
Nhưng nguy hiểm hơn các cuộc chiến đơn thuần đa phần mang tính cá nhân khác, lần này cuộc chiến chia rõ vùng miền, với cánh rapper miền Bắc và lực lượng rapper miền Nam, được gọi nôm na theo ngôn ngữ underground là Northside và Southside.
Các nội dung miệt thị lẫn nhau dựa trên khác biệt vùng miền, bằng ngôn ngữ thô lậu tục tĩu đã được tung ra liên tiếp đối đáp nhau. Thậm chí, có những nội dung còn mang tính đe dọa cả tính mạng. Nổi bật nhất là các cộng đồng rap OTD, G5R của miền Nam và Vinagang và RVP của miền Bắc. 
Trong đó, cuộc chiến dai dẳng nhất là cuộc chiến của thành viên Richchoi (Hà Nội) với thành viên B-Ray (TP Hồ Chí Minh). Và cũng chính từ cuộc chiến của RVP và OTD hồi tháng 5 vừa rồi mà kéo theo đó là hàng loạt cuộc chiến đơn lẻ giữa những thành viên rapper hai miền, với lời lẽ miệt thị nhau như thể con vật.
Thực tế, nhạc rap và rap underground tồn tại ở Việt Nam đã rất lâu, có thể tính bằng đơn vị thập niên. Trong quá khứ, những xích mích giữa các rapper là có nhưng nó chỉ đơn thuần là xích mích cá nhân, sau đó đều được hoá giải để hướng tới cái chung là phát triển rap Việt. Nhưng hôm nay, có thể nói đây là lần đầu tiên mâu thuẫn đã phát triển thành kỳ thị vùng miền, một tư duy vô cùng nguy hiểm, hủ bại mà đáng buồn thay, nó lại đang được thể hiện bởi những người trẻ ở lứa tuổi đôi mươi.
Nhưng nếu nhìn rộng ra hơn nữa, chúng ta sẽ phải quy cả trách nhiệm vào những người lớn. Thực tế, ngay trong giới âm nhạc chủ lưu, giới văn nghệ nói chung, giọng điệu kỳ thị vùng miền, phân biệt Bắc-Nam đã manh nha trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ một vài cá nhân bất mãn. Chính người lớn, với những chia sẻ đáng phê phán như thế, đã khiến giới trẻ bị ảnh hưởng và việc chúng mang nó vào trong các cuộc chiến âm nhạc của mình cũng đến một phần từ lý do đó.
Vấn đề lúc này là trách nhiệm quản lý thuộc về ai và làm thế nào để cơ quan quản lý văn hoá có thể can thiệp vào tình trạng này? Rõ ràng, các đơn vị như youtube vẫn đang khai thác kinh doanh ở thị trường Việt Nam, hay những nền tảng cho nghe nhạc miễn phí như zing, nhaccuatui cũng có đăng ký kinh doanh đàng hoàng. 
Và khi họ thả lỏng việc phát hành, dựa trên luận điệu "người dùng tự đăng tải", thì tình trạng các nội dung độc hại sẽ tiếp tục thoải mái tung hoành. Chính họ phải đảm nhận trách nhiệm kiểm soát nội dung, báo cáo nội dung định kỳ cho cơ quan quản lý để có thể có những gỡ bỏ nếu phát sinh những nội dung gây tác hại đến cộng đồng.



Nguồn: Văn Nghệ Công An