Ý kiến của nhà thơ Võ Tấn Cường: Theo tìm hiểu của tôi, phê bình văn hoc Việt Nam hiện đại có hai chứng tật phổ biến đó là: phê bình phán xử (cả khen và chê) mang tính chủ quan, áp đặt và phê bình bỏ qua văn bản, không bám sát những giá trị nghệ thuật và tư tưởng nội tại của tác phẩm văn học. Kiểu phê bình văn học phán xử, nhà phê bình khám phá, đánh giá tác phẩm theo những quan niệm có sẵn, theo một định kiến nên dễ dẫn đến tình trạng khen chê một chiều, chủ quan và tuỳ hứng. Kiểu phê bình này từng thống soái hoạt động lý luận phê bình văn học suốt nhiều giai đoạn của lịch sử văn học. Kiểu phê bình văn học này vẫn còn rơi rớt trong một số bài phê bình văn học của những nhà phê bình quyền uy và một số nhà báo chuyên viết về văn học nghệ thuật. Kiểu phê bình văn học bỏ qua văn bản hiện khá phổ biến trong hoạt động phê bình văn học. Nhiều nhà phê bình khi viết phê bình về một tác phẩm văn học thường không bám sát các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm để phê bình, đánh giá mà chủ yếu viện dẫn những quan niệm về triết học, văn học nghệ thuật của các nhà tư tưởng, văn nghệ sĩ nổi tiếng để “úp chụp” vào tác phẩm.



PHÊ BÌNH VĂN HỌC: KHÁM PHÁ GIÁ TRỊ TÁC PHẨM VÀ KHAI PHÁ CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO

VÕ TẤN CƯỜNG

Hoạt động phê bình văn học trong phạm vi một địa phương và một quốc gia đang trong hiện trạng gánh chịu sự phàn nàn về những chứng tật phổ biến của nó và cả sự hoài nghi về sự hữu dụng của phê bình đối với sự phát triển của đời sống văn học.

Hiện tại, phê bình văn học của Việt Nam đang tồn tại ba kiểu phê bình: phê bình kiểu báo chí, phê bình kiểu văn nghệ sĩ và phê bình chuyên nghiệp (hàn lâm). Kiểu phê bình văn học báo chí và phê bình kiểu văn nghệ sĩ đang chiếm ưu thế về số lượng trên hầu hết các báo và tạp chí. Kiểu phê bình báo chí, người viết phê bình chủ yếu so sánh, đối chiếu và đánh giá về mức độ phản ánh hiện thực trong tác phẩm văn học so với hiện thực của đời sống xã hội. Kiểu phê bình nghệ sĩ, người viết phê bình chủ yếu khám phá cơ chế sáng tạo của nhà văn, nhà thơ và hiệu quả xã hội của tác phẩm văn học. Hai kiểu phê bình này thường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về mặt tinh thần của người đọc. Chính vì thế nó chiếm được vị thế trong hoạt động lý luận phê bình văn học thời hiện đại. Đối với phê bình văn học theo kiểu chuyên nghiệp (hàn lâm), người viết phê bình khám phá, giải mã những giá trị nội tại của tác phẩm. Nhà phê bình văn học theo kiểu chuyên nghiệp thường dựa vào quan niệm của một hoặc nhiều hệ hình phê bình nào đó để giải mã, đánh giá những giá trị nội tại của tác phẩm. Phê bình văn học theo kiểu hàn lâm khó tìm được hiệu ứng xã hội và ít có sự cộng hưởng của bạn đọc nên nó khó tìm được vị trí quan trọng trong đời sống văn học.

Theo tìm hiểu của tôi, phê bình văn hoc Việt Nam hiện đại có hai chứng tật phổ biến đó là: phê bình phán xử (cả khen và chê) mang tính chủ quan, áp đặt và phê bình bỏ qua văn bản, không bám sát những giá trị nghệ thuật và tư tưởng nội tại của tác phẩm văn học. Kiểu phê bình văn học phán xử, nhà phê bình khám phá, đánh giá tác phẩm theo những quan niệm có sẵn, theo một định kiến nên dễ dẫn đến tình trạng khen chê một chiều, chủ quan và tuỳ hứng. Kiểu phê bình này từng thống soái hoạt động lý luận phê bình văn học suốt nhiều giai đoạn của lịch sử văn học. Kiểu phê bình văn học này vẫn còn rơi rớt trong một số bài phê bình văn học của những nhà phê bình quyền uy và một số nhà báo chuyên viết về văn học nghệ thuật. Kiểu phê bình văn học bỏ qua văn bản hiện khá phổ biến trong hoạt động phê bình văn học. Nhiều nhà phê bình khi viết phê bình về một tác phẩm văn học thường không bám sát các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm để phê bình, đánh giá mà chủ yếu viện dẫn những quan niệm về triết học, văn học nghệ thuật của các nhà tư tưởng, văn nghệ sĩ nổi tiếng để “úp chụp” vào tác phẩm. Phê bình kiểu này giống như đem “cái mũ” lý luận đội “lên đầu” tác phẩm. Người viết phê bình chủ yếu phô diễn sự hiểu biết, kiến thức của mình mà không hề hướng tới việc cảm thụ, khám phá sự bí ẩn của tác phẩm.

Nhận diện những chứng tật của phê bình văn học hiện đại chính là để tìm cách “chữa trị” chứng tật của nó. Những chứng tật của phê bình văn học Việt Nam hiện đại dù có vẻ trầm kha nhưng không phải là không thể chữa trị. Theo tôi, có hai cách chữa trị đó là: thứ nhất, mở rộng, tiếp thu và vận dụng có sáng tạo các hệ hình phê bình và thứ hai, tăng cường tính đối thoại, bình đẳng trong hoạt động phê bình văn học.

Để lý luận phê bình văn học ở một địa phương và một quốc gia phát triển và hòa nhập với xu hướng chung của thế giới, các nhà lý luận phê bình cần phải tiếp thu có sáng tạo các thành tựu của các hệ hình phê bình trên thế giới như: phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc học, phê bình bản thể luận, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu hiện đại…vv…Nếu người viết phê bình văn học nghèo nàn trong sự hiểu biết về các hệ hình phê bình văn học và chỉ vận dụng một hệ hình phê bình văn học để đánh giá các tác phẩm văn học sẽ dẫn đến tình trạng phê bình trở nên lạc hậu và độc tôn, không khám phá được những giá trị mới lạ của tác phẩm văn học. Điều này chẳng khác gì một người chỉ có trong tay duy nhất một chiếc chìa khóa nên không thể mở được nhiều cánh cửa để mở ra những căn phòng bí ẩn khác nhau.

Để lý luận phê bình ở một địa phương và một quốc gia phát triển, các nhà lý luận phê bình phải coi trọng tính nhân văn của tác phẩm lý luận phê bình. Tính nhân văn biểu hiện thông qua sự dân chủ, bình đẳng trong đối thoại, trao đổi giữa các chủ thể phê bình với nhau. Sự khác biệt trong cái nhìn, quan điểm sẽ mở ra cách nhìn, cách khám phá mới trong sự tiếp nhận, khám phá tác phẩm. Phê bình văn học mang tính nhân văn không chỉ coi trọng sự đối thoại mà còn cần có chủ hướng rõ ràng. Sự tìm kiếm những giá trị nhân văn biểu hiện chủ hướng của nhà phê bình. Chủ hướng của nhà phê bình cần hướng tới vẻ đẹp của lòng nhân ái, lòng trắc ẩn trước nỗi đau và thân phận của con người. Phê bình mang tính nhân văn hướng đến sự phát hiện những giá trị của cái đẹp và bộc lộ sự cảm thông, sẻ chia với những bất hạnh, rủi ro mà những con người vô danh, nhỏ bé phải gánh chịu trong cuộc sống.

Chức năng của phê bình văn học nhằm tạo cầu nối tinh thần giữa tác giả và bạn đọc, giữa tác phẩm và bạn đọc. Muốn vậy, phê bình văn học phải hướng đến sự khám phá, giải mã những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng tiềm ẩn của tác phẩm. Chức năng của phê bình văn học còn biểu hiện ở chỗ nhà phê bình phải là người định hướng, gợi mở cho nhà văn, nhà thơ trong việc khai phá con đường sáng tạo. Nhà phê bình văn học giữ vai trò là người chỉ đường và đồng hành cùng nhà văn, nhà thơ trên con đường sáng tạo.