Sau phiên phúc thẩm do Toà án cấp cao tại TPHCM xét xử, với mức án tử hình, bị cáo Đặng Văn Hiến đã viết thư cho Chủ tịch Nước để xin được ân xá giảm nhẹ hình phạt. Ngay lập tức, Chủ tịch Nước đã yêu cầu kiểm tra về việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án liên quan đến bị cáo Đặng Văn Hiến và đồng phạm. Đây là một vụ án thu hút sự chú ý của nhiều giới nhiều ngành trong cả nước. Bởi lẽ, hành vi nổ súng của bị cáo Đặng Văn Hiến vào rạng sáng 23-10-2016 ở Đắk Nông là một trong những bài học đau xót nhất về thực trạng giải quyết các tranh chấp đất đai hiện nay.



Trót xâm canh trên diện tích đất rừng được chính quyền địa phương giao cho Cty Long Sơn quản lý và khai thác, bị cáo Đặng Văn Hiến và nhiều hộ dân khác mong muốn có được sự đền bù thoả đáng. Thế nhưng, quá trình thương lượng không tìm được tiếng nói chung. Ngay từ năm 2008, Cty Long Sơn đã cho người tiến hành giải toả, gây thiệt hại không nhỏ cho vườn cây hiện hữu của gia đình bị cáo Đặng Văn Hiến ở tiểu khu 1535 xã Quảng Trực. Mâu thuẫn cứ kéo dài, mà không có trung gian đàm phán, khiến sự ức chế của những kẻ yếu thế càng tăng lên. Hậu quả, bị cáo Đặng Văn Hiến đã phản ứng làm ba nhân viên của Cty Long Sơn là các anh Điểu Vinh, Điểu Tào và Dương Văn Tiến thiệt mạng, 13 người khác bị thương.

Bị cáo Đặng Văn Hiến sau phút giây nông nổi ấy, đã tự nguyện ra đầu thú, đã trung thực khai báo trước cơ quan điều tra và đã thành khẩn nhận tội. Trong thư xin ân xá giảm án, bị cáo Đặng Văn Hiến kính xin Chủ tịch Nước xem xét hoàn cảnh phạm tội của mình ở tình thế bị thúc ép, dồn nén quá lâu. Hơn nữa, lúc xảy ra vụ án, hàng chục công nhân - bị hại trong vụ án - dùng hung khí đe dọa bị cáo Đặng Văn Hiến và gia đình vào lúc tờ mờ sáng. Lúc phạm tội, bị cáo Đặng Văn Hiến đang trong tình trạng bị kích động, không kiểm soát được bản thân... Dẫu muộn màng và cay đắng, vẫn có thể nhận ra sự ăn năn ở bị cáo Đặng Văn Hiến khi bày tỏ: "Nếu được một lần tái sinh trong cuộc đời, tôi hứa sẽ là một công dân tốt, để con không mất bố, vợ không mất chồng".

Trước ngày phiên toà phúc thẩm diễn ra, gia đình ba người thiệt mạng cũng đều gửi thư cho Hội đồng xét xử xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đặng Văn Hiến và các đồng phạm. Đây là một điều bất ngờ đáng hân hoan cho sự bền bỉ của lương tri. Hơn ai hết, những người dân chân lấm tay bùn đã thấu hiểu nỗi đau ê chề về mỗi mét đất tăng giá từng ngày còn quan hệ giữa người và người lại cuốn vào mưu đoạt lợi ích không ngừng.

Một bản án nghiêm khắc, phải thoả mãn cả hai yếu tố pháp lý và đạo lý. Pháp lý góp phần gìn giữ đạo lý, và ngược lại, đạo lý hỗ trợ đắc lực pháp lý trên hành trình bảo đảm trật tự cộng đồng và nâng đỡ nhân phẩm con người!

                                        LTN